Đề bài: Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: "Ta về, mình có nhớ ta.... Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung." (Việt Bắc, Tố Hữu)
- Giới thiệu về nhà thơ Tố Hữu và phong cách thơ ca của ông.
- Dẫn vào đoạn thơ nói về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc.
>> Tham khảo một số cách Mở bài Việt Bắc hay.
* Bức tranh mùa đông:
- Sử dụng bút pháp chấm phá cổ điển, gợi chứ không tả, màu xanh thẫm của núi rừng mang cảm giác thâm u, lạnh lẽo và có phần khắc nghiệt.
- Màu đỏ tươi của hoa chuối và màu vàng nhạt của nắng điểm tô trên cái nền xanh thẳm của núi rừng đã phần nào xua tan cái lạnh lẽo thay vào đó là chút cảm giác ấm áp, mang đến hình ảnh Tây Bắc tươi đẹp chứ không quá khắc nghiệt, nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.
- Hình ảnh con người mang tầm vóc mạnh mẽ, chủ động tự tin trong lao động, sẵn sàng chinh phục thiên nhiên núi rừng Tây Bắc.
* Bức tranh mùa xuân:
- Sắc trắng của hoa mơ gợi bức tranh mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, thanh khiết và đầy hy vọng
- Hình ảnh con người trong công việc lao động nhẹ nhàng, nhưng lại tôn lên nét đẹp của sự tài hoa, khéo léo và cần cù.
* Bức tranh mùa hạ:
- Mùa hè hiện ra thông qua sự kết hợp giữa sắc vàng và tiếng ve, khiến bức tranh thiên nhiên trở nên ấn tượng bởi sự rộn ràng, nhộn nhịp và rực rỡ.
- Từ "đổ" gợi ra sự chuyển mùa nhanh chóng và đồng loạt của núi rừng Tây Bắc
- Hình ảnh "cô em gái hái măng một mình" gợi ra sự thầm lặng trong lao động, hi sinh sinh vì kháng chiến và tình cảm trân trọng, gần gũi yêu thương của Tố Hữu đối với con người Việt Bắc.
* Bức tranh mùa thu:
- Hình ảnh vầng trăng gợi ra nhiều ý nghĩa, là những đêm thức trắng cùng trăng chờ giặc, là biểu trưng cho sự ấm no, sum vầy, cũng là biểu tượng cho sự gắn kết, thủy chung.
- Hình ảnh con người Việt Bắc không còn là hình ảnh trong lao động mà là thông qua tiếng hát để thể hiện nỗi niềm tiếc nuối, ân tình thủy chung phút chia ly.
Nêu cảm nhận về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
>> Tham khảo một số cách Kết bài Việt Bắc ấn tượng.
1.1. Dàn ý Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: Ta về, mình có nhớ ta…:
1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ.
1.1.2. Thân bài:
1.1.2.1. Khái quát chung:
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết vào tháng 10 - 1954, thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Khi ấy, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định rời căn cứ từ Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện có tính lịch sử ấy Tố Hữu đã xúc động viết bài thơ.
1.1.2.2. Phân tích hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: Ta về, mình có nhớ ta…
a) Hai câu thơ đầu:
- "Hoa": Đó là vẻ đẹp của bức tranh của thiên nhiên Việt Bắc.
- "Người": Con người Việt Bắc nghĩa tình, son sắc thủy chung.
=> Người ra đi nhớ da diết về thiên nhiên và con người Việt Bắc.
b) Bức tranh thiên nhiên mùa đông:
- Nền xanh mênh mông có điểm vào màu đỏ của hoa chuối.
- "Đỏ tươi": Sắc màu rực rỡ.
=> Tạo nên điểm nhấn cho bức tranh mùa đông.
- Con người hiện lên với tầm vóc kì vĩ, lớn lao làm chủ thiên nhiên.
=> Tư thế làm chủ đất nước, giữa thiên nhiên bao la mà con người không hề nhỏ bé.
c) Bức tranh mùa xuân:
- Những bông hoa mơ đang bung nở giữa những cánh rừng bạt ngàn.
=> Bức tranh xuân căng tràn sức sống.
- Con người với công việc đan nón để phục vụ cuộc sống, phục vụ kháng chiến.
d) Bức tranh mùa hè:
- "Ve kêu": Âm thanh quen thuộc báo hiệu hè về.
- "Rừng phách đổ vàng": Cả một rừng phách chuyển màu vàng rực rỡ.
