Phân tích hình ảnh người bà trong Đò Lèn

Đề bài: Phân tích hình ảnh người bà trong Đò Lèn của Nguyễn Duy.

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
II. Bài văn mẫu

Phân tích hình ảnh người bà trong Đò Lèn
 

I. Dàn ý Phân tích hình ảnh người bà trong Đò Lèn của Nguyễn Duy (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về hình ảnh người bà trong văn học và người bà trong bài thơ "Đò lèn"

2. Thân bài

- Người bà được tác giả khắc họa trong bài thơ là người bà yêu thương cháu hết mực:
+ Bà cho người cháu "níu váy" đi chợ Bình Lâm cùng mình
+ Ngoài ra người bà ấy còn cho người cháu đi đền, đi chùa cùng mình→ Hướng đến cái thiện.
→ Tuổi thơ của tác giả gắn bó, gần gũi bên người bà đáng kính và thân thuộc.

- Người bà lam lũ, cơ cực, chịu nhiều vất vả:
+ Bà đi mò cua xúc tép, gánh chè xanh, bán trứng
+ Những năm đói phải ăn "củ dong riềng luộc sượng"...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích hình ảnh người bà trong Đò Lèn của Nguyễn Duy tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh người bà trong Đò Lèn (Chuẩn)

Tuổi thơ của mỗi chúng ta không chỉ có sự hiện diện của những người bạn bè cùng trang lứa mà tuổi thơ ấy còn gắn liền với những con người thân thuộc, trong đó có người bà. Chúng ta thường gắn bó với những câu chuyện cổ tích bà kể, gắn bó với những món quà quê tuy giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa mà người bà dành tặng cho ta sau mỗi phiên chợ. Văn học Việt Nam đã có không ít những bài thơ viết về người bà đáng kính nhưng bài thơ để lại cho bạn đọc nhiều cảm xúc nhất có lẽ là bài thơ "Đò lèn" của Nguyễn Duy.

Hiện lên trong tác phẩm là hình tượng người bà yêu thương cháu vô điều kiện:

"Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng"

Do chỉ có hai bà cháu nên người bà đi đâu cũng cho người cháu theo cùng. Cậu bé tinh nghịch ấy đã "níu váy bà đi chợ Bình Lâm" và cũng nắm tay bà đi đến những nơi linh thiêng như chốn cửa Phật, chùa chiền, đình đền để xem hát văn, xem cô đồng và xem lễ đền Sòng. Chính tại nơi đây, người cháu đã ngửi thấy mùi "thơm lắm" của hoa huệ trắng hòa quyện với khói trầm. Những trò "bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật" hay trò ăn trộm nhãn ở chùa Trần cũng bắt nguồn từ đó. Phải là một con người có cái tâm hướng thiện thì bà mới hay tới những nơi chùa chiền như vậy. Phải chăng khi đưa đứa cháu ngoại đi cùng, bà cũng mong muốn cháu sẽ có tâm hồn luôn hướng tới điều thiện, góp ích cho đời?

Sống trong thời chiến tranh nên sự vất vả, cực nhọc của người bà như tăng lên gấp bội:

"Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn"

Bà không quản ngại những công việc nặng nhọc mà ngược lại, bà còn làm nhiều công việc khác nhau để nuôi nấng đứa cháu lớn khôn thành người. Hết mò cua xúc tép, bà lại đi gánh chè xanh rồi đêm đêm lạnh giá những bước chân bà thập thững qua Quán Cháo, Đồng Giao. Bà không ngại khó, ngại khổ mà bà chỉ muốn chăm lo đầy đủ cho cuộc sống của người cháu. Bởi với bà, đó không chỉ là trách nhiệm mà đó còn là tình yêu thương của cá nhân bà đối với đứa cháu thơ bé. Chiến tranh là mất mát, là đói kém. Những năm đói, hai bà cháu phải ăn "củ dong riềng luộc sượng" để sống sót.

Chính vì bà lam lũ, giàu đức hi sinh như vậy nên tác giả đã:

"Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực
giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần"

Bà cao thượng như các bậc thánh thần, tiên phật. Bà hiền từ, nhân hậu như các bà tiên bước ra từ truyện cổ tích. Bà đã gánh cả phần trách nhiệm của bố mẹ người cháu nên bà luôn cố gắng để có thể chăm lo cho cuộc sống của cháu một cách trọn vẹn nhất dù bản tân có phải trải qua bao gian khổ.

Chiến tranh không làm con người ta lùi bước, nản chí mà chiến tranh còn làm con người ta trở nên kiên cường hơn và bà cũng như vậy. Đạn bom kẻ thù không làm bà sợ hãi mà nó còn khiến bà trở nên kiên cường, dũng cảm hơn:

"Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn"

Khi những trận bom Mĩ dội xuống cũng là lúc những chốn linh thiêng như chùa chiền, đình đền "bay tuốt" không còn lại thứ gì, những lễ hội hay điệu hát cô đồng cũng không còn nữa. Lúc này bà tần tảo đi "bán trứng ở ga Lèn". Khó khăn không đánh gục được bà, bom Mĩ không làm bà chùn bước. Bà quả là một người phụ nữ anh hùng, là đại diện tiêu biểu cho biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.

Hình tượng người bà càng trở nên thiêng liêng, bất tử khi người cháu trở về quê ngoại và ân hận vô cùng vì ngày thơ bé đã không thấu hiểu được những nỗi cực nhọc của bà:

"Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi"

Dòng sông năm xưa vẫn không thay đổi nhưng giờ đây "bà chỉ còn là một nấm cỏ". Còn gì đau đớn hơn khi người thương yêu mình nhất không còn ở bên cạnh mình và họ không còn tồn tại nữa? Đến lúc này, người cháu mới nhận ra người bà có ý nghĩa như thế nào đối với mình. Anh xót thương bà bao nhiêu thì cũng oán trách bản thân mình bấy nhiêu. Anh cảm thấy xót xa khi tất cả nỗi vất vả, nhọc nhằn bà đều một mình gánh lấy. Bà là người anh hùng trong cuộc đời của anh, là người đã có công lao to lớn trong việc nuôi dạy anh thành người và cũng là người mà có lẽ cả đời này anh không dám quên công ơn nuôi dưỡng.

Nguyễn Duy đã viết về người bà ngoại của mình với tất cả lòng kính trọng và yêu thương sâu sắc. Tuy bà đã ra đi nhưng hình tượng người bà kiên cường và hết lòng yêu thương cháu vẫn còn vẹn nguyên.

--------------------HẾT-------------------

Đò Lèn là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy, để củng cố thêm kiến thức về bài thơ, bên cạnh bài Phân tích hình ảnh người bà trong Đò Lèn, các em có thể tham khảo thêm: Bình giảng bài thơ đò lèn của Nguyễn Duy, Cảm xúc của Nguyễn Duy khi nghĩ về người bà trong bài thơ Đò lèn, Phân tích bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy, Soạn bài Đò Lèn.

Ngoài việc dựng lên hình ảnh người cháu tinh nghịch, có tuổi thơ êm đềm, đẹp đẽ thú vị, Nguyễn Duy còn xây dựng lên hình tượng người bà tảo tần, đảm đang, hết lòng thương yêu cháu, cùng phân tích hình ảnh người bà trong Đò Lèn để hiểu hơn về dụng ý nghệ thuật của nhà thơ.
Cảm xúc của Nguyễn Duy khi nghĩ về người bà trong bài thơ Đò lèn
Phân tích bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy
Sơ đồ tư duy Đò lèn của Nguyễn Duy
Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người trong đoạn trích Người lái đò sông Đà
Phân tích hình ảnh con sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà
Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà

ĐỌC NHIỀU