Số định danh cá nhân là bước phát triển quan trọng để đạt được sự thống nhất quản lý của nhà nước về dân cư. Điều này được minh chứng thông qua giá trị ứng dụng mà số định danh cá nhân mang lại. Vậy, số định danh cá nhân dùng để làm gì? Xin cấp mã số định danh thế nào?
- Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số do Bộ Công an cấp cho mỗi công dân Việt Nam. Mỗi người sẽ có một mã số định danh cá nhân riêng, không lặp lại ở người khác.
- Dãy 12 chữ số tự nhiên này được xác định như sau:
+ 3 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi đăng ký khai sinh.
+ 1 chữ số tiếp theo là mã thế kỷ, mã giới tính.
+ 2 chữ số tiếp theo là mã năm sinh.
+ 6 chữ số cuối cùng là khoảng số ngẫu nhiên.
Đúng với tên gọi của nó, mã số định danh cá nhân được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, có vai trò quan trọng khi xác nhận nhân thân, ghi nhận cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Số định danh cá nhân - chính là số căn cước công dân được sử dụng trong nhiều trường hợp:
- Dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (Khoản 1, Điều 12, Luật Căn cước công dân).
- Thay thế cho mã số thuế => thực hiện tất các thủ tục, giao dịch về thuế với cơ quan thuế, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước (Khoản 7, Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019).
- Thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân để thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản (Khi số định danh và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối - quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP).
- Là thông tin nhân thân sử dụng để tham gia vào các giao dịch, hợp đồng với bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào.
- Từ những phân tích về Số định danh cá nhân dùng để làm gì tại mục 2, có thể thấy, việc cấp mã số định danh là rất quan trọng và là bắt buộc đối với công dân.
- Việc cấp số định danh cá nhân được áp dụng đối với công dân khi đăng ký khai sinh hoặc đối với công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú thì cấp khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.
* Đăng ký khai sinh
- Trẻ em khi được làm giấy khai sinh sẽ được cấp số định danh cá nhân.
- Việc đăng ký khai sinh do bố mẹ hoặc người thân thích khác thực hiện tại UBND cấp xã nơi thường trú/tạm trú của bố hoặc mẹ.
- Khi đi đăng ký khai sinh cần mang theo: giấy chứng sinh, giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ, giấy ủy quyền (nếu ủy quyền đi đăng ký) và tờ khai đăng ký khai sinh (xin tại UBND xã). Ngoài ra người đi đăng ký phải mang theo giấy tờ tùy thân như CMND/CCCD/ hộ chiếu của mình.
- Công chức tư pháp hộ tịch xã tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ và tiến hành nhập thông tin khai sinh cho trẻ em.
=> Trên cơ sở yêu cầu đăng ký khai sinh đó, trẻ sẽ được cấp số định danh cá nhân ghi trong giấy khai sinh.
Số định danh này sẽ theo trẻ đến suốt cuộc đời, tham gia vào các hoạt động, giao dịch mãi về sau. Vậy tra cứu số định danh cá nhân cho trẻ em như thế nào? Chúng tôi đã chia sẻ một số cách tra cứu nhanh, chính xác mà bạn đọc có thể áp dụng.
* Cấp căn cước công dân cho người đã đăng ký khai sinh
- Những công dân đã được khai sinh mà chưa có số định danh, khi làm thủ tục cấp căn cước công dân thì sẽ được cấp số định danh cá nhân.
- Việc yêu cầu cấp căn cước được thực hiện tại một trong những địa điểm sau:
+ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện;
+ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh;
+ Trung tâm Căn cước công dân quốc gia (C72) Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.
- Trong quá trình yêu cầu cấp số định danh, có thể mắc phải những lỗi do đánh máy, ... Vậy nếu gặp trường hợp số định danh cá nhân bị sai, xin cấp lại thế nào? Bạn đọc có thể theo dõi để nắm được cách xử lý.
Trên đây là những thông tin về Số định danh cá nhân dùng để làm gì? Xin cấp mã số định danh thế nào? mà Taimienphi.vn tổng hợp và phân tích. Việc nhận định được ý nghĩa, vai trò của số định danh cá nhân sẽ giúp công dân chủ động hơn trong việc xin cấp và bảo vệ thông tin số định danh cá nhân.