* Gợi ý trả lời câu hỏi phần trước khi đọc:
Câu 1 trang 6 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
Ngày trước, em đã được chứng kiến một sự việc hết sức đáng nhớ về một cậu bạn bán hàng rong và thầy giáo của em. Khi ấy, em đang ngồi đợi mẹ ở quán ăn vặt trước cổng trường thì một cậu bé đeo chiếc giỏ chứa đầy hộp tăm, kẹo cao su, kẹp tóc,... đi ngang qua. Cậu ấy trông có vẻ trạc tuổi em nhưng thân hình lại gầy gò và nước da đen nhẻm. Cậu mời mọi người mua đồ rất lịch sự, thi thoảng đưa mắt nhìn qua những bạn học sinh đang ăn bim bim, bánh kẹo ngon lành. Em thấy cậu có vẻ buồn buồn. Lúc đang chuẩn bị tặng cậu chiếc bánh ngọt trong tay thì thầy giáo chủ nhiệm lớp em đi đến, nhẹ nhàng đưa cho cậu bạn ấy một túi đầy bánh ngọt, kẹo mút, bim bim. Thầy còn mua cả hai phong kẹo cao su để ủng hộ cậu. Cậu bé trông hết sức vui vẻ, liên tục cúi đầu cảm ơn thầy. Thầy có hỏi chuyện cậu một chút rồi lại đi luôn. Lát sau, cậu bạn ấy cũng rời đi, bóng lưng không còn mảnh khảnh, yếu ớt mà như có thêm chút sức sống.
Chứng kiến việc ấy, em càng thêm kính trọng và ngưỡng mộ thầy giáo của mình hơn rất nhiều, đồng thời cũng thấy thương cảm cho cậu bạn kia. Tuy cuộc sống khó khăn khiến cậu phải đi kiếm tiền từ sớm nhưng cậu vẫn luôn rất lễ phép, tử tế với mọi người. Qua đó, em cũng cảm thấy bản thân cần phải học hỏi rất nhiều từ mọi người xung quanh về thái độ, cách đối xử giữa người với người, cách lan tỏa tình yêu và niềm vui đến cho cuộc đời.
Câu 2 trang 6 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
- Câu nói dựa trên thành ngữ "Ếch ngồi đáy giếng" của dân gian.
- Ý nghĩa: Chỉ những người tự cao tự đại, hay khoe khoang năng lực, hoàn cảnh của bản thân mà không biết rằng ngoài kia còn vô số những điều mới lạ, lớn lao hơn gấp bội.
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần đọc văn bản:
Văn bản 1: Đẽo cày giữa đường:
1. Theo dõi: Số tiền người thợ mộc bỏ ra mua gỗ.
Người thợ mộc đã bỏ ra ba trăm quan tiền để mua gỗ.
2. Theo dõi: Hành động của người thợ mộc mỗi khi nhận được lời khuyên của người qua đường.
Mỗi khi nhận được lời khuyên của người qua đường, người thợ mộc đều cho là phải và lại đẽo cày theo những ý kiến đó.
3. Suy luận: Vì sao người thợ mộc không bán được cày ?
Người thợ mộc không bán được cày vì những chiếc cày có kích cỡ không phù hợp, cái thì vừa to vừa cao, cái lại vừa nhỏ vừa thấp. Vả lại cũng chẳng có ai cho voi đi cày nên không thể bán những cái cày to gấp năm gấp bảy bình thường.
Văn bản 2: Ếch ngồi đáy giếng:
1. Theo dõi: Sự khác nhau về môi trường sống của ếch và rùa.
- Con ếch: Sống trong một cái giếng sụp vừa bé vừa cạn, còn không đủ rộng để rùa cho được 2 chân vào, xung quanh toàn những con vật bé nhỏ hay những con ấu trùng như lăng quăng, cua, nòng nọc,...
- Con rùa: Sống ngoài biển đông rộng lớn, mênh mông, nước sâu thăm thẳm, không vì sự thay đổi của không gian, thời gian mà biến chuyển.
2. Theo dõi: Những điều khiến ếch cảm thấy sung sướng.
- Có thể thoải mái nhảy ra nhảy vào cái giếng.
- Có thể ngồi nghỉ trong những kẽ gạch của thành giếng.
- Một mình chiếm một chỗ nước tụ.
- Được tự do bơi lội.
- Xung quanh chỉ toàn những con vật nhỏ bé, không có gì đe dọa được đến nơi ếch sống.
3. Theo dõi: Biểu hiện của ếch khi được nghe về biển.
* Khi được nghe về biển, con ếch đã:
- Ngạc nhiên.
- Thu mình lại.
- Hoảng hốt, bối rối.
Văn bản 3: Con mối và con kiến:
1. Theo dõi: Mối có thái độ như thế nào khi thấy kiến làm việc vất vả ?
Thái độ của mối khi thấy kiến làm việc vất vả:
- Thương hại vì kiến kiếm ăn suốt ngày nhưng cơ thể vẫn gầy gò.
- Tự mãn vì mình không cần làm việc vất vả nhưng vẫn có đồ ăn, nuôi thân béo trục béo tròn.
2. Theo dõi: Kiến tỏ thái độ ra sao về lối sống của mối ?
Khi nghe về lối sống của mối, kiến tỏ thái độ:
- Không đồng tình vì muôn loài đều phải lao động kiếm ăn để chăm lo cho cả đàn.
- Cảnh báo mối nếu không biết chăm chỉ, vun vén cho tổ mà chỉ đi đục khoét bàn ghế, nhà cửa thì sớm có ngày phải nhận hậu quả.
