Viết bài văn phân tích nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích "Người đàn ông cô độc giữa rừng" của nhà văn Đoàn Giỏi

Đề bài: Viết bài văn phân tích nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng của nhà văn Đoàn Giỏi

Viết bài văn phân tích nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng của nhà văn Đoàn Giỏi

Phân tích nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng của nhà văn Đoàn Giỏi nằm trong chủ đề Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong các tác phẩm văn học Ngữ văn 7.


I. Dàn ý phân tích nhân vật Võ Tòng

1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác phẩm, đoạn trích.
- Nêu cảm xúc chung về nhân vật.
2. Thân bài:
* Phân tích đặc điểm nhân vật qua các phương diện sau:
- Trang phục:
+ Cởi trần, mặc một chiếc quần kaki còn mới nhưng có vẻ như đã lâu không giặt.
+ Bên hông đeo lủng lẳng một lưỡi lê nằm gọn trong vỏ sắt.
- Ngoại hình:
+ Trên người xăm những chữ bùa xanh lè.
+ Trên mặt có một hàng sẹo chạy từ thái dương xuống cổ.
- Lời nói:
+ Thân mật, tôn trọng tía nuôi của An, luôn giữ lễ độ khi trò chuyện với người lớn tuổi.
+ Thân mật với chú bé An "Ngồi xuống đây, chú em".
- Hành động:
+ Dũng cảm, nhanh trí, dứt khoát khi hạ gục con hổ.
+ Quyết liệt, không hề run sợ khi đánh trả lại tên địa chủ.
+ Không trốn chạy trước việc làm của bản thân, đường hoàng đến trước nhà việc để chịu tội.
+ Luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không hề nghĩ tới chuyện nhận báo đáp.
=> Nhận xét về nhân vật: Võ Tòng là người có tính cách chất phác, thật thà, hiền lành, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Khi đứng trước cái xấu, chú dũng cảm đối diện, không run sợ mà từ bỏ.
* Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Sử dụng kết hợp ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba giúp khắc họa nhân vật một cách toàn diện, chân thực.
- Ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ.
3. Kết bài: Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.

Viết bài văn phân tích nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng của nhà văn Đoàn Giỏi
 

II. Bài viết mẫu phân tích Võ Tòng


1. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Võ Tòng - mẫu số 1

"Đất rừng phương Nam" là một sáng tác tiêu biểu của nhà văn Đoàn Giỏi. Tác phẩm không chỉ mở ra bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, trù phú của mảnh đất phương Nam mà còn tái hiện chân thực vẻ đẹp con người nơi đây. Họ đều là những người dân thuần hậu, chất phác, giàu tình cảm và rất dũng cảm. Các đức tính tốt đẹp này còn được khắc họa một cách rõ nét qua nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích "Người đàn ông cô độc giữa rừng".

Thông qua lời miêu tả của "tôi", chú Võ Tòng thường không mặc áo, chỉ mặc một chiếc quần "cởi trần, mặc chiếc quần kaki còn mới, nhưng coi bộ đã lâu không giặt". Chú còn trang bị một lưỡi lê, đeo nó ở bên hông. Đặc biệt, trên người chú Võ Tòng xăm rất nhiều chữ bùa màu xanh lè. Khuôn mặt hiền hậu còn có một hàng sẹo dài chạy từ thái dương xuống cổ. Như vậy, chỉ với vài nét phác họa, tác giả đã mang đến cho người đọc những hình dung cụ thể về người đàn ông phóng khoáng, mạnh mẽ.

Thế nhưng, đằng sau vẻ bề ngoài "kì hình dị tướng" lại là một Võ Tòng hiền hậu, lương thiện và chất phác. Khi trò chuyện với chú bé An, chú luôn nhẹ nhàng, thân mật hỏi thăm "Ngồi xuống đây, chú em". Chú còn tinh tế chọn ra một thỏi thịt khô nướng lớn nhất cho "tôi". Đối với tía nuôi của An, chú tỏ ra tôn trọng, giữ đúng lễ độ nhưng không làm mất đi sự thân mật "Phải không anh Hai?". Không chỉ vậy, với những người xung quanh, chú luôn ân cần giúp đỡ mà không nghĩ tới chuyện báo đáp. Vì thế, ai ai "cũng mến gã ở cái tính tình chất phác, thật thà". Bên cạnh đó, chú Võ Tòng còn là một người vô vùng can trường, dũng cảm. Giây phút thấy con hổ chúa từ sân phóng vào nhà, chồm lên người mình, chú Võ Tòng không hề run sợ hay nao núng. Chú nhanh nhẹn cầm lấy cái mác bên người, trực tiếp đâm thẳng vào hàm dưới con hổ. Bằng sự nhanh trí, dứt khoát, chú đã thành công hạ gục nó. Quay ngược về quá khứ, khi thấy tên địa chủ có những lời nói, hành động ngang ngược, không phân rõ đúng sai phải trái, chú Võ Tòng đã quyết liệt dùng nhát dao chém trả. Đứng trước quyền thế, chú chẳng lấy làm lo lắng mà can đảm đối mặt. Cuối cùng, bản lĩnh nam nhi không cho phép chú Võ Tòng hèn nhát. Thay vì nghĩ tới việc trốn chạy, chú đã "đường hoàng xách dao đến ném trước nhà việc, bó tay chịu tội".

