1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Bằng Việt và bài thơ "Bếp lửa".
- Dẫn dắt vào 2 khổ thơ cuối của tác phẩm: Những suy ngẫm về bà, về bếp lửa và nỗi nhớ sâu sắc của đứa cháu ở phương xa.
2. Thân bài:
a, Khổ thứ 6: Những suy ngẫm sâu sắc về người bà kính yêu và về bếp lửa:
- Hình ảnh "nắng mưa" được lặp lại + từ láy "lận đận": Những vất vả của cuộc đời bà.
- Quãng thời gian dài, tuần hoàn, lặp đi lặp lại: "Rồi sớm rồi chiều", "Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ".
- Những thói quen được bà duy trì: "dậy sớm", "nhóm bếp".
- Điệp từ "nhóm" + biện pháp liệt kê:
+ "bếp lửa ấp iu nồng đượm": Hình ảnh được lặp lại từ khổ đầu, thể hiện sự ân cần, chăm chút của bà.
+ "niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi", "nồi xôi gạo mới sẻ chung vui": Tình yêu thương giản dị, sự sẻ chia nồng thắm.
+ "cả những tâm tình tuổi nhỏ": Bà khơi dậy trong cháu bao đức tính tốt đẹp.
- Câu thơ cảm thán: "Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!": Sự xúc động được thốt ra thành lời.
=> Bà chính là người nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa.
b, Khổ thứ 7: Nỗi nhớ bà, nhớ bếp lửa của đứa cháu ở nơi xa:
- Đứa cháu nay đã lớn khôn, đi đến những phương trời xa, thấy được nhiều thứ mới mẻ hơn:
+ Điệp từ "trăm".
+ Biện pháp liệt kê: "ngọn khói trăm tàu", "lửa trăm nhà", "niềm vui trăm ngả".
- Nỗi nhớ về bà, về bếp lửa:
+ Nỗi nhớ về ngọn lửa: Tượng trưng cho tuổi thơ ấm êm bên bà.
+ Câu hỏi tu từ: "Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...": Nỗi nhớ khôn nguôi, niềm khắc khoải mong nhớ về bà, về quê hương.
=> Sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại càng tô đậm nỗi nhớ của người cháu, thể hiện tình cảm sâu đậm của cháu dành cho bà.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của 2 khổ cuối bài thơ "Bếp lửa".
- Liên hệ mở rộng.
Hai khổ thơ cuối bài "Bếp lửa" đã đem đến cho độc giả cái nhìn vô cùng chân thực về tình cảm bà cháu thân thương, gắn bó. Hình ảnh người bà tần tảo một lần nữa được nhà thơ gợi lên với bao vất vả, cực nhọc. Những từ "lận đận", "nắng mưa" kết hợp với khoảng thời gian "mấy chục năm" khiến ta càng hiểu rõ hơn những vất vả, cực nhọc của "đời bà". Mặc kệ bao biến cố, cơ cực, bà vẫn một lòng chăm chút cho đứa cháu nhỏ, tần tảo sớm hôm để "nhóm bếp". Thứ được bà nhóm lên không phải chỉ có ngọn lửa hồng ấm áp để nấu những "khoai sắn" hay "nồi xôi gạo mới". Đó còn là tình yêu thương, sự sẻ chia và bao ước mơ, bao "tâm tình thuở nhỏ" trong lòng người cháu. Để rồi, khi đã lớn khôn, đứa cháu nhỏ ngây thơ ngày nào vẫn nhớ mãi về những kí ức tuổi thơ bên bà. Dù đã được ra thế giới bên ngoài, thấy bao điều mới mẻ, nhưng nhân vật trữ tình vẫn chưa bao giờ "quên nhắc nhở" bản thân: "Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?". Câu hỏi tu từ như chứa đựng bao nhớ nhung, nghẹn ngào của đứa cháu khi nghĩ về bà. Thế giới ngoài kia có "lửa trăm nhà" nhưng vẫn không thể làm phai mờ đi kí ức về ngọn lửa "nồng đượm" được chính đôi bàn tay bà "ấp iu". Qua đó, tác giả đã đem đến cho người đọc những xúc cảm vô cùng chân thực, gần gũi về tình bà cháu thân thương, giản dị.
---------------------
Mời em tham khảo thêm các bài viết khác về tác phẩm này trên Taimienphi.vn nhé: Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa; Cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa; Phân tích hình tượng người bà trong bài Bếp lửa của Bằng Việt....
Tình cảm gia đình luôn là nguồn cảm hứng dồi dào, vô tận cho văn học và nghệ thuật. Viết về đề tài này, nhà thơ Bằng Việt đã đem đến một thi phẩm vô cùng ý nghĩa mang tên "Bếp lửa". Tác phẩm đã tái hiện thành công bức tranh sống động về tình bà cháu gắn bó, thân thiết. Đặc biệt, hai khổ thơ cuối bài đã khắc họa chân thực nỗi nhớ, tình yêu thương sâu đậm của đứa cháu dành cho người bà kính yêu.
