Nghị luận về câu nói: Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đoạ về tâm hồn

Đề bài: Nghị luận về câu nói: Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đoạ về tâm hồn

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
    1. Mở bài
    2. Thân bài
    3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

Bài văn mẫu nghị luận về câu nói: Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đoạ về tâm hồn

 

I. Dàn ý Nghị luận về câu nói: Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đoạ về tâm hồn (Chuẩn)

1. Mở bài

- Những quan điểm về tiền trong xã hội hiện nay.
- Dẫn vào vấn đề: "Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa về tâm hồn".

2. Thân bài

a. Khái niệm về tiền:
- Tiền là thước đo vật chất trong xã hội loài người, chúng được quy ước và ban hành bởi nhà nước bằng những đạo luật quản lý vô cùng nghiêm ngặt.
- Tiền là sản phẩm tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội, có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế.
=> Con người ngày càng ý thức được tầm quan trọng của tiền nên ngày càng nỗ lực, phấn đấu làm ra tài sản, của cải để chứng minh năng lực và thành tựu của bản thân.

b. Bàn luận:

* Sự phấn đấu, nỗ lực hết mình dùng tài năng của bản thân để tạo ra của cải vật chất, để trở nên có vị thế trong xã hội đó là một việc làm đúng đắn, là một con đường mà dường như người trẻ nào cũng hướng tới.
* Thế nhưng không phải mọi nỗ lực kiếm tiền đều là đúng đắn:
- Sức cám dỗ của tiền tài quá lớn, bởi nó giá trị của nó quá mức hấp dẫn, những người yếu lòng, tâm không đoan chính thì dễ đi vào cung đường tội lỗi hơn cả, họ bị tiền che mờ con mắt, mà bán rẻ lương tâm làm những việc thương thiên hại lý, mất hết nhân tính.
- Vì tiền mà giết người, lừa đảo, tham nhũng,... làm rối loạn trật tự xã hội, ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước.
- Một bộ phận giới trẻ dường như coi đồng tiền là tất cả, tiền quan trọng hơn tình thân, tình yêu, tình bạn, họ quay cuồng trong việc kiếm tiền và bỏ qua tất cả những giá trị tinh thần khác, dần đà con người bỗng trở nên lạnh lùng vô cảm, giống như chính cái mà họ đang theo đuổi - đồng tiền.

* Lời khuyên:
- Phấn đấu để cho mình một cuộc sống tốt hơn là đúng, nhưng ít ra bạn cũng nên giữ lại cho mình một tâm hồn tươi đẹp, đừng để những cái tiêu cực của đồng tiền làm lạnh lẽo, sa đọa.
- Thế hệ trẻ như chúng ta hãy cố gắng hết mình cho cuộc sống bằng những con đường đúng đắn, tiền kiếm bao nhiêu cũng không bao giờ là nhiều, quan trọng là bản thân chúng ta thấy đủ và cảm thấy hạnh phúc vì điều ấy.

3. Kết bài

- Nêu suy nghĩ cá nhân.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về câu nói: Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đoạ về tâm hồn (Chuẩn)

Sống trong xã hội hiện đại, cùng với đó là sự lên ngôi của nền công nghiệp 4.0, tiền bạc là một loại hàng hóa đặc biệt mà con người có thể nói là tìm mọi cách để có được thật nhiều. Rất nhiều người vẫn nói vui rằng: "Những thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền" hay "Có tiền chưa chắc đã hạnh phúc, nhưng không có tiền thì chắc chắn không hạnh phúc". Mặc dù hơi phũ phàng và thực tế nhưng những câu nói ấy vẫn đúng, nhất là trong điều kiện xã hội ngày nay, nhịp sống ngày càng nhanh nhu cầu của con người ngày càng cao và càng được đáp ứng bằng các dịch vụ tốt hơn từng ngày. Chính điều ấy đã trở thành động lực lớn mạnh để thúc đẩy con người phấn đấu làm ra của cải tài sản, để khẳng định bản thân, để có cuộc sống hạnh phúc hơn, nhưng có một điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ và băn khoăn đó là: "Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đọa về tâm hồn".

