Đề bài: Phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ Sóng
Phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ Sóng
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ "Sóng" và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ "Sóng".
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:
- Xuân Quỳnh là nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ của bà nổi bật ở vẻ đẹp nữ tính, của niềm tin trìu mến với tất cả những gì bé nhỏ, mỏng manh, dễ bị tổn thương.
- Bài thơ "Sóng" được nhà thơ sáng tác trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền ngày 29/12/1967 và được in trong tập "Hoa dọc chiến hào".
b. Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua khổ thơ 1 và 2:
- Nhà thơ mượn hình ảnh sóng để diễn tả những đối cực trong tình yêu, để biểu đạt tâm hồn người phụ nữ luôn khát khao kiếm tìm bản thể.
- Người phụ nữ cũng như sóng, muốn tìm đến một không gian rộng lớn để được là chính mình, sống với cảm xúc và trái tim của mình.
- Sóng và em luôn gắn liền với khát vọng của tình yêu là tìm tòi, trăn trở, bồi hồi và lắng sâu, khát vọng ấy sẽ còn bất tử như muốn kiếm tìm một quy luật mới.
c. Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua khổ thơ 3 và 4:
- Người phụ nữ muốn đi tìm định nghĩa về tình yêu nhưng rơi vào bế tắc.
- Người phụ nữ phát hiện ra tình yêu bằng trực cảm, bằng tất cả lòng mình như một lời thú nhận thành thật, hồn nhiên mà sâu xa, ý nhị.
d. Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua khổ thơ 5 và 6:
- Người phụ nữ đã chỉ ra bản chất của tình yêu gắn liền với nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy bao trùm lên cả không gian, thời gian và len lỏi cả vào những giấc mơ của người phụ nữ.
- Người phụ nữ đã khẳng định sự thủy chung trong tình yêu, người phụ nữ ấy yêu say đắm, thiết tha và chỉ hướng về "phương anh" vì "phương anh" chính là bến đỗ của hạnh phúc.
e. Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua khổ thơ 7, 8, 9:
- Người phụ nữ nhạy cảm trước thời gian và cuộc đời, khắc khoải, lo âu và có những dự cảm mong manh về cuộc đời.
- Tình yêu của người phụ nữ là tình cảm cá nhân nhưng được khái quát để trở thành tình yêu bất tử muôn đời cũng giống như sóng không mất đi mà nó hóa thân, tồn tại vĩnh viễn trong vô vàn con sóng khác.
f. Đánh giá:
- Sóng là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ, giọng thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ đã thể hiện thành công vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu hiện đại nhưng cũng rất đỗi truyền thống.
- Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, ngôn từ sáng tạo với nhiều cung bậc cảm xúc để thể hiện tình yêu của tuổi trẻ.
3. Kết bài:
- Khái quát lại vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ "Sóng".
"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu"
Từ lâu, các nhà thơ đã đi tìm một định nghĩa về tình yêu với những cảm xúc riêng biệt của mình. Nếu như Xuân Diệu được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình" thì "bà hoàng thơ tình" của chúng ta chính là Xuân Quỳnh. Nhắc đến nhà thơ Xuân Quỳnh là trong lòng mỗi chúng ta lại vang lên âm hưởng của những tiếng sóng vỗ bờ. "Sóng" được đánh giá là một trong những bài thơ tình hay nhất của nhà thơ, qua bài thơ này, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ dịu dàng nhưng cũng rất mãnh liệt trong tình yêu.
Xuân Quỳnh là nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ của bà nổi bật ở vẻ đẹp nữ tính, của niềm tin trìu mến với tất cả những gì bé nhỏ, mỏng manh, dễ bị tổn thương. Xuân Quỳnh đem đến cho bạn đọc một tình yêu nồng nhiệt, táo bạo nhưng cũng rất đỗi tha thiết, dịu dàng vừa giàu trực cảm, vừa lắng sâu những trải nghiệm, suy tư. Bài thơ "Sóng" được nhà thơ sáng tác trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền ngày 29/12/1967 và được in trong tập "Hoa dọc chiến hào". Bài thơ đã tạo nên được âm hưởng về sóng lòng, sóng tình dạt dào sôi nổi giống như nỗi niềm của người phụ nữ trong tình yêu.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã mượn hình ảnh sóng để diễn tả những đối cực trong tình yêu:
"Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể"
Những đối cực của sóng "dữ dội" - "dịu êm", "ồn ào" - "lặng lẽ" hoàn toàn phù hợp với trạng thái, quy luật tình cảm của con người. Bởi lẽ không có tình yêu trọn vẹn nào là một chiều cho nên trái tim của người con gái đang yêu cũng không đập một chiều mà họ yêu với những trạng thái trái ngược nhau. Hai câu thơ đầu là lời tự bạch chân thật, táo bạo khác thường của tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Nếu như "sông" là giới hạn của sóng thì sóng sẽ phá vỡ giới hạn ấy để tìm đến đại dương mênh mông, để vùng vẫy. Khi ra khỏi giới hạn nhỏ bé của sông thì sóng mới có thể tự làm mới mình với những khát vọng lớn lao hơn. Cũng giống như sóng, trái tim của người phụ nữ đang yêu cũng không chấp nhận sự nhỏ hẹp, tầm thường mà luôn khát khao vươn tới một không gian rộng lớn, một chân trời bạt ngàn để mở rộng lòng mình đón nhận yêu thương.
"Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ"
Sóng luôn trường tồn vĩnh vằng với thời gian cũng như khát vọng của tình yêu luôn luôn là khát vọng của tuổi trẻ. Sóng và em đều gắn liền với khát vọng của tình yêu là tìm tòi, trăn trở, bồi hồi và lắng sâu, khát vọng ấy sẽ còn bất tử như muốn kiếm tìm một quy luật mới. Con "sóng ngày xưa" và "ngày sau" vẫn vậy, chúng vẫn luôn vận động chảy trôi để hòa mình vào biển cả. "Em" cũng như sóng, nỗi khát vọng về tình yêu lúc nào cũng thường trực trong lòng như muốn trào dâng.
Với trái tim đang rực lửa yêu thương của tuổi trẻ, người phụ nữ muốn đi tìm định nghĩa về tình yêu nhưng rơi vào bế tắc:
"Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên"
Nhà thơ muốn truy tìm nguyên nhân, ngọn nguồn của tình yêu nhưng tình yêu đến từ lúc nào, tình yêu đến từ bao giờ thì đố ai cắt nghĩa được. Câu hỏi suy tư, trăn trở "Từ nơi nào sóng lên" có sự đăng đối, giao thoa. Em xuất hiện phía sau sóng để chiêm nghiệm, để nghĩ suy về tình yêu. Trong cảm thức về tình yêu, nhân vật trữ tình đã chiêm nghiệm về quan hệ tình cảm và quan hệ tự nhiên. Bởi vậy mà nhà thơ đã đặt mình vào một không gian rộng lớn "Trước muôn trùng sóng bể" để nghĩ về sự trăn trở tự nhiên của sóng, của gió. Ở khổ thơ này ta thấy, tình yêu được đặt trong một khát vọng tự ý thức, nhân vật trữ tình đã tự vấn về nguồn gốc của tình yêu nhưng chưa tìm được câu trả lời như ý muốn. Nhà thơ muốn tìm kiếm một quy luật tâm lí, muốn cắt nghĩa về tình yêu nhưng càng đi vào lí giải thì càng bế tắc hơn. Xuân Quỳnh cũng như Xuân Diệu, cả hai nhà thơ đều biết bồi hồi trước xúc cảm để chiêm nghiệm, tìm tòi nhưng họ đều không tìm thấy câu trả lời về định nghĩa của tình yêu.
"Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau"
Sau một hành trình dài đi tìm định nghĩa về tình yêu thì Xuân Quỳnh đã phát hiện ra nguồn gốc của tình yêu bằng trực cảm và bằng tất cả lòng mình như một lời thú nhận thành thật, hồn nhiên mà sâu xa, ý nhị. Tình yêu như sóng biển, gió trời vậy thôi, nó tự nhiên như thiên nhiên và cũng khó hiểu như thiên nhiên vậy. Nhà thơ thổn thức với lòng mình rằng không biết "Khi nào ta yêu nhau". Tình yêu vốn như phép màu giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tươi đẹp và hạnh phúc cho nên chúng ta chỉ có thể cảm nhận nó bằng trái tim của mình chứ không thể nào định nghĩa được nó một cách cụ thể.
Người phụ nữ đã chỉ ra bản chất của tình yêu gắn liền với nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy bao trùm lên cả không gian, thời gian và len lỏi cả vào những giấc mơ của người phụ nữ:
"Con sóng trên mặt nước
Con sóng dưới lòng sâu
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức"
Ở khổ thơ này, sóng lại trở về vẹn nguyên bản chất của mình là nhớ bờ và em cũng nhớ đến anh. Hình ảnh con sóng được lặp đi lặp lại giống như những vòng xoáy tâm trạng nỗi nhớ cho thấy trái tim của người phụ nữ đang yêu mạnh bạo, chân thành bày tỏ những khao khát trong lòng. Giữa đại dương mênh mông tuy xa vời, cách trở nhưng con sóng vẫn vượt qua mọi khó khăn để tới bờ cũng như sóng của người con gái đang yêu cũng vượt qua mọi cách li vô tận để cập bến hạnh phúc. Hình tượng sóng và em có sự cộng hưởng lan tỏa trong nỗi nhớ để cất lên tiếng nói trữ tình của cảm xúc.
