Đề bài: Trình bày ý hiểu về câu nói: Phong cách chính là người
Trình bày ý hiểu về câu nói: Phong cách chính là người
- Dẫn dắt vào vấn đề cần bàn luận: Câu nói của Buy-phông "Phong cách chính là người".
a. Khái niệm phong cách:
- Tổng hòa những nét riêng trong cung cách sinh hoạt, làm việc, ứng xử để tạo nên bản ngã của một con người hoặc một nhóm người nhất định có tính chất phân biệt với những cá thể khác.
- Phong cách gồm nhiều bình diện: Đời sống xã hội, văn học nghệ thuật,...
=> Khẳng định tính đúng đắn của câu nói.
b. Bàn luận:
* Tầm quan trọng của phong cách:
- Có nhiều quan điểm sai lầm về việc xây dựng phong cách trong cuộc sống: Chỉ giới nghệ sĩ mới cần phong cách, xây dựng phong cách là màu mè, chơi trội,...
- Tuy nhiên phong cách cá nhân là điều cơ bản và vô cùng quan trọng nó làm nên vẻ đẹp, cái duyên dáng thu hút của mỗi chúng ta, nếu thiếu phong cách bạn sẽ trở nên nhạt nhòa, thiếu hấp dẫn, thiếu độ nhận diện cái tôi cá nhân.
* Tầm quan trọng của phong cách trong một vài lĩnh vực:
- Mỗi nhà văn, nhà thơ đều phải có phong cách cho riêng mình, một phong cách thể hiện lối suy nghĩ, quan niệm sống, mà chân dung tâm hồn để thu hút độc giả và dựng lên cho mình một vị trí trong giới nghệ thuật, nếu không rõ ràng rằng họ sẽ bị chìm nghỉm trong một loạt các cây bút tài năng khác. Nêu dẫn chứng.
- Giới ca sĩ diễn viên gây dựng tên tuổi, độ nhận biết và vị trí trong nền công nghiệp giải trí bằng việc xây dựng cho mình phong cách riêng biệt.
* Chúng ta - những con người bình thường tạo dựng phong cách cá nhân như thế nào?
- Thể hiện bản sắc cá nhân trong việc giao tiếp ứng xử hằng ngày với mọi người xung quanh,trong phong cách làm việc, trong lối ăn mặc trang điểm, trong lối sống,...
- Trong phong cách ẩm thực, quan điểm trong các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, quan điểm thẩm mỹ, thường thức, quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan, quan niệm về tình cảm,...
- Có tinh thần tự tin, cố gắng cải thiện và tìm cách nhấn mạnh cũng như đánh dấu phong cách cá nhân ở một vài khía cạnh dễ cải thiện nhất, ví dụ như tư tưởng, phong cách làm việc, gu thời trang,... Và tuyệt nhiên bạn không nên cố bắt chước một ai đó.
- Nêu cảm nghĩ của bản thân.
Mỗi một con người khi đến với thế giới này đều như một trang giấy trắng đẹp trong ngần và vô cùng thanh khiết, dẫu vẫn biết rằng không phải ai cũng có cùng một xuất phát điểm công bằng, bởi đó là sự phân cấp xã hội khó có thể xóa nhòa. Thế nhưng trong giai đoạn hoàn thiện bản thân để trưởng thành và bước chân vào một thế giới nhiều màu sắc, tôi chắc rằng mỗi con người đều có ý thức xác định cho mình một phong cách riêng bằng thứ mực nước và bút vẽ của bản thân để hóa mình thành một mảnh ghép khác biệt và có một vị trí nhất định trong cuộc đời. Bởi không ai muốn sống nhạt nhòa, ai cũng mang trong mình một cái tôi cá nhân với khao khát được bùng cháy, được khai phá. Nói về phương diện phong cách của con người Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng đã có một phát biểu vừa trừu tượng lại vừa rõ ràng như một định nghĩa về nhân loại: "Phong cách chính là người".
