Đề bài: Phân tích nhân vật An trong Hai đứa trẻ
Phân tích nhân vật An trong Hai đứa trẻ
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Thạch Lam và truyện ngắn "Hai đứa trẻ"
- Giới thiệu nhân vật An
2. Thân bài
a. An là một cậu bé có tâm hồn trẻ thơ nhưng tinh tế và nhạy cảm
- An nhận thấy được sự chuyển biến nhẹ nhàng của thời gian "Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào."
- Cảm nhận được hương vị của quê hương "Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này".
=> Tâm trạng buồn
b. An là đứa trẻ có tấm lòng biết yêu thương những mảnh đời bất hạnh
- Thương mẹ con chị Tí "ngày, chị đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này dưới gốc cây bàng, bên cạnh cái mốc gạch ".
- Thương những đứa trẻ con nhà nghèo đi nhặt nhạnh đồ mà người bán hàng để lại
- An cùng chị rót rượu cho cụ Thi điên
c. An khao khát có niềm vui, sự náo nhiệt và mơ ước về cuộc sống tốt đẹp hơn
- Do bố bị mất việc, cả gia đình phải chuyển về phố huyện nghèo sinh sống. An và Liên được mẹ giao cho trông coi một gian hàng tạp hoá nhỏ.
- An mong mỏi được nhìn thấy đoàn tàu đêm đi qua. Sự chờ đợi của An là một thói quen giống Liên, và cũng là sở thích, ước mơ của cậu bé.
- Khi tàu đến, An nhỏm dậy "dụi mắt cho tỉnh hẳn", mặc cho cơn buồn ngủ ríu cả mắt nhưng An vẫn háo hức được nhìn thấy tàu.
- Đoàn tàu từ Hà Nội đi qua phố huyện nghèo khiến cho An nhớ về quá khứ tươi đẹp, thời mà gia đình An vẫn giàu có, được đi chơi bồ hồ và uống những thứ nước xanh đỏ.
- An nhìn thấy đoàn tàu là nhìn thấy niềm vui, nhìn thấy một thế giới khác hẳn sự tù túng bế tắc ở phố huyện.
- Nghệ thuật:
+ Thạch Lam rất thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật chỉ bằng vài chi tiết tiêu biểu.
+ Giọng văn nhẹ nhàng, giàu hình ảnh.
3. Kết bài
- Thông qua nhân vật An, tác giả muốn gửi gắm giá trị nhân đạo sâu sắc.
Là thành viên trong nhóm Tự lực văn đoàn nhưng Thạch Lam là nhà văn có phong cách sáng tác riêng biệt và đặc sắc nhất. Những tác phẩm của ông im đậm dấu ấn trong trái tim bạn đọc bởi tài năng khám phá thế giới nội tâm nhân vật vô cùng tinh tế. Tiêu biểu nhất phải kể đến truyện ngắn "Hai đứa trẻ" in trong tập "Nắng trong vườn" (1938). Nhà văn không chỉ khắc hoạ Liên với những rung cảm tinh tế trước bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người. Bên cạnh đó, nhà văn còn gửi gắm tư tưởng nghệ thuật của mình qua nhân vật An.
Cậu bé An cũng có những ước mơ và khát vọng giống như bao đứa trẻ khác. Cũng giống như Liên, An là một cậu bé nhỏ tuổi, có tâm hồn của trẻ thơ tinh tế, nhạy cảm, biết rung động với cuộc đời và có ước mơ về hạnh phúc. Không chỉ Liên mà cậu bé An cũng đã dần nhận thức được sự chuyển biến khẽ khàng của thời gian "Chiều, chiều rồi, một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào."
Có lẽ An cũng là một đứa trẻ vô tư, chưa hiểu hết được mọi thứ đang diễn ra xung quanh nó nhưng phần nào nó cảm nhận được sự buồn, sự nghèo đói xơ xác tại phố huyện này - một phố huyện tối tăm, tù túng, nghèo đói, chưa thấy được vệt sáng của tương lai.
Là một cậu bé còn nhỏ tuổi, ít sự trải nghiệm nhưng chắc chắn trong tấm lòng của cậu đã biết yêu thương và cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, sống bế tắc và không có lối thoát. Với những gia đình như chị Tý, những đứa trẻ con nhà nghèo, gia đình bác Xẩm và cụ Thi điên, cậu bé An không khỏi thương xót cho kiếp sống cơ cực của họ. Chỉ tiếc thay cậu bé không có gì nhiều hơn tấm lòng của mình để sưởi ấm cho sự nguội lạnh và đói nghèo ấy. Bằng con mắt tinh tế của Thạch Lam, chúng ta hiểu được rằng An cũng thích mơ mộng "An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông", nhưng rồi ngay sau đó An lại trở về với thực tại, với những điều hiển hiện trước mắt không mấy tốt đẹp.
Liệu cậu bé nhỏ tuổi này có mong muốn có được cuộc sống tươi sáng và đẹp đẽ hơn hay không? Sự mong mỏi chờ đợi đoàn tàu đi qua mỗi khi đêm về của chị em Liên và đặc biệt là cậu bé An đã cho ta hiểu được những mong mỏi của chúng. Việc đợi tàu của An, có thể chỉ là do cậu bé thích và mong muốn được thức để ngắm nhìn sự náo nhiệt của đoàn tàu cùng chị. Dù cho, An vẫn đang buồn ngủ ríu cả mắt thì cậu nhóc vẫn chẳng quên nhắc chị "Chừng nào tàu đến, chị đánh thức em dậy nhé!", đứa nhỏ không phải vì mong muốn bán được nhiều hàng mà chỉ đơn giản An muốn được nhìn thấy đoàn tàu đi qua. Lúc tàu đến, tâm trạng của An rất háo hức, vui mừng "dụi mắt cho tỉnh hẳn", chắc hẳn An đã chờ đợi đoàn tàu từ rất lâu. Đối với An, có lẽ đoàn tàu là những kỷ niệm đẹp, gợi nhớ về quá khứ tươi đẹp, thời gia đình vẫn còn giàu có được sống ở Hà Nội, hai chị em được đi chơi bờ hồ, được uống những thứ nước xanh đỏ. An không phải là một đứa trẻ quá hiểu chuyện nhưng trong An chắc chắn có mong ước đó là mong ước được vui vẻ, được hạnh phúc, được có niềm vui nhỏ nhoi giống chị. Cậu bé cũng muốn thoát khỏi sự buồn chán, tẻ nhạt, tối tăm nơi phố huyện nghèo xơ xác ấy.
Bằng ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật điêu luyện, Thạch Lam đã xây dựng nhân vật An vừa có sự hồn nhiên nhưng cũng hết sức nhạy cảm. Ngôn ngữ trong sáng, giàu cảm xúc đã đưa nhân vật An đến gần hơn với bạn đọc gần xa. Tuy cậu bé ấy không được Thạch Lam phác họa quá đậm nét nhưng chỉ bằng vài chi tiết tiêu biểu, An đã một góp phần không nhỏ trong việc làm nổi bật giá trị nhân đạo của "Hai đứa trẻ".
--------------HẾT----------------
Để hiểu sâu hơn nội dung tác phẩm, bên cạnh bài Phân tích nhân vật An trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" các em có thể tìm hiểu thêm các bài viết sau: Cảm nhận về những kiếp người trong Hai đứa trẻ, phân tích hai đứa trẻ, Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ, Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Phân tích chất lãng mạn trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.