Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học
* Gợi ý Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 1.
- Xác định bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật muốn phân tích.
- Xác định mục đích, nội dung và hình thức của bài viết.
* Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt ra một số câu hỏi:
- Bài thơ thuộc thể loại gì? Chia bố cục cho bài thơ.
- Nhan đề bài thơ có ý nghĩa gì?
- Thiên nhiên, con người, các sự vật trong bài thơ được miêu tả ra sao?
- Nghệ thuật nổi bật của bài thơ là gì?
* Sắp xếp ý theo bố cục ba phần của bài văn:
- Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, khái quát giá trị của tác phẩm.
- Thân bài:
+ Giới thiệu đề tài, thể thơ.
+ Phân tích nội dung cơ bản của bài thơ.
+ Phân tích một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ.
- Kết bài: Khẳng định vị trí, ý nghĩa của bài thơ.
- Viết bài dựa trên dàn ý đã lập.
- Kiểm tra bài viết xem đã đầy đủ, chính xác yêu cầu của đề bài chưa.
- Kiểm tra chính tả, diễn đạt.
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Trần Nhân Tông.
- Nêu khái quát giá trị của bài thơ "Thiên Trường vãn vọng"
2. Thân bài:
a) Nội dung:
- Hai câu thơ đầu: Cảnh chiều trong thôn xóm:
+ Thời gian: buổi chiều tà, trời gần tối
+ Không gian: thôn xóm, nơi sương khói hòa quyện, bao phủ.
+ Cảnh vật "bán vô bán hữu" - không rõ nét, nửa hư nửa thực
- Cảnh đẹp mơ màng, yên tĩnh.
- Hai câu thơ sau: Cảnh chiều ngoài cánh đồng:
+ Hình ảnh đặc trưng của đồng quê: mục đồng thổi sáo, đàn trâu, cò trắng từng đôi liệng xuống đồng - Bức tranh trọn vẹn cả âm thanh lẫn màu sắc, gợi cảnh quê thanh bình, đầy sức sống.
+ Không gian thoáng đãng, cao, rộng.
b) Nghệ thuật:
- Kết hợp điệp ngữ và tiểu đối trái nghĩa: "hậu" - "tiền"; "vô" - "hữu" đầy sáng tạo - Tạo không gian có sự mở rộng biên độ hai chiều về phía trước và phía sau.
- Sử dụng ngôn ngữ đậm chất hội họa.
- Sử dụng nhịp thơ 4/3 hài hòa, êm ái.
3. Kết bài:
- Khái quát, khẳng định lại vấn đề.
Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của triều đại nhà Trần. Ông là một vị vua anh minh, đã lãnh đạo nhân dân ta đánh tan cuộc xâm lược lần thứ nhất và thứ hai của quân Mông - Nguyên. Là vua một nước, ông luôn yêu thích khung cảnh yên bình, nhân dân được an cư lạc nghiệp, nhất là sau khi chiến tranh qua đi. Bắt nguồn từ niềm cảm hứng đó, "Thiên Trường vãn vọng" được ra đời. Tuy đây chỉ là bài thơ tả cảnh thông thường nhưng lại ẩn chứa tình yêu nước thương dân rất sâu sắc của Trần Nhân Tông.
Nhan đề "Thiên Trường vãn vọng" được dịch nghĩa thành "Ngắm cảnh Thiên Trường trong buổi chiều tà". Đây là một hành cung của các vua Trần, nơi họ đến nghỉ dưỡng, ngắm cảnh. Và cảnh từ phủ Thiên Trường trông ra đã được Trần Nhân Tông gói gọn trong bốn câu thơ ngắn ngủi. Nhà vua đã miêu tả được cảnh hoàng hôn trong thôn xóm và ngoài cánh đồng:
"Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lí quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền."
Hai câu thơ đầu đã cho người đọc thấy được thời gian thông qua từ "tịch dương". Những ánh hoàng hôn buổi chiều tà thường gợi nhiều cảm xúc nhớ thương cho người thi sĩ. Đây cũng là cảnh tượng được nhắc đến rất nhiều trong thơ ca. Với Trần Nhân Tông, bóng hoàng hôn càng đặc biệt mờ ảo nhờ sương khói phủ. Đây có thể là màn sương mù của thời tiết, cũng có thể là làn khói bốc lên từ những nếp nhà đang thổi cơm chiều. Khói mờ lảng bảng "nửa như có nửa như không" hư hư thực thức tạo nên cảm xúc lâng lâng, say đắm lòng người. Cảnh vật trong hai câu thơ đầu tuy ở trạng thái tĩnh nhưng độc giả đều cảm nhận được cảnh tượng buổi chiều mờ ảo cũng thật ấm áp, thanh bình.
Hai câu thơ sau, khung cảnh đã chuyển sang cánh đồng. Những hình ảnh quen thuộc với làng quê như: mục đồng, đàn trâu, cánh cò khiến cho bài thơ trở nên bình dị, gần gũi hơn. Khác với trạng thái tĩnh ở hai câu đầu thì hai câu sau, sự vật đều có sự chuyển động. Chú bé trăn châu đang thổi sáo, đàn trâu đang thong thả ra về, từng đôi cò trắng từ từ hạ xuống ruộng lúa. Sự đối lập giữa động và tĩnh trong bài thơ được tác giả Trần Nhân Tông sắp xếp rất khéo léo, gợi lên bức tranh tràn đầy sức sống.
Ngoài nội dung, nghệ thuật trong bài thơ cũng rất đáng được nhắc đến. Biện pháp điệp ngữ "thôn", "bán" kết hợp với tiểu đối trái nghĩa "hậu" - "tiền", "vô" - "hữu" tạo ra không gian có sự mở rộng về cả hai chiều trước sau, mờ mờ ảo ảo. Ngôn ngữ trong thơ cũng cực kì đậm chất hội họa. Đọc bài thơ lên, ta cảm giác như đang được thưởng thức một bức tranh thủy mặc vẽ cảnh chiều tà êm đềm, nên thơ nơi làng quê bình dị. Nhịp thơ 4/3 hài hòa, êm ái cũng phần nào lột tả được không khí nhẹ nhàng, bình yên nơi phủ Thiên Trường.
"Thiên Trường vãn vọng" được tạo nên bởi những hình ảnh và từ ngữ giản dị nhưng cực giàu sức gợi. Từ đó, ta thấy được tấm lòng yêu nước thương dân, khát khao mang đến cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc của một vị vua anh minh.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Để phân tích một tác phẩm thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật, em nhớ tập trung vào tiêu đề, nội dung, nghệ thuật và giá trị của tác phẩm ấy, từ đó tìm hiểu cảm xúc, con người của tác giả. Mời em xem thêm những bài mẫu khác có trên Taimienphi.vn như: Soạn bài Ca Huế trên sông Hương; Soạn bài Qua Đèo Ngang