Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương hay, ngắn gọn

Đề bài: Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.
   1. Bài mẫu số 1.
   2. Bài mẫu số 2.

Viết đoạn văn về chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ


I. Dàn ý Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và yếu tố kì ảo trong "Chuyện người con gái Nam Xương".

2. Thân bài:

a. Trình bày khái quát về tác giả và tác phẩm:
- Nguyễn Dữ sống vào nửa đầu thế kỉ XVI, ông nổi tiếng là người học rộng tài cao.
- "Chuyện người con gái Nam Xương" là một trong 20 truyện nằm trong tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Dữ "Truyền kì mạn lục". Truyện có nguồn gốc từ truyện dân gian "Vợ chàng Trương".

b. Các yếu tố kì ảo trong "Chuyện người con gái Nam Xương":
- Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.
- Phan Lang gặp nạn, lạc vào động rùa gặp Linh Phi và được cứu giúp. Phan Lang gặp lại Vũ Nương, được sứ giả Linh Phi rẽ đường nước đưa về dương thế.
- Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến đi mất.

c. Ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong "Chuyện người con gái Nam Xương":
- Các yếu tố này đã làm nên nét đặc trưng của thể loại truyện truyền kì, tạo nên một kết thúc có hậu cho câu chuyện.
- Làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: Nặng tình, nặng nghĩa, yêu thương chồng con, trọng danh dự.
- Thể hiện về ước mơ, về lẽ công bằng ở cõi đời của nhân dân ta.
- Yếu tố kì ảo còn làm tăng thêm sức hấp dẫn cho câu chuyện.

d. Đánh giá:
- Lên án xã hội bất công đã đẩy người phụ nữ vào con đường cùng và phải hi sinh mạng sống của mình để giải oan.
- Niềm thương cảm của tác giả trước số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị của yếu tố kì ảo trong "Chuyện người con gái Nam Xương".

 

 

II. Đoạn văn phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương: 

Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, tác giả Nguyễn Dữ đã thành công sử dụng các yếu tố kì ảo để thể hiện cái nhìn, quan điểm của bản thân về số phận người phụ nữ thời phong kiến. Vũ Nương - nhân vật chính của truyện, là một người vợ thủy chung, đức hạnh, vị tha. Vậy nhưng nàng lại phải lựa chọn kết thúc cuộc đời mình trong tủi nhục. Vì lẽ đó, Nguyễn Dữ đã tạo nên các chi tiết kì ảo nhằm đưa Vũ Nương trở lại, giúp cho nàng hóa giải được nỗi oan khuất. Đó là sự kiện Phan Lang cứu rùa mai xanh, sau được Linh Phi báo đáp. Ở dưới thủy cung, Phan Lang và Vũ Nương hội ngộ. Nhờ đó, nàng đã có cơ hội giãi bày, tâm sự, nhờ Phan chuyển lời giúp giải oan cho mình. Vậy nhưng khi đàn giải oan được lập, nàng cũng chỉ hiện về trong thoáng chốc để tạm biệt chồng con rồi trở lại thủy cung. Qua đó, độc giả càng thấy rõ hơn những nét đẹp của nàng Vũ Nương: sự thủy chung và nghĩa tình. Bằng các chi tiết kì ảo, Nguyễn Dữ đã thể hiện một đạo lí vô cùng tốt đẹp. Đó chính là “ở hiền gặp lành”. Đồng thời, cất lên tiếng nói phê phán chế độ nam quyền đầy bất công và bày tỏ sự thương cảm, trân trọng dành cho những người phụ nữ nhỏ bé. Chính yếu tố hư cấu đã làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn, đưa các giá trị nhân văn tốt đẹp đến gần hơn với độc giả.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương hay nhất (Chuẩn)


1. Bài văn Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương siêu hay - Mẫu 1

Thành công của "Chuyện người con gái Nam Xương" không chỉ bởi giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc mà còn bởi nghệ thuật kì ảo được Nguyễn Dữ khéo léo đưa vào tác phẩm. Trong phần cuối tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương", sự xuất hiện của những yếu tố kì ảo đã để lại cho người đọc một kết thúc đầy ấn tượng.

