Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt và Thị Nở

Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt và Thị Nở

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
II. Bài văn mẫu

Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt và Thị Nở


I. Dàn ý Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt và Thị Nở


1. Mở bài

- Giới thiệu những nét khái quát về đề tài viết về người phụ nữ trong nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay.
- Giới thiệu những nét khái quát về truyện ngắn "Vợ nhặt" (Kim Lân) và truyện ngắn "Chí Phèo" (Nam Cao).
- Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt (Vợ nhặt - Kim Lân) và Thị Nở (Chí Phèo - Nam Cao).


2. Thân bài

a. Đều hiện lên với ngoại hình, dáng vẻ bên ngoài xấu xí nhưng lại ánh lên trong tâm hồn vẻ đẹp của tình yêu thương, của lòng nhân hậu và sự dịu dàng đúng mực.

* Nhân vật người vợ nhặt:
- Ngoại hình: khuôn mặt lưỡi cày gầy xám xịt", 'áo quần rách như tổ đỉa", "cái ngực gầy lép nhô lên", giọng nói chao chát, chỏng lỏn, hành động "chạy ton ton lại đẩy xe cho Tràng",...
- Vẻ đẹp tâm hồn:
+ Trên đường thị theo Tràng về nhà: "trông chị ta thèn thẹn hay đáo để" cùng hành động "chân nọ bước díu vào chân kia" của nhân vật thị đã cho thấy sự e thẹn, ngượng nghịu có cái gì đó xấu hổ của thị.
+ Về đến nhà của anh cu Tràng, thị "lẳng lặng theo Tràng vào trong nhà", đảo mắt nhìn xung quanh ngôi nhà rồi "nén một tiếng thở dài, nhếch mép cười nhạt nhẽo".
+ Sáng hôm sau khi đã dậy sớm, thu dọn nhà cửa, vườn tược cùng mẹ chồng, là "một người đàn bà hiền hậu đúng mực".

* Nhân vật Thị Nở:
- Ngoại hình: "xấu ma chê quỷ hờn"
- Vẻ đẹp tâm hồn: một tấm lòng nhân hậu và giàu tình yêu thương.
+ Sau đêm gặp gỡ tình cờ với Chí Phèo, dường như, Thị Nở đã dành sự quan tâm đối với Chí, Thị Nở suy nghĩ về Chí Phèo, lo lắng và cảm thấy mình cần có trách nhiệm với Chí Phèo
+ Thị Nở nấu cho Chí Phèo một bát cháo hành, mang sang tận nơi cho chí và giục Chí ăn nhanh.
+ Thị Nở cái nhìn về Chí Phèo hoàn toàn khác với những người dân làng Vũ Đại. Với Thị Nở.
+ Tình yêu thương Thị Nở dành cho Chí Phèo đã khiến Chí thức tỉnh và khao khát được yêu thương, được trở lại làm người lương thiện.

b. Có khát khao sống, khát khao hạnh phúc cháy bỏng.
- Nhân vật người vợ nhặt: Thị chấp nhận theo không Tràng về nhà làm vợ không phải vì thị không hiểu những lễ nghi, sự quan trọng của việc dựng vợ gả chồng nhưng với thị, ở thời điểm hiện tại, khát khao bám lấy sự sống, khát khao hạnh phúc và mong sao thoát khỏi cái đói đã lớn hơn tất cả.
- Nhân vật Thị Nở:
+ Sau đêm ăn nằm với Chí, Thị trở về nhà và không ngủ được, thị nghĩ đến hai chữ "vợ chồng" và đánh thức trong mình khát khao được hạnh phúc vốn đã bị chìm lãng từ lâu.
+ Khi Chí Phèo đưa ra đề nghị "hay là mình qua đây ở với tớ một nhà cho vui", Thị Nở đã vượt qua những định kiến và qua chung sống với Chí năm ngày.


3. Kết bài

Khái quát về hình tượng nhân vật người vợ nhặt và nhân vật Thị Nở, từ đó khẳng định tấm lòng nhân đạo của hai nhà văn.


II. Bài văn mẫu Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt và Thị Nở

Từ xưa đến nay, người phụ nữ là một trong số những đề tài tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học hiện đại với nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Hình ảnh người phụ nữ dưới cách nhìn cùng ngòi bút sáng tạo của mỗi nhà văn lại hiện lên theo những cách riêng và Kim Lân, Nam Cao cũng góp sức mình làm phong phú lên mảng đề tài ấy qua hai tác phẩm "Vợ nhặt" và "Chí Phèo". Đặc biệt, qua nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn "Vợ nhặt" và nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn "Chí Phèo" đã giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc và rõ nét vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người phụ nữ.