Vậy tiền là gì và tại sao mục tiêu sống của đại bộ phận con người chính là làm ra tiền? Có thể định nghĩa một cách đơn giản rằng tiền là thước đo vật chất trong xã hội loài người, chúng được quy ước và ban hành bởi nhà nước bằng những đạo luật quản lý vô cùng nghiêm ngặt để tránh hiện tượng lạm phát, rửa tiền,... Thực tế vào rất lâu trước đây con người vốn không sử dụng tiền mà họ trao đổi hàng hóa với nhau một cách ngang giá, ví dụ như nhà A chăn được dê, nhưng anh không thể ăn thịt dê mãi được, A muốn có cả gạo, thế là A đã đem con dê to nhất của mình sang nhà B, nhà B trồng rất nhiều lúa nhưng lại thiếu thịt. Hai người làm một cuộc trao đổi ngang giá một con dê đổi lấy nửa tạ gạo và ban đầu hai người rất ưng ý về cách trao đổi này. Thế nhưng sau một thời gian A cảm thấy mình bị thiệt, B cũng cảm thấy mình bị hố khi trao đổi như vậy, mâu thuẫn xảy ra, dẫn tới việc bắt buộc phải có một vật gì đó làm chuẩn mực thanh toán và tiền đã ra đời như thế. Càng về sau tiền càng trở nên quan trọng trong cuộc sống, khi đi đâu đó con người chỉ cần dắt túi một ít tiền là có thể thoải mái mua bán, chứ không cần phải mang vác quá nhiều vật phẩm. Dần dà dưới sự phát triển của thương mại, tiền trở thành vật ngang giá chung nắm vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người và của cả nền kinh tế, đặc biệt sự phân hóa giàu nghèo ngày càng diễn ra mạnh mẽ, với sự đãi ngộ khác biệt, người có tiền có thể hưởng dụng các dịch vụ tốt hơn và ngược lại khiến cho con người càng ý thức được tầm quan trọng của tiền. Bởi suy cho cùng nhu cầu cấp thấp nhất của con người là ăn, mặc, ở nếu như có tiền là có thể thỏa mãn chưa kể đến các nhu cầu bậc cao hơn. Ngoài ra, tiền còn là minh chứng cho thành tựu của một con người, khiến con người trở nên tự tin và vui vẻ hơn, một nữ minh tinh Trung Quốc mới nổi dạo gần đây có phát biểu rằng: "Tôi thường bị sa sút tinh thần khi nghe những bình luận ác ý của antifan, thế nhưng mỗi lần như vậy tôi sẽ lấy sổ tiết kiệm ra và nhìn số dư trong đó là lập tức tôi lại có thể vui vẻ ngay". Có thể nói rằng ngoài những do chính mà tôi vừa nêu ra thì còn có vô vàn những lý do khác để con người phấn đấu hết sức làm ra tiền bạc của cải trước là phục vụ bản thân, gia đình, sau nữa là phục vụ đất nước, phục vụ xã hội. Đặc biệt trong tình hình chính trị phức tạp như hiện nay, một dân số giàu, một đất nước có tiềm lực kinh tế vững mạnh vẫn có những ưu thế vượt trội hơn cả trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quốc gia.

Suy nghĩ một cách thật tích cực thì phấn đấu, nỗ lực hết mình dùng tài năng của bản thân để tạo ra của cải vật chất, để trở nên có vị thế trong xã hội đó là một việc làm đúng đắn, là một con đường mà dường như người trẻ nào cũng hướng tới. Chúng ta đang chạy đua với thời gian với sự phát triển không ngừng nghỉ của xã hội dường như lối sống quá Phật hệ, vô dục vô cầu sẽ khiến chúng ta khó có thể tồn tại. Ít nhất chúng ta cũng phải có một mục tiêu, một lý tưởng để hướng tới, mà theo tôi thấy lý tưởng nào rồi cũng quay về phục vụ cuộc sống, mà phục vụ cuộc sống thì cần tiền bạc, của cải, bởi vậy nên Tennessee Williams đã nói một câu rất thú vị rằng: "Bạn có thể trẻ mà không có tiền nhưng bạn không thể già mà thiếu nó đâu". Bạn biết đấy tổ chức nhân đạo cũng cần tiền để duy trì, tiền ấy có thể được chính phủ hỗ trợ hoặc được các nhà hảo tâm quyên góp, bạn có hai lựa chọn một là trở thành nhà quyên góp và hai là trở thành người nhận tiền quyên góp khi đã về già. Dù thế nào cuộc sống của bạn cũng sẽ liên quan đến tiền, vấn đề bạn chọn bản thân ở thế chủ động hay bị động mà thôi.

