Soạn bài Tràng giang, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức

Soạn bài Tràng giang


Soạn bài Tràng Giang - Ngữ văn 11 Kết nối tri thức


I. Chuẩn bị - Soạn bài Tràng Giang

* Gợi ý trả lời câu hỏi phần chuẩn bị:


1. Theo bạn, vì sao người đọc lại có thể rung động trước bài thơ được viết bởi một người xa lạ, có những trải nghiệm khác biệt với mình?

Theo em, lí do người đọc có thể rung động trước bài thơ được viết bởi một người xa lạ, có những trải nghiệm khác biệt mình là sự tương đồng trong cảm xúc. Con người thường có những cảm xúc như: vui vẻ, hạnh phúc, buồn rầu, bâng khuâng, lo lắng,... Khi những cảm xúc này được đặt vào thơ, phối hợp với những sự vật, hình ảnh, nhịp điệu thơ có thể khiến người đọc đồng cảm vì chung cảm xúc.


2. Bạn có cho rằng cảnh trời đất mênh mông trong buổi chiều tà thường có một ý nghĩa đặc biệt đối với tâm hồn của mỗi người? Hãy đọc một số câu thơ mà bạn biết nói về cảnh ấy, thời điểm ấy.

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không"

("Mộ" - Hồ Chí Minh)

"Chiều trời lảng bảng bóng hoàng hôn,

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn"

("Chiều hôm nhớ nhà" - Bà Huyện Thanh Quan)

"Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

...

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta"

("Qua đèo Ngang" - Bà Huyện Thanh Quan)


II. Đọc hiểu - Soạn bài Tràng Giang

* Gợi ý trả lời câu hỏi phần đọc hiểu:


1. Chú ý điều được gợi mở từ câu thơ đề từ.

- Câu thơ đề từ: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài".

+ Cảm xúc: bâng khuâng, nhớ.

+ Không gian: bao la rộng lớn.

- Lời đề từ đã cho người đọc biết được cảm xúc của tác giả khi đứng trước một không gian mênh mông, to lớn.


2. Hình ảnh xuất hiện ở câu cuối khổ thơ có thể gợi lên những cảm nhận gì?

- Hình ảnh: "Củi một cành khô lạc mấy dòng" gợi lên cảm giác cô đơn, bé nhỏ, bơ vơ, vô định, bất lực, không biết bấu víu vào đâu.


3. Thế nào là "sâu chót vót"?

- "sâu" là từ để miêu tả chiều sâu, khi người nói đứng ở vị trí cao nhìn xuống.

- "chót vót" là từ để miêu tả chiều cao, khi người nói đứng ở vị trí thấp nhìn lên.

- Cách nói "sâu chót vót" đã khiến cho không gian đã sâu, đã cao nay lại còn nhân lên gấp bội - Gợi lên khung cảnh mênh mông, rộng lớn.


4. Chú ý đặc điểm chính tả và ngữ âm của từ láy "dợn dợn".

- "Dợn dợn" là từ láy toàn phần. Nhưng khi đọc, người ta thường đọc là "dờn dợn" để thuận miện hơn.

Soạn bài Tràng Giang - Ngữ văn 11 Kết nối tri thức


III. Sau khi đọc - Soạn bài Tràng Giang

* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:


Câu hỏi 1 trang 60 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

- Cảm nhận về nhan đề "Tràng giang": "Tràng giang" nghĩa là con sông dài. Đây là từ Hán Việt mang sắc thái cổ kính, trang trọng.

- Cảm xúc của nhan đề và lời đề từ: Cho em cảm nhận được nỗi buồn, sự nhỏ bé, cô đơn của con người khi ở trong khoảng không gian bao la, bát ngát.

- Vừa báo hiệu trạng thái tinh thần bao trùm bài thơ, vừa trực tiếp khai mở dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình trước thiên nhiên rộng lớn và cuộc đời.


Câu hỏi 2 trang 60 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

- Những từ ngữ có thể được dùng để chỉ tính chất của khung cảnh được "vẽ" ra trong bài thơ đó là: mông mông, vô tận, buồn, hiu hắt, vắng vẻ, lạnh lẽo, xa xăm, rời rạc,...


Câu hỏi 3 trang 60 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

- Tứ thơ của "Tràng giang" dựa vào sự vận động của hệ thống hình ảnh trong từng khổ thơ và toàn bài:

+ Hình ảnh được sắp xếp dựa trên sự đối lập giữa một bên là thiên nhiên bao la, kì vĩ: "trời rộng", "sông dài", "mây cao", "núi bạc", "bờ xanh", "bãi vàng",.... Đây chính là hình ảnh cụ thể - cảm tính. Và một bên còn lại là những sự vật nhỏ bé, trơi trọi, cô đơn: con thuyền, một cành củi khô, cánh bèo,... mang tính chất ngụ ý, tượng trưng.

- Từ sự đối lập này, tác giả đã gợi sự liên tưởng về những thân phận con người bé nhỏ, bơ vơ giữa cuộc đời rộng lớn.

+ Trong cả bài, các hình ảnh đều được đặt trên "lộ trình" vận động: từ biểu đạt cái hữu tình đến biểu đạt cái vô hình. Cái hữu tình ở đây chính là nỗi buồn, nỗi buồn ấy được diễn tả tăng dần theo từng khổ thơ. Ở khổ thơ đầu tiên, tác giả chỉ miêu tả những điều gì nhìn thấy trước mặt rồi mới phóng tầm mắt ra xa dần. Càng xa, nỗi buồn càng được phóng đại bởi cảm giác bơ vơ, lẻ loi rồi đến cuối cùng, cảm xúc đó không được gọi tên mà chỉ còn thấy "dợn dợn" một nỗi nhớ nhà trong lòng.


Câu hỏi 4 trang 60 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

- Sự tương phản giữa các hình ảnh trong khổ thơ thứ hai:

+ "cồn nhỏ" ở gần - tiếng nói cười ở "xa".

+ Cồn cát nhỏ bé - "sông dài, trời rộng" bao la.

+ Những vật hữu hình "cồn", "sông", "trời" - những thứ vô hình "gió", "tiếng".

+ "Nắng xuống" - "trời lên".

=> Ý nghĩa: Sự tương phản cho người đọc thấy được sự cô đơn, lẻ loi của con người, sự vật khi đứng trước thiên nhiên rộng lớn. Tác giả mong muốn được giao tiếp với con người nhưng chỉ nghe thấy "tiếng làng xa" - âm thanh xa vời, không rõ ràng mà ông không thể bấu víu vào để thoát khỏi cô đơn.

- Sự tiếp nối triển khai ở các khổ thơ kế tiếp: vẫn là những sự vật nhỏ bé như "cánh bèo", "cánh chim" trước thiên nhiên rộng lớn "mênh mông", "bờ xanh tiếp bãi vàng", "mây cao đùn núi bạc".


Câu hỏi 5 trang 60 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

Một số cách sử dụng ngôn từ độc đáo của Huy Cận trong "Tràng giang":

- Biện pháp đảo ngữ: "củi một cành khô" - một cành củi khô -> Nhấn mạnh sự lẻ loi, bé nhỏ của sự vật.

- Sử dụng những từ láy kết hợp với sự vậy, cảm xúc: "buồn điệp điệp", "nước song song", "gió đìu hiu", "lớp lớp mây cao", "lòng quê dợn dợn" -> Làm tăng sắc thái biểu cảm cho những sự vật, cảm xúc lên một tầng cao hơn trong diễn đạt.

- "sâu chót vót": lấy tính từ chỉ chiều cao để miêu tả chiều sâu -> Sự rộng lớn của không gian càng tăng lên gấp bội.

- Cách ngắt nhịp:

+ "Đâu/tiếng làng xa/vãn chợ chiều" là một lời phủ định rằng không có tiếng vãn chợ ở xung quanh đây đâu.

+ "Đâu tiếng làng xa/vãn chợ chiều" lại là câu hỏi về âm thanh không rõ ràng vang vọng trong không gian

- Cho độc giả thấy được sự đa nghĩa, ẩn ý, nhiều màu sắc trong tứ thơ.


Câu hỏi 6 trang 60 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

* Thi liệu truyền thống: Những hình ảnh thường thấy trong thơ cổ, những điển tích, điển cố, từ Hán Việt, cảm hứng Đường thi,...

* Thi liệu truyền thống xuất hiện trong văn bản:

- Về hình ảnh: sông dài, thuyền - nước, bèo - nước, làng xa bên sông, núi, mây bạc, cánh chim trong buổi hoàng hôn,...

- Về từ ngữ:

+ "đìu hiu": có cảm xúc tương tự câu thơ "Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò".

+ "đùn": giống nghĩa biểu đạt trong câu thơ "Mặt đất mây đùn cửa ải xa".

- Về điển tích, điển cố: Câu thơ "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" bắt nguồn từ cảm hứng trong bài thơ "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu: "Nhật mộ hương quan hà xứ thị/Yên ba giang thượng sử nhân sầu".

- Việc sử dụng các thi liệu truyền thống nằm trong ý đồ cấu tứ và chiến lược tổ chức văn bản của nhà thơ. Với sự xuất hiện của các thi liệu này, hướng vận động của hệ thống hình ảnh trong bài sẽ được xác định rõ. Mỗi hình ảnh sẽ ám gợi về một điều gì đó vô hình hơn bên ngoài nó và hướng dẫn người đọc hướng tới những suy ngẫm sâu sắc về tình thế tồn tại của con người, về bản chất cuộc sống.


Câu hỏi 7 trang 60 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

- Mỗi hình ảnh thơ trong "Tràng giang" đều có thể trở thành biểu tượng, hàm chứa nhiều ý nghĩa, gợi nhiều cảm nhận tùy theo trải nghiệm của người đọc.

- Bài thơ gợi lên khung cảnh quen thuộc nhưng mang nhiều tầng ý nghĩa, từ đó hướng người đọc tới những suy tưởng về mối quan hệ giữa cá nhân con người với xã hội, về sự tương quan giữa con người nhỏ bé và vũ trụ rộng lớn.


Câu hỏi 8 trang 60 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

Bài thơ cho em cảm thấy rằng bản thân và cuộc sống của con người quá nhỏ bé khi so với vũ trụ vô cùng vô tận. Nỗi cô đơn, bơ vơ, lạc lõng của tác giả giúp em nhận ra rằng con người chúng ta làm gì cũng sẽ chỉ có một mình. Tự mình bước đi trên con đường đời chính là nhiệm vụ của mỗi người. Vậy nên mình phải cố gắng mạnh mẽ, vững vàng, can đảm trước mọi thử thách.


* Kết nối đọc - viết: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) bày tỏ sự tâm đắc của bạn về một phương diện nổi bật của bài thơ "Tràng giang".

"Tràng giang" là một tuyệt phẩm của Huy Cận. Ông đã diễn tả nỗi cô đơn, nhỏ bé của con người khi đứng trước thiên nhiên bao la một cách vô cùng tài tình. Bằng những hình ảnh tượng trưng: cành củi khô, con thuyền, bến cô liêu, người đọc thấy được sự cô đơn, lạc lõng, bé nhỏ của vạn vật trong nhân gian. Chúng không thể lựa chọn thoát khỏi nỗi cô độc ấy mà chỉ có thể chờ, chờ một điều gì đó như "tiếng làng xa vãn chợ chiều" đến, xua tan đi sự buồn tẻ. Thế nhưng, càng chờ, âm thanh ấy càng xa, càng mập mờ chẳng rõ. Cuối cùng, vẫn chỉ có con người cùng khoảng không bao la, rợn ngợp. Không gian ở đây được mở ra tới cả ba chiều: chiều cao "sâu chót vót", chiều dài và rộng của "sông dài, trời rộng" càng khiến cho con người trở nên bơ vơ, cô độc.


- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Em hãy xem xét kĩ những từ ngữ mà Huy Cận đặt vào trong bài thơ này để thấy những điểm độc đáo, hay ho của tác phẩm. Mời em xem thêm những bài soạn khác trong kho tài liệu của Taimienphi.vn như: Soạn bài Con đường mùa đông, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức; Soạn bài Nhớ đồng, Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức.

Khi đứng trước thiên nhiên bao la, rộng lớn vào buổi chiều tà, con người bỗng trở nên thật bé nhỏ, cô đơn. Đây là cảm hứng để nhà thơ Huy Cận tạo nên tuyệt phẩm "Tràng giang". Mời em tham khảo Soạn bài Tràng Giang, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức mà đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé.
Soạn bài Tràng giang của Huy Cận, Ngữ văn lớp 11
Soạn bài Chí Phèo, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận
Soạn bài Vợ nhặt, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
Soạn bài Cải ơi!, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
Soạn bài Nhớ đồng, Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức

ĐỌC NHIỀU