Đề bài: Suy nghĩ về câu nói của William S.Peare: Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực
Suy nghĩ về câu nói của William S.Peare: Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực
1. Mở bài
Giới thiệu về William William Shakespeare và câu nói : "Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực"
2. Thân bài
· Giải thích khái niệm lòng trung thực
· Vai trò, ý nghĩa của lòng trung thực
· Phân tích về lòng trung thực trong cuộc sống
· Nếu không có lòng trung thực thì sao?
· Phản đề
· Mở rộng vấn đề
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của lòng trung thực
William Shakespeare là nhà văn nổi tiếng bậc nhất của nước Anh, không những thế ông còn được mệnh danh là nhà viết kịch đi trước thời đại. Thật vậy, ông là người có tư tưởng mang tầm vóc thời đại, và con người vĩ đại ấy đã để lại câu nói đầy triết lý khiến chúng ta phải suy ngẫm: "Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực".
"Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực" là một quan điểm hoàn toàn đúng đắn. Đúng vậy, không có thứ gì quý hơn lòng trung thực của mỗi người. Trung thực là một đức tính quý giá của con người, là sự ngay thẳng trong tính cách, trong cách suy nghĩ và hành động của con người. Người trung thực không bao giờ nói dối, không nói sai, không phóng đại sự thật.
Thật vậy, người sống trung thực sẽ luôn được mọi người tin tưởng và yêu quý. Trung thực giúp con người ta có thể thành thật với nhau, không lừa gạt giả dối sẽ khiến cuộc sống con người bớt mệt mỏi và dễ dàng hơn. Trung thực giúp ta có được lòng tin của mọi người, được đánh giá cao trong công việc, người trung thực cũng là người sẵn sàng nhận lỗi lầm của mình để sửa chữa từ đó sẽ dễ dàng được người khác cảm thông và tin cậy. Trung thực có vai trò to lớn đối với cuộc sống của mỗi con người.
Như chúng ta đã biết lòng trung thực là một đức tính rất quý giá đối với mỗi người. Hãy thử hình dung xem gia đinh của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu như mỗi thành viên trong gia đình biết sẻ chia, thành thật với nhau. Rồi trong tình yêu cũng vậy, nếu đôi bên luôn thành thật và tin tưởng nhau sẽ không có chuyện bất đồng vì không hiểu nhau, không có giả dối tình yêu sẽ bền vững và ấm áp biết mấy. Và lòng trung thực của những em nhỏ với thầy cô, cha mẹ là việc hoàn toàn cần thiết. Đôi khi chỉ cần thành thật nhận lỗi về những lỗi lầm mà mình gây ra cũng đủ để khiến người khác cảm thấy sự an ủi và dễ dàng tha thứ hơn.
Người ta thường truyền miệng nhau "một là không nói dối, hai là không nói dối nhiều lần" , và điều này hoàn toàn đúng. Bởi nếu ngay từ khi bắt đầu bạn đã không trung thực thì cả cuộc đời sau đó bạn phải giả dối để tiếp tục câu nói của mình. Con người thường khó khăn trong việc tự nhận lỗi về bản thân mình vì họ rất coi trọng bản thân. Thậm chí họ có thể hạ thấp người khác, sai bất chấp để tiếp tục bào chữa cho sai lầm của mình. Thế nhưng sau tất cả con người ta nhận lại từ sự cố chấp của bản thân mình là gì, là cảm giác hân hoan của sự chiến thắng hay là sự đổ vỡ trong những mối quan hệ và những sai lầm nối tiếp nhau.
Bởi vậy trong cuộc sống rất cần có sự trung thực. Nếu chúng ta không trung thực chúng ta sẽ luôn phải đối đầu với những vấn đề lớn hơn, liên tục gặp khó khăn và cảm thấy mệt mỏi vì phải trở thành diễn viên chính của vở kịch mà mình đang diễn. Nếu cứ tiếp tục bất chấp tất cả mà không tỉnh ngộ sẽ dần đánh mất bản thân mình, phải sống một cuộc đời giả dối, bị mọi người xa lánh, coi thường. Cuộc đời có gì quý hơn danh dự và lòng trung thực. Không thành thật với bản thân, dối lừa người khác cũng là đang tự đánh mất danh dự của mình, rồi cứ thế các mối quan hệ sẽ ngày càng xấu đi và bạn sẽ trở nên cô độc. Liệu vài giây phút giả dối để thỏa mãn cái tôi của bản thân có đáng giá đủ để đánh đổi cả danh dự và lòng trung thực?
Thật vậy lòng trung thực rất quan trọng thế nhưng không phải lúc nào con người ta cũng cần phải thành thật. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp sự thiếu trung thực nhưng đầy nhân đạo của bác sĩ khi không cho bệnh nhân biết bệnh tình thực sự của họ. Có thể người bệnh ấy sẽ chẳng thể sống được bao lâu nữa nhưng bác sĩ vẫn khẳng định với họ rằng họ chỉ bị bệnh nhẹ và nếu điều trị tốt sẽ khỏi. Dây là lời nói dối nhưng chẳng phải là xuất phát từ tấm lòng của vị lương y muốn cho bệnh nhân của mình sống những ngày tháng cuối cùng không phải quá lo nghĩ. Chẳng phải sự thiếu trung thực ở đây là nhân đạo hay sao?
Và chúng ta cũng cần nhớ rằng trung thực không có nghĩa là có gì nói đấy, nói mà bất chấp sự thật có ra sao. Trung thực đi kèm với trách nghiệm phải kiểm chứng sự thật trước khi nói vì cuộc đời lắm chuyện thị phi và sự thật thường không như chúng ta nghe được. Vì vậy trước khi thành thật nói ra điều gì đó cũng cần phải kiểm chứng sự thật, tránh để câu chuyện rẽ sang một hướng khác khiến xã hội điên đảo phi phi này thêm mỏi mệt.
Trung thực, một đức tính quý báu của con người không thể thiếu được. Và để mỗi người cần phải thực tế trong cuộc sống, thành thật trong những câu chuyện của mình và đặc biệt phải tỉnh táo với những chuyện thường nhật đang xảy ra. Hãy sống bằng tấm lòng, sống thật với những gì mình có, dù không kiêu sa đài các, không nguy nga tráng lệ như người khác nhưng đó cũng là cuộc đời của mình. Là những gì mà mình dành trọn tuổi trẻ để trải qua vì vậy hãy trân trọng và hãnh diện với những gì mình có, sống thật với cuộc đời của mình.
-----------------------HẾT----------------------------
Bài văn mẫu Suy nghĩ về câu nói của William S.Peare: Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực trên đây đã giúp các em thấy được vai trò của lòng trung thực và tìm hiểu vầ một số trường hợp "không trung thực" có ý nghĩa trong cuộc sống. Để tiếp tục rèn luyện kĩ năng viết bài, các em có thể tham khảo thêm: Suy nghĩ về câu nói: Cái chết không phải mất mát lớn nhất trong cuộc đời..., Suy nghĩ về câu nói: Cảm thông là chiếc chìa khoá mở cửa trái tim người khác, Suy nghĩ về câu nói: Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa, Suy nghĩ về câu nói: Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được...