Viết bài văn kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích

Đề bài: Các em đã học và đọc nhiều câu chuyện lịch sử, hãy viết bài văn kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích.

Hãy kể lại một câu chuyện có thật liên quan đến một nhân vật trong lịch sử


I. Dàn ý kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích

1. Mở bài:

- Giới thiệu sự việc có liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích. 

2.Thân bài:

- Kể diễn biến của sự việc (theo trình tự thời gian): 

+ Bối cảnh

+ Khởi đầu

+ Diễn biến

+ Kết quả

- Nêu ý nghĩa của sự việc: 

+ Đối với cộng đồng

+ Đối với bản thân

3. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ và bài học em rút ra được từ câu chuyện, sự việc đó. 

- Liên hệ mở rộng. 


II. Bài văn mẫu tham khảo: kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích

1. Bài văn kể lại sự việc liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mẫu số 1:

Bác Hồ là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ở Bác hội tụ vô vàn vẻ đẹp về phẩm chất, là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo. Bác không chỉ có lối sống trách nhiệm, chu toàn, giản dị mà còn mang trong mình tình yêu thương vô bờ bến. Bác luôn dành những tình cảm ấm áp  nhất cho các cháu thiếu nhi. Trong đó, có một câu chuyện kể về Bác với các cháu nhỏ đã làm em nhớ mãi.

Chuyện kể rằng, vào một buổi sáng đẹp trời, Bác Hồ đến thăm một trại nhi đồng. Tại trại, ai nấy đều mong chờ vì đây là lần đầu tiên được gặp Bác. Khi các em nhỏ vừa thấy sự xuất hiện Bác đã nhanh chóng chạy ùa tới với gương mặt hớn hở, em nào cũng vui vầy quanh Bác. Trong thâm tâm, ai cũng háo hức muốn được nhìn thấy Bác cho thật rõ.

Tay Bác dắt hai em nhỏ nhất, đi giữa đoàn học sinh. Ánh mắt sáng ngời, đầy yêu thương và trìu mến. Rồi Bác cùng các cháu thiếu nhi đi thăm phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, nơi tắm rửa, sinh hoạt hàng ngày của các cháu.

Khi trở về phòng họp, giữa sự quây quần của các cháu nhỏ, Bác ân cần hỏi:

- Các cháu chơi có vui không?

Đồng thanh vang lên những lời non nớt:

- Thưa Bác, vui lắm ạ!

Rồi Bác hỏi:

- Các cháu ăn có no không?

- Dạ, chúng cháu ăn no ạ.

Các cô trong trại có mắng phạt các cháu không?

- Dạ, không ạ!

Rồi Bác mỉm cười, hài lòng khen ngợi:

-Thế thì tốt lắm! Các cháu có thích kẹo ngọt không? Bây giờ Bác sẽ chia kẹo cho các cháu nhé!

Trong niềm hân hoan, tất cả cháu nhỏ cùng reo:

- Có ạ! Có ạ!

Rồi trong đám đông, một em bé giơ tay, xin phép Bác cho ý kiến:

- Thưa Bác, vậy ai ngoan thì được ăn kẹo, còn nếu không ngoan thì không được ăn kẹo ạ!

Bác từ tốn:

- Các cháu có đồng ý với đề xuất của bạn không?

- Dạ, đồng ý ạ!

Nói rồi, các em nhỏ lần lượt đứng thành vòng tròn rộng. Bác nhẹ nhàng cầm gói kẹo đến bên chia cho từng em. Khi đến lượt Tộ, cậu bé nhìn Bác, rụt rè không dám nhận, chỉ khẽ thưa:

- Dạ Thưa Bác, hôm nay cháu không ngoan, cháu....cháu... không vâng lời cô ạ. Vì cháu chưa ngoan nên phần kẹo này cháu không nhận đâu ạ.

Lúc này, Bác cười rồi nhìn Tộ, trìu mến bảo:

- Cháu biết nhận lỗi, biết sai mà sửa lỗi là tốt. Cháu ngoan lắm! Cháu vẫn được phần kẹo như các bạn khác nhé!

Tộ vui mừng nhận lấy kẹo từ Bác, cảm ơn rối rít và hứa sẽ không tái phạm nữa.

Câu chuyện về Bác cùng các cháu thiếu nhi khiến em càng yêu quý Bác hơn. Bác vẫn luôn bao dung và dạy dỗ những điều hay lẽ phải. Qua lời Bác cùng hành động của Tộ, em thấy chúng ta cần phải biết trung thực, cảm thông và bao dung với người khác. Luôn biết yêu thương mọi người, đặc biệt là các em nhỏ.

