Tình huống truyện của một số tác phẩm Ngữ Văn 9

Mục Lục bài viết:
I. Tìm hiểu về tình huống truyện
II. Tình huống truyện một số tác phẩm nổi bật
  1. Chuyện người con gái Nam Xương
  2. Làng - Kim Lân
  3. Lặng lẽ Sa Pa
  4. Chiếc lược ngà
  5. Bến quê
  6. Những ngôi sao xa xôi
  7. Cố hương- Lỗ Tấn
  8. Hai đứa trẻ

Tình huống truyện của một số tác phẩm Ngữ Văn 9


I. Tình huống truyện

* Khái niệm

- Tình huống truyện là hoàn cảnh, sự kiện và những tình tiết đặc biệt có chứa đựng những xung đột, mâu thuẫn, nghịch lí được xuất hiện trong tác phẩm.
- Một tác phẩm có thể có nhiều sự kiện, thế nhưng không phải sự kiện nào cũng là tình huống truyện.

* Vai trò:

- Tình huống truyện là "phương tiện" giúp nhân vật bộc lộ được tính cách, bản chất của mình.
- Thông qua tình huống truyện, nhà văn không chỉ tạo ra tính hấp dẫn, gay cấn cho tác phẩm mà còn góp phần bộc lộ được nội dung, tư tưởng cũng như những dụng ý nghệ thuật đặc biệt.
=> Tình huống truyện gắn liền với cốt truyện và chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Tình huống truyện giúp người đọc khám phá được những chiều sâu tư tưởng của tác phẩm ấy.

* Phân loại:

- Tình huống tâm lí: Là sự kiện, hoàn cảnh đặc biệt giúp làm sáng rõ tâm lí của nhân vật
Ví dụ: Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

- Tình huống hành động: Là tình huống đặc biệt mà nhân vật trong truyện chỉ có thể giải quyết bằng hành động.
Ví dụ: Nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.

- Tình huống nhận thức: Là tình huống mà nhân vật bị đẩy đến một tình cảnh éo le, bất thường, qua đó nhân vật giúp ra những quy luật của cuộc sống.


II. Tình huống của một số tác phẩm Ngữ văn lớp 9


1. Tình huống truyện Chuyện người con gái Nam Xương

* Tình huống truyện:

- Tình huống 1: Vũ Nương là người con gái tài sắc, đức hạnh vẹn toàn nhưng lấy phải người chồng ít học, lại có tính hay ghen
- Tình huống 2: Khi chồng ra chiến trận, nàng chăm lo chu toàn mọi việc nhà, hiếu thảo với mẹ chồng và hết mực yêu thương con. Vì thương con thiếu vắng tình cha nên cứ tối đến, nàng chỉ lên chiếc bóng của mình trên tường và nói đó là cha bé Đản, cũng để vơi bớt nỗi nhớ chồng
- Tình huống 3: Hết hạn đi lính, Trương Sinh trở về, nhưng Vũ Nương chưa được hưởng hạnh phúc sum họp gia đình được bao lâu thì xảy ra bi kịch. Trong một lần, bé Đản buột miệng nói "Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia chỉ im thin thít...". Chỉ vì sự nóng nảy, thiếu suy nghĩ, ghen tuông quá mức đến mức mù quáng, không phân biệt được đúng/sai mà chàng ta nổi giận, mắng nhiếc và đánh đuổi Vũ Nương hết sức thậm tệ.
- Tình huống 4: Vũ Nương gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự tử để giữ gìn khí tiết còn Trương Sinh sau đó, vào một đêm dưới ngọn đèn, bé Đản chỉ vào cái bóng trên tường và nói đó là cha. Chàng ta hiểu ra sự tình nhưng đã quá muộn.
- Tình huống 5: Vũ Nương được chồng lập đàn giải oan nhưng không thể trở về dương gian.

* Ý nghĩa/ Tác dụng:

Việc xây dựng các tình huống truyện hết sức độc đáo đã giúp tác giả Nguyễn Dữ thể hiện nội dung, tư tưởng chủ đề tác phẩm.


2. Tình huống truyện Làng của Kim Lân

* Tình huống truyện:

- Tình huống 1: Ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc
Ông Hai là người nông dân yêu làng, vì hoàn cảnh mà ông phải rời làng đi tản cư. Ở nơi tản cư, ông luôn nhớ về làng, ngày nào ông cũng nghe ngóng tin tức về làng. Trong một lần đi nghe tin tức, ông Hai biết được tin làng chợ Dầu theo giặc.

=> Tình huống giúp bộc lộ tình yêu làng, yêu nước sâu sắc trong tâm hồn ông Hai. Qua đó còn cho thấy những diễn biến tâm lí phức tạp và vẻ đẹp đáng quý của ông Hai qua quyết định: Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù.

- Tình huống 2: Ông Hai nghe tin cải chính
Nhận được tin cải chính, ông Hai vui sướng chạy đi khoe tin này với mọi người nơi mình tản cư, ông hào hứng khoe việc nhà mình bị Tây đốt.

=> Tình huống đã mở nút cho câu chuyện --> Tình yêu làng và tình yêu nước của ông Hai được hòa quyện làm một.

* Ý nghĩa:

- Nhà văn Kim Lân đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, qua đó bộc lộ tình yêu làng, yêu nước, một lòng trung thành với cách mạng của những người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Thể hiện tài năng xây dựng tình huống truyện của nhà văn.


3. Tình huống truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long

* Tình huống truyện:

Lặng lẽ Sa Pa có tình huống truyện đơn giản, đó là cuộc gặp gỡ tình cờ của anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn với bác lái xe, ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ.

* Ý nghĩa:

Qua cuộc gặp gỡ bất ngờ, cuộc sống, công việc và những vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên được bộc lộ một cách tự nhiên, chân thực. Tình huống truyện cũng góp phần bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm: "Trong cái lặng im của Sa Pa [...]. có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước".


4. Tình huống truyện Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

* Tình huống truyện:

- Vì chiến tranh, hai cha con ông Sáu phải xa cách nhau trong 8 năm trời, chỉ được nhìn thấy nhau qua những bức hình.
- Được nghỉ phép về thăm nhà có mấy ngày, ông Sáu vui mừng, khao khát phút giây nghe con gọi "ba", vậy nhưng chỉ bởi vết thẹo dài trên má ông mà bé Thu nhất quyết không nhận cha mình, điều này khiến ông Sáu rất buồn lòng.
- Sau khi nghe bà giải thích, bé Thu đã hiểu ra nhưng đến lúc ngộ ra và bày tỏ tình cảm với cha thì ông Sáu phải lên đường đi chiến đấu.
- Ở chiến khu, ông Sáu dồn toàn bộ tình yêu thương cho con qua việc làm chiếc lược ngà nhưng chưa kịp trao tận tay cho đứa con thì đã hi sinh.

* Ý nghĩa:

- Nút thắt của câu chuyện: Vết thẹo trên mặt ông Sáu là nguyên nhân khiến cho bé Thu nhất quyết không nhận cha => Tình huống đầy éo le, bất ngờ nhưng cũng rất đỗi hợp lí, tự nhiên theo tâm lí của trẻ nhỏ khi nhìn cha hiện tại khác hoàn toàn với người cha trong bức ảnh. Đó cũng là thử thách lớn nhất để hai cha con phải vượt qua và khi đã vượt qua thử thách lớn này, càng tô đậm tình phụ tử sâu nặng, thiêng liêng.

- Tình huống truyện cũng góp phần bộc lộ tính cách của các nhân vật:
+ Ông Sáu: Là người cha hiền lành, mẫu mực, dành trọn cho đứa con gái bé bỏng của mình tình cảm yêu thương, ông khao khát tiếng con gọi cha từng ngày và tranh thủ từng phút giây nghỉ phép ngắn ngủi để thể hiện tình cảm của mình đối với đứa con, và đau buồn thậm chí nổi giận khi đứa con mình mong mỏi bấy lâu nay không nhận cha.
+ Bé Thu: Là cô bé có cá tính mạnh mẽ, bướng bỉnh, ương bướng ngay cả khi bị cha đánh cũng nhất quyết không khóc, tuy nhiên là một cô bé rất yêu kính cha mình khi không nhận người không giống cha trong bức ảnh; chỉ đến khi hiểu ra vấn đề, em mới bộc lộ toàn bộ nỗi niềm nhớ nhung, tình cảm của mình đối với người cha thân yêu.

- Qua đây, tác giả Nguyễn Quang Sáng ca ngợi tình phụ tử thiêng liêng, sâu sắc cũng như kín đáo lên án, tố cáo chiến tranh phi nghĩa.


5. Tình huống truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu

* Tình huống:

- Tình huống 1: Sự đối lập trong cuộc đời nhân vật Nhĩ
+ Lúc còn trẻ: Anh đã đi đến rất nhiều nơi, thậm chí không thiếu cái xó xỉnh nào trên Trái Đất
+ Gần cuối đời: Bị liệt toàn thân, không thể đi lại, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người khác.

- Tình huống 2: Phát hiện quy luật mang đầy tính nghịch lí về cuộc đời con người
+ Anh phát hiện ra vẻ đẹp hết sức bình dị nhưng cũng đầy quyến rũ của bãi bồi bên kia sông, muốn đặt chân đến đó nhưng với tình trạng hiện giờ điều đó là quá xa vời
+ Anh nhờ đứa con trai đi qua bờ bên kia để thay mình làm điều đó nhưng đứa con không hiểu được tâm tư của bố, nên đã sa vào đám chơi cờ trên phố, để lỡ chuyến đò duy nhất sang bên kia.

* Ý nghĩa của tình huống truyện:

- Nguyễn Minh Châu thông qua nhân vật Nhĩ đã gửi gắm những phát hiện mang tính quy luật của bản thân: Cuộc đời con người luôn ẩn chứa những điều nghịch lí, bất ngờ và trên đường đời, ta luôn khó tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình.
- Thông qua truyện ngắn, Nguyễn Minh Châu cũng thức tỉnh mỗi chúng ta cần trân trọng những điều bình dị, gần gũi xung quanh ta, nhất là gia đình, quê hương.


6. Tình huống truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

* Tình huống truyện:

- Truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" xoay quanh cuộc sống và công việc của 3 nữa thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn xưa là: Phương Định, Nho, Thao.
- Phương Định, Nho, Thao là những nữ thanh niên trẻ tuổi, giàu trách nhiệm. Công việc của họ là đo lượng đất đá bị bom địch đào xới, san lấp hố bom và phá những quả bom chưa nổ.
=> Công việc hiểm nguy, vất vả, cái chết luôn rình rập.

* Ý nghĩa:

Tình huống truyện đã làm nổi bật lên tinh thần dũng cảm, ý thức trách nhiệm với công việc và vẻ đẹp tâm hồn của những nữ thanh niên trẻ tuổi: mộng mơ, giàu tình thương.
 

7. Tình huống truyện Cố hương

* Tình huống truyện:

Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nhân vật "tôi" trở về thăm quê hương sau 20 năm xa cách, chứng kiến sự tàn tạ, ảm đạm, nghèo nàn của cảnh vật và sự thay đổi, biến chất của những người dân trong làng cũ, đặc biệt là những người bạn từ thuở thiếu thời, "tôi" không khỏi buồn thương, thất vọng.

* Ý nghĩa:
- Qua tình huống này, Lỗ Tấn đã giúp nhân vật "tôi" dễ dàng bộc lộ diễn biến tâm trạng của mình khi chứng kiến những thay đổi của cảnh và người ở quê hương sau 20 năm, ngày càng tàn tạ, nghèo nàn và biến chất.
- Với hình ảnh con đường cuối truyện, tác giả cũng gửi gắm niềm hi vọng về một cuộc sống tương lai văn minh, tốt đẹp, hạnh phúc hơn đến với con người quê hương.
 

8. Tình huống truyện Hai đứa trẻ

* Tình huống truyện:

Sự việc tạo nên tính cao trào của truyện và giúp tính cách của các nhân vật bộc lộ rõ nét nhất chính là sự kiện A-li-ô-sa cứu cậu bé út con của ngài đại tá thoát chết, cũng là hàng xóm bên cạnh nhà cậu. Tình bạn hồn nhiên, trong sáng, vô tư giữa A-li-ô-sa và ba đứa con nhà đại tá nảy nở từ đó. Tuy nhiên, do sự chênh lệch quá lớn về địa vị, tầng lớp, bởi vậy mối quan hệ của tụi trẻ bị người lớn kịch liệt cấm đoán. Vậy nhưng vượt lên trên tất cả, tình bạn giữa A-li-ô-sa và ba đứa con nhà đại tá lại càng trở nên khăng khít, thắm thiết hơn.

* Ý nghĩa tình huống truyện:
- Ca ngợi tình bạn thắm thiết giữa những đứa trẻ bất hạnh, cùng chung cảnh ngộ, vượt lên những định kiến xã hội để trở thành những người bạn tốt của nhau
- Chính tình bạn hồn nhiên, trong sáng, vô tư giữa A-li-ô-sa và ba đứa trẻ nhà đại tá và tình yêu của người bà nhân hậu đã giúp cậu bé A-li-ô-sa có thêm sức mạnh để vượt qua nỗi bất hạnh của mình.

--------------HẾT--------------

Để ôn tập và chuẩn bị tốt nhất cho kì thi vào 10 sắp tới, bên cạnh Tình huống truyện, các em có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu hữu ích khác như: Ý nghĩa nhan đề một số tác phẩm Ngữ văn 9Hoàn cảnh sáng tác và tác dụng của hoàn cảnh sáng tác Ngữ Văn lớp 9 tại Thuthuat.Taimienphi.vn.

Tổng hợp Tình huống truyện của một số tác phẩm Ngữ Văn 9 sẽ giúp các em hiểu được tình huống truyện của một số tác phẩm trọng tâm trong chương trình, qua đó giúp cho việc ôn tập và củng cố kiến thức được hiệu quả hơn.
Tình huống truyện Những đứa con trong gia đình
Tóm tắt tình huống truyện Sống chết mặc bay
Tóm tắt tình huống truyện Lão Hạc
Phân tích tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm Làng của Kim Lân siêu hay
Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt
Soạn bài Kiểm tra về thơ và truyện hiện đại

ĐỌC NHIỀU