1. Mở bài:
- Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Cách nhìn nhận đánh giá người khác
2. Thân bài:
a) Giải thích:
- Nhìn nhận: soi xét lại từ đầu đến cuối xem có bỏ sót yếu tố nào không.
- Đánh giá: nhận định lại giá trị của một vấn đề cụ thể.
- Nhìn nhận, đánh giá tốt: nhìn vào những ưu điểm của người khác để khen ngợi, chỉ ra những thiếu sót để đối phương cải thiện, cố gắng phát triển; không cười nhạo những khuyết điểm của người khác.
- Nhìn nhận đánh giá xấu: Cố ý "bới lông tìm vết" những khuyết điểm của người khác để chì chiết, nói xấu. Không hoặc rất ít công nhận những mặt tốt của đối phương.
b) Thực trạng:
- Con người hiện nay đa số đều sống vội nên ít dành thời gian cho nhau. Việc đánh giá, nhận xét một người dễ xảy ra sai lầm, chưa chính xác.
- Rất nhiều vấn đề riêng tư của con người bị đưa lên mạng xã hội => Có quá nhiều người đưa ra đánh giá, nhận xét phiến diện dựa trên cảm quan cá nhân.
- Có rất nhiều người chưa biết đánh giá, nhận xét khách quan mà biến nó thành cái nhìn xét nét, soi mói, chì chiết đối phương.
c) Hệ quả:
- Người có cách nhìn, đánh giá xấu, phiến diện:
+ Là người nông cạn, thiếu tinh tế, kém hiểu biết.
+ Dần trở nên tiêu cực, sân si.
+ Bị mọi người xa lánh.
- Người có cách nhìn, cách đánh giá khách quan, thẳng thắn:
+ Là người có suy nghĩ thông minh, đa chiều
+ Là người tốt bụng, có mục đích tốt giúp mọi người phát triển
- Người nghe được lời nhận xét:
+ Lời nhận xét không có thiện chí sẽ khiến cho con người tự ti, xấu hổ.
+ Lời nhận xét mang tính góp ý sẽ giúp con người nhìn ra được khuyết điểm của bản thân, phát triển tích cực hơn
d) Bài học nhận thức và hành động:
- Nhận thức:
+ Cần đưa ra lời khuyên, lời nhận xét đúng đắn, thẳng thắn, khách quan.
+ Tránh những lời nhận xét mang ý tiêu cực, phán xét.
- Hành động: Tập nhìn nhận, đánh giá người khác đúng cách.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về cách nhìn nhận, đánh giá người khác.
Con người trong xã hội hiện đại đang sống quá nhanh. Áp lực cuộc sống khiến ta muốn tìm một phương thức để giải tỏa. Vài người đã dùng cách nhận xét, đánh giá người khác nhằm dìm đối phương xuống, nâng bản thân mình lên để có cảm giác thỏa mãn và thành công. Đây là cách nhìn nhận, đánh giá xấu hay nói đúng hơn là phán xét, cố ý "bới lông tìm vết" để chì chiết, nói xấu, không chịu công nhận thành tựu của đối phương. Hành động này mang đến cho người nghe nhận xét rất nhiều tổn thương, khiến họ tự ti về bản thân. Và chính người đánh giá, phán xét cũng nhận lại cho mình không ít hệ quả xấu. Vì luôn chăm chăm nhìn vào những điều không tốt nên dần dần những người nhận xét cũng quen với cái nhìn tiêu cực, suy nghĩ bi quan. Điều đó sẽ ngăn cản quá trình tự phát triển bản thân, làm họ bị chìm vào vũng lầy của những thành kiến xấu xa, khiến mọi người dần xa lánh. Việc đánh giá, nhận xét không đúng về người khác cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết, nông cạn và thiếu tinh tế. Xã hội văn minh, con người cũng nên thay đổi sao cho xứng tầm với sự phát triển đó. Hãy ngưng đánh giá người khác một cách phiến diện bởi vì "Phán xét người khác không định hình con người họ. Nó định hình con người bạn." Hãy nhìn nhận người khác một cách thẳng thắn, khách quan. Đó mới là cách giúp cho chính bản thân chúng ta phát triển và hoàn thiện hơn.
-------------------------------------------
Em hãy thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để tham khảo thêm các bài văn khác nhé: Nghị luận Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới, Nghị luận về tình cảm gia đình, Nghị luận về phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, Nghị luận về sự sẻ chia.....
Cuộc sống ngày nay có mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu con người không thường xuyên nhìn nhận và thay đổi bản thân mình để thích ứng với thời đại thì sẽ dễ bị đào thải. Nhưng chúng ta khó có thể tự đánh giá bản thân một cách toàn diện nên cần người có cách nhìn nhận khách quan, đúng đắn giúp đỡ. Đây là sự đánh giá một cách thiện chí và thẳng thắn. Những người có cái nhìn khách quan thường là người có nhân cách đẹp. Họ đánh giá người khác với mong muốn đối phương nhận ra để thay đổi, nâng cao tư duy và hành động, cải thiện lối sống. Để làm được điều này, họ phải là người thông minh, biết nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, có tư duy, có chiều sâu. Chúng ta có thể gặp những người như vậy ở bất cứ đâu Đó có thể chính là bố mẹ đang dạy bảo chúng ta về cách ứng xử trong cuộc sống; là thầy cô đang nhắc nhở, răn đe người học trò đã phạm sai lầm; là những người bạn chỉ ra điểm chưa tốt trong lối sống để ta thay đổi,... Tuy cách truyền đạt có thể khác nhau nhưng mỗi lời nhận xét, nhắc nhở đó đều như một món quà, giúp ta cải thiện bản thân từng ngày. Cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, khách quan thúc đẩy sự phát triển của chính bạn và mọi người xung quanh. Vậy nên hãy giữ thái độ công tâm, tích cực khi nhận xét người khác bạn nhé.
Thế giới muôn màu muôn vẻ nhưng chẳng có ai là hoàn hảo, ai cũng có khuyết điểm cần phải sửa đổi. Khuyết điểm đó có thể nằm ở ngoại hình, cũng có thể là ở tính cách, lối sống,... Vậy nên chúng ta cần phải học cách nhìn nhận, đánh giá con người đúng đắn, khách quan để có thể nhận xét, góp ý cho mọi người xung quanh và cho chính bản thân mình.
Nhìn nhận là soi xét cụ thể một khía cạnh từ đầu đến cuối còn đánh giá là nhận định lại giá trị của một vấn đề. Nhìn nhận, đánh giá người khác chính là xem xét tất cả các khía cạnh ngoại hình, hành động, lời nói, tính cách,... xem có điều gì chưa tốt cần phải chỉnh sửa không. Sau đó góp ý, nhận xét để người nghe tìm cách cải thiện, phát triển bản thân.
Con người trong xã hội hiện đại sống quá nhanh, chạy theo những giá trị ảo. Thế nên những lời nhận xét, đánh giá cũng không được xem xét kĩ lưỡng trong một thời gian đủ dài. Thông thường, chỉ mới nhìn thấy một câu chuyện, một hành động trên mạng xã hội hoặc thậm chí là dựa trên ngoại hình thì cộng đồng mạng đã bắt đầu đánh giá anh này không tốt, cô kia không đẹp. Từ đó dẫn đến thói quen bao đồng, phán xét, dựng chuyện. Điều này không hề có tác động tích cực mà thậm chí còn gây nên nhiều tổn thương cho người bị phán xét, khiến họ trở nên xấu hổ, tự ti, không dám nhìn mặt ai. Ngoài ra, con người còn thường có tâm lí ưa thích hoặc không ưa thích mà tiềm thức đưa ra tín hiệu ở lần gặp gỡ đầu tiên giữa người với người. Điều đó khiến những nhận xét, đánh giá bị ảnh hưởng, không còn được khách quan và chính xác nữa.
Việc đánh giá, nhận xét người khác khi chưa có thời gian tiếp xúc đủ lâu sẽ gây cho ta nhiều cái nhìn tiêu cực, khiến ta dần trở nên xấu tính, bị mọi người xa lánh. Ta chỉ nên nhận xét, đánh giá người khác khi đã có sự hiểu biết nhất định về đối phương, có thời gian tiếp xúc đủ lâu. Cách nhìn nhận khi đó mới là thẳng thắn và khách quan nhất. Hãy tập thói quen suy nghĩ tích cực, đồng cảm, chia sẻ với người khác, bạn sẽ dần dần nhận thấy sự khác biệt trong cái nhìn của bản thân về cuộc sống.
Nhìn nhận, đánh giá người khác không hề xấu. Mục đích ban đầu của điều đó là cao cả và tốt đẹp. Thế nhưng nhiều người lại biến nó thành sự phán xét, chì chiết người khác, cản trở sự phát triển của xã hội. Vậy nên, mỗi cá nhân hãy có cách nhìn nhận, đánh giá người khác thật khách quan, đúng đắn để thể hiện phần văn minh, lịch sự của bản thân.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Việc nhìn nhận, đánh giá người khác một cách khách quan, phù hợp sẽ thể giúp con người phát triển toàn diện và trở nên tốt hơn.