- "Cô em gái hái măng một mình": Những cô sơn nữ trong công việc thầm lặng, vất vả.
e) Bức tranh mùa thu:
- Vầng trăng dải ánh bạc khắp cả khu rừng.
=> Mở ra một khung cảnh bình yên, gợi cảm giác quen thuộc.
- Tiếng hát ngợi ca sự nghĩa tình, son sắc thủy chung.
1.1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật:
+ Giá trị nội dung: Bức tranh thiên nhiên và con người Việt Bắc.
+ Giá trị nghệ thuật: Thể thơ lục bát, cách xưng hô mình - ta, những hình ảnh thơ trong sáng.
- Liên hệ mở rộng.
1.2. Bài văn Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: Ta về, mình có nhớ ta…
Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến. Với phong cách thơ độc đáo, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Tiêu biểu phải kể đến đó là bài thơ "Việt Bắc" được viết sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Và đoạn trích "Ta về, mình có nhớ ta…" đã làm nổi bật bức tranh cảnh và người Việt Bắc trong bốn mùa.
Mở đầu đoạn thơ, tác giả đã gợi nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc:
"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người"
Ở đây, "hoa" là biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc. Còn "người" là biểu tượng cho con người Việt Bắc nghĩa tình, son sắc thủy chung. Cụm từ "hoa cùng người" thể hiện sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên nơi đây. Việt Bắc đã trở thành một phần kí ức tươi đẹp trong lòng người ra đi, khiến họ không thể nào quên.
Trong nỗi nhớ về những năm tháng thắm thiết, mặn nồng tác giả đã vẽ lên bức tranh tứ bình sinh động, tươi tắn. Đầu tiên đó là bức tranh mùa đông:
"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng"
Tố Hữu mở ra trước mắt người đọc một nền xanh mênh mông của rừng đại ngàn. Giữa không gian xanh mênh mông, ngòi bút của thi nhân điểm vào những chấm đỏ rực rỡ của hoa chuối rừng. Hai chữ "đỏ tươi" đã nhấn mạnh một sắc màu rực rỡ như xua tan cái lạnh lẽo, u ám của rừng già. Ở bức tranh đông xuất hiện hình ảnh con người trên đỉnh đèo cao. Họ mang tầm vóc lớn lao, kì vĩ, sánh ngang với tầm vóc của cuộc đời như có thể ôm trọn giang sơn. Không chỉ vậy, con người còn hiện lên với tư thế hiên ngang, vững chắc. Đó là tư thế của những con người làm chủ đất nước. Giữa thiên nhiên bao la, con người không hề nhỏ bé mà kì vĩ, hào hùng đẹp từ dáng vẻ đến tâm hồn. Tố Hữu ghi lại một khoảnh khắc rất thần tình. Khi ánh mặt trời chiếu vào lưỡi dao sáng lóa, con người trở thành tụ điểm của ánh sáng giống như đang tỏa ra vầng hào quang chói lọi.
Tiếp đến, nhà thơ giới thiệu về bức tranh mùa xuân:
"Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang"
Bức tranh xuân mở ra với không gian mở ra rạng rỡ, thanh tân và đầy chất thơ. Điệp vần "ơ" trong hai từ "mơ nở" khiến người đọc liên tưởng đến muôn vạn cánh hoa mơ trắng muốt đang từ từ hé mở. Đồng thời, cảm nhận được sức sống mùa xuân lan tỏa khắp khu rừng. Tính từ "trắng" làm nổi bật sức xuân, khí xuân như đang bừng dậy. Bức tranh xuân với vẻ đẹp làm say đắm lòng người, ám ảnh mãi trong lòng người ra đi. Con người hiện lên trong công việc thầm lặng. Giữa rừng mơ nở trắng, người dân chốn Việt Bắc đang miệt mài lao động. Hai chữ "chuốt từng" thể hiện sự cẩn trọng, tỉ mỉ và tài hoa của người Việt Bắc. Và đây cũng là vẻ đẹp chung của người Việt Nam.
