Khi tham gia giao thông, người điều khiển ôtô, xe máy cần phải chấp hành đúng luật lệ giao thông và phải có bằng lái xe, giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Nếu thiếu giấy phép lái xe người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như sau.
Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người lái xe khi điều khiển xe phải mang theo các giấy tờ sau:
- Giấy đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe;
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của xe;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với một số xe theo quy định.
=> Theo quy định trên, giấy phép lái xe (bản chính) là giấy tờ mà người lái xe phải mang theo khi điều khiển xe. Trường hợp quên mang hoặc không có giấy phép lái xe đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
2.1. Đối với xe ô tô
- Quên mang giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 2 trăm - 4 trăm.
- Không có giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 10 triệu - 12 triệu (Mức cũ 4 triệu - 6 triệu)
và bị tạm giữ xe trước khi ra quyết định xử phạt.
Căn cứ: Khoản 3, Khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
2.2. Đối với xe mô tô, xe máy
- Quên mang giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 1 trăm - 2 trăm.
- Không có giấy phép lái xe:
Xe dưới 175 cm3: 1 triệu - 2 triệu (Mức cũ 800 nghìn - 1.2 triệu)
Xe từ 175cm3 trở lên: 4 triệu - 5 triệu (Mức cũ: 3 triệu - 4 triệu)
Căn cứ: Khoản 2, 5, 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
3.1 Quên mang giấy phép lái xe có bị tạm giữ xe không?
Khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
Tại thời điểm kiểm tra, người lái xe máy không xuất trình được giấy phép lái xe theo quy định thì xử lý như sau:
- Lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi không có giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện theo quy định;
- Trong thời hạn hẹn đến giải quyết, nếu người vi phạm xuất trình được bằng lái xe thì sẽ bị xử phạt về lỗi không mang bằng lái xe. Nếu quá thời hạn mới xuất trình bằng lái xe hoặc không xuất trình được bằng lái xe thì bị phạt lỗi không có bằng lái xe.
=> Như vậy, tại thời điểm CSGT kiểm tra mà người điều khiển xe không xuất trình được giấy phép lái xe (vì quên mang) thì sẽ bị tạm giữ xe.
3.2 Thời hạn sử dụng của giấy phép lái xe
Theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì thời hạn giấy phép lái xe tùy theo các hạng như sau:
- Giấy phép hạng A1, A2, A3: Không có thời hạn.
- Giấy phép hạng A4, B2: Thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
- Giấy phép hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE: Thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
- Giấy phép hạng B1: Có thời hạn đến khi người lái xe nữ đủ 55 tuổi, người lái xe nam đủ 60 tuổi. Nếu người lái xe nữ trên 45 tuổi và người lái xe nam trên 50 tuổi thì giấy phép hạng B1 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
Trên đây là thông tin về mức phạt khi quên mang hoặc không có giấy phép lái xe theo quy định mới nhất. Người tham gia giao thông lưu ý quy định về giấy phép lái xe để thực hiện đúng và tránh bị xử phạt.