Đề bài: Phân tích truyện Mùa lá rụng trong vườn
Phân tích truyện Mùa lá rụng trong vườn
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
a. Nhân vật chị Hoài:
* Ngoại hình:
- Có vẻ đẹp phúc hậu, chân chất giản dị, dù đã trạc 50, nhưng ở chị vẫn có những nét duyên dáng "người thon gọn trong cái áo bông chần hạt lựu", "khuôn mặt rộng có đôi mắt hai mí đằm thắm và cái miệng tươi".
- Toát lên sự nhanh nhẹn, rạng rỡ, đôi mắt bồi hồi, quen thuộc, vẫn đi bộ từ ga về gia đình chồng cũ mà không mệt mỏi.
* Hoàn cảnh:
- Cuộc đời từng trải qua đau thương mất mát khi phải chịu cảnh mất chồng trong chiến tranh.
- Đã đi bước nữa, có một gia đình riêng khác với người chồng thương yêu và bốn đứa con đủ nếp đủ tẻ, không còn nhiều liên lạc với gia đình chồng cũ thế nhưng chị vẫn như một mảnh ghép của gia đình ông Bằng, vẫn luôn quan tâm và dõi theo từng biến động trong gia đình.
* Tình nghĩa thủy chung:
- Chiều 30 tết chị bất ngờ lên thăm gia đình chồng cũ, cùng sum họp ăn bữa cơm tất niên.
- Khi về thăm nhà chồng cũ, chị Hoài đề cập, hỏi han tình trạng của từng thành viên, từ ông thợ mộc, chú Đông tóc bạc, cháu Dư, cô Lý,... thể hiện mối quan hệ khăng khít gắn bó, dù rằng chị ở xa thế nhưng mối liên lạc ấy chưa bao giờ đứt đoạn.
- Chị vẫn thương yêu ông Bằng, bố chồng của chị như cha ruột, vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi. Đặc biệt khi nghe chuyện của cô Phượng, chị đã vội vã lên với ông để cho ông đỡ buồn lòng.
- Đối với các thành viên trong gia đình chị Hoài cũng có những cách yêu thương thật chân chất, giản dị, chị không quản ngại đường xa mà xách theo cho từng người những món quà quê thấm đẫm ân tình,...
- Sự xuất hiện của chị Hoài làm cho bữa cơm tất niên cũng trở nên ấm áp, sang trọng và hân hoan một cách lạ thường trong thời điểm đất nước đang vận động đổi mới, còn nhiều khó khăn chồng chất.
=> Vai trò quan trọng của chị Hoài trong gia đình chồng cũ, chị là một thành viên không thường trực, nhưng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Chị đã dùng tấm lòng nhân hậu, thủy chung của mình để gắn kết, đánh thức tình cảm thiêng liêng trong gia tộc, điều hòa mối quan hệ gia đình trong trên đà rạn vỡ vì những biến đổi của xã hội.
b. Cuộc gặp gỡ giữa chị Hoài và ông Bằng:
- Khi nghe tin con cháu dưới nhà xôn xao vì chuyến thăm bất ngờ của chị Hoài, ông cụ vui mừng khôn xiết, cố bước những bước thật ngay ngắn đàng hoàng, để xuất hiện trước mặt mọi người đặc biệt là người con dâu cả một cách khỏe mạnh và có tinh thần nhất.
- Ông cụ không nén nổi những sự xúc động sâu sắc trong lòng, nhìn người con dâu đã tròn 9 năm không gặp "mặt ông thoáng có chút ngơ ngẩn" dường như không tin vào mắt mình. Sau đó vì vui mừng, nghẹn ngào quá "mắt ông chớp liên hồi, môi ông lật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc òa".
- Chị Hoài khi gặp lại người cha chồng đã gần chục năm không thấy mặt, chị cũng xúc động, hành động như một đứa trẻ.
=> Cuộc gặp mặt và những cảm xúc có phần hơi cường điệu ấy xuất hiện trước hết là bởi những nhớ nhung xa cách lâu ngày của hai cha con, thứ hai nữa là bởi sự xuất hiện của chị Hoài đã phần nào giải tỏa được bớt những nỗi cô đơn, đồng thời củng cố niềm tin của ông Bằng, một người cha, một người chủ gia đình đang đấu tranh âm thầm nhằm giành lại những giá trị truyền thống tốt đẹp đang dần mai một trong gia đình, và cả những mối quan hệ đang dần rạn nứt.
c. Vẻ đẹp truyền thống của bữa cơm tất niên:
- Bộc lộ thông qua cách sắp xếp bàn thờ gia tiên, ảnh thờ, đèn nến, khói hương nghi ngút, cặp bánh chưng buộc lạt điều, chén rượu, mâm ngũ quả,... tất cả đều thật chỉn chu tinh tế.
- Cảnh ông Bằng "soát lại hàng khuy áo, chỉnh lại cà vạt, ho khan một tiếng,..." trước lúc thắp hương, khấn vái, thể hiện sự thiêng liêng, tấm lòng thành kính trước tổ tiên, cũng như sự lễ nghi tươm tất trong việc thờ cúng vốn có từ bao đời của dân tộc.
- Lời khấn vái của ông Bằng, mâm cơm tất niên đủ đầy, thịnh soạn tất cả đều chứa đựng tâm sức và tài hoa của người làm ra nó.
=> Không khí chung của hàng triệu gia đình Việt từ bao đời nay, luôn trân trọng giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, dù còn khó khăn muôn bề nhưng không vì thế mà người ta sơ sài bỏ qua những nét đẹp đáng quý của cha ông.
Nêu cảm nhận chung.
Ma Văn Kháng là một nhà văn hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng hào hùng của dân tộc và có nhiều đóng góp trong quá trình cải cách, đổi mới nền văn học Việt Nam giai đoạn sau năm 1975. Ở ông có sự nhạy cảm, tinh tế, ánh nhìn thấu đáo trước những đổi thay của đất nước, xã hội và con người sau khi cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đi qua, khi hòa bình lập lại, nhân dân bước vào đời sống mới với những cơn địa chấn tinh thần tác động vừa tích cực vừa tiêu cực đến tư tưởng, suy nghĩ của nhiều con người. Mùa lá rụng trong vườn là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của Ma Văn Kháng tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông, đoạn trích trong sách giáo khoa trích từ chương 2 của tiểu thuyết, kể về cuộc thăm nhà chồng cũ của chị Hoài, đồng thời cũng mở ra những niềm trân trọng của tác giả về những nét đẹp truyền thống của dân tộc, tình nghĩa giữa con người với nhau dù không phải máu mủ ruột già.
Mở đầu đoạn trích, là sự xuất hiện của nhân vật chị Hoài, một người phụ nữ có vẻ đẹp phúc hậu, chân chất giản dị, dù đã trạc 50, nhưng ở chị vẫn có những nét duyên dáng mà có lẽ thời trẻ chị là một người đàn bà nhiều nhan sắc "người thon gọn trong cái áo bông chần hạt lựu", "khuôn mặt rộng có đôi mắt hai mí đằm thắm và cái miệng tươi". Đặc biệt dù cuộc sống lao động nông thôn nhiều vất vả, nhưng khi về thành phố chị vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, rạng rỡ, đôi mắt bồi hồi, quen thuộc, vẫn đi bộ từ ga về gia đình chồng cũ mà không mệt mỏi, bên tay còn mang thêm một tay nải nặng trịch. Bản thân chị Hoài là một người phụ nữ có cuộc đời từng trải qua đau thương mất mát khi phải chịu cảnh mất chồng trong chiến tranh. Sau này khi đã đi bước nữa, có một gia đình riêng khác với người chồng thương yêu và bốn đứa con đủ nếp đủ tẻ, không còn nhiều liên lạc với gia đình chồng cũ thế nhưng chị vẫn như một mảnh ghép của gia đình ông Bằng, vẫn luôn quan tâm và dõi theo từng biến động trong gia đình. Sau chín năm xa cách, không gặp mặt thế nhưng tất cả mọi người trong gia đình đều nhớ nhung chị Hoài bằng một tình cảm tha thiết, yêu thương, điều đó xuất phát từ việc chị Hoài thực sự là một người phụ nữ nhân hậu, biết cách đối nhân xử thế và đặc biệt có những tình cảm yêu thương chan hòa với mọi người những năm tháng sống cùng nhau. Điều đó bộc lộ thông qua chi tiết chiều 30 tết chị bất ngờ lên thăm gia đình chồng cũ, cùng sum họp ăn bữa cơm tất niên, thực tế rằng nếu không phải là một con người nhiều tình nghĩa thủy chung, và biết cách ứng xử có lẽ rằng chuyện này khó có thể xảy ra. Bởi ngày tất niên đương là lúc gia đình họp mặt, nhưng chị Hoài có thể để nhà cửa lại cho chồng con và đi đón tất niên ở một nơi khác, đặc biệt cả 4 đứa con của chị cũng tha thiết muốn đi theo. Có thể thấy rằng chị Hoài là người phụ nữ rất khéo léo trong việc điều hòa các mối quan hệ xung quanh mình, khiến những người thân yêu thấu hiểu và sẻ chia lẫn nhau như ruột thịt thân tình. Khi về thăm nhà chồng cũ, chị Hoài đề cập, hỏi han tình trạng của từng thành viên, từ ông thợ mộc, chú Đông tóc bạc, cháu Dư, cô Lý,... thể hiện mối quan hệ khăng khít gắn bó, dù rằng chị ở xa thế nhưng mối liên lạc ấy chưa bao giờ đứt đoạn. Chị vẫn thương yêu ông Bằng, bố chồng của chị như cha ruột, vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi. Đặc biệt khi nghe chuyện của cô Phượng, chị đã vội vã lên với ông để cho ông đỡ buồn lòng. Quả thực trên đời có được một người con dâu, một người chị dâu như chị Hoài thật là hiếm. Rồi đối với các thành viên trong gia đình chị Hoài cũng có những cách yêu thương thật chân chất, giản dị, chị không quản ngại đường xa mà xách theo cho từng người những món quà quê thấm đẫm ân tình, nào là gạo nếp tăng sản nhà chị cấy, bột sắn dây do mấy đứa con chị tự làm, giò thủ chồng chị gói mà ông cụ thích ăn nhất, cả gói hạt mướp hương giống,... Đặc biệt sự xuất hiện của chị Hoài đương lúc gia đình ông Bằng có những biến đổi không vui, những rạn vỡ trong mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, đã khiến không khí bữa cơm tất niên thay đổi hẳn. Mọi người vì sự góp mặt của chị bỗng trở nên gắn kết, thân tình, quên hết những chuyện không vui đang xảy ra để chung vui với người chị dâu đã xa cách lâu ngày, và đối xử với chị bằng những tình cảm nồng hậu nhất, gợi nhớ lại viễn cảnh gia đình khi xưa lúc còn đủ đầy các thành viên, và cuộc sống còn chưa thay đổi đến mức này. Bữa cơm tất niên cũng trở nên ấm áp, sang trọng và hân hoan một cách lạ thường trong thời điểm đất nước đang vận động đổi mới, còn nhiều khó khăn chồng chất. Điều ấy đã chứng minh được vai trò quan trọng của chị Hoài trong gia đình chồng cũ, chị ở đây không phải là một người con dâu cũ không mấy liên lạc mà là một một thành viên không thường trực, nhưng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Chị đã dùng tấm lòng nhân hậu, thủy chung của mình để gắn kết, đánh thức tình cảm thiêng liêng trong gia tộc, điều hòa mối quan hệ gia đình trong trên đà rạn vỡ vì những biến đổi của xã hội.
Trong truyện bên cạnh sự xuất hiện của chị Hoài và tình cảm với những người anh chị em trong gia đình, thì cuộc gặp mặt đầy xúc động của chị với bố chồng cũ - ông Bằng cũng là một điểm nhấn quan trọng. Ông Bằng thực sự rất yêu thương người con dâu cả này, đứa con trai đầu của ông hy sinh ngoài chiến trường đã lâu lắm rồi, chị Hoài cũng đã có một gia đình mới, thế nhưng cách ăn ở của chị những ngày còn chung sống, cho đến tận hôm nay khiến ông Bằng vô cùng cảm động và dành cho chị những tình cảm quý mến. Chính vì vậy khi nghe tin con cháu dưới nhà xôn xao vì chuyến thăm bất ngờ của chị Hoài, ông cụ vui mừng khôn xiết, đến giờ cúng ông mới xuống nhà, tuy vẫn bộ quần áo "comple kẻ sọc mờ cài khuy chéo", ông cụ trông cũng gầy hơn sau cơn ốm bệnh, thế nhưng ông Bằng cố bước những bước thật ngay ngắn đàng hoàng, để xuất hiện trước mặt mọi người đặc biệt là người con dâu cả một cách khỏe mạnh và có tinh thần nhất. Thế rồi khi gặp mặt chị Hoài, ông cũng không nén nổi những sự xúc động sâu sắc trong lòng, nhìn người con dâu đã tròn 9 năm không gặp "mặt ông thoáng có chút ngơ ngẩn" dường như không tin vào mắt mình. Sau đó vì vui mừng, nghẹn ngào quá "mắt ông chớp liên hồi, môi ông lật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc òa". Chỉ bấy nhiêu cảm xúc trên gương mặt già nua vì năm tháng và bệnh tật người ta cũng đủ hiểu ông cụ đã nhớ và mong chị Hoài đến mức nào. Còn về phần chị Hoài khi gặp lại người cha chồng đã gần chục năm không thấy mặt, chỉ được liên lạc qua thư, chị cũng xúc động, dù đã chạc 50 tuổi nhưng chị vẫn hành động như một đứa trẻ "gần như không chủ động được mình, chị lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản, gót nứt nẻ thâm đen, giẫm trên nền đá lạnh, kịp hãm lại khi cách ông già khoảng hai hàng gạch hoa". Hai con người khi đối diện với nhau một người thốt lên trong tiếng nấc "Ông!", một người giọng khản đặc, rè rè "Hoài đấy ư, con?". Cuộc gặp mặt và những cảm xúc có phần hơi cường điệu ấy xuất hiện trước hết là bởi những nhớ nhung xa cách lâu ngày của hai cha con, thứ hai nữa là bởi sự xuất hiện của chị Hoài đã phần nào giải tỏa được bớt những nỗi cô đơn, đồng thời củng cố niềm tin của ông Bằng, một người cha, một người chủ gia đình đang đấu tranh âm thầm nhằm giành lại những giá trị truyền thống tốt đẹp đang dần mai một trong gia đình, và cả những mối quan hệ đang dần rạn nứt.