Và giờ đã đến lúc nói về mặt trái của đồng tiền, cha ông ta vẫn thường có câu nói "Được voi đòi tiên" để chỉ sự tham lam một cách quá đáng của con người trước những lợi ích có được, đặc biệt trong bài này tôi muốn nói đến lòng tham của con người với tiền bạc, sự ham muốn vô độ về tiền bạc đã khiến giá trị nhân cách của con người lâm vào sa đọa, thậm chí xuống đến âm vô cùng. Tôi nói có vẻ nghiêm trọng nhưng đó là sự thật, sức cám dỗ của tiền tài quá lớn, bởi nó giá trị của nó quá mức hấp dẫn, có tiền ta có một cuộc sống tốt hơn, ăn ngon mặc đẹp, dùng xa xỉ phẩm, được tôn trọng, được bợ đỡ nâng niu,... Thế nên đối với những người yếu lòng, tâm không đoan chính thì dễ đi vào cung đường tội lỗi hơn cả, họ bị tiền che mờ con mắt, mà bán rẻ lương tâm làm những việc thương thiên hại lý, mất hết nhân tính. Những vụ cướp của giết người man rợ, những vụ lừa đảo bạc tỷ, những vụ tham nhũng tới con số hàng nghìn tỷ toàn là tiền thuế mồ hôi nước mắt của nhân dân đã không ít lần là dư luận phải chao đảo. Kết quả của những con người bị đồng tiền che mắt chẳng bao giờ là tốt đẹp cả, không vào tù ra tội thì cũng bị tòa án lương tâm phán xét, nếu theo ý thức tâm linh thì còn có quả báo vẫn đang đợi họ. Tôi kể vụ gần đây nhất về một con người thông minh, nhạy bén trên thương trường nhưng tiếc rằng cái ham muốn kiếm tiền vô độ đã khiến anh ta đi lầm đường, Nguyễn Thái Luyện khởi nghiệp kinh doanh bất động sản từ năm 2016 với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng cho công ty của mình, đến nay số vốn điều lệ mà anh ta đăng ký đã lên tới 5600 tỷ đồng khiến nhiều nhiều người phải nể sợ. Nhưng sự thực là gì, đó chẳng qua là một vụ siêu lừa, anh ta vì muốn kiếm bộn lời mà đem rao bán trắng trợn những "dự án ma" không hề có thực, để lừa đảo vô số người. Sự việc vỡ lở Luyện phải hầu tòa, với mức án chưa xác định, nhưng có lẽ bản án lương tâm đã có sẵn rồi, sự sa đọa về tâm hồn, mặt trái của đồng tiền đã biến một con người nhanh nhạy, thông minh thành một kẻ lừa đảo không hơn không kém tất cả chỉ bởi vì lòng tham.

Đó là một ví dụ, tôi lại nêu lên một thực trạng tiếp cũng là sự ham muốn vô độ về tiền bạc, nhưng nó ở khía cạnh cá nhân hơn, hiện nay một bộ phận giới trẻ dường như coi đồng tiền là tất cả, tiền quan trọng hơn tình thân, tình yêu, tình bạn, họ quay cuồng trong việc kiếm tiền và bỏ qua tất cả những giá trị tinh thần khác, dần đà con người bỗng trở nên lạnh lùng vô cảm, giống như chính cái mà họ đang theo đuổi - đồng tiền. Một người phụ nữ trẻ đẹp có thể sẵn sàng rời bỏ người yêu mình thật lòng lấy người đàn ông mà cô ta không yêu chỉ vì anh/ông ta lắm tiền, chỉ để thỏa mãn cái hư vinh sống trong nhung lụa mà không phải lao động vất vả. Tôi gọi vậy là bán tình yêu, có lẽ tâm hồn ấy cũng chẳng thiết tha đến những tình cảm chân thành nữa, tiền có thể mua được tất cả, bao gồm xúc cảm. Hoặc một người nông dân sẵn sàng tiêm những loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại vào nông phẩm của mình cho chúng được tươi ngon, bắt mắt để đem đi bán cho những người khác nữa. Tôi gọi đó là hành vi bán rẻ lương tâm, là giết người một cách lặng lẽ, ai cũng có cuộc sống khốn khó vất vả, bạn kiếm tiền khó khăn, thì người khác cũng vậy, thế nhưng họ lại có thể sẵn sàng vì một vốn bốn lời mà làm ra những chuyện khó có thể chấp nhận thì tôi cho rằng đây là sự sa đọa nghiêm trọng trong nhân cách và tâm hồn.

Nhưng tôi nghĩ rằng phấn đấu để cho mình một cuộc sống tốt hơn là đúng, nhưng ít ra bạn cũng nên giữ lại cho mình một tâm hồn tươi đẹp, đừng để những cái tiêu cực của đồng tiền làm lạnh lẽo, sa đọa. Bạn hãy nhìn xem các tỉ phú nổi tiếng họ có khối tài sản hàng triệu đô, hàng nghìn tỷ đồng, họ có ham muốn làm giàu và phát triển tập đoàn một cách mãnh liệt, nhưng họ vẫn giữ cho mình một tâm hồn tốt đẹp và ngày càng sâu sắc. Họ bắt đầu hướng đến những mục tiêu cao cả hơn, vĩ mô hơn ví như tỉ phú Phạm Nhật Vượng cùng tập đoàn Vingroup với sứ mệnh: "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt". Còn với thế hệ trẻ như chúng ta hãy cố gắng hết mình cho cuộc sống bằng những con đường đúng đắn, tiền kiếm bao nhiêu cũng không bao giờ là nhiều, quan trọng là bản thân chúng ta thấy đủ và cảm thấy hạnh phúc vì điều ấy. Hãy nhớ rằng: "Tiền là phương tiện của những người thông minh nhưng tiền là mục tiêu của những kẻ ngu ngốc".

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tiền bạc có vẻ rất quan trọng nhưng những giá trị tinh thần khác cũng quan trọng không kém, đặc biệt là giá trị nội tại của bản thân. Vì tiền mà bất chấp tất cả là một hành vi ngu xuẩn, hãy nhớ rằng: "Tiền là phương tiện của những người thông minh nhưng tiền là mục tiêu của những kẻ ngu ngốc".

------------------HẾT---------------------

Trên đây chúng tôi đã giới thiệu bài Nghị luận về câu nói: Sự ham muốn vô độ về tiền bạ sẽ đẩy con người vào chỗ sa đoạ về tâm hồn, bên cạnh đó các bạn có thể tham khảo thêm: Nghị luận về câu nói Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại, Nghị luận về câu nói Một quyển sách tổ là một người bạn hiền, Nghị luận xã hội về lẽ sống đẹp ở đời qua câu nói: Ôi, sống đẹp là thế nào hỡi bạn, Nghị luận xã hội về câu nói: Hãy luôn hướng về phía mặt trời bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn.

Thói tham lam tiền tài danh lợi vốn là thói xấu của con người không chỉ ảnh hưởng đến nhân cách mà còn có tác động xấu đến tâm hồn của mỗi chúng ta, các bạn cùng đón đọc bài văn nghị luận về câu nói: Sự ham muốn vô độ về tiền bạc sẽ đẩy con người vào chỗ sa đoạ về tâm hồn để hiểu hơn về vấn đề nghị luận này.

ĐỌC NHIỀU