Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học Ngữ văn 10 Cánh Diều

Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học Ngữ văn 10 Cánh Diều

Phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện hay nhất

Yêu cầu: Viết bài văn phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học mà em đã học hoặc đã đọc Ngữ văn 10 Cánh Diều.
 

Đề bài: Viết bài văn phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của "Đất nước" (Nguyễn Đình Thi)
 

I. Dàn ý phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của "Đất nước" (Nguyễn Đình Thi):

1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Đình Thi và bài thơ "Đất nước".
2. Thân bài:
2.1. Cảm hứng chủ đạo và chủ đề của bài thơ:
- Cảm hứng chủ đạo: niềm tự hào mãnh liệt về quê hương, đất nước.
- Chủ đề: tình yêu đất nước.
2.2. Phân tích, đánh giá chủ đề, nội dung tác phẩm:
a. Mùa thu trong hoài niệm của nhân vật trữ tình:
- Mùa thu Hà Nội hiện lên thông qua những hình ảnh: "hương cốm mới", "Sáng chớm lạnh", "lá rơi đầy".
- Trong bức tranh là sự xuất hiện của con người với hình ảnh:"Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" -> Từng bước chân bước đi một cách dứt khoát, vững vàng song trong lòng còn quyến luyến, bịn rịn.
b. Bức tranh đất nước trong "mùa thu nay":
- Câu thơ "Mùa thu nay khác rồi" mang giọng điệu vui tươi, hồ hởi. Cụm từ "khác rồi" nhấn mạnh vào sự biến chuyển của quê hương, đất nước.
- "Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha": khác với nét cổ kính, trầm mặc, "mùa thu nay" rộn ràng, nô nức trong tiếng cười, tiếng nói.
- Biện pháp liệt kê: "trời xanh", "núi rừng", "những cánh đồng", "những ngả đường", "những dòng sông đỏ" được sử dụng nhằm gợi lên không gian rộng lớn, khoáng đạt của đất nước.
- "Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất":
+ Khẳng định đây chính là đất nước của chúng ta, của nhân dân.
+ Thể hiện cảm xúc tự hào, yêu mến trước đất mẹ bất khuất, anh hùng.
-> Cảm hứng mang đậm chất sử thi.
c. Hình ảnh đất nước trong chiến tranh:
* Đất nước đau thương, căm hờn:
- Nỗi đau khổ, mất mát mà kẻ địch đem lại cho nhân dân được tác giả khắc họa hết sức chân thực "cánh đồng quê chảy máu", "dây thép gai đâm nát trời chiều", "đứa đè cổ đứa lột da",...
-> Lòng căm tức quân thù của nhân dân.
* Đất nước quật cường, anh dũng:
- Tinh thần anh dũng, quật khởi được thể hiện qua hàng loạt từ ngữ "ngời lên", "bật lên", "không khóa được", "không bắn được", "đứng lên".
- Hai câu thơ kết "Nước Việt Nam từ máu lửa đứng lên/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa": hình ảnh biểu tượng, tượng trưng cho tinh thần quật cường, sẵn sàng đấu tranh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
2.3. Phân tích, đánh giá đặc sắc nghệ thuật:
- Ngôn ngữ giàu sức gợi.
- Hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc.
- Sử dụng thành công biện pháp so sánh.
3. Kết bài:
- Khái quát về vị trí, ý nghĩa của tác phẩm đối với sự nghiệp văn học của tác giả.
- Chỉ ra tác động của tác phẩm với người đọc và với cá nhân người viết.
 

II. Bài văn mẫu tham khảo phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của "Đất nước" (Nguyễn Đình Thi):

Nguyễn Đình Thi là một trong những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhắc đến thơ Nguyễn Đình Thi, người ta nghĩ đến ngay đến một hồn thơ giản dị mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh tế, sâu sắc với những triết lí sâu xa. Không những thế, thơ ông luôn độc đáo, hiện đại, thể hiện bản lĩnh sáng tạo và dám thay đổi của người nghệ sĩ. Nguyễn Đình Thi sống cả một đời với tình yêu Việt Nam, yêu Hà Nội. Bởi thế dù ở đâu, thơ ông cũng mang cái hồn của tình yêu quê hương đất nước nồng nàn. Và "Đất nước" (1948) là một bài thơ như thế.

