Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của Chữ người tử tù

Đề bài: Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của Chữ người tử tù

Bài văn Nêu nội dung chính của đoạn Trích Chữ người tử tù


I. Dàn ý Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của Chữ người tử tù

1. Mở đầu
- Nêu đề tài bài nói: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của "Chữ người tử tù" (Nguyễn Tuân).
- Trình bày lí do lựa chọn đề tài.
2. Triển khai
a. Giới thiệu khái quát về truyện ngắn
- "Chữ người tử tù" được in trong tập truyện "Vang bóng một thời" (1940).
- Chủ đề: Khẳng định, tôn vinh sự bất tử của cái đẹp, cái tài.
b. Phân tích, đánh giá nội dung truyện ngắn
- Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công cuộc gặp gỡ éo le Huấn Cao và viên quản ngục.
- Qua đó, thể hiện quan niệm về cái đẹp của nhà văn Nguyễn Tuân.
c. Phân tích, đánh giá nghệ thuật truyện ngắn
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật có những nét tính cách riêng.
- Thủ pháp tương phản đối lập được sử dụng triệt để nhằm làm nổi bật tính cách nhân vật.
- Ngôn ngữ truyện tinh tế, hàm súc.
3. Kết luận
- Tóm tắt lại nội dung của bài nói.
- Gửi lời cảm ơn tới thầy cô và các bạn.

Bài văn mẫu lớp 10: Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá nội dung và nghệ thuật của Chữ người tử tù


II. Bài tham khảo Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của Chữ người tử tù

Xin chào cô và các bạn. Tôi tên là Tuệ An. Sau đây tôi xin trình bày bài nói "Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của "Chữ người tử tù".

Tác phẩm là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám được in trong tập "Vang bóng một thời" năm 1940. Trước hết, "Chữ người tử tù" gây ấn tượng với tôi bởi tình huống truyện lạ, độc đáo. Nhà lao chính là nơi gặp gỡ của những con người yêu cái đẹp. Một người là viên quan coi ngục - người đại diện cho trật tự xã hội đương thời, một người là Huấn Cao - kẻ tử tù sắp ra pháp trường chịu án chém. Tưởng chừng như họ ở hai thái cực đối lập nhưng, lòng yêu cái đẹp, ánh sáng của thiên lương đã khiến họ trở thành tri âm, tri kỉ. Ông Huấn là người có tài viết chữ nhanh và đẹp, nét chữ của ông nói lên "những cái hoài bão tung hoành của một đời con người" còn ngục quan lại là người yêu nét chữ ấy nên có sở nguyện xin chữ Huấn Cao. Sau khi nhận ra được tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý cho chữ và gửi tới ngục quan lời di huấn chân thành.

Nổi bật nhất trong thiên truyện ngắn là nhân vật Huấn Cao. Hội tụ ở nhân vật này là sự tài hoa, khí phách. Là một nghệ sĩ trong nghệ thuật viết thư pháp, Huấn Cao rất trân trọng cái đẹp, không hề vì vàng bạc hay quyền thế mà cho chữ. Cả đời ông chỉ viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân. Ngay cả khi bước chân vào ngục tù, Huấn Cao vẫn thể hiện khí phách hiên ngang, không hề run sợ. Đến cả những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn giữ được thiên lương cao cả. Qua truyện ngắn, Nguyễn Tuân cũng gửi gắm quan niệm về cái đẹp một cách khéo léo. Cái đẹp có thể nảy sinh từ nơi dơ bẩn, xấu xa nhưng không thể chung sống cùng cái ác, cái xấu. Đó cũng chính là quan niệm của Nguyễn Tuân trước Cách mạng, đối với ông, cái đẹp chỉ có trong quá khứ, chỉ tồn tại ở những con người xuất chúng. Đó là cái đẹp còn sót lại mà ông gọi là "Vang bóng một thời".

Điều làm nên thành công của tác phẩm còn là những giá trị nghệ thuật. Nguyễn Tuân đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật với những nét tính cách và phẩm chất riêng biệt. Đọng lại trong tâm trí của tôi là một người nghệ sĩ, người anh hùng uy vũ bất năng khuất mang tên Huấn Cao và một viên quản ngục biết yêu, trân trọng cái đẹp. Viên quản ngục giống như một "thanh âm trong trẻo chen giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn độn, xô bồ". Không chỉ vậy, tác giả còn sử dụng hiệu quả thủ pháp tương phản đối lập để làm nổi bật các hình tượng nhân vật. Trật tự xã hội bị đảo lộn trong cảnh cho chữ. Kẻ tử tù thì oai phong, đường hoàng "dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván" còn viên quan coi ngục lại "khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng". Theo lẽ thường, người ta cho chữ ở những nơi sang trọng như thư phòng, lầu son gác tía,... còn Huấn Cao lại cho chữ trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời ở một không gian chật hẹp, tối tăm, đầy phân chuột, phân gián. Và trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, kẻ từ tù đã có những lời di huấn thật sâu sắc gửi tới ngục quan. Cuối cùng, một yếu tố có đóng góp không nhỏ tạo nên sự thành công của tác phẩm đó là ngôn từ tinh tế, hàm súc. Nguyễn Tuân đã sử dụng nhiều từ Hán Việt để tạo nên không khí cổ xưa, trang trọng.

Tóm lại, "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân đã đạt đến sự hoàn thiện, hoàn mĩ trong nghệ thuật văn chương. Qua truyện ngắn, tác giả cũng thể hiện những quan điểm riêng về cái đẹp, cái tài. Đối với một người sáng tạo nghệ thuật chân chính thì cái đẹp, cái tài phải song hành, không tách rời với thiên lương trong sáng.

Bài nói Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của "Chữ người tử tù" (Nguyễn Tuân) của tôi đến đây là kết thúc. Xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ các bạn để bài giới thiệu của tôi thêm hoàn thiện.

Trên đây là bài văn Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của Chữ người tử tù. Taimienphi.vn cũng đã chia sẻ các bài văn Cảm nhận về cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù, phân tích cảnh cho chữ... hay nhất.  Hi vọng qua bài viết này các em sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích về tác phẩm.

Các em có thể tham khảo thêm nhiều văn mẫu lớp 10 khác giới thiệu, đánh giá nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm văn học như:
- Phân tích Thần Trụ trời
- Phân tích truyện Prô mê tê và loài người

Bài nói Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của Chữ người tử tù sẽ cho các em thấy được tư tưởng và quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp đồng thời làm rõ tài năng nghệ thuật của nhà văn trong tác phẩm này.
Văn mẫu lớp 7
Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 7 kì 2
Soạn bài Trao đổi về một vấn đề, Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều
Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ, Ngữ văn lớp 10, CTST
Soạn bài Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo
Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật Mùa xuân chín

ĐỌC NHIỀU