Đề bài: Nghị luận về ý kiến: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu
I. Dàn ý: Nghị luận về ý kiến: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu
1. Mở bài
Trong cuộc sống có người nỗ lực, phấn đấu hết mình vì mục đích để đạt được những thành tựu, song cũng có những kẻ ngồi không vẫn muốn có thành tích, vẫn muốn có kết quả tốt. Như một câu ngạn ngữ từng viết: " Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích. Người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu".
2. Thân bài
- Giải thích:
+ "Kẻ cơ hội" là những kẻ lợi dụng từng thời điểm, chực chờ những kẻ hở trong công việc để chớp lấy thời cơ bất kể hành động đó là đúng hay sai mà nhận lấy thành tích.
+ "Người chân chính" là những người đàng hoàng, tử tế, chính trực, họ làm mọi việc bằng chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân.
- Biểu hiện của người chân chính.
- Biểu hiện của kẻ cơ hội.
- Bàn luận, mở rộng vấn đề.
3. Kết bài
Chúng ta, là những học sinh ngồi trên ghế nhà trường, phải không ngừng phấn đấu hơn nữa, học tập, rèn luyện, sống thật tốt, thất có ích và quyết tâm tạo nên những thành tựu tốt đẹp, cao cả. Hãy là những con người chân chính trong một xã hội văn minh.
II. Bài mẫu: Nghị luận về ý kiến: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu
Trong cuộc sống, chắc hẳn ai cũng mong muốn cho bản thân ngày càng tốt đẹp, mong muốn mọi việc mình làm đều gặt hái được quả ngọt, thu được những thành tích tốt, kết quả cao. Bởi lẽ vì thế mà có người nỗ lực, phấn đấu hết mình vì mục đích để đạt được những thành tựu, song cũng có những kẻ ngồi không vẫn muốn có thành tích, vẫn muốn có kết quả tốt. Như một câu ngạn ngữ từng viết: "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích. Người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu".
"Kẻ cơ hội" là những kẻ lợi dụng từng thời điểm, chực chờ những kẽ hở trong công việc để chớp lấy thời cơ, bất kể hành động đó là đúng hay sai mà nhận lấy thành tích. Thành tích dù được công nhận nhưng thực tế, khả năng của kẻ đó không có, tức là lấy cái bề ngoài mà che lấp sự rỗng tuếch bên trong. "Người chân chính" là những người đàng hoàng, tử tế, chính trực, họ làm mọi việc bằng chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân. Thành tựu mà họ nhận được mãi vững bền, là minh chứng cho một quá trình kiên nhẫn, chịu thương chịu khó, thậm chí tốn nhiều thời gian công sức mồ hôi mới đạt được. "Kẻ cơ hội" - "người chân chính" là hai thái cực về thái độ sống của con người trong xã hội trên mọi mặt đời sống, giữa họ luôn tồn tại một khoảng cách về giá trị đạo đức.
Thực tế cuộc sống, những người chân chính bằng tài năng và ý chí của mình đã tạo dựng nên những thành tựu cho bản thân, mang về vinh quang cho đất nước, gia đình và xã hội. Đó là hình ảnh anh học sinh nghèo Lê Vũ Hoàng vượt lên nghịch cảnh, phấn đấu ngày ngày học tập ghi dấu tên mình trên đỉnh Olympia đầy vinh quang, nhận suất học bổng du học ở nước ngoài. Là cô bé học sinh nghèo chăm chỉ học tập đạt thủ khoa trường đại học danh tiếng. Là giáo sư Ngô Bảo Châu nghiên cứu mang về giải thưởng toán học danh giá cho đất nước. Là những nhà nghiên cứu, nhà khoa học phát minh ra những loại thuốc quý, những công cụ hữu hiệu phục vụ đời sống xã hội và con người. Đó là những thành tựu luôn được người người trân trọng và gìn giữ, phát triển. Bằng lòng trung thực, sự kiên trì nhẫn nại, bằng ý chí và nghị lực, họ đã góp phần lớn thúc đẩy sự tiến bộ cho đời sống, góp phần xây dựng xã hội ngày một văn minh và giàu đẹp.
Song, thực tế, vẫn còn đầy rẫy những kẻ cơ hội, tham lam, chạy theo thành tích mà sẵn sàng bán đứng cả danh dự, nhân phẩm của chính mình. Đó là những con người ham hư danh, thiếu thực chất, càng nôn nóng có thành tích lại càng vụ lợi. Nhiều kẻ lợi dụng mối quan hệ của mình để tiến thân lại còn huênh hoang tự đắc. Nhiều học sinh gian lận trong thi cử, thiếu trung thực trong học hành cũng chỉ vì điểm số. Kẻ mong lợi lộc về mình sẵn sàng đánh đổi, thậm chí cướp mất đi cơ hội của người khác bằng tiền bạc. Đó là những kẻ sống giả dối, hai mặt, khiến cho xã hội ngày một suy đồi về đạo đức, văn hóa. Chạy theo thành tích là một căn bệnh không hiếm gặp trong đời sống cần được lên án, xử lý kịp thời, tránh những hậu quả nghiêm trọng về sau, đặc biệt là đối với những thế hệ trẻ đầy triển vọng của đất nước.
Thiết nghĩ, cái gì tự mình làm ra, bằng chính công sức sự cố gắng của mình sẽ bền vững theo thời gian, khiến chúng ta thấy tự hào với chính những thành tựu mà mình đạt được. Còn những kẻ cơ hội, thấy lợi trước mắt mà không quan tâm đến người khác thì thành tích rồi cũng sẽ mất đi mà thôi. Điều quan trọng ta cần là nhận được những gì mà chúng ta đã làm để thấy bình an trong tâm hồn. Dù có nhiều khó khăn, thậm chí có lúc mệt mỏi muốn buông xuôi nhưng ta vẫn luôn tin rằng "Có công mài sắt có ngày sẽ nên kim", hãy tin tưởng vào đích đến của tương lai.
Lời đúc kết của người xưa: "Kẻ cơ hội nôn nóng tạo thành tích, người chân chính kiên nhẫn lập nên thành tựu" là một quan điểm rất đúng đắn và sâu sắc. Chúng ta là những học sinh ngồi trên ghế nhà trường, phải không ngừng phấn đấu hơn nữa, học tập, rèn luyện, sống thật tốt, thật có ích và quyết tâm tạo nên những thành tựu tốt đẹp, cao cả. Hãy là những con người chân chính trong một xã hội văn minh!