Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo

Văn mẫu Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo

 

Nội dung bài viết:
Đề số 1: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài ca dao Rủ nhau chơi khắp long thành.
Đề số 2: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Việt Nam quê hương ta.
Đề số 3: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Hoa bìm.


Đề số 1: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát: Rủ nhau chơi khắp long thành, Ngữ văn 6, tập 1 Chân trời sáng tạo

 

I. Dàn ý cảm nhận bài ca dao 36 phố phường:

1. Mở đoạn: Giới thiệu, nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài ca dao.

2. Thân đoạn :
- Nêu cảm xúc về nội dung:
+ Vẻ nhộn nhịp của các con phố.
+ Tình cảm của chủ thể trữ tình đối với kinh thành Thăng Long.
- Nêu nhận xét về nghệ thuật của bài ca dao:
+ Thể thơ lục bát truyền thống.
+ Cách ngắt nhịp, gieo vần uyển chuyển.
+ Biện pháp liệt kê.

3. Kết đoạn: Khái quát được cảm xúc về bài ca dao.

 

II. Đoạn văn mẫu cảm nhận bài ca dao 36 phố phường:

Mỗi lần đọc bài ca dao "Rủ nhau chơi khắp Long Thành", em vô cùng ấn tượng trước sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý các địa danh của Hà Nội trong bài ca dao. Bài ca dao đã kể lại tên 36 phố phường của Hà Nội xưa một cách nhuần nhuyễn. Các tác giả dân gian khéo léo lồng ghép và sắp xếp các con phố thành bài ca dao có vần và nhịp điệu. Tên mỗi con phố được đặt theo mặt hàng bày bán đặc trưng của nơi đó như Hàng Bạc, Hàng Giầy, Hàng Dầu, Hàng Cờ, Hàng Chuối, Hàng Nón,... Những cái tên thân thuộc đã giới thiệu và thu hút khách ở phương xa về Hà Nội tham quan. Nhân vật trữ tình trong bài kết thúc chuyến dạo quanh Long Thành của mình ở phố Hàng Da. Đi qua 36 con phố Hà Nội, chủ thể trữ tình thấy kinh thành Thăng Long thật phồn hoa, rực rỡ "Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ. Trong con mắt của tác giả, Hà Nội hiện lên với vẻ đẹp hưng thịnh, dân cư đông đúc khiến cho bất cứ ai đã từng đi qua phải quyến luyến. Có thể thấy, bằng thể thơ lục bát truyền thống, biện pháp liệt kê, cách ngắt nhịp, gieo vần uyển chuyển, tác giả dân gian muốn khắc họa vẻ đẹp nhộn nhịp của Hà Nội và bày tỏ tế nhị tình cảm sâu nặng với mảnh đất ngàn năm văn hiến. Qua bài ca dao, em càng thêm trân trọng và yêu quý quê hương, đất nước mình.

 

Đề số 2: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát: Việt Nam quê hương ta, Ngữ văn 6, tập 1 Chân trời sáng tạo
 

I. Dàn ý cảm nhận bài thơ Việt Nam quê hương ta:

1. Mở đoạn: Giới thiệu tác giả, bài thơ; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.

2. Thân đoạn
- Nêu cảm xúc về nội dung:
+ Vẻ đẹp thiên nhiên: cánh đồng lúa trù phú; khung cảnh hùng vĩ, nên thơ của đỉnh Trường Sơn.
+ Vẻ đẹp con người Việt Nam: chịu thương chịu khó, bất khuất anh hùng,...
- Nêu nhận xét về nghệ thuật của bài thơ:
+ Hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc.
+ Ngôn ngữ giản dị.
+ Các biện pháp tu từ: so sánh, nói quá,...

3. Kết đoạn: Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
 

II. Đoạn văn mẫu cảm nhận bài thơ Việt Nam quê hương ta:

Khi đọc bài thơ "Việt Nam quê hương ta" của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, em vô cùng xúc động trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Phong cảnh trù phú được thể hiện qua khổ một và hai dòng đầu ở khổ thứ tư. Hình ảnh của những cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát cùng đàn cò trắng phau đang dang rộng đôi cánh trên bầu trời đã tô đậm sự thanh bình, yên ả chốn thôn quê. Thiên nhiên đất nước còn được hiện lên qua vẻ hùng vĩ, nên thơ của dãy trường Sơn ẩn hiện trong màn mây. Đất nước Việt Nam như ngập tràn sắc nắng. Không những vậy, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa kết hợp với sự màu mỡ của đất đai đã khiến cho "Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh". Hình ảnh thơ trong sáng, giản dị đã giúp em thêm yêu cảnh vật đất nước mình. Song hành với vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam cũng hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp. Ta bắt gặp người nông dân cần cù, chịu khó. Khi đất nước bị giặc xâm lăng, hàng vạn người dân cùng nhau đánh quân xâm lược. Những con người chất phác, hiền lành ấy hiện lên với tấm lòng son sắt "Yêu ai yêu trọn tấm lòng thủy chung". Để khép lại tác phẩm, nhà thơ không ngớt lời khen ngợi trước tài năng và sự khéo tay của nhân dân: "Tay người như có phép tiên/ Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ.". Bằng thể thơ lục bát truyền thống kết hợp với ngôn ngữ chân phương, mộc mạc, biện pháp so sánh, biện pháp nói quá đã làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam. Qua đó, bộc lộ tình yêu của tác giả với quê hương, đất nước. Đọc từng lời thơ, em càng thêm yêu và tự hào khi được sinh sống tại Việt Nam.

Văn mẫu Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo
 

Đề số 3: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát: Hoa bìm, Ngữ văn 6, tập 1 Chân trời sáng tạo
 

I. Dàn ý ghi lại cảm xúc bài thơ Hoa Bìm:

1. Mở đoạn: Giới thiệu tác giả, bài thơ; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.

2. Thân đoạn:
- Nêu cảm xúc về nội dung:
+ Hình ảnh làng quê bình yên.
+ Những trò chơi thú vị gắn liền với tuổi thơ.
+ Những âm thanh sống động, quen thuộc nơi chốn thôn quê.
- Nêu nhận xét về nghệ thuật của bài thơ:
+ Hình ảnh thơ gần gũi.
+ Ngôn ngữ giản dị.
+ Các biện pháp tu từ.

3. Kết đoạn: Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
 

II. Đoạn văn mẫu ghi lại cảm xúc bài thơ Hoa bìm:

Bài thơ "Hoa bìm" gợi lên cho em biết bao rung động về kí ức tuổi thơ gắn liền với giậu hoa bìm của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Từ việc quan sát giậu hoa bìm đang rung rinh trong gió, tác giả đã tìm về tuổi thơ của mình "Rung rinh bờ giậu hoa bìm/ Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ". Ở đó, xuất hiện rất nhiều hình ảnh tươi đẹp gắn liền với kỉ niệm ngày thơ. Đó là thế giới loài vật đa dạng, phong phú và gắn liền với không gian nông thôn như chuồn ớt, cào cào, nhện, dế mèn, đom đóm, cuốc. Mỗi loài vật đều gắn liền với một hành động cụ thể và mang những nét đặc trưng riêng biệt. Tất cả đã tạo nên khung cảnh vùng quê yên bình, thanh vắng. Điểm xuyết lên bức tranh tươi đẹp ấy là màu xanh của những cây hồng, mắt lá, bờ lau. Không chỉ vậy, nhà thơ còn khắc họa hình ảnh con người với các hoạt động thú vị. Cánh diều bay vút trên trời không, sánh ngang với những tầng mây cùng "con thuyền giấy chở đầy mộng mơ" chuyên chở biết bao mộng mơ trẻ thơ. Tiếng ri ri của dế mèn, tiếng cuốc "Kêu dài ngày hạn, kêu nhàu ngày mưa" càng khuấy động bầu không khí thanh vắng chốn thôn quê. Với sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, âm thanh, hình ảnh, kí ức tuổi thơ hiện lên thật tươi đẹp biết bao! Bằng thể thơ lục bát truyền thông, ngôn ngữ bình dị, biện pháp nhân hóa, điệp cấu trúc đã góp phần làm nổi bật khung cảnh thanh bình, trong trẻo ở vùng nông thôn nước ta. Qua bài thơ, em cảm nhận được tình yêu, nỗi nhớ da diết cùng mong ước được trở về quê hương của tác giả.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Những bài ca dao, bài thơ lục bát trong chủ điểm Vẻ đẹp quê hương, Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo đã giúp các em cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Nắm được các bước viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát, em có thể nâng cao kĩ năng viết của mình.

Nhiều bài văn mẫu lớp 6 hay khác:
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Hoa bìm
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Việt Nam quê hương ta

Các em đã biết cách Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo hay chưa? Nếu chưa hoặc muốn có thêm nhiều ý tưởng, các em có thể tham khảo dàn ý chi tiết và đoạn văn mẫu do đội ngũ biên tập của Taimienphi.vn biên soạn dưới đây.
Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát ngắn gọn, Ngữ văn lớp 6, CTST
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Việt Nam quê hương ta
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Con là...
Ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Chiếc lá đầu tiên
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Hoa bìm

ĐỌC NHIỀU