1. Dàn ý số 1: Phân tích, đánh giá "Thần Trụ Trời".
a. Mở bài:
- Giới thiệu truyện kể.
- Nêu cảm xúc của em về tác phẩm.
b. Thân bài:
- Giá trị chủ đề: "Thần Trụ Trời" lí giải quá trình phân chia trời, đất và sự hình thành các dạng địa hình: núi, sông, biển,...
- Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật:
+ Yếu tố không gian và thời gian mang tính chất cổ xưa.
+ Yếu tố kì ảo được sử dụng khi khắc họa hình ảnh thần Trụ Trời khiến cho nhân vật được lí tưởng hóa về ngoại hình và sức mạnh.
+ Ngôn từ, hình ảnh sinh động tạo ấn tượng cho người đọc.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.
2. Dàn ý số 2: Phân tích, đánh giá "Prô-mê-tê và loài người".
a. Mở bài:
- Giới thiệu truyện "Prô-mê-tê và loài người".
- Nêu cảm xúc của em về tác phẩm.
b. Thân bài:
- Chủ đề của truyện: Quá trình sáng tạo nên thế giới loài người và muôn vật:
+ Ê-pi-mê-tê dùng nước "nhào nặn", tạo ra loài người và con vật, đồng thời ban phát cho họ những thứ "vũ khí" để có thể phòng thân, bảo vệ cuộc sống của giống loài.
+ Prô-mê-tê khắc phục thiếu sót của người em -> làm lại dáng đứng và ban phát vũ khí đặc biệt cho con người.
- Ý nghĩa, giá trị của chủ đề:
+ Khát vọng muốn lí giải về nguồn gốc con người và thế giới muôn loài của người Hy Lạp xưa.
+ Ca ngợi công lao to lớn của các vị thần: Nhờ những sáng tạo của hai vị thần mà muôn vật được sinh sôi, nảy nở.
- Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật:
+ Yếu tố kì ảo được sử dụng trong việc khắc họa nhân vật vật 2 vị thần.
+ Xây dựng nhân vật hai vị thần có nét gần gũi với con người: thần Ê-pi-mê-tê có tính đãng trí, thần Prô-mê-tê có bộ óc thông minh và tài nhìn xa trông rộng.
+ Hình ảnh sinh động.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật.
- Nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.
3. Dàn ý Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo số 3: Phân tích, đánh giá "Cuộc tu bổ lại các giống vật".
a. Mở bài:
- Giới thiệu truyện "Prô-mê-tê và loài người".
- Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: chủ đề và nghệ thuật của truyện.
b. Thân bài:
- Chủ đề của truyện: Quá trình tu bổ lại các giống vật của Ngọc Hoàng và ba vị Thiên thần:
+ Diễn ra trong khoảng thời gian cổ sơ và không gian không cụ thể.
+ Ngọc Hoàng trước khi tạo ra con người đã nặn ra các vạn vật nhưng vì nóng vội nên một số động vật bị thiếu bộ phận trên cơ thể.
+ Ngài đã phái ba vị Thiên thần xuống núi để tu bổ lại các giống vật.
+ Ba vị Thiên thần dùng những nguyên liệu sẵn có để tái tạo, tu bổ và bù đắp những thiếu sót trên bộ phận của mỗi con vật.
- Ý nghĩa, giá trị của chủ đề: Lý giải về những đặc tính, tập quán của loài vật.
- Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật:
+ Cốt truyện đơn giản, thân thuộc với con người.
+ Sử dụng các yếu tố kì ảo, hư cấu.
+ Xây dựng nhân vật vị thần có nét gần gũi với con người: Ngọc Hoàng có tính nóng vội.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật.
- Nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.
4. Dàn ý số 4: Phân tích, đánh giá "Đi san mặt đất".
a. Mở bài:
- Giới thiệu truyện kể.
- Nêu cảm xúc của em về tác phẩm.
b. Thân bài:
- Chủ đề: Tác phẩm kể về công cuộc khai hoang đất đai của loài người. Con người góp sức, cùng nhau san mặt đất để làm ăn.
- Ý nghĩa:
+ Thần thoại "Đi san mặt đất" thể hiện ý thức cải tạo thiên nhiên để phục vụ đời sống con người của người Lô Lô cổ đại.
+ Tác phẩm bộc lộ cái nhìn ngây thơ, hồn nhiên của người xưa về thế giới tự nhiên.