Nguyễn Dữ sống vào nửa đầu thế kỉ XVI, ông nổi tiếng là người học rộng tài cao. "Chuyện người con gái Nam Xương" một trong những truyện hay nhất trong "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ. Truyện có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian Việt Nam đó là "Vợ chàng Trương".

Vũ Nương là người có nhan sắc, đức hạnh nhưng đã phải kết thúc cuộc đời trong nỗi oan khuất khủng khiếp. Nhà văn Nguyễn Dữ đã đưa vào phần cuối tác phẩm yếu tố kì ảo để giúp cho Vũ Nương được sống lại và trở về trần thế một lần nữa. Những yếu tố kì ảo đã tạo nên một đoạn kết đầy sức hấp dẫn. Những yếu tố ấy được thể hiện ở các chi tiết như Phan Lang nằm mộng rồi đem thả rùa mai xanh, "thây Phan Lang dạt vào một cái động rùa ở hải đảo", Linh Phi cho rằng đây là ân nhân đã cứu bà ngày xưa nên đã lấy thuốc thần cứu sống Phan Lang. Không những vậy, Phan Lang còn được đãi tiệc và vô tình gặp lại Vũ Nương, sau đó còn được sứ giả Xích Hỗn rẽ đường nước đưa về dương thế. Vũ Nương đã nhờ Phan Lang đưa tin cho Trương Sinh lập đàn giải oan thì nàng sẽ trở về và rồi, Vũ Nương đã hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến đi mất.

Sự kết hợp giữa yếu tố thực và yếu tố kì ảo đã khiến cho tác có một sức hấp dẫn kì lạ và vô cùng phù hợp với tâm lí độc giả Việt Nam. Các yếu tố này đã làm nên nét đặc trưng của thể loại truyện truyền kì và tạo nên một kết thúc có hậu cho câu chuyện. Người bị oan được minh oan và được trở về trần thế một lần nữa trước khi biến mất. Không những vậy, yếu tố kì ảo còn tô đậm thêm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: Nặng tình, nặng nghĩa, yêu thương chồng con, trọng danh dự. Dù bị chồng nghi oan dẫn đến phải tự tử nhưng nàng vẫn không hề oán trách Trương Sinh, nàng vẫn quan tâm về quê nhà, về phần mộ tổ tiên khi nghe Phan Lang kể chỉ ứa nước mắt nên nhất định phải tìm về. Bên cạnh đó, những yếu tố kì ảo còn thể hiện ước mơ về lẽ công bằng ở cõi đời của nhân dân ta bởi "điều thiện sẽ diệt cái ác, chính nghĩa sẽ thắng gian tà". Vũ Nương là một người tốt cho nên trải qua bao đắng cay, oan nghiệt nàng xứng đáng được minh oan và được quay lại trần gian. Yếu tố kì ảo đồng thời cũng không làm mất đi tính bi kịch của câu chuyện. Vũ Nương trở về nhưng không ở lại cùng chồng con mà lựa chọn quay về thủy cung. Tác giả đã đưa người đọc vào giấc chiêm bao ngắn ngủi, khi người phụ nữ đức hạnh được hưởng hạnh phúc trọn vẹn rồi lại kéo chúng ta sực tỉnh khỏi giấc chiêm bao ấy. Sương khói giải oan tan đi, chỉ còn một sự thật cay đắng là người phụ ấy không thể nào sống lại được, là sự ân hận muộn màng của người chồng. Dù đã lập đàn giải oan nhưng không thể cứu vãn một kết thúc đau lòng.

Qua chi tiết kì ảo ở phần cuối tác phẩm, tác giả muốn phê phán, lên án xã hội bất công, trọng nam khinh nữ lúc bấy giờ. Có lẽ, trong xã hội xưa, người phụ nữ chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc dù chỉ là nhỏ nhoi. Chi tiết kì ảo giúp Vũ Nương được quay trở lại trong sương khói còn cho chúng ta thấy niềm thương cảm của tác giả trước số phận bất hạnh của người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Như vậy, yếu tố kì ảo trong "Chuyện người con gái Nam Xương" còn đem lại giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc với những bài học đắt giá cho chúng ta.