Vậy phong cách là gì? Một định nghĩa chung được đưa ra rằng phong cách chính là tổng hòa những nét riêng trong cung cách sinh hoạt, làm việc, ứng xử để tạo nên bản ngã của một con người hoặc một nhóm người nhất định có tính chất phân biệt với những cá thể khác. Và con người khi làm việc hoặc sinh sống họ lại có nhiều những khái niệm phong cách khác nhau, ví dụ phổ biến và hay được nhắc đến là phong cách ăn mặc, phong cách trang điểm, phong cách sống,... đôi lúc người ta vẫn thay cách gọi trịnh trọng "phong cách" này thành một từ có vẻ bình dân và dễ hiểu hơn ấy là "lối" như lối sống, lối ăn mặc, lối trang điểm, lối nói,... Trong văn học nghệ thuật người nghệ sĩ phải được khẳng định thông qua các tác phẩm với phong cách nghệ thuật, phong cách ngôn từ, phong cách sáng tác, phong cách diễn đạt,... Nói chung trong bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ có thể xuất hiện từ phong cách và dường như chính phong cách đã làm nên cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên đa màu đa vẻ và có thể phân biệt. Vậy nên câu nói của Buy-phông "Phong cách chính là người" là một quan niệm đúng, một con người sẽ bao gồm nhiều phong cách trong các lĩnh vực khác nhau, kết hợp với nhau tạo nên cái tôi cá nhân của con người, và ngược lại chính phong cách đã đóng góp từng viên gạch nhỏ để dựng lên một cá thể hoàn chỉnh trong xã hội. Làm người ai cũng có cho mình một phong cách, quan trọng là họ có nắm bắt và nhận ra hay không thôi.
Trước hết bàn về phong cách của những con người bình thường trong xã hội, chúng ta có nên sống mà không cần xây dựng cho mình một phong cách hay không? Bởi có đôi lúc tôi vẫn nghe được những ý kiến rằng phong cách là cái gì đó quá xa rời thực tế, người bình thường thì nên bình bình đạm đạm mà sống, cớ sao phải đua đòi vẽ vời phong cách này nọ, màu mè và dở hơi. Thế nhưng đó là quan điểm quá sai lầm, sai lầm thứ nhất là đa số chúng ta vẫn chưa hiểu được định nghĩa phong cách, họ vẫn lầm tưởng phong cách chỉ dành cho những con người nổi tiếng, người làm nghệ thuật với những cụm từ nhan nhản báo đài ví như "phong cách sexy", "phong cách thiếu nữ", "phong cách thời trang",... hoặc trong giới văn chương, học sinh vẫn quen thuộc nhất với cụm từ "phong cách nghệ thuật". Điều đó vô hình chung làm chúng ta trở nên ra rời chính việc khẳng định cái tôi cá nhân của bản thân thông qua việc gây dựng phong cách mà thường đi lệch hướng bằng những hành động có vẻ như là khẳng định bản thân nhưng thực tế là ấu trĩ và hài hước. Mỗi chúng ta cần biết rằng, phong cách cá nhân là điều cơ bản và vô cùng quan trọng nó làm nên vẻ đẹp, cái duyên dáng thu hút của mỗi chúng ta, nếu thiếu phong cách bạn sẽ trở nên nhạt nhòa, thiếu hấp dẫn. Và quan trọng nhất là một cuộc sống thiếu phong cách sẽ khiến chúng ta chán nản, không thú vị, bởi trên hết có một phong cách riêng chính là đang thỏa mãn cái tôi của bạn một cách âm thầm, khiến bạn cảm thấy hài lòng vì chí ít cũng được khẳng định bản thân theo một phương diện nào đó.
Tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy tầm quan trọng của phong cách trong một vài lĩnh vực, tiêu biểu nhất và quen thuộc nhất có lẽ chính là văn chương. Người ta thường nhắc đến tác phẩm như là cả một gia tài tâm huyết của người nghệ sĩ, trong đó nổi lên hai mặt là nội dung và nghệ thuật, về nội dung thì muôn kiểu thế nhưng vẫn có nhiều nhà văn cùng cày cấy trên một chủ đề, một lĩnh vực. Tuy nhiên có một cái hay là dù chung đề tài nhưng mỗi một tác giả lại vẫn ghi dấu trong lòng người đọc những ấn tượng nhất định, tất cả đều nhờ vào phong cách nghệ thuật và cách nhìn nhận chủ đề mà họ đã tự tạo tập cho mình trong quá trình sáng tác. Tôi lấy ví dụ như Thạch Lam có phong cách viết truyện không cần cốt truyện, độc tác phẩm của ông người ta luôn thấy một cái gì đó lãng mạn, man mác buồn và đặc biệt Thạch Lam thích viết về những cái gì nhỏ nhặt, tầm thường tuy nhiên lại mang những ý nghĩa lớn. Mà theo như tác giả nói: "Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chỉnh ở chẽ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức". Hoặc nói đến Nguyễn Công Hoan chẳng hạn, ông viết về đề tài những con người khốn khổ dưới chế độ thực dân - nửa phong kiến bằng một giọng văn hóm hỉnh, nhưng ẩn sâu trong đó là nỗi niềm đau xót cho số phận những con người dưới đáy xã hội. Khác với Nguyễn Công Hoan thì Vũ Trọng Phụng cho người ta thấy tiếng trào phúng một cách gay gắt hơn rất nhiều, mà đôi lúc người ta còn cảm thấy hơi sốc với lối văn quá đỗi "trần truồng". Còn Nam Cao là giọng văn bình dị, cảm động, và ẩn chứa nhiều triết lý về cuộc sống cũng như cung cách làm văn,... Trong thi ca Việt Nam hiện đại, người ta sẽ thấy bật lên một Quang Dũng tài hoa, lãng mạn, một Tố Hữu ân tình, lý tưởng cách mạng, đất nước và nhân dân sâu sắc, một Nguyễn Khoa Điềm với phong cách triết luận trữ tình sâu sắc bằng chất liệu văn hóa dân gian,.... Nói chung rằng nhà văn, nhà thơ đều phải có phong cách cho riêng mình, một phong cách thể hiện lối suy nghĩ, quan niệm sống, mà chân dung tâm hồn để thu hút độc giả và dựng lên cho mình một vị trí trong giới nghệ thuật, nếu không rõ ràng rằng họ sẽ bị chìm nghỉm trong một loạt các cây bút tài năng khác.
Đó là là văn nhân, thi sĩ, bây giờ tôi sẽ nói đến những con người làm trong lĩnh vực nghệ thuật khác như ca sĩ, diễn viên, người mẫu. Các bạn, đặc biệt là giới trẻ như chúng ta sẽ chẳng bao giờ lạ lẫm với nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc, hàng năm hàng trăm nhóm nhạc lớn nhỏ ra đời thế nhưng chỉ một số ít trong đó là có thể bật lên trở thành ngôi sao thế hệ mới. Vậy họ đã làm gì để trở nên nổi tiếng? Chỉ có một cách duy nhất ấy là khẳng định phong cách âm nhạc và phong cách của thần tượng, nhạc có thể chọn pop ballad, dance, rock, ... khí chất thần tượng có thể là trẻ trung năng động, ngây thơ dễ thương, mạnh mẽ nam tính hoặc ấm áp như chàng trai nhà bên,... Hai yếu tố tổng hòa lại sẽ gây dựng nên một ấn tượng trong lòng khán giả để khi nhắc về một ca sĩ, nhóm nhạc nào đó họ có thể dễ dàng nhận định và phân biệt, điều này vô cùng có lợi cho việc khẳng định tên tuổi.