3. Theo dõi: Lối sống của mối gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào ?
- Lối sống đục khoét của mối sẽ có thể gây ra sự hư hỏng nặng nề cho các đồ vật trong nhà, dẫn đến nhà bị rỗng, dần dần sẽ bị đổ, sập.
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
Câu hỏi 1 trang 10 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
- Trước lời khuyên của hai người đầu tiên, người thợ mộc cho rằng ý kiến đó là đúng, là phải -> sửa theo ý của họ.
- Trước lời khuyên của người thứ ba: anh thợ mộc nghe người nọ nói xong thì liền đẽo một lúc vô vàn cái cày như lời khuyên.
Câu hỏi 2 trang 10 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
Nếu là người thợ mộc trong câu chuyện, em sẽ:
- Vẫn giữ quan điểm cá nhân của mình về hình dáng, kích thước của cái cày như đã quyết định từ đầu.
- Lắng nghe và tiếp thu những lời khuyên của người đi đường một cách có chọn lọc chứ không làm hết theo ý của họ.
- Kết hợp, vận dụng những góp ý của người đi đường để làm nên chiếc cày hoàn thiện nhất.
Câu hỏi 3 trang 10 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
Những điều khiến cho con ếch cảm thấy sung sướng:
- Có cuộc sống tự do tự tại: "tôi có thể ra khỏi giếng, nhảy lên miệng giếng, rồi lại vô giếng"; "bơi trong nước thì nước đỡ nách và cằm tôi, nhảy xuống bùn thì bùn lấp chân tôi đến mắt cá".
- Không con vật nào bằng được mình: "những con loăng quăng, con cua, con nòng nọc, không con nào sướng bằng tôi".
- Cảm thấy bản thân như một vị vua cai trị cái giếng này: "tôi một mình chiếm một chỗ nước tụ, tự do bơi lội trong một cái giếng sụp, còn gì vui hơn nữa".
- Coi cái giếng của mình như một thứ vĩ đại, một công trình để giới thiệu với rùa: "Sao anh không vô giếng tôi coi một lát cho biết".
Câu hỏi 4 trang 10 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
Câu hỏi 5 trang 10 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
- Con ếch ngạc nhiên bởi đó là lần đầu tiên nó được nghe về thứ được gọi là biển đông mênh mông rộng lớn.
- Nó thu mình lại bởi sự tự hào, kiêu ngạo của mình bị dập tắt. Cái giếng sụp của nó không là gì khi so sánh với biển khơi.
- Nó hoảng hốt, bối rối trước những điều lớn lao, vĩ đại của thế giới ngoài kia mà nó chưa từng được biết tới.
Câu hỏi 6 trang 10 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
- Quan niệm sống của mối:
+ Không muốn lao động cực khổ, vất vả.
+ Chỉ thích hưởng thụ, luôn ỷ lại.
- Quan niệm sống của kiến:
+ Không ngại vất vả, luôn chăm chỉ làm lụng.
+ Sống có trách nhiệm, không chỉ với bản thân mà còn với cộng đồng.
Câu hỏi 7 trang 10 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
- Thiện cảm của người kể chuyện là dành cho kiến.
- Lí do: Kiến chăm chỉ, cần cù đi kiến thức ăn về cho cả đàn trong khi mối chỉ biết ngồi đó kiêu ngạo, chê bai, đục khoét bàn ghế, nhà cửa, khiến cho ngôi nhà và những đồ vật khác bị hư hỏng nghiêm trọng.
Câu hỏi 8 trang 10 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
Điểm chung về nội dung của ba câu chuyện ngụ ngôn:
- Đều kể về câu chuyện của các nhân vật với hình tượng gần gũi như con người hay những con vật (con rùa, con ếch, con kiến, con mối) được nhân hóa, có tính cách và suy nghĩ như con người.
- Đều gửi gắm những bài học đạo đức, kinh nghiệm sống quý báu để con người học tập, noi theo.
* Gợi ý trả lời phần viết kết nối với đọc:
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) có sử dụng thành ngữ "đẽo cày giữa đường".
Đoạn văn mẫu:
Sau khi học xong các văn bản truyện ngụ ngôn, em cảm thấy ấn tượng nhất với tác phẩm "Đẽo cày giữa đường". Đây vừa là câu chuyện vui để giải trí, vừa là bài học đáng quý dành cho mỗi người về cách ứng xử trong cuộc sống. Khi làm bất cứ việc gì, ta cũng sẽ gặp không ít những trở ngại cũng như sự nhận xét của mọi người xung quanh. Được người khác góp ý là một điều tốt bởi ta sẽ dễ dàng nhận thấy vấn đề từ nhiều góc nhìn khác khách quan hơn. Đồng thời, có thêm vô số ý tưởng mà ta chưa từng nghĩ đến. Tuy vậy, để đạt được thành công, bản thân phải giữ vững lập trường, chỉ nên tham khảo và chọn lọc ý kiến hay, tốt từ người khác chứ không nên hoàn toàn nghe theo họ. Đừng biến chính mình thành kẻ "đẽo cày giữa đường". Nếu biết cách cân bằng giữa chính kiến của mình và những yếu tố tác động bên ngoài thì ta có thể hoàn thiện công việc một cách chỉn chu nhất.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Qua bài soạn trên, em đã nắm được nội dung chính của ba văn bản Đẽo cày giữa đường, Ếch ngồi đáy giếng, Con mối và con kiến cũng như các đặc trưng nổi bật của thể loại truyện ngụ ngôn chưa nào? Hãy thường xuyên ghé trang để cập nhật những bài viết mới nhất nhé. Ngoài ra, Taimienphi.vn vẫn còn rất nhiều những bài soạn văn mẫu lớp 7 khác như:
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 10
- Soạn bài Con hổ có nghĩa