Đề bài: Nghị luận về câu nói Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
1. Mở bài
- Dẫn dắt vào vấn đề nghị luận: tình yêu thương, sự sẻ chia.
- Giới thiệu và khái quát vấn đề nghị luận: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"
2. Thân bài
a. Giải thích nội dung câu nói
- "Sống" là trạng thái tồn tại, khẳng định giá trị, ý nghĩa của con người.
- "cho" là hành động trao đi, đồng thời ẩn dụ cho sự quan tâm, sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của con người.
- "nhận" là nhận được sự yêu thương, sự quan tâm từ người khác.
- Câu nói "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" đã thể hiện quan niệm về lẽ sống cao đẹp: trong hành trình tồn tại và khẳng định giá trị bản thân, con người không chỉ nhận được sự quan tâm của người khác mà còn sẵn sàng cho đi, trao đi yêu thương và cống hiến cho cuộc đời.
b. Bàn luận, chứng minh về vấn đề nghị luận
- "Cho" - trao đi yêu thương là một trong những biểu hiện của tinh thần nhân văn, nhân đạo cao đẹp, thể hiện qua những hành động quan tâm, sẻ chia:
+ Đồng cảm trước nỗi đau, sự bất hạnh của người khác.
+ Quan tâm, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những số phận khó khăn, nghịch cảnh
+ Là biểu hiện của truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam qua nhiều thế hệ.
- Con người cần biết trao đi, san sẻ tình yêu thương vì:
+ Khi biết trao đi yêu thương, con người sẽ tự tạo ra sự hạnh phúc, vui vẻ cho chính mình.
+ Khi quan tâm, sẻ chia, chúng ta sẽ nhận lại sự kính trọng cùng tình cảm yêu thương từ những người xung quanh.
c. Lật lại vấn đề
- Trong cuộc sống vẫn còn tồn tại một số cá nhân có lối sống vị kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết quan tâm đến lợi ích cá nhân.
- Bên cạnh đó, không ít người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác.
d. Bài học nhận thức và hành động
- Chúng ta cần xác lập lẽ sống cao đẹp của sự cống hiến, "một người vì mọi người".
- Biết trao đi, san sẻ tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ người khác bằng những hành động thiết thực.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của vấn đề nghị luận.
"Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em có biết không
Để gió cuốn đi"
Những câu ca bình di, thân thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gợi nhắc ý nghĩa sâu sắc về lối sống sẻ chia, quan tâm trong mối quan hệ giữa người với người. Bàn về vấn đề này, nhà thơ Tố Hữu từng nói: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Câu nói đã thể hiện bài học nhân văn cao đẹp về lẽ sống yêu thương, san sẻ của con người.
Như chúng ta đã biết, "sống" không chỉ là trạng thái tồn tại, mà còn là hành trình khẳng định ý nghĩa, giá trị tồn tại của mỗi một con người. "Cho" là hành động trao đi, đồng thời ẩn dụ cho sự quan tâm, sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của con người; còn "nhận" là nhận được sự yêu thương, sự quan tâm từ người khác. Như vậy, thông qua việc nêu lên mối quan hệ khăng khít giữa "cho" và "nhận", câu nói đã thể hiện quan niệm về lẽ sống cao đẹp: trong hành trình tồn tại và khẳng định giá trị bản thân, con người không chỉ nhận được sự quan tâm của người khác mà còn sẵn sàng cho đi, trao đi yêu thương và cống hiến cho cuộc đời.
Như chúng ta đã biết, trao đi yêu thương là một trong những biểu hiện của tinh thần nhân văn, nhân đạo cao đẹp, thể hiện qua những hành động quan tâm, sẻ chia. Đó là sự đồng cảm trước nỗi đau, sự bất hạnh của người khác, là sự quan tâm, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những số phận khó khăn, nghịch cảnh. Lối sống cống hiến cũng chính là biểu hiện của truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam qua nhiều thế hệ. Từ xưa đến nay, những hoạt động thiết thực như quyên góp, ủng hộ cùng những chương trình xã hội hóa tình thương như: "Trái tim cho em", "Tết ấm tình thương",... Khi biết trao đi yêu thương, con người sẽ tự tạo ra sự hạnh phúc, vui vẻ cho chính mình, bởi "Tình yêu thương là hạnh phúc của con người''. Đặc biệt, biết quan tâm, sẻ chia, chúng ta sẽ nhận lại sự kính trọng cùng tình cảm yêu thương từ những người xung quanh. Cuộc đời cao cả, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương ngời sáng của lẽ sống "cho đi" cao đẹp. Vì lí tưởng giải phóng dân tộc, Người đã hi sinh, cống hiến để lãnh đạo nhân dân ta đập tan xiềng xích nô lệ.
Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn tồn tại không ít người có lối sống vị kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết quan tâm đến lợi ích cá nhân, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của người khác để đạt được mục đích của bản thân. Bên cạnh đó, không ít người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Họ không biết trao đi yêu thương mà chỉ sống trong chiếc vỏ bọc của sự vô tâm, tàn nhẫn, ích kỉ. Đó là những hành vi cần bị lên án, phê phán trong xã hội.
Như vậy, để phát huy, lan tỏa những giá trị cao đẹp của lẽ sống cống hiến "mình vì mọi người", chúng ta cần xác lập lí tưởng sống đúng đắn, tích cực. Biết trao đi, san sẻ tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ người khác bằng những hành động thiết thực, bởi "Tình yêu thương là thứ duy nhất nhân lên khi ta chia sẻ nó". Là học sinh, chúng ta cần quan tâm đến những người xung quanh, tích cực tham gia vào các hoạt động quyên góp, ủng hộ để lan tỏa sức mạnh của sự yêu thương.
Câu nói "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" đã thể hiện một quan điểm đúng đắn về lẽ sống trao đi, san sẻ tình yêu thương và cống hiến cao đẹp trong mối quan hệ giữa người với người. Hãy để ngọn lửa ấm áp của tinh thần sẻ chia luôn tỏa sáng trong trái tim mỗi một con người, bởi "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương".
=> Xem thêm nhiều bài văn mẫu khác tại Nghị luận về câu nói Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
-----------------HẾT------------------
"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" là một trong những câu nói nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu về lẽ sống cống hiến, hi sinh và sự san sẻ. Bên cạnh bài văn mẫu Nghị luận về câu nói "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" trên đây, các em có thể tìm đọc thêm: Nghị luận về lối sống người Việt khôn khéo hay khôn vặt, Nghị luận xã hội: Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn, Nghị luận xã hội bàn về Cho và Nhận trong cuộc sống, Nghị luận xã hội về sự sẻ chia trong cuộc sống.