1. Mở bài:
- Dẫn dắt và nêu khái quát về vấn đề cần nghị luận.
- Đưa ra quan điểm cá nhân: Trải nghiệm bổ ích giúp con người tiến bộ hơn là thất bại.
2. Thân bài:
a, Phân tích những ảnh hưởng tích cực của sự thất bại đến việc thành công của con người:
- Thất bại giúp con người có được những bài học, kinh nghiệm đáng quý:
+ Đem đến nhiều bài học kinh nghiệm cần thiết trong cuộc sống.
+ Giúp con người nhận ra lỗi sai và sửa đổi.
- Thất bại đem tới cho con người động lực để vượt qua khó khăn:
+ Khiến con người ngày càng cố gắng, nỗ lực hơn.
+ Khiến cho thành công đạt được trở nên ý nghĩa hơn.
- Thất bại rèn luyện ý chí và thái độ sống cho con người:
+ Tôi luyện sự bền bỉ, không chịu khuất phục trước khó khăn.
+ Rèn luyện đức tính khiêm tốn.
+ Trau dồi thái độ cầu tiến, không ngại gian khổ.
b, Liên hệ thực tế: Rất nhiều tấm gương nỗ lực, vượt qua vô số thất bại để đạt được thành công:
- Tỉ phú Jack Ma từng 2 lần trượt đại học, 10 lần bị Harvard từ chối, 30 lần phỏng vấn xin việc thất bại trước khi gây dựng lên đế chế Alibaba.
- Walt Disney từng nhận 302 lời từ chối.
- Bậc thầy tiểu thuyết kinh dị Stephen King từng bị từ chối 30 lần.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại quan điểm của bản thân về vấn đề cần nghị luận.
- Liên hệ mở rộng.
Thành công và thất bại luôn gắn liền với nhau như hai mặt của đồng xu. Nhờ đó mà mỗi cá nhân mới có thêm nhiều bài học bổ ích trên con đường tiến bước tới thành công. Tuy vậy, trong hai yếu tố, sự thất bại mới thực sự mang đến trải nghiệm đáng quý, giúp con người tiến bộ và trưởng thành hơn từng ngày.
Dễ thấy, việc thất bại đem tới cho mỗi cá nhân những bài học kinh nghiệm quý giá. Đã là con người thì không ai hoàn hảo. Ai cũng sẽ có lỗi sai, khuyết điểm cần được phát hiện và sửa đổi. Chính vì vậy, khi không thành công ở một việc bất kì, con người sẽ có thể ngồi lại ngẫm nghĩ, nghiên cứu để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Từ đó, cải thiện và phát triển từng ngày.
Sự thất bại còn tạo động lực, là bàn đạp để con người vươn tới thành công. Ai cũng có mong muốn, khát khao được chứng minh bản thân. Vậy nên việc làm sai, làm chưa chuẩn sẽ giúp họ có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề. Nhờ vậy, họ có thêm động lực để học hỏi và không ngừng cố gắng. Sự thành công cũng từ đó mà trở nên có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Không chỉ vậy, việc thất bại còn giúp con người rèn luyện ý chí và thái độ sống. Thành công đem đến niềm vui, sự thỏa mãn. Còn thất bại thì ngược lại. Con người rất dễ rơi vào bi quan, nghi ngờ năng lực của bản thân. Nhưng đó cũng là một yếu tố quan trọng để mỗi cá nhân rèn luyện sự bền bỉ, đức tính khiêm tốn, thái độ cầu tiến, không ngại gian khổ,... Nhờ đó mà họ ngày một hoàn thiện hơn, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Trên thế giới, có rất nhiều danh nhân đi lên từ thất bại. Ông Walt Disney - chủ hãng phim hoạt hình đình đám cùng tên, đã từng phải nhận đến 302 lời từ chối. Hay ông Soichiro Honda đã gần như bỏ qua lĩnh vực xe cộ khi công ti của mình bị phá hủy trong thế chiến thứ hai. Đến ngay cả Steve Jobs còn từng bị chính Apple sa thải bởi những dự án bị coi là "không có tính khả thi". Tất cả những người đó đều học hỏi từ chính thất bại của bản thân, không ngừng nỗ lực để cải thiện và tiến bộ. Từ đó, làm nên những thành tựu vô giá cho nhân loại.
Tựu chung lại, thất bại chính là yếu tố không thể thiếu trên đường trưởng thành của con người. Tuy nhiên, mỗi cá nhân cần rèn luyện cho mình sự dũng cảm, thái độ cầu tiến, không ngừng nỗ lực để vượt qua sự bi quan, tiêu cực. Có như vậy thì thành công mới tiến đến với họ một cách thuận lợi nhất.
Mời em tham khảo thêm các mẫu khác trên Taimienphi.vn như: Có ý kiến cho rằng sống trải nghiệm là lối sống rất cần thiết với giới trẻ hiện nay lớp 7; Nghị luận về Vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương.
Người xưa có câu: "Thất bại là mẹ thành công". Sự thành công là thứ mà ai cũng muốn hướng đến. Nhưng nếu không có thất bại, con người làm sao có thể trưởng thành và hoàn thiện được bản thân. Vậy nên, đối với nhân loại, sự thất bại chính là trải nghiệm quý giá và vô cùng bổ ích.
Trước hết, sự thất bại đem đến cho con người những kinh nghiệm và bài học đáng quý. Khi một việc gì đó có kết quả không như mong đợi, ta sẽ phải nhìn nhận lại những việc đã làm, quan sát quá trình của nó và tìm ra lỗ hổng. Đó có thể là sự bất cẩn, có thể là sai sót về kiến thức, cũng có thể là một nguyên do ngoài ý muốn. Ta lật lại vấn đề một lần cũng là học lại một lần, vừa giúp tìm ra lỗ hổng cần lấp, vừa có thể có cơ hội tìm ra được một phương pháp mới, một hướng đi mới để tiến gần hơn đến kết quả mong đợi. Có thể việc đó sẽ tốn thời gian, công sức, cũng có thể chưa đạt được thành công ngay nhưng nó là những bài học, những kinh nghiệm để ta dần dần hoàn thiện hơn trong cuộc sống.
Sự thất bại còn đem tới cho con người động lực, trở thành bàn đạp để vươn tới thành công. Thay vì chìm đắm trong hào quang của sự thành công, thất bại sẽ khiến cho ta phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Khi ta đã dồn công sức và biết bao tâm huyết vào một việc nhưng kết quả nhận lại không được như mong muốn, ta sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng và tiêu cực. Nhưng một khi nhận ra vấn đề, vượt qua được những sự bi quan đó, ta sẽ càng cố gắng hơn gấp nhiều lần để đạt được mục tiêu. Đến lúc đó, với kinh nghiệm thu được từ trước cùng tinh thần quyết tâm không chịu lùi bước, thành công sẽ đến với chúng ta theo đúng những gì được mong đợi.
Ngoài ra, sự thất bại còn giúp con người rèn luyện bản lĩnh, chấn chỉnh thái độ sống sao cho phù hợp. Thành công đem đến niềm vui, vậy nên con người sẽ có thể bị chủ quan, tự cao, dần dần ngủ quên trên chiến thắng, bỏ qua việc rèn luyện bản thân mình. Nhưng sự thất bại sẽ khiến con người phải suy ngẫm, tự xem xét lại bản thân, từ đó thay đổi từng ngày, phát triển và hoàn thiện bản thân mình qua mỗi lần vấp ngã. Nó sẽ dạy cho ta một trong những đức tính quý báu nhất của con người: khiêm tốn. Chỉ có khiêm tốn thì ta mới sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ những đánh giá, góp ý của người khác, biến nó thành những kiến thức phục vụ cho bản thân mình. Ta sẽ không ngần ngại khó khăn, không sợ hãi trước những rủi ro có thể xảy ra mà mạnh mẽ, vững vàng tiến về phía trước.
Trên thực tế, đã có rất nhiều tấm gương người nổi tiếng từng trải qua muôn vàn thất bại mới đến được với thành công. Tỉ phú Jack Ma đã từng hai lần trượt đại học, 10 lần bị Đại học Harvard danh tiếng từ chối, 30 lần thất bại khi đi phỏng vấn xin việc. Nhưng chính nhờ những kinh nghiệm quý báu ấy, ông đã nỗ lực không ngừng để tiến bước, thành lập nên đế chế Alibaba cho riêng mình. Chính ông cũng từng chia sẻ: "Thất bại chính là tài sản quý giá nhất của thành công", "Thất bại càng nhiều càng chứng tỏ, bạn còn cách thành công không xa nữa đâu". Hay như "bậc thầy kinh dị" Stephen King từng bị các nhà xuất bản từ chối đến 30 lần, ban nhạc The Beatles huyền thoại từng bị nhiều công ti thu âm từ chối trong giai đoạn đầu sự nghiệp,... Tất cả đều là bàn đạp cho những thành công vang dội của họ sau này. Chính những câu chuyện trên đã mang vô số bài học ý nghĩa tới các thế hệ sau về giá trị của việc thất bại.
Để có thể hoàn thiện bản thân, ta cần phải học rất nhiều bài học về kiến thức, kinh nghiệm và cả về tinh thần trên con đường trưởng thành. Ta cần phải biết cách cân bằng cuộc sống, không nên quá tự cao khi thành công cũng như không quá bi quan khi gặp khó khăn, thất bại. Hãy cứ tin tưởng vào bản thân mình, vững vàng đứng dậy sau thất bại và ta sẽ có thể gặt hái được những kết quả, thành tựu xứng đáng.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Thành công và thất bại đều mang đến cho con người ý nghĩa, bài học quý giá theo những cách khác nhau. Em đừng quên đưa thêm các dẫn chứng thực tế để bài viết Nghị luận Thành công và thất bại, mặt nào mới là trải nghiệm bổ ích giúp con người tiến bộ của mình thêm thuyết phục nhé.