+ Qua tác phẩm, tác giả dân gian cũng gửi gắm tình cảm yêu mến, ngợi ca đối với công ơn của các thế hệ ông cha đi trước.
- Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật:
+ Yếu tố không gian và thời gian mang tính chất cổ xưa.
+ Thần thoại "Đi san mặt đất" được viết bằng thơ khiến cho người ta dễ nhớ, dễ thuộc.
+ Biện pháp tu từ nhân hóa (nhân hóa loài vật) cũng tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm.
+ Ngôn từ, hình ảnh sinh động phản ánh chân thực không gian sinh hoạt của người Lô Lô xưa.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.
1. Bài viết mẫu số 1: Phân tích, đánh giá truyện "Thần Trụ Trời"
Ngay từ thời nguyên thủy, để phục vụ cho đời sống sinh hoạt và quá trình lao động, con người đã quan sát, suy ngẫm về các hiện tượng tự nhiên có liên quan mật thiết tới mình. Từ quá trình quan sát kết hợp với trí tưởng tượng hồn nhiên, họ đã sáng tạo ra những câu chuyện thần thoại nhằm giải thích hiện tượng tự nhiên và thể hiện ước mơ khám phá, chinh phục chúng. "Thần Trụ Trời" thuộc nhóm thần thoại suy nguyên, tác phẩm được coi như truyện mở đầu cho thần thoại về các vị thần. Sau này có thêm nhiều tác phẩm thần thoại về các vị thần khác như: Thần Mưa, thần Gió, thần Biển, thần Mặt Trời,...; tiếp đó là các truyện về thần sáng tạo ra muôn vật và loài người.
Qua thần thoại "Thần Trụ Trời", người Việt cổ muốn lý giải quá trình phân chia trời, đất và sự hình thành các dạng địa hình. Các dân tộc anh em khác trên thế giới cũng có nhiều truyện thú vị lý giải về sự hình thành thế giới buổi ban đầu như vậy. Trong nhận thức của con người cổ, thế giới được hình thành dưới sự sắp xếp của các vị thần.
"Thần Trụ Trời" là một tác phẩm thần thoại tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam. Kết cấu truyện "Thần Trụ Trời" cũng giống như các tác phẩm khác, gồm ba phần: mở đầu, diễn biến, kết thúc. Yếu tố không gian và thời gian được nhắc tới ngay khi mở đầu tác phẩm. Không gian âm u, tĩnh lặng "trời và đất" dính liền vào nhau, không gian vũ trụ không thể hiện một điểm cụ thể. Thời gian trong tác phẩm chưa xác định rõ ràng, thể hiện rõ "tính chất cổ xưa". Nhân vật thần Trụ Trời được khắc họa có vóc dáng lớn lao cùng sức mạnh phi thường nhằm thực hiện công việc phân chia trời đất và tạo ra các dạng địa hình.
Bằng trí tưởng tượng phong phú, các tác giả dân gian đã khiến chúng ta hình dung ra không gian hoang sơ của trái đất khi chưa xuất hiện muôn loài và sự ra đời của thần Trụ Trời. Trời đất tăm tối, không có sự sống: "Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm, lạnh lẽo", "Thuở ấy, chưa có thế gian, cũng chưa có muôn vật và loài người". Chính lúc vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, thần Trụ Trời xuất hiện "Bỗng nhiên, một vị thần khổng lồ xuất hiện". Sự ra đời của thần là cách các tác giả dân gian giải thích về quá trình tạo lập thế giới dựa trên những hiểu biết giản đơn và nguyên sơ.
Thần Trụ Trời được khắc họa một cách ấn tượng qua những chi tiết kì ảo. Khi vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, thần xuất hiện. Ngoại hình của thần Trụ Trời nổi bật với vóc dáng khổng lồ "Chân thần dài không thể tả xiết. Thần bước một bước là có thể qua từ vùng này đến vùng nọ, hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác". Không chỉ vậy, thần còn có sức vóc mạnh mẽ, điều này được thể hiện qua những hành động "Bỗng có một lức thần đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên, rồi tự mình đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời", "Thần hì hục vừa đào vừa đắp". Quá trình phân chia trời đất và tạo ra dạng địa hình của thần Trụ Trời được diễn tả hết sức đặc biệt: Thần "ngẩng đầu đội trời", sau đó, tự mình đào đất, đập đá dựng nên một cái cột chống trời. Chẳng bao lâu sau, dưới sự chống đỡ của trụ trời, trời đất được phân đôi. Đến khi trời trở nên "đã cao và đã khô", thần bỗng nhiên phá cột đi, lấy đá ném khắp nơi tạo thành những hòn núi, hòn đảo. Nơi thần đào đất làm cột trụ trời trở thành biển rộng mênh mông. Sau này, người ta gọi vị thần đó là "Trời" hay "Ngọc Hoàng" - vị thần này làm nhiệm vụ trông coi mọi việc trên trời dưới đất. Các vị thần khác cũng nối tiếp làm nhiệm vụ còn dang dở để xây dựng thế gian như: thần Sao, thần Sông, thần Biển,...