Những yếu tố kì ảo đã giúp cho câu chuyện trở nên mềm mại hơn với nhiều cung bậc cảm xúc. Tác giả Nguyễn Dữ đã thành công trong việc xây dựng nhân vật đại diện cho người phụ nữ bé nhỏ của chúng ta trong xã hội xưa. Tuy câu chuyện đã kết thúc nhưng những dư âm về Vũ Nương vẫn còn đọng mãi trong tâm trí bạn đọc.

 

2. Bài văn mẫu Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn, hay nhất - Mẫu số 2:

2.1. Dàn ý Phân tích các chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương:
2.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” và tác giả Nguyễn Dữ.
- Khái quát ý nghĩa của các yếu tố kì ảo trong tác phẩm. 
2.1.2. Thân bài:
a, Khái quát chung:
- “Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong hai mươi truyện thuộc tập “Truyền kì mạn lục”.
- Câu chuyện kể về nhân vật Vũ Nương và câu chuyện bi kịch về cuộc đời nàng: con nhà khó, được nương tựa nhà giàu; chưa hạnh phúc bao lâu thì chồng đi lính; bị chồng nghi oan là thất tiết, phải gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. 
=> Các chi tiết kì ảo xuất hiện để đưa Vũ Nương trở lại, trao cho nàng cơ hội minh oan.
b, Các yếu tố kì ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương”:
- Phan Lang nằm chiêm bao thấy người con gái áo xanh cầu cứu nên đã giải thoát cho con rùa mai xanh. 
- Phan Lang gặp nạn, lạc xuống động rùa ở hải đảo và được Linh Phi - con rùa mai xanh khi xưa cứu sống. 
- Vũ Nương khi trước gieo mình xuống sông Hoàng Giang cũng được các cung nữ rẽ nước cứu sống, gặp lại Phan Lang ở dưới thủy cung. 
- Trong lễ giải oan của mình, Vũ Nương hiện về trên chiếc kiệu hoa ở giữa dòng, chào tạm biệt với chồng con rồi biến mất. 
c, Ý nghĩa của các yếu tố kì ảo:
- Tô đậm vẻ đẹp thủy chung, nghĩa tình của Vũ Nương. 
- Thể hiện niềm tin, ước vọng của nhân dân về những điều tốt đẹp, về công lí và về đạo lí “ở hiền gặp lành”. 
- Tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện, khơi gợi sự tò mò của độc giả. 
d, Đánh giá:
- Yếu tố kì ảo là một phần không thể thiếu, là nét đặc trưng, riêng biệt của thể loại truyện truyền kì.
- Lên án xã hội nam quyền bất công, cổ hủ đã đẩy người phụ nữ vào đường cùng.
- Bày tỏ sự thương cảm của tác giả dành cho những người phụ nữ thấp cổ bé họng. 
2.1.3. Kết bài: 
- Khẳng định lại ý nghĩa của các yếu tố kì ảo trong tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.

2.2. Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương hay, ngắn gọn

Những yếu tố kì ảo, hư cấu luôn là thứ gia vị không thể thiếu trong văn học, đặc biệt với thể loại truyện truyền kì. Đây là phương tiện để các tác giả truyền tải những tư tưởng, thái độ, tình cảm của bản thân về một vấn đề của cuộc sống. Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ cũng đã sử dụng rất thành công các chi tiết ấy, đem đến giá trị khó phai mờ cho tác phẩm.

“Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong hai mươi truyện thuộc “Truyền kì mạn lục”, sáng tác bởi Nguyễn Dữ. Tác phẩm kể về cuộc đời của Vũ Nương - một người con gái vừa đẹp, vừa nết na, đức hạnh. Ấy vậy nhưng trong xã hội nam quyền đầy rẫy bất công, nàng lại phải chịu bao oan uổng, bi kịch. Nàng bị chính người chồng mình yêu thương nhất gắn cho tội danh thất tiết, phải chọn cách quyên sinh để chứng minh sự trong sạch của bản thân. Vậy nên những chi tiết kì ảo đã được tác giả thêm vào như một phương tiện để đưa Vũ Nương quay lại dương thế, trao cho nàng cơ hội giải oan.

Yếu tố kì ảo xuất hiện khi Phan Lang trong một lần được báo mộng đã giải thoát con rùa mai xanh. Sau này gặp nạn, lạc xuống thủy cung, chàng được Linh Phi - con rùa năm xưa cứu sống và báo đáp. Ở đây, chàng gặp lại Vũ Nương. Qua cuộc trò chuyện, nàng đã giãi bày nỗi oan của bản thân, nhờ Phan Lang chuyển lời đến người chồng ở dương thế. Nhờ đó mà đàn giải oan được lập, trả lại sự trong sạch cho người phụ nữ đức hạnh kia. Nhưng khi ấy, nàng cũng chỉ trở về thoáng qua để nói lời từ biệt với chồng con rồi lại biến mất, trở về thủy cung để báo đáp ân tình của Đức Linh Phi. 

Qua những chi tiết kì ảo kể trên, sự đức hạnh, thủy chung, nghĩa tình của Vũ Nương đã được tô đậm. Nàng một lòng hướng về quê hương, về gia đình nhỏ khi xưa. Nhưng thay vì đoàn tụ với chồng con, nàng lại lựa chọn ở lại chốn mây nước để báo đáp ơn nghĩa của Linh Phi. Các chi tiết kì ảo cũng thể hiện niềm tin của con người về đạo lí “ở hiền gặp lành” qua các nhân vật như Phan Lang, Vũ Nương. Đồng thời, bày tỏ ước mơ của nhân dân về một cuộc sống hạnh phúc, công bằng và tốt đẹp. Bên cạnh đó, những yếu tố kì ảo là thứ giúp làm tăng thêm sức hấp dẫn cho tác phẩm. Nếu chỉ kết thúc bằng việc Vũ Nương gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn, câu chuyện sẽ không thu hút được người đọc. Vậy nên ở đây, Nguyễn Dữ đã sáng tạo ra một cái kết khác có hậu hơn. Nhân vật chính sau khi trải qua bao đắng cay, nghiệt ngã đã được minh oan, trở lại dương thế với “kiệu hoa”, “năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng” theo sau. Tuy vậy, tác giả vẫn giữ nguyên tính bi kịch của câu chuyện. Vũ Nương giờ đây “chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Giây phút đoàn tụ ngắn ngủi rồi cũng phải kết thúc. Đây chính là thực tại đau đớn không thể nào thay đổi được.

Các yếu tố kì ảo là một nét đặc trưng của thể loại truyện truyền kì. Nhờ đó, tác giả đã đem đến cho người đọc bao bài học, thông điệp ý nghĩa. Với “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã lên án xã hội nam quyền đầy bất công. Xã hội ấy không cho phép người phụ nữ được sống là chính mình, luôn chèn ép, đẩy con người ta đến bước đường cùng. Qua đó, tác giả cũng bày tỏ lòng xót thương cho số phận của những mảnh đời bất hạnh, không có tiếng nói.

Tựu chung lại, Nguyễn Dữ đã rất thành công khi đưa các chi tiết kì ảo vào trong tác phẩm của mình. Chúng không chỉ góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện mà còn đem đến những bài học, quan điểm quý giá về con người, cuộc sống và thời cuộc. Đó chính là lí do giúp “Chuyện người con gái Nam Xương” vẫn giữ nguyên được giá trị cho đến tận ngày nay. 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Với việc phân tích các yếu tố kì ảo, em hãy chú ý đến thể loại của tác phẩm cũng như quan điểm mà tác giả muốn thể hiện qua những chi tiết đặc sắc đó nhé.  Bài Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương trên đây là một trong những bài sẽ giúp các em học tốt môn Ngữ văn lớp 9. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm những bài viết sau: Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương; Phân tích nhân vật Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Thuyết minh về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.

Những yếu tố kì ảo là nét đặc trưng riêng biệt của thể loại truyện truyền kì. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về điều này qua bài Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương, Ngữ văn 9, học kì I do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Đoạn văn Phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương hay, ngắn gọn
Bài văn Phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ hay nhất, ngắn gọn
Tình huống truyện Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn, hay nhất
Phân tích lời thoại của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương ngắn, hay nhất
Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương hay
Bài văn Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ hay nhất

ĐỌC NHIỀU