Bằng những ngôn từ mộc mạc, hình ảnh thơ giản dị, giọng thơ khi trữ tình nhẹ nhàng, khi cuộn trào tha thiết, Nguyễn Đình Thi đã viết nên "Đất nước" - bài ca về tình yêu, lòng tự hào, tự tôn dân tộc - trong suốt bảy năm kháng chiến chống Pháp. Mở đầu bài thơ, không gian tươi mát, trong trẻo của mùa thu Hà Nội như ùa ra khỏi những trang giấy, phủ kín tâm hồn người đọc:

"Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa"

Mùa thu khởi nguồn cho những xúc cảm của thơ ca, cũng là mùa khơi gợi những tâm tư, suy ngẫm trong lòng người nghệ sĩ. Nếu mùa thu của Nguyễn Khuyến là mùa thu của nỗi u buồn, trăn trở, mùa thu của Xuân Diệu là mùa của rung động, tàn phai thì mùa thu của Nguyễn Đình Thi là mùa hoài niệm. Mùa thu ấy có bầu trời trong xanh và hương cốm mới. Mùa thu phảng phất gió heo may lành lạnh, mùi cốm thảo thơm. Ấy là mùa thu năm xưa mà tác giả mãi mãi không quên. Thu đến kéo theo những kỉ niệm ùa về:

"Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"

Vẫn là giọng thơ nhẹ nhàng, đầy lưu luyến, Nguyễn Đình Thi viết về Hà Nội - một Hà Nội mãi khắc sâu trong tâm tưởng ông. Hình ảnh gió heo may với những hàng phố dài gợi khung cảnh tiêu điều, quạnh hiu. Không gian mở ra chiều sâu hun hút. Từ láy "xao xác" vừa gợi âm thanh lá vàng rơi vừa gợi những nỗi niềm trong lòng thi sĩ. Mùa thu năm 1945, đất nước ta lòng đầy tự hào, vui sướng lắng nghe âm thanh của bản "Tuyên ngôn độc lập". Cũng mùa thu năm sau, cả dân tộc lại một lần nữa phải gồng mình bảo vệ Tổ quốc. Những chàng trai đất Hà thành bỏ lại phía sau là tuổi trẻ, là sách vở, là cuộc sống êm đềm nơi phố xá đô thị để ra chiến trường. Phải chăng cách gọi "người ra đi" của Nguyễn Đình Thi là để nhắc đến những con người như thế? Hình ảnh người ra đi bỏ lại phía sau là thềm nắng lá rơi đầy lãng mạn, mộng mơ song cũng mang đầy sự kiên định, dứt khoát, mạnh mẽ, nhất quyết "không ngoảnh lại". Bố cục, đường nét của khổ thơ như vẽ nên một bức tranh buồn mênh mang của ngày chia li, của sự tiễn đưa đầy khắc khoải.

Tuy nhiên, đấy chỉ là mùa thu quá khứ. Mùa thu trong lòng tác giả bấy giờ đã khác rồi, đó không còn là mùa thu của nặng tình nhớ mong mà trở thành khúc tráng ca nhiệt huyết, tự hào:

"Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre bay phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong tiếng nói cười thiết tha"

Nếu mùa thu của hai khổ thơ trên chỉ được vẽ lại bằng hình dáng cùng gam màu vàng chủ đạo thì mùa thu của hiện tại là sự kết hợp của màu sắc, âm thanh, ánh sáng và cả sự vận động. Lúc này, điểm nhìn của nhà thơ chuyển từ phố xá Hà Nội lên núi rừng Việt Bắc. Mùa thu nơi đây hiện lên với bầu trời trong biếc, gió thổi phấp phới reo vui. Biện pháp tu từ nhân hóa "trời thu thay áo mới" như diễn tả niềm vui, niềm sung sướng. Giọng thơ phấn khởi, tươi mới cho thấy cảm xúc và tình yêu đang trào dâng trong lòng nhân vật trữ tình. Trước không gian bao la, tràn ngập không khí nhộn nhịp của mùa thu, nhân vật trữ tình cất tiếng đầy tự hào:

"Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa"

