Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam

Đề bài: Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam

Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý chi tiết
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3

Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam


I. Dàn ý Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam (Chuẩn)

1. Mở bài:

Giới thiệu câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam

2. Thân bài:

* Dẫn dắt vào truyện:
- Em đã đọc được ở đâu hay được nghe kể từ ai?
- Đó là câu chuyện thuộc thể loại gì? (cổ tích, truyền thuyết, hiện đại...)
- Chuyện diễn ra trong thời gian, địa điểm nào
- Khái quát các nhân vật có trong chuyện, nhân vật chính của chuyện

* Kể lại câu chuyện
- Kể chi tiết các diễn biến sự việc có trong chuyện
- Kể theo trình tự, nhấn mạnh hành động, chi tiết liên quan đến truyền thống hiếu học

* Nhận định về ý nghĩa của câu chuyện

3. Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của em về câu chuyện và truyền thống hiếu học của dân tộc


II. Bài văn mẫu Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam 


1. Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, mẫu 1 (Chuẩn)

Mỗi khi nhắc đến truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, em lại nhớ đến câu chuyện Ông tổ nghề thêu của nước nhà. Truyện về đức tính hiếu học của ông đã được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 để răn dạy học sinh.

Ông tổ nghề thêu có tên là Trần Quốc Khái, hồi còn nhỏ đã là một cậu bé rất hiếu học. Vì là con nhà nông, nên Khái phải vừa làm vừa học, đâu như học sinh bây giờ chỉ lo ăn rồi học chẳng phải làm lụng việc gì. Lúc đi đốn củi cũng học, đi kéo vó tôm cũng học, không có đèn điện, đèn dầu để thắp thì Khái bắt những con đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng để đọc sách.

Chẳng bao lâu sau Khái đi thi liền đỗ tiến sĩ và được làm quan trong triều đình nhà Lê, sự chăm chỉ và tinh thần hiếu học của Trần Quốc Khái đã được đền đáp xứng đáng. Sau này Trần Quốc Khái được cử đi sứ sang Trung Quốc đã học được cách thêu và làm lọng, về nước ông đem truyền dạy cho dân chúng, từ đó nghề thêu được lan truyền khắp nơi, nhân dân Thường Tín quê ông lập nên đền thờ tôn ông là ông tổ nghề thêu.

Qua câu chuyện của Trần Quốc Khái, em nhận ra một điều: gian khổ, nghèo đói và thiếu thốn không thể làm nhụt đi ý chí của người hiếu học. Giống như Quốc Khái, nếu đã có tinh thần hiếu học thì có thể khắc phục mọi hoàn cảnh, tự giác học tập không cần ai phải nhắc nhở.


2. Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, mẫu 2 (Chuẩn)

Một trong những tấm gương hiếu học được lưu danh trong sử sách nước nhà chính là nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ông nổi tiếng là một cậu học trò nghèo hiếu học đã đỗ và đứng đầu cả ba kỳ thi.

Em đã đọc được câu chuyện hiếu học của Nguyễn Khuyến khi về quê hương Nam Định của ông. Không như những đứa trẻ trạc tuổi ham chơi, từ nhỏ Nguyễn Khuyến đã vô cùng hiếu học, ông lắng nghe các bài thơ mà cha dạy cho các anh rồi học thuộc làu làu. Vì còn nhỏ tuổi nên ông luôn tự học một mình, cầm gạch viết lên nền nhà, sau này cha của ông thấy ông hiếu học liền mua sách bút cho học. Từ đó ông càng chăm chỉ và say mê học tập, học đến nỗi quên ăn, quên ngủ, ông muốn học ngày học đêm, có hôm thì nhờ ánh trăng tỏ để đọc sách, hôm nào trăng mờ thì đốt lá lấy ánh sáng của lửa để học. Nhờ sự nỗ lực học tập không ngừng, ông đã đỗ cả ba kì thi là thi Hương, thi Hội và thi Đình, được gọi là "Tam nguyên yên đổ". Nguyễn Khuyến ra làm quan, ông là một vị quan trong sạch, thanh liêm chính trực và luôn gần gũi gắn bó với nhân dân. Tinh thần hiếu học của ông trở thành một tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.

Ngày nay chúng ta có điều kiện học tập quá tốt, đầy đủ và hiện đại nhưng lại rất ngại học, coi việc học như là một sự ép buộc, gánh nặng và chỉ muốn được chơi. Phải nêu cao tinh thần hiếu học của dân tộc, học tập vì chính bản thân và cả xã hội.


3. Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, mẫu 3 (Chuẩn)

Hôm qua khi em đến thư viện của trường học đọc sách đã vô tình đọc được quyển sách "50 tấm gương hiếu học thời nay" của Nhà xuất bản Trẻ phát hành từ năm 2005. Cuốn sách không chỉ ca ngợi tinh thần hiếu học, hiếu thảo của các bạn trẻ mà còn là lời nhắc nhở các em đọc sách noi theo.

Em ấn tượng nhất với tấm gương hiếu học của Bình Gấm - cô bé bán khoai và vé số đậu ba trường đại học lớn. Bình Gấm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, hoàn cảnh khó khăn cha mất sớm chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau. Gấm đến trường với chiếc áo trắng đã ngả màu vàng đục, sau giờ học Gấm lại đi bán vé số khắp các con phố, nẻo đường, đến tối và khuya lại bưng theo một gánh khoai đi vào tận các ngõ ngách đến 11 - 12 giờ đêm mới về. Vì cuộc sống khó khăn lại nợ nần chồng chất, Gấm chỉ hy vọng vẫn được đến trường là hạnh phúc lắm rồi, mọi vất vả lam lũ Gấm đều có thể chịu được.

Nhờ có sự nỗ lực, vượt lên nghịch cảnh và tinh thần hiếu học, Bình Gấm đã cùng lúc thi đỗ ba trường đại học với điểm số cao. Bình Gấm chọn học ngành y với mong muốn chữa bệnh cho mọi người. Mong ước đó đã thành hiện thực vì giờ đây Bình Gấm đã trở thành một bác sĩ làm việc tại bệnh viện Nhân dân tỉnh Gia Định.

Đọc câu chuyện của Bình Gấm em cảm thấy vô cùng xấu hổ vì đã có lúc muốn trốn học, bỏ làm bài tập. Em tự nhắc nhở bản thân phải trân quý việc học vì đó có thể là ước muốn của bao người khác trong hoàn cảnh khó khăn.

-----------------HẾT----------------

Bên cạnh bài văn Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam trên đây, để rèn luyện kĩ năng viết văn kể chuyện, các em có thể tham khảo thêm: Kể chuyện em đã nghe đã đọc về truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, Kể về một việc mà em đã làm để chăm sóc cây xanh khi ở nhà, Kể về một việc em đã làm thể hiện tình cảm yêu quý, biết ơn bố mẹ, Kể lại một buổi cắm trại cùng các bạn trong lớp.

Với đề bài Kể lại một câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, các em có thể dựa vào các câu chuyện đã được đọc hoặc được nghe kể và nắm chắc cốt truyện để kể lại. Dưới đây là dàn ý và các bài văn kể chuyện mẫu các em có thể tham khảo qua.
Kể chuyện em đã nghe đã đọc về truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam
Viết đoạn văn về một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam
Kể lại câu chuyện để giải thích vì sao người Việt Nam tự xưng là Con Rồng, cháu Tiên
Thuyết minh về phong tục truyền thống của Việt Nam
Kể lại câu chuyện mà em biết trong cuộc sống nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam
Thuyết minh về một nhạc cụ dân tộc: Đàn bầu

ĐỌC NHIỀU