Microsoft đã giới thiệu Windows 11 vào ngày 24/6 vừa qua và hé lộ một loạt các cải tiến về thiết kế bao gồm Start Menu mới, Action Center với các điều khiển âm nhạc, Windows Settings được nâng cấp, hỗ trợ ứng dụng Android và hơn thế nữa. Đồng thời công ty cũng thông báo rằng không phải tất cả PC đều có thể nâng cấp lên hệ điều hành mới nếu chúng không có CPU mới hơn và chip TPM 2.0.
Yêu cầu cấu hình cài đặt Windows 11 bao gồm hỗ trợ chip TPM 2.0 hoặc fTMP 2.0. Theo Microsoft, khía cạnh bảo mật của Windows rất quan trọng, đó là lý do vì sao công ty đưa chip TPM 2.0 làm điều kiện bắt buộc để cài đặt Windows 11. Nếu bạn có TPM 1.2 hoặc không có TPM, bạn sẽ không nhận được bản nâng cấp mới. Gần đây, công ty đã nói rõ hơn rằng một số PC sẽ vẫn chạy được Windows 11 mà không cần bật TPM 2.0.
Cụ thể, với sự chấp thuận trước của Microsoft, TPM không phải là yêu cầu bắt buộc đối với một số máy tính có "mục đích sử dụng đặc biệt". Theo gã khổng lồ phần mềm, những máy tính này là các đơn đặt hàng tùy chỉnh và các yêu cầu sẽ được nới lỏng khi được công ty phê duyệt. Có nghĩa là rõ ràng sẽ có ISO đặc biệt cho những PC đó hoặc một phương pháp để vượt qua hạn chế TPM trong quá trình cài đặt.
Việc Microsoft cho phép OEM xuất xưởng một số PC chạy Windows 11 mà không cần TPM có lẽ là để phục vụ cho các quốc gia cấm hoặc không sử dụng chức năng bảo mật của bộ xử lý mật mã TPM, như Trung Quốc (đã nhận được các bản build Windows đặc biệt của riêng mình) và Nga, cả hai đều không sử dụng công nghệ vì lý do bảo mật bởi họ đều có các thuật toán/công nghệ mã hóa thay thế của riêng mình. Cũng có thể hiểu rằng một số máy tính không yêu cầu TPM để cài đặt Windows 11 có thể vận chuyển đến các khu vực khác trên toàn cầu cho những mục đích sử dụng khác.