Phân tích nhân vật An trong đoạn trích Đất rừng phương Nam

Đề bài: Phân tích nhân vật An trong đoạn trích Đất rừng phương Nam

Bài văn mẫu Viết bài văn phân tích nhân vật An trong Đất rừng phương Nam hay nhất
 

I. Dàn ý phân tích nhân vật An trong đoạn trích Đất rừng phương Nam:

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm, đoạn trích và nhân vật.
- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật.
2. Thân bài:
2.1. Phân tích nhân vật
a. Hoàn cảnh của nhân vật:
- Nhân vật An được tác giả tập trung khắc họa qua sự kiện: cùng tía nuôi và thằng Cò vào rừng lấy mật.
b. Tính cách, phẩm chất của nhân vật An:
* An là một người yêu thiên nhiên, có những quan sát, cảm nhận tinh tế:
- Trong đôi mắt An, thiên nhiên hiện lên với vẻ kì vĩ nhưng cũng rất nên thơ "nhánh gai chắn đường", những đầu hoa tràm rung rung",...
- An cảm nhận vẻ đẹp của đất rừng bằng nhiều giác quan, từ đó, khám phá ra sự phong phú của thế giới loài vật.
* An là cậu bé ham học, thích tìm hiểu mọi thứ:
- Luôn khắc sâu lời má nuôi dạy về cách gác kèo nuôi ong.
- So sánh việc học từ thực tiễn đời sống với sách vở.
* An luôn lễ phép, cư xử đúng mực:
- Thưa chuyện lễ phép với tía và má nuôi.
- Ăn nói đúng mực, không bông lơn, thân mật như Cò.
2.2. Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Nhân vật được khắc họa chủ yếu qua hành động, lời nói.
- Truyện được kể qua nhiều điểm nhìn, khiến văn bản trở nên hấp dẫn hơn.
- Ngôi kể thứ nhất giúp nhân vật hiện lên chân thực.
- Ngôn từ đậm chất Nam Bộ.
2.3. Đánh giá:
- Qua nhân vật, tác giả muốn gửi gắm lời nhắn nhủ:
+ Mỗi người cần tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức từ chính đời sống hàng ngày.
+ Biết bảo vệ, trân trọng tự nhiên, khai thác một cách hợp lí, đúng mực.
3. Kết bài:
- Nêu cảm nghĩ về nhân vật.

Bài văn mẫu Viết bài văn phân tích nhân vật An trong Đất rừng phương Nam của học sinh giỏi
 

II. Bài văn mẫu tham khảo phân tích nhân vật An trong đoạn trích Đất rừng phương Nam:

1. Bài văn mẫu số 1: 

Tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi được đánh giá là "một trong những cuốn sách hay nhất viết về thiếu nhi". Tác phẩm kể về hành trình lưu lạc đi tìm cha của cậu bé An trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ. Đến với trích đoạn "Đất rừng phương Nam", người đọc sẽ có hình dung rõ nét về tích cách, phẩm chất của nhân vật này.

Được trích từ chương 9 - "Đi lấy mật", văn bản tái hiện cảnh tượng An cùng tía nuôi và thằng Cò vào rừng lấy mật. Trong chuyến đi, Cò đã chỉ cho An rất nhiều điều về đất rừng phương Nam. Từ những gì quan sát được kết hợp với lời chỉ bảo của má, An hiểu ra rất nhiều điều. Có thể thấy, chỉ với một sự kiện nổi bật là đi lấy mật, Đoàn Giỏi đã khéo léo khắc họa nên hình ảnh cậu bé An ham học, thông minh.

Trước hết, qua đoạn trích "Đất rừng phương Nam", ta thấy An là một người yêu thiên nhiên sâu sắc và có những quan sát, cảm nhận hết sức nhạy cảm, tế nhị. Dưới đôi mắt của An, đất rừng U Minh hiện lên thật nên thơ, trong trẻo mà không kém phần kì vĩ. Đó là hình ảnh hoa tràm rung rung ở đầu cành. Hay còn là hình ảnh những nhánh gai chắn đầy đường. Với việc sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi", bức tranh thiên nhiên hiện lên thật chân thực và sinh động. Cảnh vật lần lượt được mở ra sau những bước chân của An cùng tía nuôi, thằng Cò. Trong lúc nghỉ ngơi, An vô cùng tinh ý khi phát hiện ra "Rừng cây im lặng quá." hay "Tiếng kêu thật nhỏ, không chú ý theo dõi thì không thể nào nghe được". Cậu bé đã lắng nghe âm thanh tự nhiên bằng tâm thế tích cực, chủ động. Ngoài ra, cậu còn bắt được hương thơm đặc trưng nơi núi rừng "Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngất ngây. Gió đưa mùi hương ngọt lan ra, phảng phất khắp rừng". Phải là một người thực sự yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và có cái nhìn nhạy bén thì An mới có thể khám phá ra vẻ đẹp ẩn sâu ở nơi đây. Để không bỏ lỡ bất kì một cảnh sắc tươi đẹp nào, cậu bé An đã cảm nhận hơi thở, sự sống của đất rừng bằng nhiều giác quan như: thị giác, thính giác, khứu giác,... Nhờ vậy, thiên nhiên vùng U Minh hiện lên thật trong trẻo, tươi đẹp.

Tiếp đến, An còn là cậu bé thông minh, ham học hỏi và thích tìm hiểu mọi thứ về thế giới quanh mình. Trên đường vào rừng lấy mật, cậu luôn nghĩ về lời má nuôi kể. Tuy chưa thể hình dung cụ thể được cảnh "ăn ong" nhưng cậu đã thử so sánh với kiến thức trong sách vở "Những điều mà nuôi tôi kể, trong các sách giáo khoa không thấy nói". Có thể thấy, An luôn tích cực học hỏi, khám phá mọi thứ. Thấy Cò bị ong đốt. An vô cùng thông minh "nhanh trí ngược hướng gió chạy ra xa để tránh bầy ong". Từ lời kể của má nuôi, cậu đã ghi nhớ và khắc sâu hiểu biết về tập tính loài ong rừng. Do đó, cậu có thể hành động một cách nhanh nhẹn, dứt khoát "nhân thể bứt vội vàng một nắm cỏ tranh và sậy khô đưa lại cho tía nuôi". Trong giây phút nghỉ ngơi sau khi lấy đầy hai gùi mật, An vừa ngắm nhìn kèo ong, vừa nghĩ tới tri thức mà sách vở cung cấp. Từ đây, cậu bé phát hiện ra điểm giống và khác nhau về việc nuôi ong lấy mật ở nhiều vùng đất trên thế giới. Cuối cùng, An đã tự mình rút ra kết luận "Không có nơi nào, xứ nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như vùng U Minh này cả". Quả là một cậu bé thông tuệ, thích học, thích khám phá.

Đọc trích đoạn, ta dễ dàng thấy được An luôn lễ phép, ngoan ngoãn và cư xử đúng mực. Cậu không hay nói chuyện kiểu bông lơn, thân mật như Cò mà thường ăn nói đứng đắn, có chừng mực. Mỗi lần thưa chuyện với người bề trên là tía và má nuôi, An chẳng bao giờ nói lời cộc lốc, trống không mà luôn thưa gửi rõ ràng: "Kèo là gì, hở má?", "Tía ơi, đốt nói đi, tía", "Một tổ nữa kìa, tía ơi!".

Bằng ngôn từ đậm chất Nam Bộ, hình ảnh trong sáng, giản dị và dân dã, Đoàn Giỏi đã phác họa thành công cuộc sống, con người và thiên nhiên đất rừng Nam Bộ. Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất cùng cách khắc họa nhân vật qua hành động, lời nói, tác giả đã làm nổi bật chân dung về một cậu bé hồn nhiên, sáng dạ và giàu tình cảm như An. Qua đó, khéo léo gửi gắm lời nhắn nhủ mỗi người cần tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức từ chính đời sống hàng ngày. Đồng thời, phải biết bảo vệ, trân trọng tự nhiên, khai thác tài nguyên một cách hợp lí, đúng mực.

Ra đời năm 1957 nhưng đến nay, "Đất rừng phương Nam" vẫn in sâu trong tâm trí, trái tim nhiều thế hệ độc giả. Chắc chắn, mỗi khi nhắc đến tác phẩm nổi tiếng này, chúng ta sẽ không thể nào quên nhân vật An có tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và tâm hồn nhạy cảm, trong sáng.

 

2. Bài văn mẫu số 2: 

“Đất rừng phương Nam” là một cuốn tiểu thuyết kinh điển xoay quanh cuộc sống của cậu bé An - nhân vật chính xuyên suốt câu chuyện. Trong chương chín, đoạn trích “Đất rừng phương Nam” đã cho người đọc thấy được tình yêu thiên nhiên và sự ham học hỏi của An.

An là một cậu bé bị lạc mất gia đình vì chiến tranh. Cậu bé được tía má của Cò nhận làm con nuôi. Họ yêu thương, chăm sóc, che chở cho Cò như con đẻ. Vậy nên, cậu cũng rất biết ơn và yêu thương tía má nuôi của mình. Đoạn trích có nhắc đến một vài chi tiết như “Quả là tôi đã mệt thật. Tía nuôi tôi chỉ nghe tôi thở đằng sau lưng ông thôi mà biết chứ ông có quay lại nhìn tôi đâu” hay “Má nuôi tôi vò đầu tôi, cười rất hiền lành” đều cho thấy sự yêu thương mà An được nhận. Và cậu bé này cũng rất yêu quý họ, luôn suy nghĩ về gia đình nhỏ đã cưu mang mình bằng những từ ngữ ngọt ngào, thân thuộc, gần gũi. Khi đối xử với tía má nuôi, An luôn thưa gửi một cách lễ phép, ăn nói đúng mực, có trước có sau: “Kèo là gì, hở má?”, “Tía ơi, đốt nó đi, tía”, “Một tổ nữa kìa, tía ơi!”. Và với cả cò - đứa con của tía má nuôi, An cũng rất ngạc nhiên, ngưỡng mộ trước sự hiểu biết về rừng của nó. 

Đoạn trích “Đất rừng phương Nam” không quá tập trung miêu tả nhân vật. Thay vào đó, đây lại là bức tranh rừng U Minh xinh đẹp, chứa đựng nhiều sự kì diệu. Thế nhưng, chính việc miêu tả cánh rừng đầy tỉ mỉ, chi tiết qua góc nhìn của “tôi” cũng là cách tác giả khắc họa nhân vật đầy tài tính. Ngay từ đoạn mở đầu, những câu văn như “Cái lành lạnh của hơi nước sông ngòi, mương rạch, của đất ấm và dưỡng khí thảo mộc thở ra từ bình minh. Ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như là nó bao qua một lớp thủy tinh” đã thể hiện được sự tinh tế trong cách miêu tả. Phải dùng xúc giác để cảm nhận hơi lạnh ở mọi nơi và thị giác để thấy được sự dao động thật nhỏ ở cánh hoa bé xinh mới thấy được hơi thở đầy dịu dàng của núi rừng. Ngoài ra, những âm thanh được nghe bằng thính giác của An cũng được kể ra như “Rừng cây im lặng quá” hay “Tiếng kêu thật nhỉ, không chú ý theo dõi thì không thể nào nghe được”. Thính giác của cậu cũng không được nghỉ ngơi khi bắt gặp “Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngất ngây. Gió đưa mùi hương ngọt lan ra, phảng phất khắp rừng”. Vậy là, An đã cảm nhận cảnh vật của rừng U Minh bằng tất cả các giác quan của mình. Và chắc hẳn, cậu bé phải là người yêu thiên nhiên thì mới có thể có cái nhìn tinh tế như thể bản thân là một phần của cánh rừng đó. 

Khi nhìn thấy tổ ong, An nhớ ngay đến những lời má dặn về kèo và cách gác kèo. Cậu bé thông minh, ham học hỏi lại nhớ lâu. Tuy chưa lần nào thấy được cảnh “ăn ong” mà chỉ nghe qua lời kể của má, cậu đã có những tượng tượng cho riêng mình rồi so sánh “Những điều má nuôi tôi kể, trong các sách giáo khoa không thấy nói”. Từ đây, cậu phát hiện ra những điểm giống và khác nhau trong việc nuôi ong lấy mật ở các vùng khác trên thế giới rồi rút ra kết luận “Không có nơi nào, xứ nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như vùng U Minh này cả”. Ngoài ra, An còn là người rất lanh lẹ, cơ trí khi thấy Cò bị ong đốt, cậu “nhanh trí ngược hướng gió ra xa để tránh bầy ong” hay dứt khoát “nhân thể bứt vội vàng một nắm cỏ tranh và sậy khô đưa lại cho tía nuôi” để đốt. Tất cả điều trên đã chứng minh An thực sự là cậu bé thông minh, ham học hỏi, cực kì cơ trí. 

“Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm đậm đà chất Nam Bộ. Điều này được thể hiện từ những từ ngữ dùng để xưng hô như “tía”, “má” đến những từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội như “gác kèo”, “ăn ong”,... Ngoài ra, đoạn trích cũng khắc họa một phần cuộc sống sinh hoạt, lao động đầy độc đáo của người dân nơi đây. Đặc biệt, khung cảnh rừng U Minh hiện ra qua góc quan sát của nhân vật “tôi” - cũng chính là An, đã cho người đọc thấy được đây là cậu bé ngoan ngoãn, yêu thiên nhiên, thông minh và ham học hỏi. 

Thông qua hình tượng nhân vật An trong đoạn trích, tác giả muốn gửi gắm thông điệp về tình cảm yêu quý thiên nhiên, cách chung sống hòa hợp giữa con người với núi rừng. Rừng không chỉ giúp con người ngăn lũ mà còn là kế sinh nhai của những người dân xung quanh. Vậy nên chúng ta cần biết yêu quý, trân trọng và bảo vệ những cánh rừng thân yêu.

 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Cậu bé An hội tụ đầy đủ những phẩm chất và đức tính tốt đẹp của con người Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Khi phân tích nhân vật, các em cần bám sát vào ngữ liệu trong tác phẩm đề làm sáng tỏ tính cách, đặc điểm của nhân vật. Đừng bỏ lỡ những bài văn mẫu lớp 10 khác như:
- Phân tích thiên nhiên, cuộc sống và con người Nam Bộ qua Đất rừng phương Nam
- Phân tích Đất rừng phương Nam

An là nhân vật chính cũng là nhân vật trung tâm của toàn bộ tác phẩm Đất rừng phương Nam. Để hiểu hơn về tác phẩm cũng như nhân vật này, các em có thể đọc và tham khảo bài mẫu Phân tích nhân vật An trong đoạn trích Đất rừng phương Nam, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, học kì II dưới đây.
Phân tích nhân vật Huyện Trìa trong Huyện Trìa xử án
Phân tích nhân vật Mẹ Đốp trong Xã trưởng - Mẹ Đốp
Phân tích nhân vật Thị Mầu trong Thị Mầu lên chùa
Phân tích nhân vật Đăm Săn trong đoạn trích Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời
Phân tích Huyện Trìa xử án
Phân tích Thị Mầu lên chùa

ĐỌC NHIỀU