1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về khung cảnh ra trận trong bài thơ.
2. Thân bài:
2.1) Khái quát chung:
- Hoàn cảnh sáng tác: Tháng 10 - 1954, cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển từ Việt Bắc về thủ đô Hà Nội.
=> Cuộc chia tay lịch sử đó đã khiến Tố Hữu xúc động viết bài thơ.
2.2) Phân tích khung cảnh ra trận:
- Không gian: "Những đường Việt Bắc": Gợi không gian kì vĩ và không khí khẩn trương, sôi nổi của đoàn quân.
- "Rầm rập như là đất rung": Khí thế long trời, lở đất.
=> Nhấn mạnh sức mạnh phi thường của đoàn quân kháng chiến.
- "Quân đi điệp điệp trùng trùng": tạo nên âm vang của những khúc quân hành.
- "Ánh sao đầu mũ" : Gợi lí tưởng cách mạng sáng ngời của những người lính cách mạng.
- "Dân công đỏ đuốc từng đoàn": Hình ảnh đoàn dân công đang kiên cường tiếp lửa ra tiền tuyến.
- Nói quá "Bước chân nát đá" , "muôn tàn lửa bay": Thể hiện sức mạnh phi thường, không gì có thể ngăn cản được.
- "Đèn pha bật sáng như ngày mai lên": Niềm tin về một ngày không xa đất nước được thống nhất.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật.
+ Giá trị nội dung: Khung cảnh ra trận khí thế, thể hiện sức mạnh không gì ngăn cản được của đoàn binh.
+ Giá trị nghệ thuật: Sử dụng biện pháp tu từ như: so sánh, nói quá, giọng điệu thơ hào hùng thể hiện sức mạnh dân tộc.
Viết về hình ảnh những người lính trong chiến tranh là đề tài sáng tác của rất nhiều nhà thơ. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ vừa là khúc hát hào hùng ngợi ca nghĩa tình cách mạng, vừa là bản tình ca tươi xanh về tình cảm gắn bó giữa người với người. Đặc biệt, đoạn thơ "Những đường Việt Bắc của ta...Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng" đã làm nổi bật khung cảnh ra trận đầy khí thế của người lính.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Vậy nên, vào tháng 10 - 1954, Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển từ Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện có tính lịch sử đó, Tố Hữu đã xúc động viết bài thơ. Bài thơ đã mang đến cho người đọc nhiều cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên, tình người và nhất là khung cảnh cả Việt Bắc cùng nhau chuẩn bị cho chiến dịch:
"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan"
Nhà thơ đã mở ra một khung cảnh ra trận đầy khí thế, hào hùng của những người lính. Những từ láy giàu sức biểu cảm " đêm đêm", "rầm rập" kết hợp với biện pháp tu từ so sánh "như là đất rung" đã cho thấy sức mạnh to lớn của đoàn quân ta "điệp điệp trùng trùng". Việc sử dụng từ láy này, tác giả muốn nhấn mạnh những lớp người nối đuôi nhau không bao giờ dứt, không có điểm dừng. Tất cả đã tạo nên một sức mạnh làm rung chuyển trời đất. Trên con đường ra trận đó, người lính ngời sáng như ánh sao. Hình ảnh đó gợi cho người đọc nhiều liên tưởng khác nhau. Đó có thể là ngôi sao trên mũ. Hoặc đó là ánh sao của lí tưởng soi đường dẫn lối cho bước chân của người lính. Hình ảnh độc đáo đó khiến cho ta liên tưởng đến ý thơ "Đầu súng trăng treo" trong bài thơ Đồng chí. Nếu ánh trăng trong thơ Chính Hữu tượng trưng cho hòa bình, độc lập của dân tộc thì ánh sao trong thơ Tố Hữu lại tượng trưng cho lí tưởng cách mạng cao đẹp.
Khí thế ra trận hào hùng còn được thể hiện ở những câu thơ tiếp theo:
"Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên"
Những bó đuốc như soi đường cho bước chân của đoàn dân công. Từng đoàn người nối tiếp nhau tiến về phía trước để tiếp tế lương thực cho người chiến sĩ. Bằng việc sử dụng động từ mạnh "bật", tác giả đã gợi ra sức mạnh chiến đấu phi thường của nhân dân. Cuộc kháng chiến của cả dân tộc dù cho có trải qua "nghìn đêm" thì chúng ta vẫn không bao giờ chùn bước. Câu thơ "Đèn pha bật sáng như ngày mai lên" diễn tả niềm tin về một ngày không xa đất nước được thống nhất.
Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ như: so sánh, nói quá kết hợp với giọng thơ hào hùng, Tố Hữu đã làm nổi bật khung cảnh ra trận đầy hiên ngang của những người chiến sĩ. Chính vẻ đẹp và tinh thần đó đã làm nên mùa xuân độc lập, tự do cho đất nước. Qua đây, nhà thơ như gieo vào lòng người đọc khí thế ra trận hào hùng của cả dân tộc.
Dân tộc ta đã trải qua muôn vàn cuộc chiến đấu gian khổ. Áy vậy nhưng tinh thần anh dũng, sẵn sàng hiến dâng vẫn chưa bao giờ mất đi. Từ những người chiến sĩ ngoài mặt trận, từng đoàn dân công ngày đêm phục vụ Cách mạng hay cả phía hậu phương vững chãi, tất cả đều một lòng hướng về tương lai hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Qua "Việt Bắc", ta lại càng trân trọng sự bình yên ngày hôm nay. Từ đó, thêm biết ơn những hi sinh của những thế hệ trước đó.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Tố Hữu là một người chiến sĩ đã chiến đấu trực tiếp tại Việt Bắc. Vậy nên, khung cảnh ra trận cũng được nhà thơ tái hiện một cách chân thực và sâu sắc. Các em có thể tham khảo thêm các bài mẫu khác trên Taimienphi.vn như: Phân tích 12 câu trong đoạn 3 bài thơ Việt Bắc, Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc.