Đất đai thường là di sản thừa kế phổ biến phát sinh nhiều tranh chấp do giá trị lớn và đặc biệt khi chồng chết, ông bà hay bố mẹ chết mà không để lại di chúc. Vậy Luật thừa kế đất đai mới nhất quy định những gì? Bạn đọc theo dõi bài viết sau của Taimienphi.vn để có lời giải đáp.
- Luật thừa kế đất đai là tổng hợp các quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật dân sự 2015 và các quy định về quyền sử dụng đất tại Luật Đất đai 2013.
- Thừa kế đất đai bản chất là thừa kế quyền sử dụng đất - một hình thức chuyển quyền sử dụng đất từ người đã chết sang cho người còn sống theo di chúc hợp pháp hoặc theo quy định của pháp luật.
Những điểm mới quan trọng của Luật dân sự đã được chúng tôi chia sẻ, mời bạn đọc theo dõi.
Hướng dẫn về xác định quyền sử dụng đất là di sản thừa kế, tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định như sau:
- Đất do người chết để lại đã có Giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 1987, 1993, 2003 (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với đất) => quyền sử dụng đất đó là di sản.
- Đất do người chết để lại có một trong các loại giấy tờ quy định tại Luật Đất đai 2003, Điều 50, Khoản 1, 2, 5, thì kể từ ngày 01/7/2004 => quyền sử dụng đất là di sản.
- Đất do người chết để lại không có một trong các loại giấy tờ trên nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với đất mà có yêu cầu chia di sản thừa kế thì:
+ Đương sự có xác nhận của UBND cấp có thẩm quyền việc sử dụng đất là hợp pháp, chưa kịp cấp Giấy chứng nhận => tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất là di sản.
+ Đương sự không có xác nhận của UBND cấp có thẩm quyền về việc sử dụng đất hợp pháp, nhưng xác nhận là việc sử dụng đất không vi phạm quy hoạch, có thể xem xét chuyển giao quyền => tài sản gắn liền với đất là di sản thừa kế.
+ UBND cấp có thẩm quyền cho biết việc sử dụng đất là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất không được phép tồn tại trên đất => Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.
- Đất do người chết để lại không có tất cả các giấy tờ nêu trên cũng không có di sản là tài sản gắn liền với đất, nếu có tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND theo quy định tại Luật Đất đai 2013.
So với các tài sản là di sản khác, quyền sử dụng đất là tài sản phức tạp và khi xác định di sản sẽ có rất nhiều các vấn đề cần lưu ý.
Quyền thừa kế theo giải thích tại Điều 609 Bộ luật dân sự là "Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".
Căn cứ vào Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất thực hiện quyền thừa kế khi có đủ 04 điều kiện sau:
(1) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
(2) Đất không có tranh chấp.
(3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
(4) Trong thời hạn sử dụng đất.
Ngoài ra, đất đai là di sản thừa kế phải thuộc quyền sở hữu của người chết - đó có thể là tài sản riêng hoặc phần tài sản trong tài sản chung với người khác.
Lưu ý: Người nhận thừa kế quyền sử dụng đất là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam thì chỉ được hưởng giá trị quyền sử dụng đất thuộc phần thừa kế.
Ngoài việc xác định di sản là quyền sử dụng đất và điều kiện quyền thừa kế đất đai là mang tính đặc thù, còn lại các quy định khác về thừa kế đất đai được thực hiện như đối với luật thừa kế tài sản thông thường và áp dụng theo quy định tại Bộ luật dân sự.
* Quyền thừa kế đất đai có di chúc
- Người sử dụng đất có quyền để lại thừa kế theo di chúc, tức là thể hiện ý chí của mình trong việc chuyển quyền sử dụng đất của mình cho người khác sau khi chết.
- Di chúc hợp pháp phải đảm bảo quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự, về cơ bản, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của luật.
- Chủ thể được hưởng di sản theo di chúc có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Phần thừa kế đất đai phụ thuộc vào ý chí của người để lại di chúc.
- Quyền thừa kế đất đai của những người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự. Đây là các đối tượng không được lập di chúc cho hưởng di sản là đất đai hoặc cho hưởng ít hơn 2/3 của một suất thừa kế:
+ Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng của người để lại quyền sử dụng đất.
+ Con đã thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại quyền sử dụng đất.
* Quyền thừa kế đất đai không có di chúc
- Trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được chia theo pháp luật.
- Người thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự cùng một hàng thì được hưởng phần di sản bằng nhau và hàng sau chỉ được hưởng thừa kế nếu hàng trước không còn ai do đã chết, không có quyền hưởng, bị truất hoặc từ chối nhận di sản.
+ Hàng 1: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng 2: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng 2: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Luật thừa kế đất đai cho đến nay vẫn được áp dụng một cách hiệu quả, thuận lợi, giải quyết được rất nhiều các vấn đề thực tiễn phát sinh, bảo đảm quyền, lợi ích cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Liên quan đến thừa kế, bạn đọc có thể xem thêm Luật thừa kế tài sản, Luật tiếp công dân, Luật tố cáo,... mà Taimienphi.vn đã giới thiệu.
Còn nếu mua đất, kiểm tra sổ đỏ, sổ hồng là việc rất cần thiết. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của bạn, tránh xảy ra mâu thuẫn sau này. Cách kiểm tra sẽ được bài viết Cách kiểm tra sổ đỏ, sổ hồng hướng dẫn chi tiết, các bạn cùng tham khảo thêm.