Phân tích đánh giá chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm truyện mà em đã học

Đề bài: Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm truyện

Dàn ý và bài văn phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện hay nhất

 

I. Dàn ý chung cho bài văn phân tích về tác phẩm truyện

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm truyện cần phân tích.
- Nêu nhận xét, đánh giá khái quát về tác phẩm.
2. Thân bài:
- Xác định, phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm.
- Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
- Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm.
- Nêu cảm nghĩ của bản thân và bài học rút ra sau khi đọc xong tác phẩm.
 

II. Dàn ý phân tích đánh giá chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm truyện chi tiết

1. Truyện Giang - Bảo Minh

A. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm "Giang" - Bảo Ninh.
- Nêu nhận xét, đánh giá khái quát về tác phẩm.
B. Thân bài:
a, Chủ đề của tác phẩm:
- Tình người thắm thiết, keo sơn.
- Nỗi đau và mất mát mà con người phải chịu đựng trong chiến tranh.
b, Phân tích tác phẩm:
* Nội dung:
- Tình người thắm thiết:
+ Cuộc gặp gỡ tình cờ mà ngỡ đã thân thiết từ lâu của Giang và chàng lính trẻ.
+ Thái độ, tình cảm của bố Giang trong hai lần gặp gỡ: ban đầu nghiêm nghị, càng về sau càng thân thiết.
- Nỗi đau, mất mát mà chiến tranh mang lại:
+ Gia đình Giang không còn được trọn vẹn.
+ Sự cô đơn của Giang khi một mình ở nơi "khỉ ho cò gáy".
+ Sự hi sinh của bố Giang cùng lời hứa không thể thực hiện được với nhân vật "tôi".
* Nghệ thuật:
- Ngôi kể thứ nhất, đặt điểm nhìn vào anh lính trẻ.
- Tình huống truyện được xây dựng chân thực, phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ.
- Các nhân vật được xây dựng giản dị, chân thực, gần gũi.
- Sử dụng giọng văn bình ổn mà sâu sắc.
C, Đánh giá:
* Nội dung:
- Thể hiện thành công tình cảm gắn bó, keo sơn, nghĩa tình giữa người với người.
- Tái hiện cuộc sống của nhân dân trong thời chiến một cách chân thực, giản dị.
- Phơi bày những đau thương, mất mát mà chiến tranh đem lại.
* Nghệ thuật:
- Nghệ thuật kể chuyện, xây dựng nhân vật gần gũi.
- Mang đến những giá trị lâu dài cho tác phẩm.
D. Kết bài:
- Khẳng định lại những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm.
- Nêu cảm nghĩ của bản thân và bài học rút ra sau khi đọc xong tác phẩm.
 

