1. Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ nào trong những dòng thơ sau đây? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Một ngày hòa bình
Anh không về nữa.
Trả lời:
- Trong dòng thơ trên, nhà thơ sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh. Từ "không về" sử dụng để chỉ cái chết của những người lính khi tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
- Tác dụng: Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh được sử dụng nhằm giảm bớt sự đau thương, mất mát trước sự hi sinh của người lính.
2. Hãy tìm thêm một số ví dụ ngoài bài thơ "Đồng dao mùa xuân" có sử dụng biện pháp tu từ được dùng trong hai dòng thơ "Một ngày hòa bình/ Anh không về nữa".
Trả lời:
- "Có người lính. Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về"
(Trích lời bài hát "Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến.)
=> Biện pháp nói giảm nói tránh.
- Không về, Tết này nó lại không về với gia đình được rồi.
=> Biện pháp điệp từ.
3. Xác định biện pháp tu từ trong những câu văn sau và nêu tác dụng:
a. "Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy."
(Tô Hoài, "Dế Mèn phiêu lưu kí")
b. "Lắm khi em cũng nghĩ nỗi nhà cửa như thế này là nguy hiểm, nhưng em nghèo sức quá, em đã nghĩ ròng rã hàng mấy tháng cũng không biết làm như thế nào."
(Tô Hoài, "Dế Mèn phiêu lưu kí")
Trả lời:
a. Biện pháp tu từ được sử dụng: Biện pháp nói giảm nói tránh thể hiện qua cụm từ "nhắm mắt".
=> Tác dụng: "nhắm mắt" có nghĩa là chết, Dế Choắt đang cố gắng giảm đi cảm giác đau buồn khi nói tới cái chết của mình.
b. Biện pháp tu từ được sử dụng: Biện pháp nói giảm nói tránh thể hiện qua cụm từ "nghèo sức".
=> Tác dụng: "nghèo sức" có nghĩa là sức khỏe yếu, không thể làm được việc nặng, Dế Choắt thể hiện cách nói chuyện lịch sự, tế nhị.
4. Xác định biện pháp tu từ điệp ngữ trong bài thơ "Đồng dao mùa xuân" và nêu tác dụng.
Trả lời:
Biện pháp tu từ điệp ngữ trong bài thơ "Đồng dao mùa xuân":
- Điệp ngữ "Có một người lính".
=> Nhấn mạnh hình tượng người lính với tinh thần lạc quan, sẵn sàng hi sinh quên mình vì tổ quốc. Điệp ngữ được sử dụng như một lời nhắc chúng ta luôn nhớ về anh.
- Điệp ngữ "Anh không về".
=> Thể hiện sự thương xót vô hạn của bạn bè, đồng đội, nhân dân và của chính nhà thơ dành cho người lính.
- Điệp ngữ "Anh ngồi".
=> Điệp ngữ "Anh ngồi" khiến hình tượng người lính hiện lên hùng vĩ giữa núi rừng Trường Sơn, anh hòa vào bóng hình núi sông trở thành một tượng đài bất diệt.
5. Xác định nghĩa của các từ ngữ "núi xanh" và "máu lửa" trong khổ thơ:
"Có một người lính
Đi vào núi xanh
Những năm máu lửa."
Em căn cứ vào đâu để xác định như vậy?
Trả lời:
- Núi xanh: Chỉ chiến trường nơi diễn ra những trận đánh ác liệt.
- Máu lửa: Chỉ những năm tháng chiến tranh giai đoạn khốc liệt nhất.
=> Căn cứ vào từ "người lính": Trong chiến tranh, người lính sống và chiến đấu tại chiến trường vào thời điểm cuộc chiến diễn ra tàn khốc.
6. Cho biết sự khác biệt về nghĩa của từ "xuân" trong các cụm từ "ngày xuân", "tuổi xuân", "đồng dao mùa xuân".
Trả lời:
- Ngày xuân: Từ "xuân" ở đây có nghĩa là một mùa trong năm, vào mùa xuân, không khí ấm áp, là mùa cho vạn vật sinh sôi và phát triển.
=> nghĩa gốc.
- Tuổi xuân: Từ "xuân" ở đây chỉ tuổi trẻ, độ tuổi tươi đẹp nhất của con người.
=> nghĩa chuyển.
- Đồng dao mùa xuân: Từ "xuân" ở đây vừa chỉ mùa xuân vừa chỉ tuổi trẻ của người lính, mùa xuân độc lập của đất nước, dân tộc.
=> nghĩa chuyển.
Kiến thức tiếng Việt đóng vai trò quan trọng trong quá trình đọc hiểu tác phẩm. Để có thể chuẩn bị cho tiết học tới, mời các em đón xem một số bài soạn văn mẫu lớp 7 khác:
- Soạn bài Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo), Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
- Soạn bài Trở gió (Nguyễn Ngọc Tư), Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống