1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Bằng Việt và bài thơ.
- Giới thiệu về hình ảnh bếp lửa.
2. Thân bài:
a) Bếp lửa khơi nguồn cảm xúc về bà:
"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm.
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm.
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa".
- Điệp từ "Một bếp lửa": Nhấn mạnh hình ảnh bếp lửa cứ liên tục xuất hiện trong tâm trí nhà thơ.
- Từ láy tượng hình "chờn vờn", "ấp iu" thể hiện trạng thái của những đốm lửa từ đó gợi lên hình ảnh người bà tần tảo, chịu khó "biết mấy nắng mưa".
=> Ở khổ đầu tiên, hình ảnh bếp lửa đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những nỗi nhớ, niềm thương về người bà của mình.
b) Bếp lửa gợi những năm tháng gian khổ, nhọc nhằn bên bà:
- "Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói": Vì đã ở bên bà trừ trước đó nên khi lên bốn, tác giả đã quen với mùi khói bếp lửa.
- "Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu/Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay": Những kí ức, kỉ niệm khó có thể phai đi, chỉ cần nghĩ lại cũng đã thấy nao nao, xúc động.
- "Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa": Những kỉ niệm về bà trong tám năm sau đó được người cháu mở ra bằng hành động "nhóm lửa" quen thuộc -> Bếp lửa là minh chứng cho tình bà cháu gắn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
- "Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc": Tuy người cháu còn bé nhưng cũng đã hiểu hết những vất vả mà bà phải mang -> Câu thơ thể hiện tình yêu thương bà mãnh liệt.
=> Tác giả và bếp lửa đã gắn bó rất thân thiết.
c) Giữa tro tàn của mất mát đau thương, bà vẫn cần mẫn nhóm ngọn lửa của niềm tin, hi vọng:
"Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng"
- Điệp từ "Một ngọn lửa" được lặp lại, ẩn dụ cho:
+ Ngọn lửa của niềm tin, ý chí, hi vọng, nghị lực.
+ Sức mạnh của tình yêu thương bà dành cho cháu.
=> Hình ảnh người bà trong tâm trí nhà thơ không chỉ là một người thân mà còn là người thắp lửa, giữ lửa, truyền lửa cho những thế hệ mai sau.
d) Bếp lửa gợi lên suy ngẫm về cuộc đời bà:
"Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa !"
- Điệp từ "Nhóm": Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng , tượng trưng nhằm khẳng định bà chính là người khơi nguồn, làm sống dậy tình cảm yêu thương trong lòng người cháu.
- Đảo ngữ "Ôi kì lạ và thiêng liêng" thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi khám phá ra ý nghĩa của bếp lửa.
e) Nỗi nhớ của cháu về bếp lửa và bà:
"Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?"
- Người cháu ở nơi xa, thấy được rất nhiều điều mới mẻ nhưng vẫn nhớ về bếp lửa và bà.
- Tuy có "lửa trăm nhà" nhưng tác giả không bao giờ quên được ngọn lửa "ấp iu, nồng đượm" do chính tay bà nhóm.
=> Hình ảnh bếp lửa thể hiện:
+ Tình cảm bà cháu gắn bó thân thiết.
+ Tình yêu quê hương.
f) Đánh giá chung:
- Về hình ảnh bếp lửa:
+ Đây là một hình ảnh đầy sức sáng tạo của nhà thơ Bằng Việt.
+ Bếp lửa đã gợi lên tình bà cháu đầy ấm áp, thiêng liêng.
+ Bếp lửa chứa niềm tin, hi vọng vào tương lai tươi sáng.
- Về nghệ thuật:
+ Có sự kết hợp hài hòa của các phương thức biểu đạt: biểu cảm, tự sự, miêu tả, bình luận.
+ Hình ảnh bếp lửa vừa là hình ảnh tả thực, vừa giàu ý nghĩa biểu tượng.
+ Cảm xúc mãnh liệt, chân thành.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về giá trị của hình ảnh bếp lửa.
Đến với "Bếp lửa" của Bằng Việt, người đọc đã được chứng kiến những dòng tâm sự đầy cảm xúc về tình cảm bà cháu gắn bó, thân thiết. Trong bài, hình ảnh bếp lửa được xuất hiện xuyên suốt, được nhắc lại nhiều lần và gợi lên nhiều ý nghĩa. Điệp từ "Một bếp lửa" ở đầu bài thơ đã nhấn mạnh hình ảnh bếp lửa cứ liên tục xuất hiện trong tâm trí tác giả. Từ láy tượng hình "chờn vờn", "ấp iu" đã ẩn dụ cho hình ảnh người bà tần tảo, chịu thương chịu khó đã luôn dậy sớm nhóm bếp. Vậy, bếp lửa đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những nỗi nhớ niềm thương về người bà của mình. Trong những dòng thơ tiếp theo, bếp lửa lại mở ra những năm tháng gian khổ, nhọc nhằn bên bà. Đó là những kỉ niệm khó phai về những năm tháng đói mòn đói mỏi, những ngày có bà ở bên chăm sóc, dạy dỗ. Tuy người cháu còn nhỏ nhưng đã cảm nhận được bao nỗi vất vả, khó khăn mà bà phải gánh vác. Nhọc nhằn là thế nhưng bà vẫn luôn nhóm bếp hằng ngày. Điệp từ "Một ngọn lửa" được lặp lại là ẩn dụ cho tình yêu thương cháu của người bà. Đó cũng là ngọn lửa của niềm tin, hi vọng vào tương lai tươi sáng mà bà truyền cho cháu. Chính vì vậy, người cháu đã khôn lớn, trưởng thành. Tuy ở một chân trời rất xa, tác giả vẫn luôn nhớ đến hình ảnh người bà dấu yêu của mình ngồi bên bếp lửa. Nhà thơ đã gửi nỗi nhớ ấy vào câu hỏi tu từ "Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?". Bằng những lời thơ giàu chất tự sự, biểu cảm và hình ảnh bếp lửa đầy ý nghĩa, Bằng Việt đã cho chúng ta thấy được tình bà cháu đầy thiêng liêng, ấm áp trong những năm tháng chiến tranh gian khó.
--------------------
Để hiểu rõ hơn về tình cảm của tác giả dành cho bà, em hãy tham khảo thêm những bài mẫu sau: Phân tích hình tượng người bà trong bài Bếp lửa, Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa; Ý nghĩa nhan đề bài thơ Bếp lửa, Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt; Phân tích khổ 3 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
Bếp lửa là một hình ảnh quen thuộc, gắn liền với những gia đình ở làng quê Việt Nam. Khói bếp tỏa ra khi chiều tà luôn gợi cho con người cảm giác nhớ nhung, bồi hồi, xao xuyến. Tác giả Bằng Việt cũng vậy, khi nhìn thấy làn khói tỏa ra từ xe lửa ở xứ người, ông bỗng nhớ quê hương da diết. Chính nỗi niềm ấy đã thôi thúc ông viết ra bài thơ "Bếp lửa". Đến tận ngày nay, khi đọc lại tác phẩm, ta vẫn thấy rưng rưng vì hình ảnh bếp lửa quá đỗi quen thuộc, gần gũi và mang nhiều ý nghĩa.
Ngay những câu thơ mở đầu, tác giả đã viết:
"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"
Điệp từ "Một bếp lửa" nhấn mạnh rằng hình ảnh ấy đã xuất hiện liên tục trong tâm trí nhà thơ, khiến ông không thể không viết ra để bày tỏ nỗi lòng của mình. Hai từ láy tượng hình là "chờn vờn" và "ấp iu" gợi cho ta trạng thái của lửa cháy âm ỉ, dập dờn không bao giờ dứt. Đó chính là do người bà tần tảo luôn thức khuya dậy sớm để nhóm bếp, giữ cho ngọn lửa cháy mãi. Vậy là, ở ba câu thơ đầu tiên, hình ảnh bếp lửa đã khơi dậy trong lòng nhà thơ nỗi nhớ thương bà da diết "Cháu thương bà biết mấy nắng mưa".
Ở những dòng thơ tiếp theo, ta biết được rằng hình ảnh bếp lửa đã hiện diện trong tuổi thơ của tác giả từ rất sớm. Từ khi "lên bốn tuổi", ông đã quen với mùi khói bếp. Đó cũng là lúc tác giả bắt đầu có nhận thức về những sự việc xảy ra xung quanh mình. Những đau thương, mất mát của thời cuộc hay sự đói khổ của gia đình đều được ông khắc ghi trong lòng. Đến mức bây giờ nhớ lại, ông vẫn còn cảm thấy đầu mũi hơi cay. Không biết đó là phản ứng của cơ thể trước mùi khói bếp đã "hun nhèm mắt cháu" hay là sự thương xót vì những mất mát, cơ cực trong quá khứ. May mắn thay, trong những năm tháng đó, Bằng Việt luôn có bà đồng hành bên cạnh. Bà đã chăm sóc, dạy dỗ cậu bé năm nào trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Hiểu được nỗi vất vả của bà, nhà thơ đã thốt lên "Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc". Đây chính là câu thơ thể hiện tình yêu bà mãnh liệt của người cháu non dại, là tấm lòng hiếu thảo, biết ơn người bà đã nuôi dưỡng mình nên người.
Tuy phải sống trong chiến tranh loạn lạc nhưng bà vẫn kiên trì không ngừng nhóm lửa:
"Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng"
"Rồi sớm rồi chiều" cho ta thấy thời gian tuần hoàn, lặp đi lặp lại từ ngày này qua tháng khác. Trong quãng thời gian đó, bà vẫn hằng ngày nhóm bếp. Những ngọn lửa bà nhen là ngọn lửa của tình yêu thương, ẩn chứa niềm tin, hi vọng, khát khao về một tương lai tươi sáng bà luôn ấp ủ. Thông qua những bài học mà bà dạy cháu và qua bếp lửa, bà đã truyền lại cho cháu hi vọng ấy. Từ đó, ông có thêm rất nhiều những suy ngẫm về người bà của mình thông qua bếp lửa:
"Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!"
Điệp từ "Nhóm" ở đoạn thơ này mang ý nghĩa tượng trưng nhằm khẳng định rằng bà chính là người khơi nguồn, làm sống dậy những tình cảm trong lòng cháu. Bằng bếp lửa, bà đã đưa đến những bữa khoai sắn, những nồi xôi gạo làm no cái bụng. Và đồng thời, tâm tư, tình cảm của con trẻ cũng được bà ân cần thấu hiểu và gửi gắm nơi bếp lửa. Từ đó, tác giả đã sử dụng đảo ngữ "Ôi kì lạ và thiêng liêng" để thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi khám phá ra ý nghĩa của bếp lửa. Đó chính là công cụ để bà thể hiện tình cảm của mình đến người cháu, nơi bà dành hết tâm sức để giữ gìn, mong một ngày cháu sẽ khôn lớn trưởng thành. Sự thật đã chứng minh những hi sinh của bà là xứng đáng. Người cháu khi khôn lớn, du học ở nước ngoài vẫn luôn nhìn thấy những ngọn khói để đau đáu niềm nhớ bà, tự hỏi rằng "Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?".
Bằng giọng thơ trữ tình, kết hợp nhiều phương thức biểu đạt như biểu cảm, tự sự, miêu tả, bình luận, tác giả Bằng Việt đã sáng tạo nên hình ảnh bếp lửa vừa gần gũi, thân quen, vừa giàu ý nghĩa biểu tượng. Bếp lửa chính là thứ giúp tác giả bày tỏ nỗi nhớ bà, cũng chính là công cụ để bà trao gửi yêu thương cho người cháu, là nơi giữ gìn, ẩn chứa niềm tin, hi vọng vào tương lai tươi sáng rực rỡ.
Bằng Việt đã rất thành công khi thoát li hình ảnh bếp lửa khỏi những tư duy quen thuộc, gửi vào đó những ý nghĩa biểu tượng mới đầy ấn tượng, đặc sắc. Bếp lửa giờ đây vừa mang câu chuyện của riêng bản thân tác giả, vừa tượng trưng cho hi vọng về tương lai tươi sáng của con người.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Bếp lửa là hình ảnh gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của tác giả Bằng Việt. Mỗi lần thấy khói bếp, ông lại càng nhớ về người bà tần tảo, đáng kính của mình hơn.