Điệp từ "đây" kết hợp với biện pháp tu từ liệt kê: "trời xanh, núi rừng, những cánh đồng, những ngả đường, những dòng sông" đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên sông núi Việt Nam tươi mới, tràn đầy sức sống. Giọng thơ vang lên đầy tự hào như một tiếng chắc nịch nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Không còn là mùa thu hiu quạnh, lặng lẽ, u buồn. Mùa thu nay đã khoác lên một tấm áo mới, tràn đầy niềm vui, niềm hứng khởi, là sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Cách ngắt nhịp 3/4 và 3/2 với âm hưởng hào hùng khiến mỗi câu thơ là một lời ngợi ca. Đại từ "chúng ta" ở đây đã hoàn toàn thay thế cho "tôi" ở những khổ thơ trước. Có thể thấy cái tôi cá nhân của Nguyễn Đình Thi đã hòa nhập hoàn toàn vào cái ta chung của cộng đồng. Lời của Nguyễn Đình Thi cũng chính là lời nói chung mà cả dân tộc muốn nói. Quan hệ từ "của" chỉ sự sở hữu đã nhấn mạnh lời khẳng định của tác giả rằng: "giờ đây non nước này đã hoàn toàn độc lập, dân tộc này đã hoàn toàn được tự do".

Cảm xúc đang đắm chìm trong niềm vui ngày độc lập bỗng lắng lại khi nhân vật trữ tình nhớ về sự hi sinh của thế hệ cha anh đi trước:

"Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa nói vọng về"

Họ đã oai hùng ngã xuống để giữ lại màu xanh cho đất nước này. Viết về khoảnh khắc độc lập của dân tộc, Nguyễn Đình Thi không chỉ nhắc đến niềm vui với lòng hào sảng sung sướng mà còn nhắc cho chúng ta nhớ về cội nguồn quá khứ của đất nước, nơi có những con người bất tử đã dùng xương máu của mình gieo mầm cho từng nhành cây ngọn cỏ xây đắp nên quê hương. Từ tượng thanh "rì rầm" từ đất kết hợp với "vọng" tạo ra những khoảnh khắc kì diệu. Tiếng nói từ quá khứ như vọng đến hiện tại tạo cho khổ thơ một màu sắc thành kính, trang nghiêm. Không khí toát lên đầy sự thiêng liêng nhưng cũng tràn đầy sự thân thiết, gần gũi.

Nhớ về quá khứ, nhà thơ lại gợi nhắc đến chúng ta về tinh thần bất khuất, những vẻ đẹp truyền thống của con người Việt Nam:

"Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu"

Biện pháp tu từ nhân hóa "những cánh đồng quê chảy máu" và "dây thép gai đâm nát trời chiều" đã diễn tả chân thực nỗi đau mà dân tộc ta phải trải qua. Hai câu thơ vẽ nên không gian đẫm mùi bom đạn, những dây thép gai chằng chịt, những cảnh đổ nát, thê lương. Trong bức tranh hoang tàn đổ nát đó, hình ảnh những người lính vệ quốc quân hiện lên. Họ dứt áo ra đi mang theo lòng căm thù giặc, mang theo sứ mệnh bảo vệ quê hương. Tình yêu của họ dành cho quê hương bắt nguồn từ những tình cảm đời thường, mộc mạc nhất - nỗi nhớ dành cho "người yêu" ở quê nhà. Trong những năm tháng hành quân gian khổ, tình cảm ấy trở thành động lực to lớn, trở thành sức mạnh không gì ngăn cản được. Đất nước lúc này, là đất nước của quật cường, anh dũng mà sự quật cường, anh dũng ấy được bật lên từ những tiếng đau thương, căm hờn:

"Từ những năm đau thương chiến đấu

Đã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

Đã bật lên những tiếng căm hờn"

Bốn câu thơ đã khắc họa chân thực và rõ nét hơn bao giờ hết ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Nỗi căm hờn với tội ác của giặc đã thấm đẫm vào từng ngọn lúa, bờ tre. Động từ "ngời" và "bật" được sử dụng một cách khéo léo, tinh tế đã nhấn mạnh sự hồi sinh kì diệu của đất nước và con người Việt Nam.

Mạch thơ trở về quá khứ một lần nữa tái hiện chân thực tội ác của bọn giặc ngoại xâm:

"Bát cơm chan đầy nước mắt

Bay còn giằng khỏi miệng ta

Thằng giặc Tây thằng chúa đất

Đứa đè cổ đứa lột da"

Ý thơ như nhắc ta gợi nhớ về nạn đói năm 1945, những năm tháng sưu cao thuế nặng, ách "một cổ hai tròng" mà người dân nghèo Việt Nam đã phải trải qua trong quá khứ. Hình ảnh "bát cơm chan đầy nước mắt" như gom hết bao uất ức, tủi hờn. Chúng "đè cổ", "lột da" dân ta, dùng những cách tra tấn hành hình tàn độc nhất để đày đọa dân ta. Cách xưng hô "ta" - "bay", "thằng", "đứa" để gọi bọn giặc đã gợi tả sự căm thù thấm vào trong máu thịt.

Thế nhưng, đầu súng của bọn giặc chỉ bắn được lên da thịt, gông cùm chỉ trói được tay chân chứ không thể thể giết chiết tinh thần bất khuất của con người Việt Nam:

"Xiềng xích chúng bay không khóa được

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước thương nhà"

Những cuộc chiến tranh phi nghĩa, làm trái lại những giá trị đạo đức chỉ có thể chuốc lấy thất bại mà thôi. Giọng thơ vang lên đầy ngạo nghễ đã khẳng định sự lạc quan, niềm tin vào chiến thắng ngày mai của đất nước anh hùng.

Những khổ thơ tiếp theo, Nguyễn Đình Thi tiếp tục miêu tả cụ thể từng bước đi của cuộc kháng chiến:

"Khói nhà máy cuộn trong sương núi

Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng

Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng

Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh"

Hình ảnh "khói" kết hợp với âm thanh "kèn gọi quân" đã mở ra không gian chiến trường. Đó là không gian sục sôi ý chí, tạo ra âm hưởng hào hùng khi cả đất nước cùng nhau ra trận. Hình ảnh người anh hùng áo vải gợi nhắc ta về vua Quang Trung thuở xưa. "Ngày nắng đốt", "đêm mưa giội" là tháng ngày hành quân gian nan, đầy vất vả thăng trầm. Âm hưởng thơ mang đầy sự hào hùng, tráng lệ, tràn ngập khát khao hướng về một tương lai tươi sáng.

Đến đây, có vẻ như Nguyễn Đình Thi đã cắt nghĩa được định nghĩa "đất nước". Nhà thơ đã hình dung được hình ảnh đất nước từ trong lòng:

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ"

Các hình ảnh so sánh, nhân hóa khiến người đọc cảm nhận được một cách dữ dội không khí chiến tranh từ trong quá khứ. Tội ác của quân thù mãi mãi không thể chiến thắng được khí thế mạnh mẽ, vang dội của dân tộc ta. Và từ trong khói lửa, "đất nước" đứng lên:

"Người Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"

Hai câu thơ đã thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc mà Nguyễn Đình Thi dành cho đất nước. Non sông Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ mãi trường tồn, bất tử. Bài thơ kết thúc bằng ánh sáng chói lọi. Đó là ánh sáng của niềm tin, khát vọng và vinh quang.

Hình tượng đất nước tưởng chừng như trừu tượng nay lại hiện lên thật chân thực, sống động trong thơ. Cảm hứng về tình yêu đất nước, dân tộc sẽ đưa những vần thơ của Nguyễn Đình Thi sống mãi với thời gian. Trải qua bao thăng trầm, đổi thay, "Đất nước" sẽ mãi là khúc ca vững bền về niềm tin, sức mạnh, sự trỗi dậy, trở mình của dân tộc.

Bài văn mẫu Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học Ngữ văn 10 Cánh Diều hay nhất
 

Đề bài: Bài văn mẫu tham khảo phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của Mùa hoa mận:
 

I. Dàn ý phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của Mùa hoa mận:

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu vấn đề chính sẽ được tập trung phân tích trong bài viết.
2. Thân bài:
a. Ý nghĩa nhan đề "Mùa hoa mận":
- Hoa mận là một trong những đặc trưng của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc.
- Nhan đề gợi cuộc sống và cảnh sinh hoạt của người dân khi mỗi mùa hoa mận về.
- Nhan đề gợi tình cảm yêu quê hương, là hình ảnh khơi nguồn cảm xúc, khơi nguồn cho dòng hồi tưởng về quá khứ. Là điểm tựa để những người con đi xa nhớ mong, trở về
b. Một số giá trị về mặt nội dung:
a. Chủ đề và cảm hứng chủ đạo:
- Chủ đề: tình cảm thương yêu dành cho con người, quê hương và đất nước.
- Cảm hứng chủ đạo: nỗi nhớ thương sâu lắng, ưu tư về thiên nhiên, cảnh sắc và con người vùng Tây Bắc.
b. Bức tranh thiên nhiên: sự trở đi trở lại của hình ảnh hoa mận trắng muốt bung nở ở đầu cành trong ba khổ thơ.
c. Cuộc sống sinh hoạt của con người vùng Tây Bắc:
* Hình ảnh lũ trẻ chơi đùa trong mùa hoa mận:
- Sự háo hức, hồn nhiên, vui tươi:
+ Con trai háo hức chơi cù.
+ Con gái rộn ràng khăn áo.
- Ước mơ của lũ trẻ vùng cao được thể hiện thông qua hình ảnh "bóng bay".
* Hình ảnh người lớn trong mùa hoa mận:
+ Mẹ chuẩn bị lá, gạo.
+ Cha căng nỏ.
+ Người già khẩn trương làm đu.
=> Sự hối hả, vội vàng của con người nơi đây khi Tết đến xuân về.
d. Hình ảnh ngôi nhà và tâm trạng của nhân vật trữ tình:
- Ngôi nhà với nét đặc trưng của vùng cao:
+ Tường được làm bằng bất nện.
+ Bếp lửa được đặt giữa nhà.
- Nhân vật trữ tình: luôn hướng về người thân, quê hương yêu dấu.
c. Một số đặc sắc nghệ thuật:
- Điệp cấu trúc "Cành mận bung cánh muốt".
- Ngôn ngữ giản dị, đời thường.
- Hình ảnh thơ trong sáng, bình dị.
- Giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết, mang đầy tình yêu đời, yêu người.
3. Kết bài
- Khái quát về vị trí, ý nghĩa của tác phẩm đối với sự nghiệp văn học của tác giả.
- Chỉ ra tác động của tác phẩm với người đọc và với cá nhân người viết.
 

II. Bài viết tham khảo phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của Mùa hoa mận:

Không phải ngẫu nhiên khi nét đẹp trầm mặc, hoang sơ, kì vĩ của núi rừng Tây Bắc lại trở thành cảm hứng sáng tác của biết bao nhà văn, nhà thơ. Nằm ở địa đầu Tổ quốc, Tây Bắc cuốn hút con người bởi phong cảnh non nước hữu tình, hoa trái bốn mùa nên thơ, hùng vĩ. Cũng viết về Tây Bắc, nhưng nhà thơ Chu Thùy Liên lại mang đến cho chúng ta một góc nhìn rất khác về cảnh vật và con người nơi đây.

Tác phẩm có dung lượng ngắn, chỉ vỏn vẹn ba khổ thơ và những hình ảnh quen thuộc, song đã để lại những rung động sâu sắc trong lòng người đọc. Mở đầu mỗi khổ thơ đều là câu thơ "Cành mận bung cánh muốt". Hình cảnh hoa mận vừa là đặc trưng của thiên nhiên nơi đây vừa là hình ảnh khơi nguồn cho cảm xúc của tác giả - một người con tha hương đang nhớ mong quê nhà. Dưới cánh hoa mận, vẻ đẹp của mùa xuân trên quê hương hiện ra:

"Cành mận bung cánh muốt

Lũ con trai háo hức chơi cù

Lũ con gái rộn ràng khăn áo

Bóng bay nâng ước mơ con trẻ"

Khi đông tàn, mùa xuân tới mang theo những tia nắng ấm áp, đó cũng là thời điểm loài hoa mận bung tỏa sắc hương. Nhớ về mùa xuân quê hương, nhân vật trữ tình nhớ đến những gương mặt trẻ con vui tươi náo nức. Từ ngữ "háo hức", "rộn ràng" diễn tả niềm vui nỗi sung sướng của con trẻ khi tết đến xuân về. Chúng quây quần bên những trò chơi dân gian, xúng xính trong váy áo mới. Những cành mận đã luôn gần gũi gắn bó với tuổi thơ, chắp cánh cho mộng ước của trẻ em nơi đây.

Bên cạnh sự háo hức của con trẻ, người lớn cũng tất bật nhộn nhịp mỗi dịp xuân đến:

"Cành mận bung cánh muốt

Giục mẹ xôn xang lá, gạo

Giục cha vui lòng căng cánh nỏ

Giục người già bản hối hả làm đu"

Mỗi dịp xuân về, mẹ sẽ "xốn xang lá, gạo" làm bánh, cha sẽ "căng cánh nỏ", người già "làm đu" để chuẩn bị cho những món ăn, những trò chơi của người bản địa. Điệp từ "giục" đã nhấn mạnh không khí hối hả, tấp nập của cảnh sinh hoạt con người trong những dịp lễ trọng đại. Và cho dù là làm gì, ở đâu, cành mận vẫn bung tỏa sắc trắng trên cành, trở thành biểu tượng không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt nơi đây.

Cụm "Cành mận bung cánh muốt" lại một lần nữa lặp lại ở khổ thơ thứ ba:

"Cành mận bung cánh muốt

Nhà trình tường ủ hương nếp

Giục lửa hồng nở hoa trong bếp

Cho người đi xa nhớ lối trở về..."

Hình ảnh "nhà trình tường ủ hương nếp" và "lửa hồng nở hoa" đã gợi ra khung cảnh sum vầy ấm cúng. Tứ thơ đã vẽ ra một không gian sinh hoạt gia đình. Giữa tiết trời còn se lạnh thời điểm cuối đông, đầu xuân, một gia đình đang ngồi quây quần bên bếp có ánh lửa bập bùng. Đây có lẽ cũng là hình ảnh mà người con đi xa mong nhớ nhất mỗi lần nghĩ về quê nhà. Hình ảnh cành mận lúc này là biểu tượng cho tình cảm gia đình, cho tình yêu và nỗi nhớ quê hương.

Càng yêu quê hương bao nhiêu, tác giả càng bày tỏ chân thực, tha thiết nỗi nhớ bấy nhiêu. Chu Thùy Liên đã thật khéo léo khi mượn hình ảnh hoa mận để giãi bày cảm xúc. Hình ảnh ấy không chỉ thành công vẽ nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và cảnh sinh hoạt con người ở vùng núi Tây Bắc mà còn nhắc gọi khéo léo những người con đi xa hãy mau trở về.

Qua bài thơ trên, người đọc như được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên và không gian sinh hoạt nơi núi rừng Tây Bắc. Nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh có cả cảnh và hồn, bức tranh khiến người phương xa mê luyến, người bản địa khao khát được trở về khôn nguôi.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Ngoài những tác phẩm mà Taimienphi.vn gợi ý và cung cấp, các em có thể tự mình phân tích các văn bản khác trong chương trình Ngữ văn 10, Cánh Diều. Để có thêm những ý tưởng mới mở trong quá trình học và chuẩn bị bài, em hãy đón đọc các văn mẫu lớp 10 khác:
- Phân tích vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm đã học
- Phân tích đánh giá nội dung và hình thức một tác phẩm văn xuôi trong Ngữ văn 10

Trải qua 8 chủ điểm với gần 35 tuần học, các em đã tìm hiểu rất nhiều những tác phẩm văn học khác nhau. Trong bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì II, các em sẽ tiếp tục thực hành Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học Ngữ văn 10 Cánh Diều. Mời em tham khảo bài mẫu dưới đây.
Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ Ngữ văn 10 Cánh Diều
Phân tích Hồi trống Cổ Thành
Soạn bài Tự đánh giá bài 3 ngắn gọn, Ngữ văn lớp 6 - Cánh Diều
Soạn bài Ông đồ (Vũ Đình Liên), Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều
Phân tích bài thơ Cánh đồng - Ngân Hoa
Tự tình: Tác giả, thể thơ, nhan đề, bố cục, nội dung, nghệ thuật, dàn ý

ĐỌC NHIỀU