Từ việc khẳng định bản chất của tình yêu là nỗi nhớ, Xuân Quỳnh đã đi đến khẳng định sự thủy chung trong tình yêu:
"Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương"
Tác giả sử dụng cách nói hình ảnh trong sự nhấn mạnh cái mênh mông của đất trời đã có "phương Bắc", "phương Nam", nay có thêm cả "phương anh" bởi "phương anh" chính là phương của tâm trạng, là nơi có sự ngự trị của tình yêu. Người phụ nữ đã khẳng định sự thủy chung trong tình yêu, người phụ nữ ấy yêu say đắm, thiết tha và chỉ hướng về "phương anh" vì "phương anh" chính là bến đỗ của hạnh phúc. Đó chính là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, là sự thủy chung một lòng gắn bó với người mình yêu dù có trôi dạt về bất cứ nơi đâu.
Khao khát, mãnh liệt trong tình yêu là thế nhưng người phụ nữ cũng rất nhạy cảm trước thời gian và cuộc đời. Nàng khắc khoải, lo âu và có những dự cảm mong manh về tương lai:
"Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dẫu muôn vời cách trở"
Như một chu trình tròn đến với biển cả bao la, sóng lại được trở về là chính mình. Xuân Quỳnh đã vĩnh viễn hóa sự bất tử của sóng trong hành trình tìm đến với biển lớn đại dương. Tình yêu là một thử thách đối với Xuân Quỳnh, nếm nhiều ngọt ngào nhưng cũng không ít đắng cay cho nên bà hiểu rõ về quy luật tồn tại và phát triển của chúng. Đứng trước mọi thử thách, người phụ nữ vẫn luôn dạt dào niềm tin vào cuộc đời, vào năm tháng, vào tình yêu và vào hạnh phúc ở tương lai phía trước. Vậy nên trong "trăm ngàn con sóng" thì "con nào chẳng tới bờ" dù có phải trải qua muôn vàn khó khăn đi chăng nữa.
"Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa"
Nhân vật em đã nhạy cảm với thời gian và cuộc đời, do vậy nhà thơ đã có những dự cảm mong manh về cuộc đời của mình. Nhà thơ ý thức được cái hữu hạn của cuộc đời trước vòng quay vô hạn của tạo hóa. Thời gian thì luôn tuần hoàn, chảy trôi, "năm tháng vẫn đi qua" cho thấy cuộc đời con người tuy dài nhưng không phải là vĩnh viễn như thời gian. Khi con người ra đi thì tình yêu của họ vẫn ở lại cho dù "biển kia dẫu rộng" thì mây cũng vẫn tìm về.
Tình yêu của người phụ nữ là tình cảm cá nhân nhưng được khái quát để trở thành tình yêu bất tử muôn đời:
"Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ."
Xuân Quỳnh đã hòa mình vào hình tượng sóng để được tan ra thành "trăm con sóng nhỏ" giữa đại dương tình yêu. Tình yêu ấy cũng giống như sóng, nó không mất đi mà nó hóa thân, tồn tại vĩnh viễn trong vô vàn con sóng khác "Để ngàn năm còn vỗ".
Sóng là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ, giọng thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ đã thể hiện thành công vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu hiện đại nhưng cũng rất đỗi truyền thống. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, ngôn từ sáng tạo với nhiều cung bậc cảm xúc để thể hiện tình yêu của tuổi trẻ.
Nhà thơ Xuân Quỳnh đã đem đến cho nền văn học hiện đại Việt Nam một làn gió mới về chủ đề thơ ca tình yêu. Qua bài thơ Sóng, nhà thơ muốn khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam đó chính là tấm lòng sắt son, thủy chung và sự mãnh liệt, dạt dào cảm xúc trong tình yêu.
-----------------HẾT-----------------
Hy vọng qua bài Phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ Sóng trên đây sẽ giúp các em nắm chắc kiến thức khi viết văn phân tích về bài thơ "Sóng". Ngoài ra, các em cũng không thể bỏ lỡ những bài viết thú vị sau: Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh, Cảm nhận bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, Cảm nhận về khổ thơ thứ 5,6,7 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.