Mùa xuân qua đi và mùa hè đến:
"Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình"
Bức tranh ngày hè ngoài sắc màu vàng rực còn xuất hiện âm thanh của tiếng ve. Vừa mang vẻ đẹp chung của thiên nhiên, vừa mang vẻ đẹp riêng của mùa hè Việt Bắc. Bức tranh ấy lấp lánh ánh sáng, rực rỡ sắc màu và rộn rã âm thanh. Câu thơ diễn tả bước đi của thời gian, khoảnh khắc chuyển mùa được thể hiện qua sự chuyển mùa của thảo mộc. Khi tiếng ve kêu làm cho rừng phách đổ vàng. Người sơn nữ Việt Bắc hiện lên trong công việc thường ngày thầm lặng và vất vả, sự chịu thương, chịu khó. Cô gái xuất hiện giữa không gian núi rừng Việt Bắc thường sẽ gợi cảm giác cô đơn, trống trải. Nhưng ở đây, người con gái Việt Bắc đang hăng say trong công việc của mình. Dù cho có một mình nhưng không cảm thấy cô đơn bởi vì cô tìm thấy niềm vui trong công việc, trong hoạt động lao động sản xuất và phục vụ kháng chiến. Những cô gái được hiện lên trong ánh nhìn đầy trìu mến, yêu thương của người kháng chiến về xuôi.
Cảnh thu khép lại bức tranh tứ bình Việt Bắc, cũng đồng thời khép lại chặng đường mười lăm năm kháng chiến:
"Ngày thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"
Cảnh thu Việt Bắc mang vẻ đẹp bình yên, trong sáng, thơ mộng không gợn một chút buồn. Hình ảnh vầng trăng sáng viên mãn, tròn đầy gợi lên niềm hi vọng về tương lai độc lập, tự do của dân tộc. Còn con người xuất hiện gián tiếp qua "tiếng hát ân tình thủy chung". Đó là tiếng hát ngợi ca nghĩa tình cách mạng son sắc không gì có thể thay đổi.
Bằng những hình ảnh thơ giàu sức gợi kết hợp với giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, Tố Hữu đã mang đến cho người đọc những cảm nghĩ độc đáo về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Qua đây, độc giả còn hiểu hơn về con người nhà thơ. Đó là một hồn thơ giàu tình yêu thiên nhiên, là con người tha thiết luôn hi vọng vào một ngày mai đất nước được thống nhất.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Qua việc phân tích đoạn thơ: "Ta về, mình có nhớ ta…", người đọc có thể cảm nhận được rõ nét bức tranh thiên nhiên và con người Việt Bắc. Mời em ghé xem các bài viết liên quan trên Taimienphi.vn để hiểu sâu hơn toàn bộ bài thơ nhé: Phân tích khổ 4 bài Việt Bắc của Tố Hữu; Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc; Phân tích 12 câu trong đoạn 3 bài thơ Việt Bắc.
Nếu nói đến nhà thơ mang nhiều danh xưng nhất của nền văn học Việt Nam chắc có lẽ không ai ngoài Tố Hữu, ông được tán dương hết lòng vì những đóng góp cống hiến cho nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là cho nền văn học mang khuynh hướng trữ tình chính trị. Người ta nhắc đến Tố Hữu như là một "nhà thơ của cách mạng", một "nhà thơ của nhân dân", là "ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam", thơ ca của ông luôn có một sự nhất trí "Nhất trí giữa đời sống và nghệ thuật. Nhất trí giữa tình cảm, tư tưởng và hành động. Nhất trí giữa con người với thời đại, với tập thể". Kể từ khi bước vào chặng đường sáng tác Tố Hữu chưa khi nào rời xa cách mạng, rời xa đất nước và nhân dân, thơ ông luôn tồn tại một tình yêu lớn, một tình yêu chung vĩ đại "Yêu dân, yêu nước, yêu Đảng, yêu Bác, yêu người thân, yêu bạn bè, tình yêu bao la không bờ bến...". Khi năm tháng dần qua đi, từ lúc Tố Hữu viết Từ ấy với giọng thơ sôi nổi nhiệt huyết, cho đến khi ông viết Việt Bắc bằng giọng thơ ân tình, trầm lắng, người ta dễ dàng nhận thấy sự trưởng thành của một hồn thơ lý tưởng, ngày càng trở nên thân thiết và gắn bó với nhân dân, với cách mạng, với đất nước, có thể nói"phẩm chất ấy là cốt lõi của thơ Tố Hữu, của nhà cách mạng Tố Hữu, của phong thái Tố Hữu". Việt Bắc là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Tố Hữu, sau Từ ấy, thể hiện rõ nét sự trưởng thành, hoàn chỉnh trong phong cách thơ ca trữ tình chính trị, kết hợp với yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của nhà thơ. Trong đó Tố Hữu đã dành riêng một đoạn thơ 10 câu để nói riêng về những nét đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc rất hay và đặc sắc, bộc lộ được cái ngòi bút tài hoa vô cùng của tác giả.
"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung."
Tháng 10/1954 sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ thắng lợi được khoảng 3 tháng, trung ương Đảng và Chính phủ ra quyết định chuyển căn cứ trở về thủ đô, trong không khí hân hoan vui mừng vì nền hòa bình mới lập lại, thì cuộc chia tay với núi rừng và con người Tây Bắc sau gần mười năm gắn bó keo sơn đã đem đến cho tác giả nhiều cảm xúc, Việt Bắc đã ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt ấy. Bằng giọng thơ trầm lắng, thấm đẫm ân tình thủy chung, với thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, kết hợp cùng nội dung mang tính lịch sử tựa như một bản tổng kết của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, đắng cay gần mười năm trời của quân dân ta, cũng đồng thời là lời tri ân sâu sắc của người ra đi đối với người ở lại, Việt Bắc đã trở thành đỉnh cao của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Trong một tác phẩm có dung lượng lớn như vậy, hình ảnh thiên nhiên và con người Tây Bắc vẫn đều đặn xuất hiện trong suốt cả bài thơ, thế nhưng rõ nét nhất và đặc sắc nhất chính là "bức tranh tứ bình" với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong 10 câu thơ từ câu thứ 43 đến câu thứ 52. Ở đó mỗi một mùa chỉ được miêu ta bằng hai câu thơ thế nhưng nhiêu đấy cũng đủ để người ta thấm thía về một Việt Bắc xa xôi, thấm đẫm ân tình thủy chung.
Khởi đầu chính là bức tranh thiên nhiên mùa đông với hai câu thơ:
"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng"
Có thể thấy rằng khung cảnh mùa đông không được tả một cách tỉ mỉ chi tiết mà chỉ được gợi ra bằng những nét chấm phá đặc trưng của thơ ca cổ điển với hai gam màu "xanh" và "đỏ". Nhưng màu xanh ở đây không phải là màu xanh tươi, màu xanh non mơn mởn của cành lá mới đâm chồi, nảy lộc là màu xanh này là gam màu xanh thẫm, gợi ra cảm giác lạnh lẽo, âm u của một vùng núi rừng bạt ngàn cây cối. Đôi lúc liên tưởng xa hơn, người ta nghĩ rằng sở dĩ màu xanh ấy càng trở nên trầm mặc, âm u vậy là bởi vì khí trời mùa đông quá đỗi lạnh lẽo, đã phủ một lớp sương dày làm màu xanh của lá cũng trở nên đậm và trầm hơn hẳn. Trên cái nền xanh thẳm bạt ngàn ấy nổi bật lên là những cái hoa chuối đỏ tươi, tựa như đốm lửa rực rỡ giữa ngày đông buốt giá, dĩ nhiên rằng cái màu đỏ ấy chẳng thể nào che lấp đi cái rét buốt kinh người ở Tây Bắc, thế nhưng sắc đỏ hòa cùng với những đốm nắng nhàn nhạt dường như đã làm cho mùa đông nơi đây vơi đi được phần nào sự lạnh lẽo, trầm u. Bức tranh thiên nhiên trở nên ấm áp và đặc sắc hơn, từ nó người ta cũng thấy được nét riêng trong phong cách làm thơ trữ tình cách mạng của Tố Hữu, ông không quá tập trung nhấn mạnh những cái gì gian khó khắc nghiệt, mà thay vào đó ông đưa vào thơ mình những hoàn cảnh gian lao thế nhưng ở đó vẫn hiện lên những vẻ đẹp tinh tế, vẻ đẹp khiến lòng người trở nên phấn khởi, vui tươi, thay vì sự sợ hãi, chùn bước. Nổi bật giữa bức tranh mùa đông với màu xanh của núi rừng điểm vài chấm đỏ của hoa chuối đó chính là hình ảnh con người trong lao động, ở đây không phải hình ảnh của các cán bộ chiến sĩ mà là hình ảnh của một người dân Việt Bắc với vẻ đẹp khỏe khoắn và chủ động giữa thiên nhiên rộng lớn. Trên lưng họ lúc nào cũng mang theo một con dao chuyên dụng để mở đường mỗi khi vượt núi băng rừng, tư thế hiên hiên ngang sẵn sàng chinh phục mọi "đèo cao", ánh nắng ấm áp bao phủ càng tô đậm cho hình tượng con người với tinh thần và sức sống mãnh liệt, sẵn sàng chinh phục, làm chủ mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Có thể nói rằng chính bức tranh thiên nhiên mùa đông đã trở thành bức phông nền làm nổi bật lên dáng vẻ mạnh mẽ, tự tin, sinh động của con người Tây Bắc trong lao động và kháng chiến.
