Bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học mà bạn yêu thích là chủ đề mở gồm có bài Phân tích, đánh giá chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên Ngữ văn 10. Do đó, khi gặp đề này, các em có thể viết bài phân tích tác phẩm Chuyện chức phán sử đền Tản Viên này.
a. Mở bài:
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và nêu cảm nhận của em.
+ Tác giả Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỉ XVI.
+ "Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên" trích trong "Truyền kì mạn lục" chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. Thông qua nhân vật Ngô Tử Văn, chúng ta học hỏi được những bài học đạo đức quý báu.
b. Thân bài:
1. Tóm tắt nội dung chính của truyện
Tác phẩm kể về chàng Ngô Tử Văn đã dũng cảm đấu tranh giành lại bình yên cho dân làng trước hồn ma tên bại tướng phương Bắc. Sau này, nhờ sự tiến cử của Thổ công, chàng đã nhận chức Phán sự ở đền Tản Viên.
2. Phân tích, đánh giá về chủ đề của truyện dựa trên cứ liệu dẫn ra từ tác phẩm:
- Tác phẩm ca ngợi con người có sự cương trực, thẳng thắn, dám đứng lên bảo vệ công lí.
- Truyện đã lên án, tố cáo những kẻ gian manh và tham lam.
- Thể hiện ước mơ của nhân dân về sự công bằng trong xã hội.
3. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm:
- Cốt truyện đặc sắc, hấp dẫn.
- Nhân vật khắc họa theo hai tuyến đối lập.
- Sự kết hợp giữa yếu tố thực và yếu tố ảo.
c. Kết bài: Khẳng định giá trị nội dung, nét đặc sắc về chủ đề và hình thức nghệ thuật.
1. Phân tích, đánh giá chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên - mẫu số 1:
Nguyễn Dữ là một trong những cây bút nổi tiếng nhất của nền văn học trung đại Việt Nam. Sáng tác của ông chỉ vỏn vẹn cuốn “Truyền kì mạn lục” với 20 truyện nhưng đều ẩn chứa nhiều bài học đạo đức đáng quý, được đánh giá là áng “thiên cổ kì văn”. Trong số đó, không thể không kể đến “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên”,
Đây là câu chuyện về Ngô Tử Văn - một người cương trực, thẳng thắn, luôn dũng cảm đấu tranh chống lại cái gian ác, bạo tàn. Vào cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang đánh cướp nước ta, có tên tướng phương Bắc đã tử trận ở gần ngôi đền thiêng trong làng. Từ đó, hồn ma của hắn tác yêu tác quái. Bất bình trước điều này, Ngô Tử Văn lấy một mồi lửa và đốt luôn ngôi đền. Đến đêm, anh thấy hồn ma tên tướng hiện lên bắt anh phải xây lại đền cho mình. Tuy nhiên, Tử Văn một mức không chịu khiến hắn tức giận bỏ đi, dọa rằng sẽ khiến Tử Văn chịu tội. Một lúc sau, Thổ công xuất hiện và kể lại đầu đuôi sự tình cho Tử Văn. Đồng thời, bày anh cách để minh oan cho bản thân. Hôm sau, Tử Văn bị lôi xuống âm ti địa phủ. Đối mặt với Diêm Vương, anh vẫn giữ thái độ cương quyết, thẳng thắn tố cáo tội ác của tên tướng kia. Sau khi xác thực mọi việc, Diêm Vương trừng trị tên bại tướng và cho Tử Văn sống lại. Từ đó, với sự đề bạt của Thổ công, Ngô Tử Văn đã trở thành quan Phán sự của đền Tản Viên.
Qua câu chuyện, ta thấy được sự ca ngợi mà tác giả dành cho những con người cương trực, thẳng thắn, dám đứng lên bảo vệ công lí, lẽ phải. Ở đây, người ấy chính là Ngô Tử Văn. Bằng tấm lòng hướng thiện, anh đã ra tay diệt trừ, tố cáo cái ác, bảo vệ cho cuộc sống bình yên của nhân dân. Truyện còn tố cáo những kẻ gian manh, tham lam, dối trá như tên bại tướng phương Bắc. Những kẻ như vậy xứng đáng bị trừng trị. Hắn đã phải trả giá cho tội ác của mình, bị “lấy lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng” và bị tống vào ngục Cửu U. Đến mộ phần cũng “bật tung lên, hài cốt tan tành ra như cám”. Qua đây, tác giả cũng nói lên được ước mơ, khát vọng của nhân dân về sự công bằng trong xã hội. Người ở hiền sẽ gặp lành. Kẻ gian ác sẽ phải chịu trừng trị.
Không chỉ mang đến nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp, “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên” còn rất thành công ở các yếu tố nghệ thuật. Cốt truyện được tác giả xây dựng vô cùng đặc sắc, hấp dẫn. Những sự việc sắp xếp xen kẽ, liên kết với nhau tạo nên kết cấu chặt chẽ, logic. Từ đó, thu hút sự quan tâm, chú ý của độc giả. Các nhân vật trong truyện cũng được chia ra thành hai tuyến đối lập. Một bên là Ngô Tử Văn - đại diện của cái thiện, cái tốt còn một bên là tên bại tướng - đại diện cho cái xấu xa, bỉ ổi. Điều này đã làm rõ sự khác biệt giữa tốt - xấu, trắng - đen, giúp người đọc hiểu hơn về thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Việc đan xen, kết hợp các yếu tố thực và hư cấu, kì ảo càng làm câu chuyện thêm hấp dẫn và đặc sắc hơn. Ta được biết đến địa điểm có thật như đền Tản Viên, lại thấy cả cõi âm ti với quỷ sai, quỷ dạ xoa hay Diêm Vương - người cai quản chốn địa ngục. Qua đây, tác giả muốn răn dạy đời sau về những giá trị đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng thời, bài trừ, lên án cái xấu, cái ác.
Tóm lại, “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên” nói riêng và 20 truyện trong “Truyền kì mạn lục” nói chung đã đem lại rất nhiều bài học quý báu cho hậu thế. Chiến thắng của Ngô Tử Văn cũng khẳng định ước mơ của nhân dân về xã hội công bằng. Đồng thời, khẳng định cả chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Đó đều là những giá trị tốt đẹp còn được lưu giữ mãi cho đến tận bây giờ.
2. Phân tích, đánh giá chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên - mẫu số 2:
"Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" trích "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ đã để lại trong em những ấn tượng khó quên. Không chỉ là một câu chuyện đơn thuần, tác phẩm còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, truyện mang đến cho ta bài học về đạo đức thông qua nhân vật Ngô Tử Văn.
Ngô Tử văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng có tính cách ngay thẳng, thật thà "thấy sự tà gian thì không thể chịu được". Mọi người vùng Bắc đều ngợi khen chàng là người cương trực. Trong làng Ngô Tử Văn sinh sống có một ngôi đền thiêng. Tuy nhiên, cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang lấn cướp, bộ tướng Mộc Thạnh có "viên Bách hộ họ Thôi tử trận gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian". Điều này khiến Ngô Tử Văn rất tức giận và chàng đã đốt đền. Sau khi đốt đền về nhà, chàng đã lên cơn sốt rét, trong cơn sốt chàng đã thấy một người tự xưng là cư sĩ nhưng thật ra lại là một viên tướng bại trận ở Bắc triều lên đe dọa nếu không trả lại ngôi đền thì sẽ gặp phiền phức. Ngô Tử Văn được Thổ công mách bảo về những việc làm sai trái của tên hung thần và cách để trị tên hắn nên khi xuống âm phủ Ngô Tử Văn đã thẳng thắn tố cáo tội các của tên viên tướng bại trận với Diêm Vương. Diêm Vương sinh nghi nên đã cho người đến đền Tản Viên gặp Thổ công để chứng thực. Sau khi Tử Văn được minh oan, chàng được Diêm Vương cho sống lại.
