Phân tích bài Thuật hứng 24 của Nguyễn Trãi hay nhất tuyển chọn

Đề bài: Phân tích bài Thuật hứng 24

Phân tích bài thơ Thuật Hứng 24 hay nhất

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.


I. Dàn ý Phân tích bài Thuật hứng 24 ngắn gọn

1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về nội dung bài "Thuật hứng" số 24.
2. Thân bài:
a) Giới thiệu khái quát về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi và hoàn cảnh sáng tác bài thơ "Thuật hứng":
- Nguyễn Trãi tác gia nổi tiếng của nền văn học Việt Nam với những sáng tác cả về chữ Hán và chữ Nôm:
+ Sáng tác viết bằng chữ Hán: "Quân trung từ mệnh tập", "Bình Ngô đại cáo", Ức trai thi tập,...
+ Sáng tác bằng chữ Nôm: "Quốc âm thi tập".
- "Thuật hứng" :
+ Là chùm thơ gồm 25 bài trong "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi.
+ Bài thơ số 24 là lời bày tỏ của chính tác giả về cuộc sống của mình trong những ngày ở ẩn tại Côn Sơn.
b) Phân tích về quan niệm sống của Nguyễn Trãi qua bài thơ Thuật hứng 24:
* Hai câu đề: Thi nhân bỏ lại công danh để trở về với cuộc sống nơi thôn quê.
- "Công danh đã hợp về nhàn": Từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý để trở về chốn quê thanh bình.
- "Lành dữ âu chi thế nghị khen": Không quan tâm đến cuộc đời bon chen bên ngoài mà sống hòa bình vào thiên nhiên.
* Hai câu thực: Những thú vui chốn quê nhà.
- "Ao cạn vớt bèo cấy rau muống/Đìa thanh phát cỏ ương sen": Những món ăn quen thuộc, dân dã, gắn bó với làng quê.
=> Nhấn mạnh cuộc sống giản dị, "nhàn" của nhà thơ Nguyễn Trãi.
* Hai câu luận: Tâm hồn thanh cao, ung dung, tự tại của thi nhân.
- "Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/Thuyền chở yên hà nặng vậy then": Lấy trăng, gió làm thú vui, làm người bạn đồng hành để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên.
=> Tâm hồn phong phú, yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ Nguyễn Trãi.
* Hai câu kết: Lời bộc bạch về tấm lòng thi nhân.
- "Bui có một lòng trung lẫn hiếu/Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen": Tấm lòng thiết tha với đất nước.
=> Dù lui về ở ẩn, nhưng tâm hồn Nguyễn Trãi vẫn luôn đau đáu nặng lòng với dân, với nước.
c) Nghệ thuật:
- Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn bát cú đặc sắc.
- Giọng điệu tâm tình.
- Hình ảnh thơ quen thuộc gắn bó với cuộc sống của con người.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý nghĩa của bài thơ Thuật hứng 24.

Bài văn mẫu phân tích thơ Thuật Hứng 24 của Nguyễn Trãi

 

II. Bài văn Phân tích bài Thuật hứng 24 của Nguyễn Trãi hay nhất:

Nguyễn Trãi không chỉ là nhà văn hóa mà còn là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã để lại cho thơ ca Việt Nam rất nhiều tác phẩm hay và có giá trị, tiêu biểu phải kể đến "Thuật hứng 24". Bài thơ đã giúp người đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước tha thiết của thi nhân. Từ đó, thấy rõ hơn quan niệm sống tốt đẹp mà ông hướng tới.

"Thuật hứng" là chùm thơ gồm 25 bài trong "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi. Bài thơ số 24 được viết trong những ngày tác giả về ở ẩn Côn Sơn hòa mình vào với thiên nhiên. Qua đó, người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã cho người đọc cảm nhận được lựa chọn của mình:

"Công danh đã hợp về nhàn

Lành dữ âu chi thế nghị khen"

Ở thời đại Nguyễn Trãi đang sống thì công danh là điều mà bất cứ ai cũng muốn đạt được. Có những người dành cả cuộc đời mình để chạy theo những cái xa hoa, phù phiếm bên ngoài. Nhưng xã hội bấy giờ mục nát, thật - giả lẫn lộn. Vậy nên thi nhân lựa chọn gạt bỏ công danh để "hợp về nhàn". Ông quyết định từ bỏ chốn quan trường đầy thị phi để hòa mình vào thiên nhiên. Quan niệm sống "nhàn" này cũng được bắt gặp trong bài thơ "Ngôn chí" (bài 3) của chính Nguyễn Trãi. Ông không quan tâm "lành dữ" những lời dèm pha của nhân gian mà chọn cho mình cuộc sống an yên, tự tại. Qua đây, người đọc có thể cảm nhận được Ức Trai là người không màng công danh, phú quý, luôn giữ một tâm hồn thanh sạch.