Trước hết, ở nhân vật người vợ nhặt trong "Vợ nhặt" và nhân vật Thị Nở trong "Chí Phèo" đều hiện lên với ngoại hình, dáng vẻ bên ngoài xấu xí nhưng lại ánh lên trong tâm hồn vẻ đẹp của tình yêu thương, của lòng nhân hậu và sự dịu dàng đúng mực.

Đọc toàn bộ tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, người đọc thấy nhân vật thị - người vợ nhặt hiện lên với một con số không tròn trĩnh, không họ tên, không quê quán, không họ hàng thân thích. Thêm vào đó, người vợ nhặt còn có một ngoại hình xấu xí, nó là tác nhân của cái đói dữ dội và khủng khiếp năm 1945, "khuôn mặt lưỡi cày gầy xám xịt", 'áo quần rách như tổ đỉa", "cái ngực gầy lép nhô lên". Không chỉ ở ngoại hình, cái ấn tượng của người đọc về thị còn ở cái hành động "lon ton chạy lại đẩy xe cho Tràng", là ăn một chặp hết bốn bát bánh đúc, là cái lời nói cong cớn, chao chát và chỏng lỏn. Thế nhưng, ẩn sau cái ngoại hình xấu xí, cái dáng vẻ cô duyên ấy của người vợ nhặt chính là vẻ đẹp của người phụ nữ đảm đang, hiền hậu đúng mực và giàu lòng nhân hậu. Vẻ đẹp ấy của người vợ nhặt được thể hiện khi trên đường thị theo Tràng về nhà. Lời nhận xét của dân làng xóm ngụ cư "trông chị ta thèn thẹn hay đáo để" cùng hành động "chân nọ bước díu vào chân kia" của nhân vật thị đã cho thấy sự e thẹn, ngượng nghịu có cái gì đó xấu hổ của thị khi quyết định theo Tràng về làm vợ. Đặc biệt, sự đảm đang, hiền hậu của thị được thể hiện rõ nét khi thị cùng Tràng về đến nhà. Về đến nhà của anh cu Tràng, thị "lẳng lặng theo Tràng vào trong nhà", đảo mắt nhìn xung quanh ngôi nhà rồi "nén một tiếng thở dài, nhếch mép cười nhạt nhẽo". Những hành động ấy của thị có lẽ đã phần nào thể hiện sự thất vọng của thị ấy vậy mà phản ứng của nàng lại thật đặc biệt, chỉ là nén tiếng thở dài, điều đó cho thấy sự ý tứ và kín đáo của nhân vật. Thêm vào đó, thị chỉ ngồi mém ở mép giường, đó là một cách ngồi rất ý tứ khi lần đầu tiên bước tới nhà chồng, nó cho thấy vẻ đẹp e dè, kín đáo vốn có của người phụ nữ. Và để rồi, thị đã thực sự thay đổi, như hoàn toàn biến thành một con người khác trong buổi sáng hôm sau khi đã dậy sớm, thu dọn nhà cửa, vườn tược cùng mẹ chồng. Giờ đây, ở đó, không còn một thi chao chát, chỏng lót nữa mà chỉ còn lại "một người đàn bà hiền hậu đúng mực", khiến cho cuộc sống của Tràng đang thay đổi theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp hơn. Như vậy, ẩn sau cái sự vô duyên, xấu xí của người vợ nhặt, chính là sự đảm đang, ý tứ vốn có của người phụ nữ.

Cùng với người vợ nhặt, nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao cũng đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp. Cũng giống như nhân vật người vợ nhặt, Thị Nở có một ngoại hình không mấy đẹp đẽ và hiện lên thật chân thực dưới ngòi bút hiện thực sắc sảo của nhà văn Nam Cao "xấu ma chê quỷ hờn: Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra. Ðã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm một lần, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Ðã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu". Có lẽ, Thị Nở chính là hiện thân rõ ràng nhất của cái xấu. Thế nhưng, ẩn sau ngoại hình xấu xí đến nỗi "ma chê quỷ hờn" ấy, người ta thấy trong tâm hồn Thị Nở một tấm lòng nhân hậu và giàu tình yêu thương. Sau đêm gặp gỡ tình cờ với Chí Phèo, dường như, Thị Nở đã dành sự quan tâm đối với Chí, Thị Nở suy nghĩ về Chí Phèo, lo lắng và cảm thấy mình cần có trách nhiệm với Chí Phèo "Mình mà bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau! Ăn nằm với nhau như vợ chồng... Đêm qua thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành. Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà..." Có lẽ, những lời độc thoại, những suy nghĩ ấy của Thị Nở đã thể hiện rõ nét sự quan tâm, lo lắng của nàng và chính nó đã thúc đẩy thị nấu cho Chí Phèo một bát cháo hành, mang sang tận nơi cho chí và giục Chí ăn nhanh. Bát cháo hành ấy của thị không chỉ là bát cháo hành giải cảm mà nó còn mang trong đấy bao tình yêu thương, bao nỗi lo lắng và sự quan tâm mà Thị Nở dành cho Chí Phèo. Chính tình yêu thương ấy, đã đưa đến cho Thị Nở cái nhìn về Chí Phèo hoàn toàn khác với những người dân làng Vũ Đại. Với Thị Nở, Chí Phèo không phải là con quỷ dữ mà thị cảm thấy "Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người". Để rồi, chính sự ấm nóng của tình yêu thương Thị Nở dành cho Chí Phèo đã khiến Chí thức tỉnh và khao khát được yêu thương, được trở lại làm người lương thiện.

Không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp tâm hồn đáng trân quý, ở cả nhân vật người vợ nhặt và nhân vật Thị Nở, người đọc đều cảm nhận một cách rõ nét khát khao sống, khát khao hạnh phúc cháy bỏng của họ. Trước hết, ở nhân vật người vợ nhặt trong tác phẩm "Vợ nhặt' của nhà văn Kim Lân khát khao ấy thể hiện ở hành động thị theo không Tràng về nhà làm vợ. Trong quan niệm của ông cha ta từ ngàn đời nay, dựng vợ gả chồng là việc quan trọng trong đời người, chuyện trăm năm, phải trải qua thời gian tìm hiểu cùng những lễ nghi thì mới có thể trở thành vợ chồng của nhau, ấy vậy mà, thị lại không có thời gian để làm những việc đó, chỉ với bốn bát bánh đúc, một câu hò vui thị đã trở thành vợ của Tràng. Thị làm những việc đó, không phải vì thị không hiểu những lễ nghi, sự quan trọng của việc dựng vợ gả chồng nhưng với thị, ở thời điểm hiện tại, khát khao bám lấy sự sống, khát khao hạnh phúc và mong sao thoát khỏi cái đói đã lớn hơn tất cả. Tất cả những hành động đó của thị chỉ có thể xuất phát từ khát khao bám lấy sự sống.

Còn ở nhân vật Thị Nở, khát khao sống, khát khao hạnh phúc thể hiện một cách chân thực và rõ nét ở những suy nghĩ, hành động của Thị Nở đối với Chí Phèo sau đêm gặp gỡ định mệnh. Sau đêm ăn nằm với Chí, Thị trở về nhà và không ngủ được, thị nghĩ đến hai chữ "vợ chồng" và đánh thức trong mình khát khao được hạnh phúc vốn đã bị chìm lãng từ lâu. Để rồi, đến lúc Chí Phèo đưa ra đề nghị "hay là mình qua đây ở với tớ một nhà cho vui", Thị Nở đã vượt qua những định kiến và qua chung sống với Chí năm ngày. Có lẽ với cả Chí Phèo và Thị Nở, quãng thời gian năm ngày ấy là năm ngày hạnh phúc và ngập tràn yêu thương nhất trong cuộc đời của mình. Và cũng chính khao khát hạnh phúc cùng ý nghĩ nghiêm túc với Chí Phèo, Thị Nở đã về xin phép bà cô của mình nhưng không được chấp nhận, chính điều đó đã đẩy đến những bi kịch về sau trong cuộc đời của Chí.

Tóm lại, có thể thấy, ẩn sau ngoại hình xấu xí của người vợ nhặt và nhân vật Thị Nở chính là những tâm hồn đẹp đẽ với những phẩm chất đáng trân quý cùng khát khao sống, khát khao hạnh phúc cháy bỏng, mãnh liệt. Qua đó, cũng giúp chúng ta cảm nhận rõ nét tấm lòng nhân đạo của nhà văn Kim Lân và nhà văn Nam Cao - luôn khám phá, phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn con người, đặc biệt là người phụ nữ.

----------------------HẾT----------------------

Trên đây là bài Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt và Thị Nở, để mở rộng kiến thức về tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm bài: Phân tích nhân vật vợ Tràng trong truyện Vợ nhặt, Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, Phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo, Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

Viết về người phụ nữ, mỗi nhà văn chọn cho mình cách thể hiện, khám phá riêng. Với Nam Cao và Kim Lân, hai ông đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Bài viết Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt và Thị Nở dưới đây sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về điều đó.
Cảm nhận về những nét đặc sắc của từng tác giả trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ ở hai truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt
Dàn ý Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt
Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt
Cảm nhận của em về người đàn bà làng chài trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa
So sánh nhân vật người Vợ nhặt và người đàn bà hàng chài
Cảm nhận về đẹp tâm hồn và nhân cách của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

ĐỌC NHIỀU