Truyện đã khắc họa thành công nhân vật Ngô Tử Văn - một người thẳng thắn, cương trực dám đứng lên bảo vệ lẽ phải. Ngô Tử Văn đốt đền khiến cho hồn ma tên tướng bại trận tức giận. Thế nhưng, Tử Văn không hề sợ hãi, chàng cho rằng việc làm của mình là đúng nên khi tên tướng bại trận hiện lên đe dọa thì Từ văn vẫn "ngồi ngất ngưởng tự nhiên". Điều đó cho thấy Tử Văn là một người có bản lĩnh, có khí chất, dám đối diện với cái xấu, cái ác. Khi được Thổ công hỗ trợ để tiêu diệt hồn ma tên tướng bại trận, Tử Văn đã chấp nhận xuống Minh ti để tố cáo tội các của tên giặc này. Cuối cùng, trải qua bao gian nguy, Ngô Tử Văn giành được chiến thắng vẻ vang, đem lại an lành cho dân và phục hồi danh vị cho Thổ công. Ngô Tử Văn chính là hình tượng cho kẻ sĩ cương trực, thẳng thắn, chiến đấu đến những hơi thở cuối cùng để đòi lại công bằng, lẽ phải cho chính mình và người khác.
Không chỉ khắc họa con người cương trực, thẳng thắn, dám đứng lên bảo vệ công lí, "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" còn lên án, tố cáo những kẻ gian manh và tham lam trong xã hội đương thời. Hiện thân của chúng chính là lũ ma quỷ nơi cõi âm "dối trá càn bậy". Kẻ ác luôn bị trừng phạt một cách thích đáng giống như dân gian ta thường có câu "Gieo nhân nào thì gặt quả ấy". Tên Bách hộ họ Thôi lúc sống là kẻ cướp nước nên khi chết thì làm hồn ma xâm chiếm, giả danh Thổ công nên bị Diêm Vương "sai lấy lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng, bỏ vào ngục Cửu U".
Không những vậy, chiến thắng của Ngô Tử Văn còn thể hiện ước mơ của nhân dân về một xã hội công bằng, cái thiện luôn chiến thắng cái xấu và cái ác. Điều này cũng được thể hiện qua sự kiện cuối cùng trong tác phẩm, khi chàng được nhận chức Phán sự đền Tản Viên.
Ngoài ra, nghệ thuật cũng góp phần làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Với cốt truyện đặc sắc, hấp dẫn và việc xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập trong tác phẩm, truyện đã khiến người đọc có hình dung sâu sắc về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Truyện còn có sự kết hợp giữa yếu tố thực và ảo qua những chi tiết như: yếu tố thực (lai lịch Ngô Tử văn và lai lịch viên Bách hộ họ Thôi; thời gian diễn ra sự việc: Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang xâm lược nước ta), yếu tố kì ảo (nhân vật kì ảo: Hồn ma viên bách hộ họ Thôi, Thổ công, Diêm Vương, quỷ Dạ Xoa; không gian kì ảo: Không gian nối liền giữa cõi âm và cõi dương, việc Ngô Tử Văn chết đi hai ngày sau đó sống lại và nhận chức Phán sự ở cõi âm). Yếu tố thực đan xen với các yếu tố kì ảo nhằm tăng tính hấp dẫn cho truyện, khiến người đọc có những cảm nhận mới lạ. Lời bình cuối truyện là lời tác giả bộc lộ về kẻ sĩ: Kẻ sĩ cần cứng cỏi, luôn cương trực, dũng cảm chống lại gian tà.
"Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên" là một câu chuyện giàu ý nghĩa, mang đến cho chúng ta những bài học đạo đức trong cuộc sống. Với cốt truyện đặc sắc, việc sử dụng các yếu tố kì ảo đan xen hiện thực một cách tinh tế, Nguyễn Dữ đã khắc họa nhân vật Ngô Tử Văn với sự kiên cường, dũng cảm. Chiến thắng của Ngô Tử Văn thể hiện ước mơ của nhân dân về một xã hội công bằng, cái thiện luôn bất bại trước cái xấu, cái ác. Không chỉ vậy, truyện còn phê phán những kẻ tham lam, gian manh của xã hội đương thời. Những bài học giá trị tác phẩm đem lại còn tồn tại mãi cho hôm nay và mai sau.
-----------------------------HẾT-----------------------------------
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên có sức hấp dẫn thật đặc biệt. Hi vọng rằng bài Phân tích, đánh giá chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên sẽ giúp các em mở rộng vốn tri thức và tự tin hơn khi tìm hiểu về tác phẩm. Các văn mẫu lớp 10 hay, các em cùng tham khảo để học tốt văn:
- Phân tích, đánh giá chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của Chữ người tử tù
- Nói và nghe Giới thiệu đánh giá về nội dung và nghệ thuật của Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên