Hình ảnh miền Tây Bắc Tổ Quốc qua bài thơ Tây Tiến
Thơ Quang Dũng vừa có hơi hướng cổ điển vừa mới mẻ hiện đại. Ông có một hồn thơ tài hoa, tinh tế đa cảm. "Tây tiến" là bài thơ đặc sắc của Quang Dũng.
Bài thơ thành công một phần là là nhờ cách xây dựng hình tượng núi rừng Tây Bắc hùng vĩ diễm lệ.
Bài thơ được viết bằng 2 phong cách nghệ thuật chính đó là bút pháp tả thực và bút pháp lãng mạn, nhờ vậy thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng được hiện lên một cách chân thực. Đồng thời qua thủ pháp cường điệu, Quang Dũng đã tô đậm cái phi thường mới lạ dựng hình tượng nghệ thuật mĩ lệ.
Bài thơ được sáng tác trong cảm hứng như một thời chiến đấu oanh liệt của đoàn quân Tây Tiến đầu thời kì chống Pháp ở vùng biên giới Việt - Lào. Bài thơ dựng lên bức tranh núi rừng Tây Bắc trong niềm hoài niệm thiết tha. Đó là bức tranh núi rừng hùng vĩ dữ dội.
Những địa danh xuất hiện từ đầu bài thơ đưa người đọc vào không gian Tây Bắc như sông Mã, Sài Khao, Mường Lát gợi không khí núi rừng xa xôi lạ lẫm.
Quang Dũng sử dụng một loạt hình ảnh dựng lên khung cảnh rừng núi dữ dội hùng vĩ:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Hình ảnh đèo dốc "khúc khuỷu", "thăm thẳm" được hiện lên đầy hiểm trở gập ghềnh nhờ cách sử dụng từ láy tượng hình. Câu thơ "dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" dày đặc thanh trắc càng nhấn manh sự hùng vĩ hiểm nguy của cảnh núi rừng. Hai chữ "dốc" mở hai nhịp thơ "Dốc lên khúc khuỷu/dốc thăm thẳm" đã đẩy con đường "khúc khuỷu" "thăm thẳm" lên đến tận cùng. Cảnh thơ vừa thực vừa khoa trương cường điệu.
Hình ảnh "cồn mây" cũng góp phần cực tả độ cao của đèo dốc, tô đậm cái hùng vĩ của cảnh núi rừng, độ cao ấy được hình dung cụ thể hơn qua hình ảnh "súng ngửi trời". Một độ cao chỉ thấy cái hiểm nguy nghẹt thở đe dọa cuộc sống con người nhưng lại được nhà thơ nói theo kiểu nhẹ tênh pha chút ngang tàng kiểu lính.
Câu thơ "Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống" nhịp gấp khúc tả con đường hành quân khắc nghiệt, dữ dội. Câu thơ như được bẻ gập đôi cực tả hai bên lên xuống của đèo dốc "khiến độc giả như đang được thể nghiệm một trò chơi bập bênh đến chóng mặt" (Phan Huy Dũng)
Cảnh núi rừng miền Tây Bắc không chỉ hùng vĩ, dữ dội mà còn đầy bí hiểm.
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi
Thủ pháp cường điệu tô đậm vẻ đẹp hoang dại, dữ dội bí hiểm: thác dữ gầm gào, hổ dữ rình rập đe doạ. Khung cảnh núi rừng miền Tây Bắc hiện lên đầy vẻ oanh linh, bí hiểm. Cả thiên nhiên miền Tây Bắc bóng chiều và đêm tối như đồng lõa với cọp dữ để uy hiếp con người.
Thiên thiên miền Tây Bắc trong thơ Quang Dũng, trong Tây Tiến không chỉ được vẽ bằng những nét khoẻ, gân guốc và đi cùng với nó là những nét vẽ mềm mại nên thơ, bút pháp lãng mạn khắc hoạ cho người đọc một Tây Bắc thơ mộng mĩ lệ.
Câu thơ "Nhà ai Pha luông mưa xa khơi" trải dài chuỗi thanh bằng, âm điệu mượt mà, phác hoạ không gian mưa rừng mênh mông biển nước. Tất cả những cảnh hùng vĩ dữ dội và nguy hiểm của một miền Tây Bắc như biến mất nhường vào đó là khung cảnh nên thơ "mưa xa khơi". Màn mưa mênh mang hiện lên thật khiến lòng người phải xao động, cảnh núi rừng miền Tây Bắc thơ mộng nhuốm màu sương khói mờ ảo "sương lấp", những bóng nhà thấp thoáng trong mưa, khói cơm chiều lững lờ lưng núi.
Cảnh Tây Bắc mĩ lệ thơ mộng còn được hiện về trong khung cảnh sinh hoạt của con người với những nét vẽ tài hoa tinh tế.
Quang Dũng gợi ra cho người đọc xứ sở miền Tây Bắc tươi đẹp mĩ lệ hiện lên trong đoạn thơ:
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."
Cảnh tiễn biệt trong chiều sương hiện lên bằng bút pháp lãng man,những câu thơ rất nhiều thanh bằng làm âm điệu như chùng xuống. Khung cảnh miền Tây Bắc trong lúc này được tác giả diễn tả bằng vẻ tươi đẹp hài hoà. Ngòi bút tài hoa tô đậm linh hồn non nước, bóng người thấp thoáng chiều sương hoa lau phất phơ hồn thiêng sông núi. Ngôn ngữ tạo hình phác họa dáng người, dáng hao, dáng thuyền lung linh huyền ảo. Ngôn ngữ tả dáng dấp sự vật để tả dáng dấp tâm hồn. Hồn thơ Quang Dũng nhạy cảm với vẻ đẹp mong manh huyền ảo mơ hồ, bức tranh sông nước xứ lạ hoang sơ là dòng hoài niệm nhớ nhung ngọt ngào về một miền đất lạ nhưng vô cùng thương mến gắn bó. Miền đất ấy đã trở thành một nơi "hoa tâm hồn" trong lòng người thi sĩ.
Bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng đã khắc họa thành công một thiên nhiên ở đây hùng vĩ hiểm nguy nhưng không kém phần lãng mạn, mĩ lệ. Bài thơ đã tạc hình tượng thiên nhiên Tây Bắc mãi mãi vào lòng độc giả trong tình cảm yêu mến gắn bó thiết tha.
Sau khi đã Hình ảnh miền Tây Bắc Tổ Quốc qua bài thơ Tây Tiến các em có thể đi vào Nhà thơ Anh Ngọc có viết về bài thơ Tây Tiến như sau: "Hay đến nỗi ta... cũng hiện đại đến thế?" hoặc tham khảo Bình giảng đoạn thơ sau: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc... Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" nhằm củng cố kiến thức của mình.
Ngoài ra, các em cũng có thể tham khảo bài Phân tích Tây Tiến hay bài phân tích khổ 2 Tây Tiến để có thể chuẩn bị kiến thức thật tốt, làm văn dễ dàng.