Như vậy các bạn có thể thấy rõ ràng được tầm quan trọng trọng việc tạo dựng phong cách của nghệ sĩ, và những ví dụ trên rõ ràng đã chứng minh được ý phong cách làm nên con người của Buy-phông, thậm chí trở thành một biểu tượng của người đó khi nhắc đến. Vậy trong cuộc sống các bạn có muốn được chú ý, được nhắc đến, được khẳng định cái tôi cá nhân của mình không? Tôi nghĩ rằng ít nhiều cũng có, tuy nhiên chúng ta phần lớn đều không phải nghệ sĩ nên chúng ta sẽ không tạo dựng phong cách thông qua tác phẩm mà thay vào đó là thông qua cuộc sống thường ngày. Hoặc nếu muốn bạn cũng có thể coi cuộc đời mình là một vở kịch vĩ đại và mỗi chúng ta sẽ là một nghệ sĩ với phong cách sáng tác riêng biệt (cười). Chúng ta sẽ xây dựng phong cách sống của mình thông qua việc thể hiện bản sắc cá nhân trong việc giao tiếp ứng xử hằng ngày với mọi người xung quanh, bạn có thể thẳng thắn bộc trực, cũng có thể có lối nói ý nhị; trong phong cách làm việc ví dụ như nhanh nhẹn tháo vát, cẩn trọng chắc chắn, độc lập kiên cường,...; trong lối ăn mặc trang điểm có thể là phong cách dịu dàng trang nhã, năng động trẻ trung, hoặc phong cách hoài cổ, kín đáo,...; trong lối sống bạn có thể chọn cho mình một cuộc sống yên tĩnh, bình lặng hoặc một cuộc sống sôi nổi, rộn ràng,... Và dĩ nhiên phong cách sống của một con người không chỉ có bấy nhiêu bình diện mà còn vô số những khía cạnh khác ví như phong cách ẩm thực, quan điểm trong các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, quan điểm thẩm mỹ, thường thức, quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan, quan niệm về tình cảm,... Tất cả nhiêu đó sẽ tổng hòa và làm nên phong cách sống của một con người, như một vở kịch đặc sắc, như một bức họa nhiều màu, như một bài hát lắm giai điệu, như một dấu vân tay, như một loại đặc tính làm nên thương hiệu để nhận định từng cá thể trong xã hội.
Nếu đọc qua phân tích của tôi về phong cách con người ở trên có thể các bạn thấy mình cũng có phong cách riêng đúng không, thế nhưng các bạn không hiểu tại sao bản thân mình vẫn vô cùng mờ nhạt trong xã hội, bạn vẫn luôn tự hỏi tại sao cùng là học sinh nhưng có bạn được chú ý, có bạn thậm chí giáo viên không nhớ mặt gọi tên. Điều đó thực tế khá phổ biến trong xã hội, bởi bộ não con người thường chỉ nhớ những cái gì gây cho họ một ấn tượng sâu sắc, ví dụ như ngoại hình, năng lực, và những quan điểm nổi bật của một ai đó. Thế nên bạn cũng không nên quá tự ti về bản thân mình mà thay vào đó bạn hãy cố gắng cải thiện và tìm cách nhấn mạnh cũng như đánh dấu phong cách cá nhân ở một vài khía cạnh dễ cải thiện nhất, ví dụ như tư tưởng, phong cách làm việc, gu thời trang,... Và tuyệt nhiên bạn không nên cố bắt chước một ai đó, bạn có thể tham khảo nhưng không thể chép y nguyên phong cách của người khác vào cuộc sống của mình, bởi vì bạn sẽ lập tức trở thành một bản sao lỗi ngay. Tôi nói điều đó bởi vì phong cách không pahir tự nhiên có, mà nó nằm ở tâm hồn và nội hàm của mỗi con người, mỗi người sẽ có một cách khác nhau, thứ của người khác chưa chắc đã hợp với bạn và ngược lại. Vì thế tốt hơn hết chúng ta hãy cố gắng dùng màu sơn và cây cọ của mình để tự tô vẽ nên một phong cách riêng biệt, không nhầm lẫn, không nhạt nhòa và có độ nhận diện cao bạn nhé.
Nói tóm lại quan điểm của Buy-phông "Phong cách chính là con người" đúng trong mọi trường hợp và trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ riêng gì giới văn nhân nghệ sĩ. Chúng ta sống trên đời dù có muốn một cuộc sống bình đạm qua ngày thì chí ít cũng phải xây dựng cho mình một phong cách sống đẹp, để lại cho người xung quanh những ấn tượng tốt. Bởi ai trong chúng ta sinh ra trên đời đều là một sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa, thế nên chúng ta phải sống thật sự chứ không nên chỉ tồn tại một cách vô nghĩa nhạt nhòa.
---------------------HẾT-----------------------
Bên cạnh đề số 2, bài tập làm văn số 5, Ngữ văn 12: Trình bày ý hiểu về câu nói: Phong cách chính là người, các em học sinh có thể tìm đọc thêm: Vì sao có thể nói văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người? ,Trong một bức thư bàn luận về văn chương, Nguyễn văn Siêu có viết: "Văn chương (...) có loại đáng thờ, có loại ko đáng thờ.... Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên, Nền văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 là "Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn". Anh (Chị) hãy trình bày ý kiến của mình về nhận định trên., Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: "Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra".