Chứng minh nhận định: Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người

Đề bài: Chứng minh nhận định: Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
2. Thân bài
3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

I. Dàn ý Chứng minh nhận định: Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người

1. Mở bài

- Dẫn vào quan điểm: Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người.

2. Thân bài

a. Khái niệm văn học chân chính:

- Văn học chân chính là thứ văn học đặt con người ở vị trí trung tâm để khai thác, phải đề cao phẩm giá của con người, đi sâu vào đời sống nhân lại, lấy chủ nghĩa nhân đạo làm gốc.

- Văn chương không chân chính đó là những tác phẩm hào nhoáng về hình thức, câu từ trau chuốt khéo léo, nhưng lại không mang tính nhân văn, đôi khi nó còn hạ thấp phẩm giá và đạo đức của người đọc, tô vẽ những thứ gì xa vời cuộc sống, thậm chí trở thành cái vỏ bọc cho sự khốn nạn, mị dân của một giai cấp thống trị thối nát.

=> Chỉ có văn chương chuyên chú vào con người từ xưa đến nay mới tồn tại mãi mãi và trở thành bất hủ bởi nó "chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình...Nó làm cho người gần người hơn".

b. Cơ sở nhân đạo hóa của văn học chân chính:

- Văn chương lấy cảm xúc để điều chỉnh, củng cố cảm xúc của con người.

- Văn chương là cả một tấm lòng yêu thương sâu nặng của người nghệ sĩ đối với con người.

- Văn chương chính là biểu hiện của sự phản ánh thế giới khách quan vào tâm hồn của người viết, ở đó người ta nhận thấy được tâm tư, tình cảm hỷ, nộ, ái, ố tinh tế và nhạy bén của tác giả trước các sự kiện trong xã hội để người đọc căn cứ vào đó mà nhìn nhận lại chính bản thân mình.

c. Văn chương nhân đạo hóa con người bằng cách nào?

- Văn học đã khiến con người ta biết nhận thức, biết thông cảm, biết xót thương cho đồng loại, làm cho tâm hồn con người trở nên tinh tế hơn, nhạy cảm hơn trước sự biến chuyển cảm xúc và cuộc đời của nhân vật từ đó con người ta trở nên nhân hậu hơn, bao dung hơn. (phân tích từ 2-3 dẫn chứng).

- Văn chương đã đem đến cho con người quá trình thanh lọc tâm hồn, làm cho con người có thể tự nhìn nhận lại mình, tự ý thức để cải thiện bản thân sao cho trở nên tốt đẹp hơn thông qua những bài học, những triết lý nhân sinh mà người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm của mình (phân tích một số dẫn chứng để chứng minh).

3. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ cá nhân.

 

II. Bài văn mẫu Chứng minh nhận định: Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người

Tôi nhớ M. Gorki đã có một nhận định rằng: "Văn học là nhân học", tức là văn học vừa là sản phẩm trí tuệ tinh tế của con người, do con người dùng chính tâm hồn và cảm quan để sáng tạo ra, đồng thời những sản phẩm văn học cũng trở thành thứ để giáo dục, bồi dưỡng con người trong nhiều khía cạnh xã hội bao gồm việc nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, khích lệ động viên, làm cho tâm hồn lắng lại để nghe những tiếng vang động ở đời,... Mà nói theo như cách của Thạch Lam thì "văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn". Trong đó trước khi thay đổi thế giới, văn chương phải làm được nhiệm vụ chính là thay đổi con người, mà theo tôi nghĩ nổi bật nhất ấy là: Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người.

Vậy tại sao phải là văn học chân chính mới có khả năng nhân đạo hóa con người mà không phải là những thứ văn học khác. Để làm rõ điều này chúng ta cần làm rõ thế nào là văn học chân chính, đó là thứ văn học đặt con người ở vị trí trung tâm để khai thác, phải đề cao phẩm giá của con người, đi sâu vào đời sống nhân loại, lấy chủ nghĩa nhân đạo làm gốc như Nam Cao đã từng viết "Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình...Nó làm cho người gần người hơn". Trái ngược với văn chương chân chính đó là những tác phẩm hào nhoáng về hình thức, câu từ trau chuốt khéo léo, nhưng lại không mang lại những giá trị làm thay đổi nhận thức của con người, đôi khi nó còn hạ thấp phẩm giá và đạo đức của người đọc, tô vẽ những thứ gì xa vời cuộc sống, thậm chí trở thành cái vỏ bọc cho sự khốn nạn, mị dân của một giai cấp thống trị thối nát,... thì đó là thứ văn chương hết sức nguy hại. Phân loại văn chương chân chính và không chân chính có thể mượn câu nói của Nguyễn Văn Siêu để làm quy chuẩn: "Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người". Vậy nên xét từ xưa đến nay tồn tại mãi mãi và trở thành bất hủ chỉ có thứ văn học vị nhân sinh, mang chủ nghĩa nhân đạo là tượng đài của nhân loại, còn bấy nhiêu những thứ văn dẫu đẹp nhưng phù phiếm hình thức, xa rời nhân sinh thì chẳng mấy chốc cũng bị lãng quên, bởi nó không đủ sức in vào lòng người đọc bằng xúc cảm chân chính, bằng tình yêu thương của người nghệ sĩ. Có thể nhắc đến một số tác phẩm lớn mang chủ nghĩa nhân đạo vẫn luôn được người đời tán dương và trân trọng của Việt Nam và thế giới như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch-xpia, Sống lại và Chiến tranh và hòa bình của L. Tôn-xtôi, Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, Không gia đình của Hector Malot,... Mỗi một tác phẩm có cách khai thác chủ nghĩa nhân đạo riêng, và có đôi lúc những tác phẩm này vẫn bị cho là còn thiếu sót bởi những cách giải quyết mâu thuẫn, gỡ nút thắt không còn phù hợp với xã hội ngày nay thế nhưng những giá trị nhân đạo hóa con người ẩn chứa trong đó thì không thể nào chối cãi được.

Tại sao tôi lại nói rằng nhân đạo hóa con người là khía cạnh mà văn học làm tốt nhất và nổi bật nhất, bởi sở dĩ ông cha ta vẫn thường có câu "Dĩ độc trị độc", thì ở đây với văn chương ta không nói gay gắt như thế mà thay vào đó văn chương lấy cảm xúc để điều chỉnh, củng cố cảm xúc của con người. Mỗi một người nghệ sĩ chân chính khi chắp bút vào tác phẩm họ thường phải đặt vào đó cả một tấm lòng, một linh hồn nguyên vẹn, họ phải viết bằng tất cả tài năng và trí lực bằng tất cả những xúc cảm dồi dào về một phát hiện giữa đời sống cái khiến người ta tâm đắc, rồi tìm mọi cách khiến nó trở nên sáng tạo và có giá trị. Như Enxa Tơriole đã nói: "Nhà văn là người cho máu", người nghệ sĩ phải xem văn chương là máu thịt của mình hết sức trân quý mà giữ gìn, câu từ nào viết ra cũng phải mang trong nó cả hồn xác của nghệ sĩ thì mới có thể đạt tới xúc cảm chân chính nhất. Chính vì thế có thể nói văn chương chính là biểu hiện của sự phản ánh thế giới khách quan vào tâm hồn của người viết, dù đó có là tác phẩm viết về tình yêu, về chiến tranh, về những bi kịch, viết về những thứ lớn lao hay tầm thường nhỏ bé trong vũ trụ thì nó vẫn luôn mang trong mình bóng hình và phong cách riêng của người nghệ sĩ. Ở đó người ta nhận thấy được tâm tư , tình cảm hỉ, nộ, ái, ố tinh tế, nhạy bén của tác giả trước các sự kiện trong xã hội để người đọc căn cứ vào đó mà so sánh với chính bản thân mình. Và dĩ nhiên rằng người nghệ sĩ muốn làm ra được tác phẩm văn học đánh động tâm can, thay đổi nhận thức người đọc thì phải lấy đề tài con người là trung tâm, biết khai thác những khía cạnh thực tế trong cuộc sống nhân loại, cả hạnh phúc lẫn khổ đau, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Viết làm sao cho thật chân thực, sinh động, đủ sức thu hút người đọc, để người đọc cảm nhận được sự gần gũi, tình yêu thương con người sâu sắc đến độ thấu hiểu của nghệ sĩ đong đầy trong từng câu chữ, như L.Tôn xtôi từng khẳng định:"Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng,bình đẳng bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt kiện cả những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại". Tóm lại rằng "nghệ thuật vị nhân sinh"phải là thước đo giá trị cho mọi tác phẩm văn học, cũng là thước đo cho khả năng nhân đạo hóa của một tác phẩm văn học chân chính.

Vậy văn học chân chính đã nhân đạo hóa con người như thế nào? Trước hết văn học đã khiến con người ta biết nhận thức, biết thông cảm, biết xót thương cho đồng loại. Truyện Kiều của Nguyễn Du là kiệt tác của nền thơ ca Việt Nam, bởi nó là tiếng khóc đoạn trường của những kiếp người đớn đau dưới xã hội cũ, nó tố cáo những bất công trong xã hội, nó là tấm lòng xót thương cho một kiếp hồng nhan tài hoa bạc mệnh của nàng Kiều, đồng thời cũng là lời đớn đau chung cho số phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc. Một tác phẩm mang nhiều giá trị nhân văn, nhân đạo như thế đã trở thành biểu tượng cho nền văn học nước nhà, nó khiến con người ta biết thương cảm, nhận thức sâu sắc về một giai đoạn lịch sử đã qua của dân tộc, nó thôi thúc con người ta đứng lên thay đổi thế giới, thay đổi cuộc sống,... dù rằng đến ngày hôm nay xã hội đã công bằng hơn, thế nhưng Truyện Kiều vẫn mang trong mình nguyên giá trị. Tương tự như vậy hàng loạt các tác phẩm của các nhà văn hiện thực trước cách mạng như Nam Cao với Đời thừa, Chí Phèo, Sống mòn, Vợ nhặt,... Kim Lân với Lão Hạc, Ngô Tất Tố với Tắt đèn, Tô Hoài với Vợ chồng A phủ, Nguyễn Công Hoan với một loạt các tác phẩm như Người ngựa ngựa người, Kép Tư Bền, Tinh thần thể dục,... đều mang đến cho độc giả sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với đồng loại, làm cho tâm hồn con người trở nên tinh tế hơn, nhạy cảm hơn trước sự biến chuyển cảm xúc và cuộc đời của nhân vật từ đó con người ta trở nên nhân hậu hơn, bao dung hơn.

Dĩ nhiên quá trình nhân đạo hóa của văn chương không chỉ dừng lại ở việc gợi lòng thương cảm, trắc ẩn đối với những số phận bất hạnh trong xã hội hay sự bất bình trước cái khốn nạn của chế độ cũ mà quan trọng hơn cả văn chương đã đem đến cho con người quá trình thanh lọc tâm hồn. Nói như Hoài Thanh tức là "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có luyện những tình cảm ta sẵn có", hoặc nói như Thạch Lam văn chương "làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn". Cái cốt yếu của văn chương chính là ở chỗ làm cho con người có thể tự nhìn nhận lại mình, tự ý thức để cải thiện bản thân sao cho trở nên tốt đẹp hơn thông qua những bài học, những triết lý nhân sinh mà người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm của mình. Có thể lấy ví dụ về Lục Vân Tiên cùng một loạt các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã chủ yếu nhân đạo hóa con người bằng cách phân rõ thiện ác, lý tưởng hóa nhân vật, hướng con người đến vẻ đẹp chân - thiện - mỹ, giáo dục con người bằng tư tưởng "ở hiền gặp lành, ác giả ác báo", khẳng định chân lý cái thiện sẽ luôn luôn chiến thắng cái ác hoành hành. Hoặc quay lại với các tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực ví như Đời thừa của Nam Cao, đọc không phải chỉ để thông cảm với tấn bi kịch tinh thần của nhân vật mà còn là để nhận ra những triết lý sâu sắc về văn học và người nghệ sĩ, "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện", nhận ra nét đẹp tâm hồn, ước mơ cao cả của nhân vật chính trong lúc quằn quại đấu tranh giữa cái đói khổ và lý tưởng cao đẹp. Điều đó thôi thúc con người nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại thái độ của mình trong cuộc sống, trong công việc, có ý chí vươn lên để thay đổi cuộc sống, tạo dựng ước mơ,... Hoặc kể đến Vợ chồng A Phủ, ngoài việc đớn đau cho số phận dưới đáy xã hội cường quyền thần quyền của Mị và A Phủ thì tác phẩm còn để người đọc nhận thấy được vẻ đẹp tâm hồn, niềm khát khao tự do cháy bỏng, sức sống tiềm tàng mãnh liệt, đồng thời mở đường cho quá trình tiến đến với cách mạng để giải phóng bản thân của nhân vật chính. Như vậy tác phẩm đã có giá trị "nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm". Hoặc đến với Xuân Diệu, ta không còn phải thông cảm hay đau đớn xót thương mà thay vào đó tác giả đã khai phá nhận thức của con người bằng các triết lý nhân sinh sâu sắc về thời gian, về cuộc đời, khuyến khích ở ta lòng yêu cuộc sống, sức trẻ, lòng trân trọng những gì tươi đẹp ở thế giới xung quanh, làm cho tâm hồn ta trở nên khoáng đạt, giàu xúc cảm hơn. Nói về nền văn học kháng chiến, hầu hết các tác phẩm đều có ý nghĩa nhân đạo ở chỗ là giáo dục cho con người ta tấm lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào một cách tha thiết, đồng thời thúc đẩy lòng dũng cảm, tinh thần hy sinh chiến đấu để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Có thể lấy một vài ví dụ như Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Việt Bắc của Tố Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng Chí của Chính Hữu, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật,... Hoặc những tác phẩm viết về những điều bình dị trong cuộc sống của con người cũng có những tác động đáng kể trong việc thay đổi và thanh lọc tâm hồn ví như Nguyễn Minh Châu với hai tác phẩm nổi tiếng là Bến quê và Chiếc thuyền ngoài xa. Nếu như Bến quê nhắc nhở con người ta phải biết trân trọng và để ý đến những giá trị gần sát ngay bên cạnh mình, thì Chiếc thuyền ngoài xa lại đem đến cho con người ý thức về một cách nhìn nhận cuộc sống đa diện nhiều chiều.

Chung quy lại khó có thể nói một cách thật toàn diện về khả năng nhân đạo hóa con người của văn học, bởi nó là một phạm trù rộng lớn bao quát lên tất cả các giới hạn cảm xúc, cứ mỗi một nghệ sĩ lại đưa ra một cách nhìn nhận và phong cách thể hiện tính nhân văn trong tác phẩm khác nhau. Thế nhưng phải công nhận rằng văn chương chân chính là một thứ tài sản vô giá của nhân loại, đi từ việc nhân đạo hóa con người văn chương đã gián tiếp thay đổi thế giới để khiến nó trở nên tốt đẹp và ấm áp hơn.

Để hoàn thành tốt bài Tập làm văn số 5, Ngữ văn 12 bên cạnh bài Chứng minh nhận định: Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người các em có thể tham khảo thêm bài tham khảo cho một số đề bài khác như: Trong một bức thư bàn luận về văn chương, Nguyễn văn Siêu có viết: "Văn chương (...) có loại đáng thờ, có loại ko đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người". Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên, Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: "Phong cách chính là người." Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?, Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: "Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra", Nền văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 là "Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn". Anh (Chị) hãy trình bày ý kiến của mình về nhận định trên.

Bằng những kiến thức đã được trau dồi, em hãy viết thành bài văn ngắn để chứng minh nhận định: Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người, thông qua đó giúp người đọc dễ dàng hình dung về giá trị, tác dụng của các tác phẩm văn học nghệ thuật trong việc cảm hóa con người.

ĐỌC NHIỀU