Ở hai câu thơ tiếp theo, độc giả cảm nhận được cuộc sống giản dị, dân dã của Nguyễn Trãi nơi quê nhà:

"Ao cạn vớt bèo cấy rau muống

Đìa thanh phát cỏ ương sen"

Hình ảnh Nguyễn Trãi hiện lên trong hai câu thơ vô cùng chân thực, giản dị và gần gũi. Hàng ngày, thi nhân vớt bèo và cấy rau muống rồi phát cỏ trồng sen. Dù cho bữa ăn chỉ có rau muống thì thi nhân vẫn cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện. Trong "Ngôn chí" (bài 3), Nguyễn Trãi cũng thể hiện quan niệm của mình về cuộc sống dân dã nơi thôn quê "Cơm ăn dầu có dưa muối/Áo mặc nài chi gấm là". Từ đó, người đọc lại càng cảm nhận rõ hơn tâm hồn thanh cao, không màng công danh phú quý của người quân tử.

Không chỉ có lối sống giản dị, Nguyễn Trãi còn mang tâm hồn nhạy cảm, luôn yêu và gắn bó tha thiết với thiên nhiên:

"Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc

Thuyền chở yên hà nặng vậy then"

Ở chốn quê hương, Ức Trai lấy "phong", "nguyệt" làm bạn. Trăng như người bạn tri âm tri kỉ, đồng hành cùng người nghệ sĩ. Và đó cũng là nguồn cảm hứng sáng tác cho rất nhiều tác gia trung đại khác. Sự xuất hiện của hình ảnh trăng khiến độc giả cảm nhận rõ hơn bức tranh cuộc sống nên thơ, diễm lệ. Hai từ "yên hà" đã gợi lên tưởng tượng về sự thanh bình chốn làng quê. Dường như ở nơi đây hoàn toàn tách biệt với những bộn bề ngoài kia, chỉ có thiên nhiên bầu bạn với thi nhân. Vậy nên, lúc này nhà thơ như đang mở rộng tâm hồn mình để cảm nhận những vẻ đẹp bình dị của cuộc đời.

Mặc dù "lánh đục tìm trong", từ bỏ chốn quan trường để lui về ở ẩn nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn dành trọn vẹn tấm lòng lo cho dân, cho nước:

"Bui có một lòng trung lẫn hiếu

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen"

Hai câu thơ cuối khép lại như một lời khẳng định chắc nịch cho tấm lòng trung quân, ái quốc của tác giả. Về ở ẩn, nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn trăn trở, âu lo cho cuộc sống của nhân dân. Tấm lòng thủy chung của nhà thơ không gì có thể thay đổi được, có nhuộm màu cũng chẳng thể đen, chẳng thể vẩn đục.

Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn bát cú đặc sắc kết hợp với giọng điệu tâm tình, tha thiết và những hình ảnh thơ quen thuộc đã làm nổi bật những chiêm nghiệm về cuộc đời mà Ức Trai muốn truyền tải.

Qua bài thơ "Thuật hứng 24", độc giả cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Ông không chỉ yêu thiên nhiên mà còn một lòng lo cho dân cho nước, dành cả cuộc đời để mong mỏi "Dân giàu đủ khắp đòi phương".

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khi Phân tích bài "Thuật hứng 24", các em cần hiểu rõ về nội dung tác phẩm cũng như tư tưởng tác giả muốn gửi gắm để có định hướng làm bài đúng đắn. Mời các em tham khảo thêm một số bài phân tích thơ Nguyễn Trãi khác như: Đọc hiểu Ngôn chí, bài 3 có đáp án; Phân tích Ngôn chí, bài 3; Đề đọc hiểu Bạch Đằng hải khẩu có đáp án.

Bài thơ Thuật hứng 24 đã giúp người đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước thiết tha của nhà thơ Nguyễn Trãi. Để có thêm nhiều cảm nhận khác về tác phẩm này, các em có thể theo dõi Phân tích bài Thuật hứng 24 trên Taimienphi.vn nhé!
Phân tích bài thơ Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi
Phân tích Ngôn chí, bài 3 của Nguyễn Trãi, bài văn mẫu hay nhất
Phân tích Dục Thúy sơn của Nguyễn Trãi, bài văn mẫu siêu hay, ngắn gọn
Dàn ý Phân tích Ngôn chí, bài 3 của Nguyễn Trãi
Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay nhất tuyển chọn
Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài Cảnh ngày hè

ĐỌC NHIỀU