Nghị luận về Trò chơi điện tử: lợi hay hại thuộc chủ đề Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống Ngữ văn 6.
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận trò chơi điện tử: lợi hay hại.
2. Thân bài:
* Nêu ý kiến của bản thân về vấn đề: trò chơi điện tử có hại.
* Đưa ra các bằng chứng để chứng minh cho ý kiến của mình và thuyết phục người khác:
- Một số tác hại của trò chơi điện tử:
+ Nghiện game khiến ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
+ Gây một số bệnh về mắt, làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
+ Khiến tâm lí bất ổn, dễ cáu gắt.
+ Có những hành động bạo lực, không kiểm soát được bản thân.
- Một số lợi ích khi chơi điện tử một cách có kiểm soát và hợp lí:
+ Tâm trạng được giải tỏa.
+ Giúp rèn luyện, phát triển trí não.
+ Trau dồi ngôn ngữ.
- Đề xuất một số giải pháp:
+ Cân bằng giữa thời gian học tập và giải trí.
+ Nên chơi những trò chơi rèn luyện trí óc, thân thiện với người dùng. Tránh những tựa game bạo lực, kinh dị.
+ Tránh sa đà vào những cuộc vui, có nhận thức đúng đắn và cố gắng từ chối khi bị bạn bè rủ rê, lôi kéo.
3. Kết bài:
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.
Từ xưa, trò chơi dân gian đã trở thành một phần không thể thiếu đối với tuổi thơ của những thế hệ như ông bà, bố mẹ chúng ta. Thế nhưng, ngày nay, bên cạnh những trò chơi dân gian, ta còn chứng kiến một loại hình tiêu khiển vô cùng phát triển và nở rộ đó là trò chơi điện tử. Từ thực tế, mỗi người có thể thấy trò chơi điện tử "lợi bất cập hại".
Trò chơi điện tử là loại hình được phát triển bởi con người. Trò chơi điện tử từ khi xuất hiện đã thu hút, hấp dẫn được rất nhiều đối tượng, Đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Ngày nay, trò chơi điện tử ngày càng đa dạng, phong phú. Với đồ họa bắt mắt, nội dung hay ho, học sinh, sinh viên nhanh chóng bị cuốn vào các tựa game này mà không biết những nguy cơ, hiểm họa ẩn sau nó.
Theo nghiên cứu của một số nhà khoa học, game có khả năng gây nghiện. Chơi game nhiều sẽ khiến người chơi gặp phải một số vấn đề về tâm thần như: mệt mỏi, đau đầu,.... Thậm chí, gây ra các hiện tượng ảo giác. Ngồi quá lâu trước màn hình điện thoại, máy tính khiến người chơi rơi vào cảm giác ù lì, lười biếng, không muốn vận động, làm tăng tình trạng béo phì, thừa cân. Ngoài ra, người chơi phải đối mặt với nguy cơ cận thị, gặp phải các vấn đề về mắt. Không những thế, nghiện game còn là nguyên nhân dẫn đến những bất ổn về tâm lí và các vấn nạn bạo lực, đe dọa đến an ninh, trật tự xã hội. Có rất nhiều trường hợp vì quá đam mê, yêu thích trò chơi điện tử đã dẫn đến hành động trộm cắp. Thậm chí là ra tay sát hại người khác để cướp của.
Rõ ràng, trò chơi điện tử đã có những tác động to lớn đối với sức khỏe, tâm trí của người dùng cũng như sự an toàn của xã hội. Để hạn chế tối đa tác hại mà game đem lại, mỗi người chúng ta cần cân bằng giữa thời gian giải trí và học tập. Nếu dành quá nhiều thì giờ cho những việc vô bổ thì các bạn học sinh sẽ không còn lúc nào để học hành, ôn tập. Từ đó, kết quả học tập giảm sút rõ rệt. Ngoài ra, thay vì chọn những trò chơi mang tính bạo lực, kinh dị, chúng ta nên chơi những trò rèn luyện trí óc, thân thiện với người dùng. Đặc biệt, phải giữ một cái đầu tỉnh táo, tránh sa đà vào các cuộc vui, từ chối khi thấy bạn bè rủ rê, lôi kéo.