Tương tự, sau bức tranh mùa đông, chính là bức tranh Việt Bắc mùa xuân.
"Mùa xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang"
Mùa xuân ở Việt Bắc không báo hiệu bằng hoa mai vàng rực rỡ, hay hoa đào hồng ý nhị mà thay vào đó là hình ảnh hoa mơ trắng, Tố Hữu đã thể hiện rõ rệt sự chuyển mùa bằng cách chuyển đổi màu sắc linh hoạt từ một màu xanh thăm thẳm, lạnh lẽo, âm u sang gam màu trắng, dịu dàng tinh tế, vừa trẻ trung vừa khỏe khoắn đúng với cái không khí rộn ràng của mùa xuân trên rẻo cao. Bức tranh thiên nhiên dường như bừng sáng hẳn lên, mang lại cảm giác tươi vui, sự sống qua một đợt đổi mới trở nên thanh khiết và tràn đầy sinh khí. Giữa khung cảnh mùa xuân dịu dàng, hình ảnh con người hiện lên với công việc "đan nón" nhẹ nhàng, thế nhưng lại thể hiện vẻ đẹp tinh tế, khéo léo của con người Tây Bắc trong công việc cần tính nhẫn nại và tỉ mẩn. Sự chuyên chú trong công việc "chuốt từng sợi giang" bộc lộ đức tính cần mẫn và tài hoa của đôi bàn tay những con người miền núi, bức tranh mùa xuân và con người lại càng trở nên hòa hợp và ý nhị.
Qua đông, xuân lại đến hè, mùa hè trên vùng Tây Bắc cũng thể hiện một cách rõ rệt.
"Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình"
Nếu màu xanh tượng trưng cho mùa đông, màu trắng tượng trưng cho mùa xuân, thì có lẽ không có màu nào khác ngoài màu vàng có thể diễn tả được hết cái sắc hè rõ rệt ở núi rừng Việt Bắc. Mùa hè bắt đầu bằng tiếng ve kêu râm ran, từ tiếng ve kéo theo theo cả "rừng phách đổ vàng", khắp nơi nơi đều tràn ngập trong sắc vàng, nắng vàng, lá vàng, thậm chí đến cả cánh ve, tiếng ve dường như cũng vàng theo. Khung cảnh trở nên sinh động và nhộn nhịp vô cùng, hơn thế nữa chỉ một từ "đổ" thôi cũng diễn tả được cái hè ập đến núi rừng Tây Bắc một cách nhanh chóng và đồng loạt, nơi đây đã hoàn toàn xa rời cái mùa đông cắt da cắt thịt, cũng lột bỏ hoàn toàn lớp áo trắng tinh khôi thay vào đó là bộ cánh vàng rực rỡ, tươi vui mới mẻ. Khác với phong cảnh núi rừng có vẻ tràn đầy sức sống, rộn ràng, tươi vui thì hình ảnh con người hiện lên lại khá trầm lặng, dịu dàng với "cô em gái hái măng một mình". Sự tương phản ấy cũng tương tự như bức tranh mùa đông trầm buồn làm nổi bật hình ảnh con người khỏe khoắn, tự tin thì ở đây bức tranh nhiệt huyết mùa hè lại làm nổi bật nên hình ảnh lao động cần cù, hi sinh thầm lặng của con người Việt Bắc dành cho kháng chiến. Giọng thơ Tố Hữu trở nên trầm tĩnh, thân thuộc và mang nhiều tình cảm gắn bó tha thiết, thể hiện tấm lòng yêu thương, ân nghĩa sâu nặng với đồng bào nơi đây.
Cuối cùng kết thúc bức tranh tứ bình đặc sắc là bức tranh mùa thu với hình ảnh con người thông qua tiếng hát ân tình, phần này có nhiều nét khác biệt so với các bức tranh đông, xuân, hạ trước đó bởi nó không chỉ là mùa thu mà còn là thời điểm mang nhiều ý nghĩa đặc biệt của cách mạng, của dân tộc.