Kết thúc truyện là một bài vè độc đáo và giàu ý nghĩa: "Ông Đếm cát/ Ông Tát bể (biển)/ Ông Kể sao/ Ông Đào sông/ Ông Trồng cây/ Ông Xây rú (núi)/ Ông Trụ trời.". Với ca từ dễ nhớ, dễ thuộc, bài vè dễ dàng đi vào trái tim người nghe. Các vị thần tiếp tục hoàn thiện nhân gian được liệt kê và đúc kết lại bằng câu "Ông Trụ Trời" nhằm thể hiện sự biết ơn công lao của thần Trụ Trời trong quá trình tạo ra trời đất và các dạng địa hình trong cuộc sống.
Qua thần thoại "Thần Trụ Trời", chúng ta hiểu thêm về tư duy của người Việt cổ trong việc giải thích quá trình phân chia trời, đất và hình thành các dạng địa hình tự nhiên. Đồng thời, ta cũng cảm nhận được sự ngây thơ trong tâm hồn và ước mơ khám phá thế giới của con người nguyên thủy.
2. Bài viết mẫu Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể số 2: Phân tích, đánh giá "Prô-mê-tê và loài người"
Thần thoại Hy Lạp với sức sống bền bỉ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc trên toàn thế giới. Đặc biệt, "Prô-mê-tê và loài người" là một truyện kể tiêu biểu của kho tàng thần thoại ấy. Những đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật đã góp phần làm nên thành công của truyện.
Từ nhan đề "Prô-mê-tê và loài người", chúng ta dễ dàng nhận ra nội dung và chủ đề của truyện. Truyện kể về việc hai vị thần Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê sáng tạo ra loài người và thế giới muôn loài, ban phát cho họ những thứ "vũ khí" để có thể phòng thân, bảo vệ cuộc sống của giống loài. Qua đó, câu chuyện đã thể hiện cách lí giải của người Hy Lạp xưa về nguồn gốc loài người và muôn vật.
So với các truyện kể dân gian khác, truyện thần thoại mang những đặc trưng riêng biệt, thể hiện qua các yếu tố như không gian, thời gian. Với "Prô-mê-tê và loài người", hai yếu tố ấy được khắc họa rõ nét qua không gian vũ trụ buồn tẻ, khung cảnh khi đó "chỉ mới có các vị thần", "mặt đất mênh mông" và thời gian chưa xác định rõ ràng "thuở ấy". Chính bởi vậy, hai anh em Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê - những vị thần cai quản lúc bấy giờ đã xin phép U-ra-nôx và Gai-a tạo ra thêm nhiều thứ gì đó để thế gian có cuộc sống vui vẻ, đông đúc hơn. Nhận được sự ưng thuận, thần Ê-pi-mê-tê quá vui mừng nên tranh ngay lấy công việc và quyết định giao việc xem xét, sửa chữa cho người anh Prô-mê-tê. Ê-pi-mê-tê hoàn toàn đắm chìm trong công việc nhào nặn ra các loài vật với những thứ vũ khí riêng biệt. Có loài thì được ban đặc ân "chạy nhanh như gió", có loài thì "đôi mắt sáng xanh nhìn thấu cả đêm đen", có loài lại "thân hình khổng lồ mạnh khỏe hết chỗ nói", hay có loài "thân hình bé nhỏ nhưng lại có nọc độc ghê gớm. Nhờ sự sáng tạo, thần E-pi-mê-tê đã tạo ra thế giới muôn vật phong phú cùng những thứ vũ khí phòng thân hoàn toàn khác nhau. Mỗi loài vật đều mang trong mình sức mạnh riêng biệt để có thể phòng hộ và bảo vệ giống loài. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thành công việc nhào nặn ra con người và muôn vật ấy, thần Ê-pi-mê-tê cũng không tránh khỏi những thiếu sót. Vì sự đãng trí của bản thân, thần đã quên không ban phát vũ khí tự vệ cho loài người "chàng Ê-pi-mê-tê đần độn lại quên mất chẳng ban cho một đặc ân, một "vũ khí" gì. Đó là con người! Một con người, nhưng trần trụi, trần trụi hoàn toàn". Đứng trước hoàn cảnh như vậy, người anh Prô-mê-tê với "bộ óc thông minh, có tài nhìn xa trông trộng" đã quyết tâm khắc phục thiếu sót của em mình. Trước hết, thần Prô-mê-tê dựa theo thân hình của các vị thần mà tái tạo lại dáng đứng của con người "cho họ có một thân hình đẹp đẽ thanh tao", để họ có thể đứng thẳng và đi bằng đôi chân "để đôi tay được thảnh thơi làm nhiều việc khác". Tiếp đó, thần nhận ra sự "non yếu" của con người nên quyết định "phải làm cho con người mạnh hơn hẳn con vật thì mới có thể sống được trong thế gian này". Chính vì thế, thần đã tới tận cỗ xe lửa của thần Mặt Trời để lấy lửa và đem xuống trao cho loài người. Từ đây, loài người được ban phát thứ "vũ khí" đặc biệt và ẩn chứa sức mạnh hơn các vật khác. Cuộc sống con người dần thoát khỏi cảnh tối tăm, lạnh lẽo, đói khát của thế gian. Ngọn lửa mà Prô-mê-tê ban tặng chính là ngọn lửa thiêng liêng, bất diệt. Ngọn lửa ấy đã đưa con người đến với cuộc sống văn minh, hạnh phúc:
"Và từ đó dẫu mong manh và bấy yếu
Giống loài người đã có ngọn lửa của Prô-mê-tê
Ngọn lửa thiêng dạy cho họ biết bao nghề".
Có thể thấy, truyện "Prô-mê-tê và loài người" đã làm nổi bật chủ đề của thể loại truyện thần thoại: lí giải về nguồn gốc của loài người và thế giới muôn vật. Đồng thời, qua tác phẩm này, chúng ta cũng thấy được trí tưởng tượng phong phú cùng những sáng tạo tinh tế của người Hy Lạp xưa. Họ có cách lí giải thú vị về cuộc sống xung quanh mình và biết cách gửi gắm tấm lòng ngợi ca công lao to lớn của mỗi vị thần.
Những sáng tạo về hình thức nghệ thuật đã góp phần làm nên thành công chủ đề của truyện. "Prô-mê-tê và loài người" có cốt truyện đơn giản, quen thuộc. Truyện đã khắc họa hình ảnh hai vị thần Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê một cách sống động thông qua việc sử dụng các yếu tố kì ảo. Nhờ có các yếu tố kì ảo, hai vị thần hiện lên với sức mạnh phi thường, tài năng vượt trội mà con người không thể có được "lấy đất và nước nhào nặn, trước hết, là các loài vật", "Prô-mê-tê liền băng ngay lên bầu trời cao xa tít tắp đến tận cỗ xe của thần Mặt Trời Hê-li-ôx lấy lửa của thần Mặt Trời châm vào ngọn đuốc của mình". Bên cạnh đó, nhân vật hai vị thần cũng được người Hy Lạp xưa phác họa dựa theo nét gần gũi, thân thuộc với loài người. Đó là hình ảnh thần Ê-pi-mê-tê "đần độn", đãng trí khi quên ban phát vũ khí phòng hộ cho con người. Đó còn là thần Prô-mê-tê thông minh, có tầm nhìn xa trông rộng khi khắc phục các thiếu sót mà em mình để lại. Ngoài ra, truyện còn thành công trong việc sử dụng các hình ảnh thú vị, sinh động. Hình ảnh thế giới muôn vật sau khi được thần Ê-pi-mê-tê tạo ra đã kích thích chúng ta tưởng tượng, hình dung về dáng vẻ của mỗi con vật. Hay hình ảnh thần Prô-mê-tê băng lên trời xanh, tới chỗ của nữ thần Mặt Trời để lấy lửa trao cho con người cũng giúp chúng ta cảm nhận được sức mạnh siêu nhiên của các vị thần.
Xuất phát từ mong muốn có cuộc sống văn minh và tươi sáng hơn, người Hy Lạp xưa đã lý giải một cách thú vị về thế giới con người và muôn vật qua "Prô-mê-tê và loài người". Với những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, truyện đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Mong rằng, mỗi người chúng ta hãy biết giữ gìn và vun đắp các truyện kể dân gian đến từ nhiều nền văn minh trên thế giới, để chúng luôn sống mãi trong kí ức của nhiều thế hệ.
3. Bài văn mẫu Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể số 3: Phân tích, đánh giá truyện "Cuộc tu bổ lại các giống vật"
Với cách lí giải nguồn gốc muôn loài một cách thú vị, "Cuộc tu bổ lại các giống vật" đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Truyện được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và in trong "Lược khảo về thần thoại Việt Nam". Đặc biệt, truyện còn được coi là tác phẩm độc đáo về chủ đề và đặc sắc trong hình thức nghệ thuật.
"Cuộc tu bổ lại các giống vật" xoay quanh việc Ngọc Hoàng nặn ra vạn vật trước khi tạo nên con người. Trong quá trình hoàn thành công việc, một phần do thiếu các nguyên liệu, một phần do sự nóng vội, các con vật được hình thành nhưng chưa đầy đủ bộ phận trên cơ thể. Chính vì vậy, để khắc phục những thiếu sót ấy, Ngọc Hoàng đã phái ba vị Thiên thần xuống trần gian để tu bổ, bù đắp các bộ phận còn thiếu. Qua câu chuyện, tác giả dân gian đã lí giải một cách thú vị về đặc điểm, tập quán của một số loài vật thân thuộc với cuộc sống con người như vịt, chó, chim.
Quá trình Ngọc Hoàng tạo ra muôn vật diễn ra vào buổi sơ khai, khi ấy thế gian còn chưa xuất hiện loài người "trước khi sáng tạo ra con người đã nặn ra vạn vật". Trong khoảng không gian vũ trụ rộng lớn mà buồn tẻ đó, Ngọc Hoàng mong muốn "có một thế giới ngay trong một sớm một chiều" nên đã nặn ra vạn vật. Tuy nhiên, vì không có đủ nguyên liệu và vội vàng muốn thế giới đông vui hơn, nhiều con vật được tạo ra nhưng chưa hoàn thiện về cơ thể. Để khắc phục thiếu sót ấy, Ngọc Hoàng đã phái ba vị Thiên thần xuống núi cùng các nguyên liệu để tiến hành công cuộc tu bổ. Quyết định này được truyền xuống trần gian đã làm vạn vật mừng rỡ và hạnh phúc "Tin ấy ban bố ra, mọi giống vật đều tranh nhau tìm đến nơi ở của Thiên thần để xin những thứ mà mình cần thiết". Với những cố gắng và sự tận tình, ba vị Thiên thần sau ba ngày ở hạ giới gần như hoàn thành công việc được giao phó, "cố lo làm tròn nhiệm vụ". Mọi giống vật sau khi được tu bổ đều mãn nguyện và vui vẻ bởi cuối cùng cơ thể cũng hoàn thiện "khi ra về đều lấy làm thỏa mãn". Tuy nhiên, trong thời gian bù đắp, ba loài vật là vịt, chó và chim vì đến muộn nên ba vị Thiên thần đã tận dụng các nguyên liệu còn thừa để hoàn thiện những cái chân còn thiếu của chúng. Các vị Thiên thần "bẻ tạm chân ghế chắp một chân cho con vịt và một chân sau bị thiếu cho con chó", "bẻ một nắm chân hương, gắn cho chúng mỗi con một đôi làm chân". Nhờ tấm lòng tốt bụng của ba vị Thiên thần, vịt, chó và chim đã có đầy đủ bộ phận giống như các loài vật khác. Song, chúng lại không hoàn toàn vui vẻ khi cơ thể được hoàn thiện, mà lại hết sức lo lắng "Chết nỗi. Chân như thế này thì đậu thế nào cho vững được". Qua những chi tiết như vậy, ta thấy được các quan sát tỉ mỉ của con người thời cổ về đặc điểm, tập tính của loài vật. Họ phát hiện ra những điều lý thú gắn với đặc tính trên bộ phận mỗi loài và mong muốn nhận được lời giải đáp chính xác. Cứ như thế, bằng trí tưởng tượng phong phú, họ đã sáng tạo nên các câu chuyện dí dỏm gắn liền với chiếc chân sau của chó, chiếc chân còn thiếu của vịt "Vì thế mà sau này hai giống vật ấy lúc nào ngủ đều có một cẳng giơ lên cho nó khô ráo" và đôi chân mềm yếu của các loài chim cùng thói quen chới với ba lần trước khi đậu "Bao giờ muốn dùng nó thì đặt nhớm chân xuống đất xem có vững không đã rồi hãy bay đậu". Với những lí giải thú vị, chủ đề của truyện "Cuộc tu bổ lại các giống vật" không còn khắc họa hình ảnh đào non, lấp biển, phân chia trời đất mà trở nên gần gũi, quen thuộc khi xoay quanh các sự vật, hiện tượng gắn liền với chính đời sống hàng ngày của con người.