Có biết bao sự việc đau lòng đã xảy ra chỉ vì trò chơi điện tử. Hi vọng tất cả mọi người sẽ có được nhận thức đúng đắn về hành vi của bản thân cũng như tác hại mà trò chơi điện tử đem lại đối với con người, xã hội.
Hiện nay, dưới sự phát triển của khoa học công nghệ, con người dần có nhiều hình thức giải trí mới, trong đó có trò chơi điện tử. Mặc dù trò chơi điện tử gây ra nhiều tác động, hậu quả to lớn đối với cá nhân cũng như cộng đồng, xã hội nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích mà chúng đem lại đối với mỗi người.
Thứ nhất, trò chơi điện tử cho thấy sự phát triển của khoa học kĩ thuật và trí tuệ con người. Hàng năm, có hàng trăm, hàng nghìn tựa game được phát hành. Mỗi tựa game đều có những nội dung khác nhau. Thị hiếu của khán giả buộc những công ty sản xuất game phải nỗ lực không ngừng để chinh phục người dùng. Game không những có đồ họa bắt mắt mà còn phải có nội dung hấp dẫn, chân thực. Một tựa game nhận được sự đánh giá, ủng hộ của đông đảo mọi người cho thấy trí tuệ, công sức lao động mà những nhân viên làm game bỏ ra.
Thứ hai, game giúp rèn luyện trí não, khả năng quan sát và phản xạ nhanh nhạy. Kết quả cuộc nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports cho thấy người chơi game trong thời gian dài đặc biệt là thể loại hành động có khả năng quan sát và phản xạ nhanh nhạy hơn những người bình thường. Khi chơi những trò chơi chiến thuật, người chơi buộc phải vận dụng các đầu ngón tay một cách linh hoạt, đồng thời dự đoán những tình huống có thể xảy ra trong game.
Thứ ba, khi chơi game, người chơi sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Thời gian chơi hợp lí sẽ giúp người chơi cảm thấy hạnh phúc, phấn chấn hơn. Đặc biệt, nó còn giúp cho những bệnh nhân mắc và vấn đề về tâm lí thoát khỏi luồng suy nghĩ tiêu cực, bi quan.
Cuối cùng, trò chơi điện tử còn rèn luyện, phát triển trí não và tư duy ngôn ngữ. Thay vì học một cách cứng nhắc, dập khuôn, chúng ta có thể chọn cách phát triển ngôn ngữ thông qua việc chơi game. Những trò chơi điện tử bằng tiếng Anh buộc người dùng phải hiểu hết nội dung, thuật ngữ mới có thể chơi được. Từ đó, vốn từ và khả năng ngữ pháp sẽ gia tăng đáng kể.
Có thể thấy, trò chơi điện tử không xấu như chúng ta nghĩ. Tôi cho rằng, trò chơi điện tử lợi hay hại, tốt hay xấu đều là do cách chơi và trình độ nhận thức của mỗi người. Quan trọng nhất, chúng ta cần có được suy nghĩ đúng đắn. Đồng thời, lựa chọn những tựa game phù hợp với lứa tuổi, phân bổ thời gian hợp lí. Hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có một cái nhìn bao quát, đa chiều hơn về trò chơi điện tử.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Trò chơi điện tử lợi cũng có mà hại cũng nhiều. Điều quan trọng nhất vẫn là quá trình tự nhận thức của mỗi cá nhân trong việc chơi trò chơi điện tử. Mời các em tham khảo thêm bài viết Nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người, bài Nói và nghe: Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống và nhiều bài văn mẫu lớp 6 khác.