Hình ảnh người nông dân qua Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Đề bài: Hình ảnh người nông dân qua Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Văn mẫu phân tích hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc hay, tuyển chọn

Bài làm:

Mẹo Phương pháp phân tích đoạn thơ hay, chuẩn cấu trúc

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ đầu tiên ở Nam kỳ có những sáng tác nổi tiếng bằng chữ Nôm, trước khi thực dân Pháp xâm lược văn chương của ông chủ yếu viết về những lý tưởng cao đẹp, về đạo lý làm người, mong ước một cuộc sống mà ở đó con người đối xử với nhau bằng tình nghĩa, đạo đức, tiêu biểu như truyện thơ Lục Vân Tiên và Dương Từ - Hà Mậu. Đến giai đoạn sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông chuyển qua viết về đề tài yêu nước, cổ vũ, ủng hộ phong trào đấu tranh chống thực dân với nhiều tác phẩm xuất sắc cả về giá trị nội dung và tư tưởng, tiêu biểu nhất phải kể đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Trong tác phẩm này, hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ đã hiện lên một cách rõ nét, hào hùng và bi tráng trên từng vần thơ.

Hình ảnh người nông dân, người nghĩa sĩ bắt đầu hiện lên với câu "Nhớ linh xưa", Nguyễn Đình Chiểu đã ngược dòng thời gian hồi tưởng về quá khứ, nhớ về nguồn gốc của những người nông dân Việt Nam, người nghĩa sĩ đã hi sinh trong thời kỳ Pháp thuộc. Nông dân vốn chỉ biết lặng lẽ, âm thầm gắn bó với ruộng lúa, trâu cày, "Côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó", được bữa hôm nay lại phải nghĩ tới ngày mai, cuộc sống cơ cực bần hàn. Bởi vậy có ai biết thế nào là "cung ngựa", "trường nhung", miếng ăn miếng mặc chưa xong, những việc cưỡi ngựa, luyện võ quả thật chẳng ai còn dám nghĩ tới, suốt cả cuộc đời họ chỉ biết quanh quẩn ruộng đồng, làng bộ, chưa bao giờ nghĩ xa xôi, bàn thế sự. Đối với người nông dân những công việc tay chân đồng áng thì như đã ăn sâu và máu, nhắm mắt cũng vẫn làm được, còn với những việc nhà binh, đao thương, kiếm mác họ chưa từng được thấy bao giờ. Ấy thế mà khi nghe tin dữ có giặc ngoại xâm, người nông dân chỉ biết trông chờ vào tin quan phụ mẫu cả 3 năm trời, nhưng rồi lại chẳng thấy tăm hơi, sự nhiễu loạn của thực dân khiến người nông dân căm hận thấu xương tựa như "nhà nông ghét cỏ". Mối căm tức ấy thể hiện một cách mạnh mẽ và đậm chất dân dã như "muốn tới ăn gan", "muốn ra cắn cổ". Dù chưa bao giờ tham dự chuyện chính sự thế nhưng tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước sâu sắc vẫn luôn tồn tại trong tâm hồn mỗi người dân quê, "Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình, chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc sức ra tay bộ hổ", người nông dân lập tức đồng lòng đứng lên, trở thành những người nghĩa sĩ anh hùng xin ra sức giết giặc, rửa sạch non sông, tất cả đều dựa trên tinh thần tự giác cùng lòng yêu quê hương, mối căm thù sự nhũng nhiễu của quân thực dân sâu sắc.

