Phạm Tiến Duật là nhà thơ được ví như “ ngọn lửa đèn” của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thơ ông mang giọng điệu hào hùng, sôi nổi, trẻ trung, tinh nghịch nhưng không thiếu phần sâu sắc. Nổi bật trong tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” của ông là bài thơ “ Lửa đèn” , bài thơ là sức sống mãnh liệt, tinh thần chiến đấu bền bỉ, kiên cường của quân dân ta trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Bài thơ “ Lửa đèn” được viết năm 1967, in trong tập “ Vầng trăng quầng lửa” năm 1970. “ Lửa đèn” là bài ca chiến đấu, cổ vũ, ẩn dụ cho tinh thần bất khuất của nhân dân ta. Bài thơ gồm ba phần: Đèn, tắt lửa, thắp đèn. Mở đầu bài thơ là “ Đèn”- một khúc tâm tình, ngân vang đầy ngọt ngào của đôi lứa giao duyên:
“Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè,
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng...”
Trước tiên, câu mở đầu bài thơ là lời tâm tình vang lên đầy say đắm của chàng trai dành cho cô gái, bên kia cầu là nơi thật tuyệt vời mà chàng trai muốn dành cho cô gái. “ Nơi những miền quê yên ả” chính là quê hương, đất nước ta đầy xinh đẹp, bình yên đến lạ kì. Đó còn là nơi có những hoa thơm trái ngọt, nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người. Là nơi có những “quả chín” lập lòe trong kẽ lá, là trái nhót chín mọng, những quả cà chua như những chiếc đèn lồng nhỏ nhắn xinh xinh, những trái ớt,… Nhà thơ đã sử dụng biện pháp so sánh để ví những sản vật quê hương như những “ ngọn đèn”, chiếc “ đèn lồng”, “ ngọn lửa đèn dầu” không chỉ giúp các sự vật trở nên sinh động mà chúng còn ẩn chứa sức sống mãnh liệt. Chính nhờ những ruộng đồng, những mảnh đất dồi dào màu mỡ đã tạo nên một vùng quê yên ả như vậy:
“ Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương”
Bằng những hình ảnh bình dị, cách liên tưởng phong phú, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khẳng định mảnh đất màu mỡ, trù phú đã làm nên một quê hương xinh đẹp, có những hoa thơm quả ngọt. Hai từ “ thắp sáng” như bùng lên, lan tỏa cả không gian, cả đất trời. Từ đó, nhà thơ đã thể hiện niềm tự hào, tinh thần yêu nước đầy mãnh liệt của mình.
Quê hương ta bình yên là thế, vậy mà lũ xâm lược lại tràn vào đất nước ta. Chúng phá hoại tổ ấm, nơi bình yên của ta:
“Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
Từ trên trời bảy trăm mét
Thấy que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời
Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé
Tám nghìn mét
Thấy ánh lửa đèn hàn chớp loé
Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao
Chúng lao xuống nơi nao
Loé ánh lửa,
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa.”
Chúng- những kẻ đến từ đế quốc Mỹ như những “lũ ma trơi” lơ lửng trên trời mang theo sự chết chóc. Chúng từ mọi khoảng cách xa gần tàn sát dân ta. Qua hình ảnh “ Gió thổi tắt đèn, bom rơi ứa máu”, tác giả đã tái hiện lại sự tàn ác của đế quốc Mỹ, những ngày tháng chiến tranh ác liệt với bom rơi, đạn nổ. Những “ con ma”, bom B52,… đã tàn phá miền Bắc - tàn phá quê hương bình yên của ta. Tất cả đều bị tàn phá nặng nề. Từ những công trình lớn, nhà cửa, đường xá cho đến những gì nhỏ nhất, cành cây ngon cỏ, những trái nhót, quả cà chua đều bị phá hủy. Cả thành phố chìm trong biển lửa. Nhưng với một lòng yêu nước nồng nàn, quân dân ta vẫn:
“Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước,
Lấy từ thuở hoang sơ,
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trấu nhà ta”.
Bằng một lòng nồng nàn yêu nước, cả dân tộc vùng lên đấu tranh chống lại ách nô lệ, đánh đuổi bọn xâm lược, hết lòng vì độc lập, tự do, hạnh phúc. Chúng phá hủy, muốn biến ta trở về thời kì đồ đá, làm nô lệ của chúng. Không, dân ta không chịu khuất phục dưới đêm trường nô lệ, ta phải vùng lên đấu tranh bảo vệ non sông Tổ quốc. Những ngọn đèn đêm đêm vẫn rực cháy - ngọn đèn của tinh thần bất khuất, của ý chí sắt son, của truyền thống chống lại ách xâm lược. Ánh lửa ấy đã soi sáng cho dáng đứng của những con người Việt, soi sáng cho toàn dân tộc:
“Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy”
Hình ảnh ẩn dụ - hoán dụ “lửa tim” – ngọn lửa biểu tượng cho quân dân Việt Nam vẫn tiếp nối truyền thống nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ngọn lửa ấy vẫn sẵn sàng chung sức đánh giặc:
“Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi”
Tiếp nối là phần hai, “ Tắt đèn”- đó là sự chuyển đổi lấy đêm làm ngày, tắt đèn là lấy bóng tối là chủ đạo, đánh giặc trong âm thầm nhưng bền bỉ. Bóng tối che mờ mắt địch, ta chủ động tắt đèn để chiến đấu. Người lính trẻ hào hùng nhưng không thiếu phần hào hoa lãng mạn, lấy cái duyên, cái dáng của trúc, của bông hoa, của cô gái để nói lên màn đêm đã tĩnh mịch, đã trải dài.
“Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay...
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch”
Phạm Tiến Duật thật tài tình khi kết hợp biện pháp nhân hóa và điệp ngữ “làm duyên” để khẳng định bóng tối đã bao trùm tất cả, ta chủ động tắt đèn để che mắt địch. Muốn biết cây trúc làm duyên thì cần có gió, muốn biết cô gái duyên chỉ có thể dùng giọng nói, muốn biết bông hoa đẹp cần phải ngửi hương… Bóng tối phủ lên tất cả, che mắt địch để ta:
“Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao
Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu
Đấy là đuôi khẩu pháo
Tiếng anh đo xa điểm đều
Vang ở đâu, đấy là giữa điểm đồ
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ôtô,
Những đoàn xe đi như không bao giờ hết,
chiếc sau nối chiếc trước ì ầm
Như đàn con trẻ chơi u chơi âm
Đứa này nối hơi đứa khác.
Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường;
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương
Đêm tắt lửa trên đường
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
Là tiếng những đoàn quân xung kích
Đi qua.
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
Bóng tối dâng đầy toả ngợp bao la,
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch
Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch
Chứa bao điều thay đổi lớn lao”
Những thanh niên xung phong không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng đổ máu xuống vì đất mẹ, vì sự bình yên của “ nơi bên kia cầu”. Khó khăn gian khổ là thế, là những hố bom kề bên, cái chết luôn rình rập trên vai người chiến sĩ xung phong thế nhưng tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu Tổ quốc vẫn luôn ở nơi lồng ngực trái. Ta tắt đèn để đánh giặc, để thay đổi, để tìm phương án đánh giặc. Đó không phải “tắt đèn” vì sợ hãi, vì trốn chạy mà đó chính là để đòi lại bình yên, đòi lại quê hương thân yêu của ta.
Trong cuộc chiến đấu gian khổ ấy, có “tắt đèn” thì ắt phải có “ thắp đèn”. Đó là lí do Phạm Tiến Duật kết thúc bài thơ của mình bằng đoạn ba – Thắp đèn.
“Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
Chiếc đèn chui vào ống nứa
Cho em thơ đi học ban đêm,
Chiếc đèn chui vào lòng trái núi
Cho xưởng máy thay ca vời vợi,
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Cho những tốp trai làng đọc lá thư thăm”
Mặc cho chúng “ điên cuồng bắn phá” những đứa trẻ vẫn thắp lên những ngọn đèn cắp sách đến trường học lấy con chữ. Thắp đèn như thắp lên cả nguồn hi vọng, để trẻ con đi học, để nhà máy tăng ca, để người lính trẻ đọc lá thư thầm. Bằng biện pháp nhân hóa và điệp ngữ “ chui vào”, “cho” chiếc đèn như sống động hơn, biến hóa khôn lường nhằm đánh lừa địch và thắp lên niềm tin cho nhân dân về cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc.
“Ta thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến dội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá xây cầu, lấy đá sửa đường tàu
Ta bật đèn pha ôtô trong chớp loè ánh đạn
Rồi tắt đèn quay xe
Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi...”
Người lính trong chiến đấu còn là những con người vô cùng mưu trí, lúc “ bật đèn”, rồi lại “ tắt đèn”, dùng đèn pha ô tô rồi “ quay xe” đánh lạc hướng quân thù. Người lính như thiên biến vạn hóa, cống hiến hết mình trên dọc Trường Sơn thời chống đế quốc Mỹ. Phải là người lính chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, vì nước quên mình nên Phạm Tiến Duật mới có thể viết được những vần thơ chính xác, tuyệt đẹp như vậy.
“Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng
"Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm"
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình”
Những câu thơ cuối bài là một “ ngày mai tươi sáng”, là đất nước chúng ta không còn bom đạn, chết chóc. Cả đất nước, dân tộc ta sẽ được sống những ngày tháng bình yên, hạnh phúc, không còn khổ đau vì chiến tranh. Chúng ta sẽ lại thắp lên những “ ngọn đèn” , cùng nhau đến những ngôi nhà hạnh phúc, nơi ấy sẽ là ngày chung đôi. Đó là niềm tin vào tinh thần yêu nước, là sức mạnh để mỗi con người chúng ta tiếp tục cố gắng bảo vệ non sông. Phạm Tiến Duật đã khéo léo sử dụng biện pháp điệp từ “ngày mai”, “ thắp đèn” như một lời khẳng định, một niềm tin mãnh liệt vào dân tộc ta. Ngày mai thôi, quê hương xinh đẹp của ta sẽ bừng sáng. Trên mảnh đất của ta sẽ không còn những bom đạn mà thay vào đó là những chiếc đèn lồng, đèn ông sao năm cánh, đèn hoa lấp lánh tô điểm cho quê hương.
Nói tóm lại, bằng giọng thơ hóm hỉnh, lối hát giao duyên, các biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ… kết hợp giữa cảm hứng hào hùng và cảm hứng lãng mạn trong bài thơ “Lửa đèn”, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tạo nên một bức tượng đài vững chãi, chính là dấu ấn lịch sử của một thời các chiến sĩ quên mình vì nghiệp lớn, là nơi bùng lên khơi nguồn cho tinh thần yêu nước.
Bên cạnh Phân tích bài thơ Lửa đèn các em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác như Nghị luận xã hội về lòng trung thực hay phần Phân tích nỗi nhớ của người cán bộ Cách mạng về xuôi đối với Việt Bắc trong bài Việt Bắc nhằm củng cố kiến thức văn học của mình.