Nghị luận về văn hóa đọc trong xã hội hiện nay

Đề bài: Nghị luận về văn hóa đọc trong xã hội hiện nay

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Nghị luận về văn hóa đọc trong xã hội hiện nay


I. Dàn ý Nghị luận về văn hóa đọc trong xã hội hiện nay (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề

2. Thân bài:

a. Giải thích:

- Văn hoá đọc:
+ Nghĩa rộng: sự ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc của cộng đồng
+ Nghĩa hẹp: ứng xử, chuẩn mực, giá trị của cá nhân thể hiện qua thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc.

b. Ý nghĩa:

- Mang lại sự giải trí, nguồn kiến thức vô hạn.
- Hiểu về cuộc đời, hiểu được cách giao tiếp, ứng xử.
- Khám phá những điều mới mẻ.

c. Thực trạng:

- Văn hoá đọc đang bị "lãng quên" vì công nghệ phát triển mạnh mẽ.
- Một số bạn trẻ đọc những "sách rác", phi logic, khiến con người ảo tưởng, không thực tế, cổ xúy lối sống lạc lệch.
- Dẫn chứng: Sách ngôn tình của các tác giả như Diệp Lạc Vô Tâm, n Tầm, ...
- Nhưng văn hoá đọc không chết: Nhiều bạn trẻ tìm đến những cuốn sách hay như "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?" hay các cuốn văn học cổ điển.

d. Giải pháp:

- Rèn luyện thói quen đọc mỗi ngày
- Nhờ người có kinh nghiệm để chọn sách cùng
- Ngành xuất bản cần phạt nặng những cuốn "sách rác".

3. Kết bài:

- Văn hoá đọc là một nét đẹp cần lưu giữ.


II. Bài văn mẫu Nghị luận về văn hóa đọc trong xã hội hiện nay (Chuẩn)

Từ xưa, việc đọc, tìm hiểu và khám phá tri thức đã trở thành một điều vô cùng quan trọng của mỗi người. Thế nhưng ngày nay, công nghệ 4.0 đang dần chiếm lĩnh khối thời gian của mỗi con người khiến chúng ta càng dành ít thời gian cho việc đọc. Vậy văn hoá đọc trong xã hội hiện nay đang ở tình trạng như thế nào?

Trước hết để hiểu rõ hơn vấn đề văn hoá đọc, chúng ta cần tìm hiểu văn hoá đọc là gì? Theo định nghĩa mà thư viện văn hoá Việt Nam đưa ra thì văn hoá đọc được chia thành nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Ở phần nghĩa rộng, nó là sự ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng, của cơ quan nhà nước, ... Còn theo nghĩa hẹp, văn hoá đọc chính là ứng xử, chuẩn mực và giá trị của mỗi cá nhân, mà điều đó thể hiện qua ba điều là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.

Đọc không chỉ mang lại cho ta những phút giây giải trí, thư thái đầu óc mà còn mang lại cho chúng ta nguồn kiến thức vô hạn. Đó là tầm quan trọng, là giá trị của văn hoá đọc. Mỗi cuốn sách chúng ta đọc cho chúng hiểu về một cuộc đời, hiểu về những con người với vô vàn hoàn cảnh trong xã hội. Hoặc cũng có thể, nó cho chúng ta biết được những kỹ năng, những cách giao tiếp, ứng xử, cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Bởi sách là nguồn tri thức được đúc kết từ hàng ngàn con người, được xây lên từ tâm sức, trí tuệ của hàng triệu những con người tài giỏi. Họ gửi gắm vào những cuốn sách của mình không chỉ tri thức mà còn cả tâm tư và tình cảm của họ nữa. Chính vì thế mà có thể nói, khi ta đọc một cuốn sách, ta có thể hiểu về cuộc đời của một con người. Từ đó, chúng ta có thêm tri thức để áp dụng vào đời sống của mình cũng như khám phá ra thêm nhiều điều mới mẻ.

Thế nhưng, ngày nay, khi công nghệ phát triển, con người có thể tìm thấy mọi thứ thông qua internet và internet trở thành một cuốn "bách khoa" với đủ các lĩnh vực. Chỉ với một cú click chuột, chúng ta có thể tìm thấy vô vàn những thông tin, những tri thức, những trò chơi thú vị mà không cần cặm cụi tìm nó qua những trang sách. Chúng ta dần rời xa những thư viện, những hiệu sách để tìm đến những chiếc smartphone hay những chiếc máy tính bảng với những trò chơi thú vị. Và văn hoá đọc bị "bỏ quên", bị quên lãng! Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp vô số những người lớn, trẻ nhỏ trên tay "khư khư" là chiếc điện thoại nhỏ xinh mà ít ai có thể nhìn thấy một người cầm một cuốn sách để đọc. Không chỉ vậy, một số bạn trẻ còn tìm đến những thứ sách "đen", những cuốn sách "ngôn tình" phi logic, ảo tưởng khiến suy nghĩ của họ lệch lạc. Những nhà xuất bản "ăn" theo thị trường, liên tục cho xuất bản những cuốn sách với nội dung "xấu xí" như lạm dụng trẻ em, bạo hành trẻ em và gia đình, chém giết. Điều đó đã một phần nào đó khiến cho văn hoá đọc gần như "kiệt quệ". Điển hình là những cuốn "ngôn tình" của nhà văn Diệp Lạc Vô Tâm hay n Tầm (Trung Quốc) mang những cái tên mỹ miều như "Ngủ cùng sói", "bảy ngày ân ái",... đều là những tác phẩm "cổ súy" cho lối sống buông thả, sa đoạ, vô đạo đức.

Vậy nhưng văn hoá đọc không chết, nó chưa bao giờ chết kể cả trong một thế giới hiện đại hoá như hôm nay. Thị trường sách vẫn nhộn nhịp với đủ các thể loại như sách kỹ năng, văn học cổ điển, trinh thám, ẩm thực,... với đủ nội dung phong phú. Điển hình là cuốn sách mang tên "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" của nhà văn trẻ Rosie Nguyễn. Cuốn sách đã "làm mưa làm gió" khi vừa xuất bản vào năm 2016. Trong cuốn sách của mình, Rosie Nguyễn đã đưa ra những lời khuyên cho tuổi trẻ, cho những bạn trẻ còn đang bơ vơ giữa đường đời với một châm ngâm sống vô cùng đúng đắn "Đừng lãng phí tuổi trẻ của mình". Và không chỉ thế, những cuốn sách văn học cổ điển luôn khiến con người ta phải suy ngẫm, trầm mặc như "Những người khốn khổ" hay "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà" ,... luôn có một sức hút lạ kỳ. Mỗi người một sở thích, một thói quen đọc sách khác nhau, vậy nên sự lựa chọn sách là khác nhau. Thế nhưng văn hoá đọc bao gồm sở thích, thói quen đọc của chúng ta và cả kỹ năng đọc nữa, điều đó giống nhau ở mỗi chúng ta.

Mỗi chúng ta đều hãy tự rèn luyện cho mình một thói quen đọc mỗi ngày. Bởi đọc sẽ mang lại cho ta một khoảng tĩnh lặng, tự suy ngẫm, mang cho ta kiến thức nhân loại. Hiện nay, mỗi năm chúng ta xuất bản trên 20.000 cuốn sách đủ các thể loại, vậy nên, không khó để tìm cho mình một thể loại yêu thích để từ đó rèn luyện cho chính bản thân mình. Còn với ngành xuất bản, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để những "sách rác" không còn xuất hiện trên thị trường sách lành mạnh. Những người trẻ khi mua sách, hãy tham khảo ý kiến của những người đi trước, có kinh nghiệm, bạn sẽ tìm được những đầu sách hay và ý nghĩa.

Văn hoá đọc là một nét đẹp và nó cần được lưu giữ, bảo tồn tới những thế hệ mai sau. Công nghệ phát triển nhưng sách vẫn là một phần thiết yếu trong cuộc sống mà điện thoại và máy tính không thể thay thế. Yêu sách và chăm đọc sách sẽ là chìa khoá mở ra thành công cho bạn trong tương lai.

-----------------HẾT----------------

Bên cạnh bài Nghị luận về văn hóa đọc trong xã hội hiện nay, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu khác như: Nghị luận xã hội về văn hóa cảm ơn, xin lỗi, Nghị luận về văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay, Nghị luận về vấn đề giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa, Nghị luận về trang phục và văn hóa để mở rộng vốn hiểu biết và rèn luyện kĩ năng viết văn nghị luận của mình nhé!

Đọc sách là một trong những cách thức giúp ta có được nguồn tri thức quý giá. Thế nhưng trong xã hội 4.0 ngày nay, văn hoá đọc dần trở nên xa lạ, đặc biệt là với giới trẻ. Bài viết Nghị luận về văn hóa đọc trong xã hội hiện nay trong xã hội hiện nay sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về thực trạng đọc sách hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp để giúp văn hóa đọc lan tỏa đến nhiều người trong xã hội.
Nghị luận xã hội về thói vô trách nhiệm
Nghị luận xã hội về tác động của Internet
Tổng hợp những bài Nghị luận về mạng xã hội đạt điểm cao
Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách hay ngắn gọn
Nghị luận xã hội về hiện tượng thần tượng
Soạn bài Viết bài làm văn số 6: Nghị luận xã hội, soạn văn lớp 11

ĐỌC NHIỀU