Có thể thấy, nhân vật Võ Tòng hiện lên thật chân thực với bao phẩm chất cao đẹp. Con người chú luôn sáng ngời sự chất phác, thật thà, hiền lành. Thấy chuyện bất bình hay hiểm nguy, chú không lo sợ mà dũng cảm đối diện.

Bằng việc sử dụng kết hợp ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba, nhà văn đã khắc họa nhân vật Võ Tòng một cách toàn diện, cụ thể. Ngoài ra, ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ cũng góp phần miêu tả sắc nét hình ảnh người đàn ông phóng khoáng, khí phách, sống lẻ loi nơi rừng sâu.

Nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích "Người đàn ông cô độc giữa rừng" chắc chắn sẽ mãi in sâu trong lòng độc giả bởi những vẻ đẹp đức tính, phẩm chất. Nhân vật cũng chính là đại diện cho người dân Nam Bộ thuần hậu, tốt bụng.


2. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng của nhà văn Đoàn Giỏi - mẫu số 2

Đoàn Giỏi là nhà văn quân đội trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Tên tuổi của ông gắn liền với tiểu thuyết nổi tiếng "Đất rừng phương Nam". Tác phẩm đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng về cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt, đến với đoạn trích "Người đàn ông cô độc giữa rừng", chúng ta sẽ thấy được những đức tính tốt đẹp của con người phương Nam thông qua nhân vật Võ Tòng.

Từ đôi mắt trẻ thơ của cậu bé An, Võ Tòng hiện lên với vẻ phong trần, bụi bặm. Chú Võ Tòng có một thân hình cường tráng, luôn cởi trần, chỉ mặc một chiếc quần kaki còn mới nhưng lâu không giặt, bên hông đeo lủng lẳng chiếc lưỡi lê. Nổi bật nhất là vết sẹo dài trên mặt "một hàng sẹo khủng khiếp chạy từ thái dương xuống cổ". Tất cả các chi tiết trên đã gợi cho người đọc ấn tượng về một người đàn ông "kì hình dị tướng". Thế nhưng, vẻ ngoài có chút bặm trợn ấy không làm người khác ghê sợ mà còn tạo thiện cảm với cậu bé An "có đôi chút cảm tình với ngạc nhiên hơi buồn cười thế nào ấy".

Song, trái ngược với diện mạo kì lạ lại là những nét đẹp về tính cách, tâm hồn trong con người Võ Tòng. Khi trò chuyện với An, chú Võ Tòng đã có lời nói hết sức gần gũi, thân thiện và vui vẻ. Chú gọi An là "chú em", xưng hô thân mật "qua" hoặc "chú". Bên cạnh đó, khi trao đổi với tía nuôi của An, chú luôn giữ lễ phép, tôn trọng nhưng không đánh mất sự thân thiết "Phải không anh Hai?".

Chú Võ Tòng còn là một người vô cùng dũng cảm. Giây phút con hổ nhảy chồm lên người, chú không hề hoảng sợ, lo lắng mà bình tĩnh xử lí mọi chuyện. Chú giữ nguyên tư thế nằm ngửa, với lấy cái mác bên người rồi đâm thẳng vào hàm dưới của con hổ. Đó còn là lúc chú "nhẹ nhàng" dùng chiếc nỏ giết chết thằng giặc Pháp mà "cái thằng cách năm, sáu thước không hay biết gì".

Bằng việc sử dụng hòa hợp ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" và ngôi kể thứ ba, Đoàn Giỏi đã khắc họa một cách chân thực nhân vật Võ Tòng. Từ đó, chú Võ Tòng hiện lên thật rõ nét với những vẻ đẹp đức tính, phẩm chất đáng quý. Ngoài ra, ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ cũng góp phần để lại ấn tượng sâu đậm cho bạn đọc về hình ảnh người đàn ông phóng khoáng, mạnh mẽ, sống cô độc nơi rừng sâu.

Nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích "Người đàn ông cô độc giữa rừng" quả là một con người lương thiện, tốt bụng và dũng cảm. Nhân vật cũng chính là hình ảnh đại diện cho người dân hiền hậu, chân chất nơi vùng đất phương Nam trù phú. Có thể nói, nhà văn Đoàn Giỏi thật tài tình khi tái hiện sắc nét cuộc sống, thiên nhiên và con người Nam Bộ.

--------------------------HẾT-------------------------

Bên cạnh nội dung trên đây, em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu lớp 7 khác như:
- Phân tích nhân vật Côn trong Dọc đường xứ Nghệ
- Phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng

Ngoài ra, nếu gặp khó khăn trong quá trình học tập môn Ngữ văn 7 thì đừng quên ghé thăm Taimienphi.vn để cập nhật các bài viết chất lượng, em nhé.

Có thể nói, nhà văn Đoàn Giỏi đã rất thành công trong việc khắc họa hình ảnh người đàn ông lương thiện, dũng cảm thông qua nhân vật Võ Tòng. Dưới đây là Phân tích nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng, Ngữ văn 7, Cánh Diều, học kì I. Mời em theo dõi và tham khảo.
Phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng
Phân tích một nhân vật mà em yêu thích trong các tác phẩm đã học ở sách Ngữ văn 10, tập một
Link tải Sách giáo khoa lớp 11 Cánh Diều
Soạn bài Ông đồ (Vũ Đình Liên), Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều
Phân tích đoạn trích Bạch tuộc (Giuyn Véc-nơ)
Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ Ngữ văn 10 Cánh Diều

ĐỌC NHIỀU