"Mùa thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"
Trái ngược với khung cảnh ban ngày sáng rõ với ánh nắng mặt trời ấm áp thì mùa thu lại hiện lên trong khung cảnh ban đêm với ánh trăng dịu hiền, thanh mát. Hình ảnh vầng trăng mang nhiều ý nghĩa biểu trưng, đó có thể hoài niệm về những đêm dài thức trắng đợi giặc, bầu bạn cùng với trăng trong "Đêm nay rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/Đầu súng trăng treo". Rồi vầng trăng tròn vành vạnh soi sáng đất nước và núi rừng Tây Bắc cũng là biểu hiện cho sự sum họp, ấm no, hạnh phúc, trăng cũng là biểu tượng của sự thủy chung tình nghĩa, chẳng phải từ cổ chí kim người ta vẫn thường lấy trăng làm minh chứng cho sự thề nguyền gắn bó hay sao. Đặc biệt trong bức tranh mùa thu con người không còn hiện lên với hình ảnh chuyên chú lao động, mà thay vào đó "tiếng hát hát ân tình thủy chung" đã gợi lên sự luyến tiếc, bịn rịn của những con người Việt Bắc trước giờ phút chia ly sau gần mười năm gắn bó keo sơn tựa ruột thịt, cùng chia ngọt sẻ bùi trong chiến đấu với các cán bộ cách mạng. Không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp của bức tranh mùa mùa thu mà Tố Hữu còn có dụng ý sâu xa khi để mùa thu là sự kết thúc của tranh tứ bình. Nếu chiếu theo từng giai đoạn lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp những năm 1946-1954 thì mùa đông chính là thời điểm cuộc kháng chiến bắt đầu, với nhiều khó khăn thử thách, quân dân ta còn gặp nhiều khó khăn trắc trở, mùa xuân biểu trưng cho giai đoạn ta đã bắt đầu quen dần với hoàn cảnh kháng chiến khắc nghiệt, niềm tin, niềm hy vọng vào chiến thắng dần trở nên lớn mạnh, để mùa hè chính là giai đoạn kháng chiến ác liệt nhất, có vai trò quyết định đối với lịch sử dân tộc. Và cuối cùng mùa thu năm 1954 kháng chiến kết thúc thắng lợi vẻ vang, hòa bình lặp lại, mùa thu có thể nói chính là mùa thu trái ngọt sau bao tháng ngày vất vả trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ.
Đoạn trích chỉ ngắn gọn 10 câu thế nhưng thông qua đó hình ảnh con người và thiên nhiên Việt Bắc đã được Tố Hữu tái hiện rất sinh động bằng ngòi bút tỉ mỉ và đôi mắt tinh tường với nhiều dáng vẻ khác nhau, mỗi dáng vẻ lại là một nét đẹp đặc sắc của nhân và cảnh. Làm nên thành công của bức tranh tứ bình không chỉ ở phần nội dung thơ mà còn có sự đóng góp rất lớn của phong cách trữ trình chính trị kết hợp nhuần nhuyễn với yếu tố văn học đậm đà bản sắc dân tộc, bằng thể thơ lục bát truyền thống, bằng bút pháp gợi tả chấm phá cổ điển, không chỉ vậy giọng điệu và ngôn ngữ thơ còn thấm đẫm ân tình thủy chung, rất đỗi truyền cảm và thân thuộc dễ dàng đi sâu vào lòng người đọc. Có thể nói rằng nhà thơ Tố Hữu xứng đáng có thêm một danh hiệu khác ấy là "ông hoàng của thơ tình yêu lãng mạn cách mạng".
Để hoàn thành tốt bài Tập làm văn số 3, Ngữ văn 12, bên cạnh đề số 4: Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: "Ta về, mình có nhớ ta..., các em học sinh có thể tham khảo thêm: Tính dân tộc trong bài thơ "Việt Bắc" (Tố Hữu) được biểu hiện cụ thể ở những phương diện nào? Trình bày vắn tắt và nêu dẫn chứng minh họa, Phân tích tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền tây Bắc Bộ và những người đồng đội qua đoạn thơ: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!... Mai Châu mùa em thơm nếp xôi." (Tây Tiến, Quang Dũng), Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc.... Sông Mã gầm lên khúc độc hành." (Tây Tiến, Quang Dũng), Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.