2. Tác phẩm Buổi học cuối cùng - An-phông-xơ Đô-đê

A. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm "Buổi học cuối cùng" - An-phông-xơ Đô-đê.
- Nêu nhận xét, đánh giá khái quát về tác phẩm.
B. Thân bài:
a, Xác định, phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm:
* Chủ đề: Tình yêu nước, yêu tiếng mẹ đẻ, lòng tự hào dân tộc.
* Phân tích:
- Hoàn cảnh:
+ Sau cuộc chiến với nước thua cuộc là Pháp, phải cắt vùng An-dát cho Phổ.
+ Các trường học bây giờ chỉ được phép dạy tiếng Đức.
+ Buổi học ngày hôm đó là buổi học Pháp văn cuối cùng.
-> Hoàn cảnh éo le, bi đát với một người giáo viên đã gắn bó với vùng đất này suốt 40 năm nhưng nay buộc phải rời đi.
- Nhân vật Phrăng:
+ Hay trốn học, bỏ học nhưng hôm nay lại chăm chú lạ thường.
+ Sự hối hận khi đã không chăm chỉ đến lớp trong quá khứ.
+ Sự thương tiếc, đồng cảm với cảm xúc của thầy Ha-men.
- Nhân vật thầy Ha-men:
+ "... thầy đã vận y phục đẹp ngày chủ nhật...".
+ Yêu nước, yêu ngôn ngữ mẹ đẻ, tâm huyết với nghề: Những lời bộc bạch về lí do cần giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ, sự cố gắng, dũng cảm khi dạy đến cuối buổi học,...
+ Tâm trạng buồn đau, tiếc nuối khi phải rời xa nơi mình đã gắn bó suốt 40 năm.
+ Tinh thần phản kháng, đấu tranh muốn giành lại sự thống nhất của dân tộc: Viết lên bảng dòng chữ "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM" thật to.
- Các cụ già trong làng đến ngồi cuối lớp, chăm chú nghe từng lời thầy Ha-men giảng.
* Đánh giá chủ đề tác phẩm:
+ Đây không đơn thuần là một buổi học tiếng Pháp cuối cùng mà là bài học về lòng yêu nước, tự tôn và tự hào dân tộc.
+ Đề cao ý nghĩa của tiếng mẹ đẻ: là "chìa khóa của chốn lao tù".
+ Bài học về tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục trước kẻ thù.
b, Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm:
- Sử dụng ngôi kể thứ nhất, lấy điểm nhìn của nhân vật cậu bé Phrăng - một người thường xuyên trốn học, đi muộn:
+ Tăng độ tin cậy, chính xác cho câu chuyện.
+ Góp phần thể hiện rõ nét hơn nội tâm nhân vật.
+ Dễ dàng khơi gợi lòng đồng cảm của người đọc.
+ Lột tả được tâm trạng rối bời, tiếc nuối, hối hận.
- Bối cảnh và tình huống truyện:
+ Độc đáo, éo le.
+ Làm buổi học trở nên ý nghĩa, có giá trị hơn.
- Xây dựng nhân vật sinh động, chân thực:
+ Nhân vật được miêu tả qua ngoại hình, trang phục, hành động.
+ Kết hợp đan xen nhiều lời đối thoại, độc thoại.
+ Nêu bật lên nỗi đau mất nước.
+ Nhấn mạnh về sự thức tỉnh tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc.
C. Kết bài:
- Khẳng định lại những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm.
- Nêu cảm nghĩ của bản thân và bài học rút ra sau khi đọc xong tác phẩm.

 

III. Bài văn mẫu phân tích, đánh giá chủ đề và nghệ thuật tác phẩm truyện hay nhất

1. Truyện Giang - Bảo Minh

Với hàng ngàn năm đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, những cuộc chiến đã trở thành một điều hết sức quen thuộc đối với dân tộc Việt Nam. Bằng tài năng, tâm huyết và ngòi bút tài hoa của mình, các nhà văn, nhà thơ đã đứng ra nhận nhiệm vụ, trở thành những người "thư kí trung thành của thời đại". Họ đưa hiện thực vào trang sách, đem nó đến với độc giả bao thế hệ. Trong đó, ta không thể không kể đến nhà văn Bảo Ninh. Với giọng điệu nhẹ nhàng, điềm đạm, ông đã tái hiện cuộc sống của con người thời chiến rất đẹp, rất thật qua truyện ngắn "Giang".

Tác phẩm viết về chủ đề chiến tranh - một trong những nguồn cảm hứng bất tận của văn học. Ở đây, nhà văn Bảo Ninh không nhấn mạnh vào những cuộc chiến khốc liệt với đầy khói súng và bom đạn. Ông đưa đến cho ta bức tranh về cuộc sống của người lính trẻ vô danh, từ đó thể hiện tình cảm dân - quân gắn bó, thân thiết. Qua đó, ta cũng thấy được những mất mát, đau thương mà nhân dân phải chịu đựng trong những năm tháng chiến đấu gian khổ.

Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đem đến hình ảnh về người chiến sĩ mười bảy tuổi tràn đầy năng lượng với thành tích "đạt điểm cao nhất đại đội" trong buổi kiểm tra xạ kích. Nhờ đó mà anh được thưởng hai ngày phép, dẫn đến cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh với cô gái tên Phạm Nhật Giang. Khi thấy chân tay người lính trẻ lấm lem bùn đất, cô gái đã ân cần, chu đáo tự mình cọ rửa hộ con người xa lạ kia. Sự tinh tế ấy khiến cho anh lính "sững lặng" và "bất động". Không chỉ vậy, Giang còn nhiệt tình mời anh về nhà uống nước, thể hiện sự hồn nhiên, mến khách đáng quý. Thái độ của bố Giang với nhân vật "tôi" cũng mang đến cho người đọc cảm giác gần gũi, ấm áp. Ban đầu, ông tỏa ra sự nghiêm nghị của một trung tá quân đội. Tuy nhiên khi hỏi chuyện, ông đã dịu nét mặt, động viên anh lính và thậm chí còn cho phép Giang lấy xe đạp đèo anh về đơn vị cho kịp giờ. Đến lần gặp gỡ thứ hai trên chiến trường, thái độ của ông niềm nở hẳn. Ông vui vẻ kể về đứa con gái đang đợi ở nhà, còn hẹn "bữa sau" sẽ đưa cho nhân vật "tôi" tấm ảnh Giang gửi.

Tuy vậy, chiến tranh vẫn là chiến tranh. Nó vẫn cướp đi nhiều thứ quý giá trong cuộc sống con người. Qua cuộc trò chuyện của đôi bạn trẻ, ta được biết gia đình Giang giờ đây không còn trọn vẹn. Mẹ cô đã mất, anh trai thì đi làm nhiệm vụ. Nhà cô ở ngõ Chợ Khâm Thiên, nhưng lại được bố đón về đây, ở trong một túp nhà đơn sơ để hai bố con gần nhau. Nỗi buồn và sự cô đơn bủa vây khiến Giang khao khát có một người bạn để tâm sự. Những chưa dừng lại ở đó, chiến tranh còn cướp đi cả bố của cô - vị tham mưu trưởng đáng kính trong một trận chiến "vào cuối mùa khô". Điều này vừa khiến Giang thêm cô độc, vừa biến "tôi" và Giang trở lại làm hai con người xa lạ. Mối quan hệ vừa mới chớm nở giữa họ giờ đây thành "một gặp gỡ vẩn vơ, lưu luyến mơ hồ gần như không có thật". Tất cả đều là do cuộc chiến vô nghĩa, tàn khốc gây nên.

Qua truyện ngắn, người đọc còn thấy được ngòi bút nghệ thuật đầy tài hoa của tác giả. Ở đây, nhà văn Bảo Ninh đã đặt điểm nhìn vào nhân vật "tôi" - một chiến sĩ vô danh để kể chuyện. Câu chuyện ấy như một trải nghiệm, một kí ức không thể nào quên đối với người lính trẻ, tạo cho người đọc sự tin tưởng và đồng cảm sâu sắc. Các nhân vật trong truyện cũng được xây dựng hết sức chân thực, gần gũi. Mỗi người lại có những lời nói, hành động thể hiện tính cách đặc trưng riêng. Không chỉ có vậy, tác phẩm viết về đề tài chiến tranh nhưng lại mang giọng văn điềm đạm, trầm ổn. Khi nhắc về sự hi sinh của tham mưu trưởng, ta chỉ thấy những dòng chữ ngắn gọn, cô đọng: "Không có "bữa sau ấy" [...] năm đầu tiên sư đoàn chúng tôi lâm trận". Điều này cũng cho ta thấy sự từng trải của tác giả.

Đến với "Giang", nhà văn Bảo Ninh đã chứng minh tài năng của mình qua việc thể hiện thành công cả về nội dung và nghệ thuật. Không chỉ tái hiện cuộc sống con người Việt Nam thời chiến, tác giả còn mang tới bức tranh về tình quân - dân thắm thiết, keo sơn. Và dù cho có được lãng mạn hóa đến mức nào thì ta vẫn không thể xóa đi những thiệt hại mà chiến tranh đem đến. Nó vẫn sẽ là nỗi đau âm ỉ sâu trong lòng mỗi người để nhắc ta về một thời huy hoàng của lịch sử. Với cách lựa chọn ngôi kể, tình huống truyện cùng việc xây dựng các nhân vật giản dị, gần gũi, "Giang" đã trở thành một điểm sáng trong muôn vàn tác phẩm cùng thể loại.

Chiến tranh lúc nào cũng tàn khốc, vô tình. Nhưng cũng nhờ đó mà nhân loại mới thấy trân trọng biết bao nền hòa bình, độc lập, thống nhất. Xã hội và con người ngày một phát triển. Vậy nên, là một công dân, ta cần chăm chỉ, nỗ lực phát triển và hoàn thiện bản thân, đóng góp sức lực vào công cuộc xây dựng, kiến thiết nước nhà. Chỉ khi có đầy đủ về tri thức và đạo đức thì ta mới có thể đưa Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời mà Bác Hồ từng dạy.

Phân tích, đánh giá chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm truyện hay nhất
 

2. Tác phẩm Buổi học cuối cùng - An-phông-xơ Đô-đê

Chiến tranh từ xưa đến nay vẫn luôn là vấn đề "nóng" của xã hội. Chiến tranh không chỉ gây ra vô vàn thiệt hại về tài sản, vật chất, bom đạn nơi chiến trường còn để lại bao nỗi mất mát, ám ảnh, thậm chí là những di chứng đến tận ngày hôm nay. Trong những năm tháng đau thương ấy, văn học xuất hiện như một thứ vũ khí tinh thần, mang hi vọng đến cho nhân loại. Một trong số rất nhiều tác phẩm ấn tượng nhất phải kể đến truyện ngắn "Buổi học cuối cùng" của nhà văn An-phông-xơ Đô-đê. Bằng ngòi bút tài hoa, điềm tĩnh của mình, tác giả đã khai thác đề tài chiến tranh theo một cách rất riêng, mang lại những bài học sâu sắc cho nhiều thế hệ sau này.

Lấy bối cảnh sau cuộc chiến Pháp - Phổ với phần thua thuộc về đất nước Pháp, nhà văn đã dựng lên một câu chuyện vô cùng cảm động về tình yêu Tổ quốc và tinh thần tự tôn dân tộc. Vùng An-dát bị cắt cho Phổ, dẫn đến việc tất cả các trường học ở nơi đây chỉ được phép dạy tiếng Đức.

Buổi học được bắt đầu với không khí kì lạ cùng lời thầy Ha-men: "Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con...". Cậu bé Phrăng trước kia coi việc học là điều gì đó nhàm chán. Nhưng đến lúc này, cậu bé lại hối hận vì những lần trốn học, tiếc nuối cho những buổi học mình bỏ lỡ, ước gì mình có thể đọc một cách trôi chảy. Tư tưởng, suy nghĩ của cậu đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, nhìn thầy Ha-men trên bục giảng mà cậu biết cảm thấy thương, thấy tiếc. Sự chia cắt của dân tộc chính là bước ngoặt lớn để cậu bé Phrăng trưởng thành hơn.

Thầy Ha-men có lẽ là người đại thể hiện được rõ nhất nỗi đau mất nước của một dân tộc. Ông đã khoác lên mình bộ đồ đẹp nhất, truyền tải kiến thức cho mọi người hết lòng hết dạ. Những lời tâm huyết của ông khi nhắc về ngôn ngữ mẹ đẻ càng tô đậm hơn tình yêu nước và lòng tự tôn dân tộc sâu sắc của một người thầy giáo. Bằng tất cả sức lực của mình, ông đã dũng cảm dạy đến hết buổi học. Tuy nhiên trong lúc đó, qua con mắt của cậu học trò, ta vẫn được thấy nét yếu đuối, niềm tiếc thương của người thầy đáng quý ấy khi chuẩn bị phải rời đi. Giây phút kết thúc lớp, ông dường như rơi vào tuyệt vọng. Hành động cầm phấn viết dòng chữ "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM" bằng tất cả sức lực của mình là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần phản kháng của ông cũng như của mọi người. Tất cả đều thể hiện tình yêu lớn lao ông dành cho đất nước, cho thứ tiếng mẹ đẻ thiêng liêng của dân tộc.

Ngay cả những cụ già trong làng cũng tới, dành chút thời gian ít ỏi còn lại để tham gia cùng mọi người. Giờ đây, buổi học ấy không còn chỉ là để dạy tiếng Pháp nữa. Nó đã trở thành buổi học về lòng yêu nước, tự tôn và tự hào đối với gốc gác, nguồn cội. Tiếng Pháp lúc này không chỉ là một thứ ngôn ngữ nữa mà là "chìa khóa của chốn lao tù", giúp giải thoát cả một dân tộc khỏi ách nô lệ. Chỉ cần giữ được tiếng mẹ đẻ thì dù khó khăn đến đâu, con người vẫn sẽ không khuất phục, sẽ còn khát vọng và đấu tranh cho một tương lai hòa bình, thống nhất.

Với tác phẩm, nhà văn An-phông-xơ Đô-đê đã chứng tỏ được sự tài hoa của mình trong nghệ thuật kể chuyện. Ở đây, tác giả đã lựa chọn ngôi kể thứ nhất, đặt người đọc vào điểm nhìn của Phrăng - cậu bé ở một vùng bị chia cắt, khiến cho câu chuyện trở nên đáng tin hơn. Bằng việc xây dựng bối cảnh và tình huống truyện éo le, nhà văn đã làm nổi bật lên tầm quan trọng của buổi học cuối ấy. Nó đã biến một cậu bé nghịch ngợm trở nên ham học. Những lời độc thoại của Phrăng đã cho ta thấy rất rõ sự phát triển trong suy nghĩ và nhận thức của cậu. Không chỉ có vậy, nhân vật thầy Ha-men cũng được miêu tả rất sinh động, rõ nét qua vẻ bề ngoài và hành động. Từ sự chau chuốt trong trang phục đến việc kiên nhẫn giảng giải, truyền thụ kiến thức đều cho thấy người thầy đó đáng kính đến như nào. Ông trân trọng từng phút giây quý giá cuối cùng ở nơi mình đã gắn bó suốt bốn mươi năm. Tất cả đã cùng mang đến cho người đọc sự tiếc nuối, buồn đau, thương cảm cho một dân tộc bị chia cắt.

Bằng góc nhìn khác biệt cùng ngòi bút độc đáo của mình, An-phông-xơ Đô-đê đã mang đến cho chúng ta một tác phẩm đầy cảm xúc. "Buổi học cuối cùng" là thông điệp về tình yêu Tổ quốc và niềm hi vọng về một tương lai hòa bình, thống nhất. Qua đó, chúng ta lại càng thêm trân trọng nền độc lập và biết ơn sự hi sinh cao cả của các thế hệ đi trước. Bao người lính trẻ đã ngã xuống để mang đến cuộc sống yên lành bây giờ. Đồng thời, ta cũng cần bảo vệ, gìn giữ ngôn ngữ riêng của dân tộc. Hãy học tập và trau dồi bản thân cả về tri thức và đạo đức, góp sức vào công cuộc kiến thiết nước nhà.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Để phân tích đánh giá chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm truyện, em cần nắm vững các thông tin về chủ đề cũng như những chi tiết nghệ thuật nổi bật mà nó mang lại. Đừng quên lấy thêm ví dụ, dẫn chứng cụ thể cho bài viết thêm chặt chẽ, sinh động nhé! Taimienphi.vn vẫn còn rất nhiều bài văn mẫu lớp 10 để em tham khảo như:
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật một tác phẩm truyện
- Phân tích bài thơ Xuân về
- Phân tích nhân vật Giang trong truyện ngắn Giang

Để phân tích đánh giá chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm truyện, ta cần nhìn nhận tác phẩm từ nhiều góc độ. Các em hãy cùng Taimienphi phát triển kỹ năng viết qua dạng đề văn này ngay nhé.
Phân tích, đánh giá Nắng đã hanh rồi
Phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh
Phân tích, đánh giá Thơ duyên
Phân tích, đánh giá một bài thơ Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo
Phân tích Xã trưởng - Mẹ Đốp
Link tải Sách giáo khoa lớp 10 Chân trời sáng tạo PDF

ĐỌC NHIỀU