Sau dòng hồi tưởng về khoảng thời gian thuở nhỏ đầy khó khăn, cực nhọc, nhân vật trữ tình đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những hi sinh, vất vả của bà:
"Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm"
Hai chữ "nắng mưa" đã từng xuất hiện ở khổ thơ đầu tiên của bài. Đây là hình ảnh tượng trưng cho những vất vả, nhọc nhằn mà bà phải trải qua. Cuộc đời của bà "lận đận" với biết bao khó khăn. Nào là những năm "đói mòn đói mỏi", "giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi",... Ấy vậy nhưng bà vẫn tần tảo sớm hôm, chăm sóc và dạy dỗ đứa cháu nhỏ nên người. Nghệ thuật đảo ngữ đã làm câu thơ như biến thành một lời cảm thán, từ đó bày tỏ nỗi xót xa cho "đời bà". Câu thơ "Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ" diễn tả một khoảng thời gian dài đằng đẵng, tuần hoàn, lặp lại. Người bà chịu thương chịu khó suốt hàng chục năm vẫn miệt mài dậy sớm nhóm lửa, nuôi dưỡng đứa cháu lớn khôn, nên người.
Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, nhân vật trữ tình đã khẳng định ý nghĩa lớn lao, cao cả của tình yêu thương mà bà dành cho đứa cháu thơ ngây thuở nào:
"Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ"
Một lần nữa, cụm từ "ấp iu nồng đượm" đã được tác giả sử dụng. Bà nhóm bếp không chỉ bằng đôi bàn tay gầy guộc mà còn bằng cả tình thương, sự chăm chút, âu yếm. Ngọn lửa soi tỏ mọi thứ. Nó giúp cho đứa cháu nhỏ cảm nhận sâu sắc được tình yêu thương của bà. Những "khoai sắn ngọt bùi", "nồi xôi gạo mới" được sẻ chia. Điều này đã lan tỏa sự ấm áp tới mọi người chứ không riêng gì hai bà cháu. Từ ghép "chung vui" đã nói lên được niềm hạnh phúc của sự sum vầy, chia sẻ. Không chỉ vậy, ngọn lửa cháy còn sưởi ấm không gian lạnh lẽo, thắp sáng cả những "tâm tình tuổi nhỏ", những ước mơ trong lòng đứa cháu. Và khi cảm xúc trào dâng, nhân vật trữ tình đã phải thốt lên:
"Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!"
Hình ảnh bếp lửa giản dị, gần gũi, thân thuộc với mọi gia đình ở làng quê Việt Nam. Ấy vậy mà nó vẫn thật "kì lạ". Chỉ là chiếc bếp lửa thôi nhưng lại có thể khơi gợi lên trong lòng nhân vật bao xúc cảm, nhớ nhung, hồi tưởng. Có lẽ vì thế nên hình ảnh bếp lửa mới trở nên "thiêng liêng". Sự thiêng liêng đó gắn cả với kỉ niệm về người bà đáng kính, trở thành một phần không thể tách rời trong tâm trí đứa cháu nhỏ năm nào.
Đứa cháu giờ đã lớn khôn, đến được nhiều nơi, thấy được nhiều thứ hơn xưa. Tuy vậy, trong thâm tâm của cháu vẫn luôn nhung nhớ về hình ảnh bếp lửa, về người bà thương yêu:
"Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?..."
Một lần nữa, tác giả đã sử dụng biện pháp điệp. Từ "trăm" lặp lại đến ba lần cùng các hình ảnh "ngọn khói", "tàu", "lửa", "nhà", "niềm vui", "ngả" đã đem đến ấn tượng vô cùng sâu sắc cho người đọc. Việc "đi xa" đã giúp nhân vật trữ tình mở mang tầm mắt, thấy được bao điều mới mẻ, kì thú trên thế giới. Thế nhưng càng đi, đứa cháu nhỏ năm nào lại càng nhớ bà, không ngừng tự nhắc nhở mình về những kí ức đẹp đẽ khi xưa. Câu hỏi tu từ ở cuối bài như một lời hỏi thăm đầy nghẹn ngào, xúc động. Sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại càng tô đậm hơn nỗi nhớ da diết của người cháu nơi phương xa. Từ đó, đem đến bao suy tư, chiêm nghiệm cho người đọc về giá trị của tình cảm gia đình.
Vậy, chỉ với hai khổ thơ ngắn gọn, Bằng Việt đã đem đến bức tranh thật đẹp để ca ngợi tình bà cháu gắn bó, cảm động. Tác giả sử dụng một loạt các biện pháp tu từ, lồng ghép cùng các hình ảnh gần gũi với cuộc sống con người hàng ngày. Từ đó khiến độc giả như cảm nhận được rõ hơn sự ấm áp, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Tất cả đều đã góp phần chứng minh sự tài hoa trong ngòi bút Bằng Việt. Đồng thời, ngợi ca hình ảnh người bà tần tảo, giàu đức hi sinh.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Với phân tích 2 khổ cuối bài thơ Bếp lửa, Bằng Việt đã đem đến cái nhìn chân thực và đầy xúc động về tình cảm bà cháu thiêng liêng, gắn bó.