Khung cảnh cúng tất niên là một cảnh đẹp và ẩn chứa nhiều ý nghĩa của đoạn trích. Vẻ đẹp truyền thống của dân tộc trước hết được bộc lộ thông qua cách sắp xếp bàn thờ gia tiên, ảnh thờ, đèn nến, khói hương nghi ngút, cặp bánh chưng buộc lạt điều, chén rượu, mâm ngũ quả,... tất cả đều thật chỉn chu tinh tế. Đặc biệt cảnh ông Bằng "soát lại hàng khuy áo, chỉnh lại cà vạt, ho khan một tiếng,..." trước lúc thắp hương, khấn vái, thể hiện sự thiêng liêng, tấm lòng thành kính trước tổ tiên, cũng như sự lễ nghi tươm tất trong việc thờ cúng vốn có từ bao đời của dân tộc. Lời khấn vái của ông Bằng, mâm cơm tất niên đủ đầy, thịnh soạn có sự xuất hiện của cành quất, với biết bao nhiêu món ăn truyền thống gà luộc, giò chả, nem, măng hầm chân giò, miến nấu lòng gà, súp lơ xào thịt, vịt tần, mọc,... tất cả đều chứa đựng tâm sức và tài hoa của người làm ra nó. Sự chăm chút tỉ mỉ trong cỗ bàn cũng là một truyền thống đáng quý của dân tộc, mỗi năm chỉ có một lần này là cả gia đình sum họp đầy đủ, chính vì vậy mọi thứ đều cần phải tươm tất, thể hiện không khí hân hoan, chào đón một mùa xuân mới đến. Khung cảnh không khí ấy cũng là không khí chung của hàng triệu gia đình Việt từ bao đời nay, luôn trân trọng giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, dù còn khó khăn muôn bề nhưng không vì thế mà người ta sơ sài bỏ qua những nét đẹp đáng quý của cha ông.
Đoạn trích ngắn trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn đã thể hiện được thái độ và những suy tư của nhà văn Ma Văn Kháng với sự đổi thay của thời cuộc, bên cạnh việc ca ngợi những tình nghĩa thủy chung, ân tình giữa con người trong một gia đình, gợi nhắc những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tác giả còn có những trăn trở về những vấn đề nhức nhối đang nổi lên trong xã hội đương thời, sự biến đổi trong tư tưởng của con người vì những giá trị văn hóa mới mẻ du nhập và mối quan hệ trong gia đình dần rạn vỡ vì sự khác biệt trong suy nghĩ, hay sự mai một của các truyền thống tốt đẹp đều khiến người đọc phải suy ngẫm.
-----------------------HẾT--------------------------
Đoạn trích Mùa lá rụng trong vườn là một đoạn trích hay và sâu sắc về tình cảm giữa những con người trong một gia đình với nhau, đồng thời bộc lộ sự trân trọng của tác giả với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để tìm hiểu kỹ hơn về đoạn trích mời các em đọc thêm các bài viết Soạn văn Mùa lá rụng trong vườn, Tóm tắt truyện Mùa lá rụng trong vườn, Phân tích cuộc gặp gỡ của chị Hoài với mọi người trong truyện Mùa lá rụng trong vườn, Sơ đồ tư duy Mùa lá rụng trong vườn.