I. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
Đọc bài thơ nhiều lần bằng giọng đọc vui vui, ấm áp phù hợp với những hồi ức kỉ niệm của tuổi thơ và nhịp kể chuyện của câu thơ 5 chữ.
1. Cảm hứng của tác giả được khơi gợi từ sự việc gì? Mạch của cảm xúc trong bài thơ diễn biến như thế nào?
Các em hẳn là có suy nghĩ về tên bài thơ: Tiếng gà trưa. Vì sao tác giả lại đặt tên như vậy? Đó chính là sự việc khơi gợi cảm hứng cho nhà thơ. Trên đường hành quân của người chiến sĩ, một tiếng gà trưa gợi nhớ biết bao kỉ niệm, gọi anh về với tuổi thơ. Cảm hứng thơ trào lên cùng những kỉ niệm êm đẹp một thời với người bà yêu thương cháu mà tiếng gà trưa đã gợi lên da diết trong anh. Mạch cảm xúc trong bài thơ diễn biến theo quy luật hồi tưởng tự nhiên của tâm lý: Hiện tại (tiếng gà trưa bên xóm nhỏ) - Quá khứ (kỉ niệm hiện lên theo âm thanh của tiếng gà trưa) - Hiện tại → tương lai (tiếng gà trưa giục anh cầm chắc tay súng để chiến đấu cho Tổ quốc và quê hương).
2. Những hình ảnh và kỉ niệm của tuổi thơ đã được gợi lại từ tiếng gà trưa.
a) Những kỉ niệm ôm đẹp thời thơ ấu
- Những quả trứng hồng, những con gà mái mơ, mái vàng đẹp như trolle cổ tích.
- Tiếng bà mắng cháu nhìn gà đẻ và nỗi lo lắng thơ dại của đứa cháu nhỏ.
- Bà chắt chiu nuôi gà để mua quần áo mới cho cháu.
b) Tình cảm của tác giả
- Yêu quý những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, yêu quý người bà đã hết lòng yêu thương, chăm sóc cháu.
3. Hình ảnh người bà và tình cảm bà cháu
a) Hình ảnh người bà: gần gũi, nhân hậu, yêu thương cháu hết long (ngay cả lúc bà mắng cháu nhìn gà đẻ cũng bộc lộ lòng yêu thương bình dị và chân thực).
b) Tình cảm bà cháu: yêu thương, quý mến nhau một cách thật tự nhiên, dân dã, như vốn nó có như vậy, không thể nào khác (phân tích đoạn "Tiếng gà trưa - Tay bà khum soi trứng ..... nghe sột soạt" để thấy bà chắt chiu, lo lắng như thế nào cho cháu được quần áo mới và niềm vui hồn nhiên của đứa cháu khi có quần áo mới).
4. Thể thơ 5 tiếng (giống như bài Đêm nay Bác không ngủ đã học ở lớp 6) nhưng có những chỗ biến đổi khá linh hoạt về số câu thơ trong mỗi khổ, về cách gieo vần (các em tự chứng minh) để phù hợp với tình cảm của nhân vật trữ tình (cũng là tác giả) trong bài thơ. Đặc biệt câu thơ "Tiếng gà trưa" chỉ còn 3 tiếng và được lặp lại 4 lần, mở đầu cho 4 đoạn thơ, đem lại một hiệu quả nghệ thuật lớn: mỗi lần nhắc lại, câu thơ lại gợi ra một hình ảnh trong kỉ niệm thời thơ ấu, nó vừa như một sợi dây liên kết các hình ảnh ấy, lại vừa như điểm nhịp cho dòng cảm xúc của nhân vật. trữ tình, Tiếng gà trưa đã gọi người chiến sĩ về với tuổi thơ và cũng mở ra trong anh những tình cảm mới mẻ trong cuộc chiến đấu hôm nay, khi tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước.
II. LUYỆN TẬP
1. Học thuộc một đoạn khoảng 10 dòng thơ (có thể học đoạn đầu gồm 2 khổ - 13 dòng; hoặc đoạn cuối - 10 dòng; hoặc đoạn giữa - 10 dòng, từ Tiếng gà trưa đến quần áo mới).
2. Cảm nghĩ về tình bà cháu trong bài thơ (có thể xem đây là cảm nghĩ về một vấn đề trong tác phẩm văn học. Các em viết thành một đoạn văn theo cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học).
------------------HẾT--------------------
Trong chương trình học Ngữ Văn 7 phần Soạn bài Một thứ quà của lúa non: Cốm là một nội dung quan trọng các em cần chú ý chuẩn bị trước.
Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu thêm phần Soạn bài Luyện nói: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học nhằm chuẩn bị cho bài học này.