Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bản giấy không còn giá trị sử dụng, người dân có thể dùng giấy tờ gì để thay thế? Những cách tra xem thông tin cư trú hiện nay. Nội dung này được Taimienphi cập nhật và chia sẻ tới độc giả tại bài viết sau.
- Thông tin bỏ sổ hộ khẩu giấy được quy định trong Luật Cư trú 2020, đã và đang được triển khai ở nhiều địa phương. Các thông tin về nhập khẩu, chuyển khẩu, đăng ký thường trú, tạm trú,... sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú, hay còn được gọi là sổ hộ khẩu điện tử.
Và theo Điều 38 Luật này, chính thức từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú bản giấy sẽ không còn giá trị sử dụng.
- Sổ hộ khẩu từ trước đến nay được biết đến là giấy tờ quan trọng chứng minh về vấn đề cư trú của công dân, được sử dụng trong nhiều giao dịch, thủ tục hành chính. Do đó, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, vấn đề các giấy tờ thay thế hay việc tra cứu thông tin cư trú như thế nào là nội dung mà nhiều người quan tâm.
Theo khoản 4 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, người dân có thể sử dụng các giấy tờ sau để chứng minh thông tin về cư trú:
(1) Thẻ Căn cước công dân;
(2) Chứng minh nhân dân;
(3) Giấy xác nhận thông tin về cư trú;
(4) Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Như vậy, khi tiến hành các giao dịch dân sự hay đi làm các thủ tục tại cơ quan nhà nước, công dân sử dụng một trong 4 giấy tờ đã nêu để cung cấp thông tin về cư trú của mình.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã hướng dẫn 07 phương thức mà người dân, cán bộ có thể tra cứu, cung cấp thông tin về cư trú, bao gồm:
- Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp;
- Dùng thiết bị đọc QR code trên thẻ CCCD;
Thiết bị đọc QRCode được tích hợp với máy tính hoặc điện thoại để đọc thông tin công dân từ mã QRCode trên thẻ CCCD. Thiết bị này phải đảm bảo theo tiêu chuẩn Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
- Dùng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD;
Thiết bị đọc chíp đã và đang được sử dụng tại Công an cấp huyện. Đây là sản phẩm do trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nghiên cứu, sản xuất.
- Tra cứu trên cổng dịch vụ công về cư trú tại địa chỉ dichvucong.dancuquocgia.gov.vn
Với cách này, công dân có thể dễ dàng tra cứu bằng cách đăng nhập tài khoản Dịch vụ công quốc gia và tìm "Thông tin công dân".
- Tra cứu thông qua ứng dụng VNeID;
Đây là ứng dụng định danh điện tử (VNeID) Quyết định 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 ban hành. Công dân phải tải, cài đặt ứng dụng này trên điện thoại để sử dụng.
- Dùng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư;
- Dùng giấy xác nhận thông tin cư trú.
Căn cứ Điều 17 Thông tư 55/2021/TT-BCA, công dân đến bất kỳ cơ quan đăng ký cư trú nào (công an cấp xã/huyện), không phụ thuộc vào nơi cư trú để xin cấp giấy. Hoặc gửi yêu cầu thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch công Bộ Công an hoặc Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
=> Như vậy, người dân hoàn toàn yên tâm về việc xem thông tin sổ hộ khẩu thông quan sổ hộ khẩu điện tử hay tra cứu sổ hộ khẩu online.
Để thuận tiện cho các giao dịch, thủ tục khi sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng, người dân cần lưu ý:
- Nếu đang sử dụng chứng minh nhân dân thì làm thủ tục đổi sang căn cước công dân.
Hiện nay, cách đăng ký làm CCCD online tại nhà đang được nhiều người áp dụng để tiết kiệm thời gian, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng.
- Đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID bởi ứng dụng này tích hợp nhiều giấy tờ như bằng lái xe, bảo hiểm y tế,...
- Xin giấy xác nhận thông tin cư trú trong trường hợp cần thiết mà chưa có căn cước công dân.
Trên đây là những thông tin về sổ hộ khẩu mà Taimienphi.vn tổng hợp và chia sẻ tới bạn đọc. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia đang dần được hoàn thành, hướng tới việc giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp cho công dân và cán bộ xử lý.