Bài văn mẫu lớp 7: Viết bài văn kể lại sự việc liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích

2. Bài văn mẫu kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích số 2:

Trần Quốc Toản là một trong những vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc. Đó là một thiếu niên dũng cảm, không bao giờ chịu khuất phục trước mũi giáo quân thù. Câu chuyện Trần Quốc Toản tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên đã khiến em vô cùng ấn tượng.

Thuở ấy, giặc Nguyên cho sứ thần sang giả vờ dò la nhằm mượn đường để đưa quân qua đất Việt hòng thực hiện mưu đồ xâm chiếm nước ta. Nhận ra hành động và âm mưu phi nghĩa của chúng, Trần Quốc Toản vô cùng căm phẫn.

Sáng hôm ấy, khi biết nhà vua đang cùng các đại thần họp bàn việc nước, Trần Quốc Toản đã quyết đến thuyền rồng, đợi gặp vua để bày tỏ nguyện vọng đánh giặc. Hai tiếng "xin đánh" cùng quyết tâm cao độ luôn thường trực trong tâm trí người thiếu niên trẻ ấy.

Chờ đợi từ sáng đến trưa vẫn chưa có cơ hội gặp được vua, cậu bèn liều với mấy tên lính gác, xô họ ngã chúi rồi xăm xăm một mạch xuống bến. Khi quân lính ập đến vây kín chung quanh, Quốc Toản bừng bừng, rút gươm ra rồi nhìn thẳng vào mặt binh lính, quát lớn:

- Ta xuống thuyền xin bệ kiến vua, các người không được giữ ta lại.

Mọi người ai nấy đều e dè nhưng vẫn quyết tâm không để Toản xuống thuyền .

Lúc ấy, cuộc họp tạm nghỉ, vua cùng các đại thần ra phía mui thuyền. Quốc Toản thấy thế, bèn lập tức chạy đến, quỳ xuống thành khẩn tâu:

- Cho giặc mượn đường là mất nước. Xin bệ hạ cho đánh!

Vừa dứt lời, Quốc Toản tự đặt gươm lên gáy rồi xin nhận mọi hình phạt.

Lúc này, vua ra lệnh cho Quốc Toản đứng lên rồi ôn tồn bảo:

- Ngươi làm trái phép nước, lẽ ra phải trị tội. Nhưng ta xét thấy ngươi còn trẻ mà đã biết lo cho dân cho nước. Đó là điều đáng khen.

Nói rồi, vua ra lệnh ban cho Toản một quả cam. Quốc Toản tạ ơn vua, song lòng vẫn vô cùng ấm ức: "Vua ban cho cam quý nhưng xem ta như trẻ con, vẫn không cho dự bàn việc nước". Nghĩ đến cảnh quân giặc âm mưu giày xéo, xâm phạm nước ta, Toản tức giận, nghiến răng, hai bàn tay bóp chặt.

Lúc này trên bờ, ai nấy đều lo lắng cho Toản. Thấy cậu trở ra, mọi người bước tới xem tình hình thế nào. Quốc Toản xòe bàn tay phải cùng cam quý vua ban. Nhưng quả cam kia đã nát từ lúc nào không hay.

Câu chuyện về Trần Quốc Toản bóp nát quả cam được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Hình ảnh người anh hùng trẻ tuổi yêu nước đã để lại trong lòng em nhiều ấn tượng khó quên. Ông chính là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta về lòng dũng cảm cùng tinh thần yêu nước sâu sắc.

-------------------------------HẾT---------------------------------

Ngoài những câu chuyện được kể trong bài văn mẫu bên trên, các em có ấn tượng hay yêu thích một câu chuyện về nhân vật hoặc sự kiện lịch sử nào không? Nếu có, các em có thể viết và kể lại câu chuyện đó với mọi người nhé!

Đội ngũ Taimienphi.vn gửi đến em một số bài văn mẫu lớp 7 hay khác để giúp em nâng cao kĩ thuật viết của bản thân như:
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
- Em hãy đóng vai nhạc sĩ Văn Cao, viết bài văn kể lại sự ra đời của bài hát Tiến quân ca
- Nói và nghe: Trình bày ý kiến của em về lòng nhân hậu, vị tha
-
 Bài kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

Những văn bản lịch sử luôn mang sức hấp dẫn riêng, thu hút sự chú ý, quan tâm của đông đảo bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Dựa trên chủ đề này, Taimienphi.vn gửi đến các em một số mẫu bài văn Kể lại sự việc liên quan đến một nhân vặt hoặc sự kiện lịch sử. Mời em đón xem nhé!
Soạn bài Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử, Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều
Văn mẫu lớp 7
Em hãy đóng vai nhạc sĩ Văn Cao, viết bài văn kể lại sự ra đời của bài hát Tiến quân ca
Soạn bài Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử, Ngữ văn lớp 7, Chân trời sáng tạo
Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu
Viết đoạn văn kể lại một sự việc trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên bằng lời của một nhân vật do em tự chọn

ĐỌC NHIỀU