Nhưng chuyện chiến đấu há phải dễ dàng, người nông dân vốn quen chuyện ruộng đồng nay động binh đao hẳn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, bởi họ không được huấn luyện bài bản, không có võ nghệ phòng thân, đầu óc cũng chưa biết thế nào là binh thư, vậy những người nghĩa sĩ ấy sẽ phải chiến đấu làm sao? Chẳng trách Nguyễn Đình Chiểu đã phải thương xót mà than một câu "Khá thương thay!". Thay vì được trang bị đầy đủ thì người nông dân lại bước ra chiến đấu với những trang bị vô cùng sơ sài, vũ khí thô sơ mà chưa từng chứng kiến ở một đội quân nào, "Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ", hình ảnh người nông dân áo vải, tay cầm gậy tầm vông xông pha giết giặc quả thật khiến người ta đau xót, cũng cảm phục tấm lòng dũng cảm, thiện chiến hi sinh hết lòng vì dân tộc dù tay không một tấc sắt đàng hoàng, thử hỏi dũng khí ấy đội quân của triều đình nơi xa xôi có được hay không? Thế nhưng, đội quân áo vải ấy đã làm được điều mà khiến người ta phải nể phục, khiến quân thù phải e dè, người nông dân tận dụng tất cả những gì mình có để đánh giặc từ rơm rạ, đến cả dao phay: "Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ." Tinh thần thiện chiến, đoàn kết của người nông dân nghĩa sĩ chẳng cần trống, cờ rầm rộ thúc giục, họ cứ phăm phăm tiến về phía trước, trong mắt chỉ có một ý chí duy nhất là giết thứ giặc cỏ xâm lược, đầy khí thế và hào hùng. Trong mắt những con người anh hùng ấy giờ đây chẳng còn bận tâm đến súng đạn của giặc, tâm hồn họ đã hóa sắt thép, thân thể họ đã trở nên liều hơn tất cả, chẳng cần một chiêu thức võ nghệ hay vũ khí nào cả, chỉ cần thấy giặc là giết không tha "Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.". Khí thế ấy của nghĩa quân khiến quân giặc ấy thấy mà khiếp đảm, chưa từng thấy một đội quân nào liều lĩnh đến vậy.

Thế nhưng thật đau buồn, bởi cho dù khí thế có mạnh mẽ, nghĩa quân có anh dũng đến bao nhiêu cũng chẳng thể tránh khỏi tội thương vong "Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ". Người nông dân nghĩa sĩ đã nằm xuống vì súng đạn của giặc, vì lòng yêu quê hương đất nước, vì lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, tất cả những điều ấy đã khiến cho sự hi sinh của người nông dân thành một bản anh hùng ca bất diệt bi tráng, cảm xúc ở đây mang nặng sự bi thương nhưng không hề bi lụy, thêm vào đó là lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn, ghi tạc sâu sắc công lao của những con người anh hùng, liều chết vì một đất nước thoát khỏi móng vuốt dơ bẩn của quân thù.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tác phẩm xuất sắc, là tiếng khóc đầy bi tráng của Nguyễn Đình Chiểu cho một thời kỳ lịch sử đen tối, đầy đau thương và vĩ đại của dân tộc, ở đó có những nghĩa sĩ Cần Giuộc anh hùng, hi sinh thân mình cho Tổ quốc mà tiền đề đó là tấm lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, họ chính là những tượng đài bất tử trong lòng nhân dân Việt Nam, mà chúng ta phải tưởng nhớ muôn đời.

---------------- Hết ----------------

Ngoài việc tham khảo bài văn phân tích hình ảnh người nông dân qua Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, thầy cô, các em học sinh có thể tham khảo thêm danh sách các bài văn hay lớp 11 khác như Quan niệm về người anh hùng trong Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc, Cảm nhận về bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Phân tích giá trị nghệ thuật đặc sắc của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần GiuộcTóm tắt bài Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc,...Hy vọng những gợi ý trong bài viết này sẽ mang đến nhiều ý tưởng thú vị để các em hoàn thành bài viết của mình.

Qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng thành công bức tượng đài về những người nghĩa sĩ nông dân vừa hùng tráng, vừa bi ai. Bài văn mẫu hình ảnh người nông dân qua Văn tế nghĩ sĩ Cần Giuộc sẽ góp phần tái hiện sinh động hơn những vẻ đẹp phẩm chất và lí tưởng của những người anh hùng vô danh này. Các em hãy cùng đón đọc nhé!
Vẻ đẹp của hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, một tượng đài nghệ thuật về người anh hùng nông dân
Phân tích hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Phân tích bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng những người nghĩa sĩ nông dân yêu nước
Phân tích bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Phân tích Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc để làm nổi bật tượng đài nghệ thuật bi tráng

ĐỌC NHIỀU