Đặc sắc về hình thức nghệ thuật cũng góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Trước hết, truyện có cốt truyện đơn, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Nội dung chính của truyện chỉ đơn giản xoay quanh các lý giải thú vị về đặc điểm, tập quán của vịt, chim, chó,... Và để cho truyện trở nên hấp dẫn và sống động hơn, các tác giả dân gian đã sử dụng sáng tạo yếu tố kì ảo, hư cấu. Đặc biệt là trong việc khắc họa vật các vị thần Ngọc Hoàng và ba vị Thiên thần với sức mạnh phi thường "Ngọc Hoàng trước khi sáng tạo ra con người đã nặn ra các vật", "ba vị Thiên thần mang nguyên liệu xuống núi để làm công việc tu bổ, bù đắp cho những con vật nào mà cơ thể còn chưa đầy đủ". Yếu tố kì ảo cũng được vận dụng linh hoạt, thể hiện qua công cuộc tu bổ, bù đắp những thiếu sót bộ phận cơ thể của mỗi loài vật. Ngoài ra, một trong những đặc sắc về nghệ thuật phải kể đến là cách xây dựng nhân vật. Trước hết, các tác giả dân gian đã khắc họa thành công hình ảnh Ngọc Hoàng - vị thần quen thuộc trong truyện thần thoại, có sức mạnh siêu nhiên và tài năng vượt trội khi tạo ra con người và thế giới muôn loài. Tiếp đến, Ngọc Hoàng cũng là vị thần có nét gần gũi với con người khi nóng vội "muốn tạo ra thế giới ngay trong một sớm một chiều".
Qua những phân tích, đánh giá trên đây, chúng ta thấy được truyện "Cuộc tu bổ lại các giống vật" là một truyện thần thoại có chủ đề hấp dẫn cùng các sáng tạo độc đáo về hình thức nghệ thuật. Truyện đã làm phong phú hơn nữa chủ đề lớn của thể loại thần thoại - quá trình tạo lập thế giới, muôn loài.
Truyện "Cuộc tu bổ lại các giống vật" đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc với cách lí giải thú vị của con người thời cổ về các đặc tính, tập quán của loài vật quen thuộc với đời sống. Từ đây, chúng ta càng thêm trân trọng và hiểu biết về trí tưởng tượng và các sáng tạo của dân gian xưa.
4. Bài văn mẫu Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể số 4: Phân tích, đánh giá truyện "Đi san mặt đất"
"Đi san mặt đất" trích "Mẹ Trời, Mẹ Đất" là tác phẩm thần thoại bằng thơ nổi tiếng của người Lô Lô. Cũng như các thần thoại khác, tác phẩm ra đời nhằm giải thích hiện tượng tự nhiên và thể hiện ước mơ khám phá thế giới, chinh phục chúng của người Lô Lô. Bằng sự quan sát tinh tế và trí tưởng tượng phong phú, người Lô Lô đã sáng tạo ra những câu chuyện thần thoại bằng thơ ấn tượng, đi sâu vào lòng người đọc.
Trong nhận thức của người Lô Lô xưa, quá trình tạo lập thế giới do bàn tay con người tái tạo. Tuy người Lô Lô xưa có nhận thức khá nguyên sơ nhưng họ đã thể hiện ý thức cải tạo thiên nhiên để phục vụ cuộc sống. Tác phẩm như một khúc ca khẳng định vai trò của con người trong quá trình tạo lập thế giới.
"Đi san mặt đất" ca ngợi công lao của con người trong quá trình cải tạo thiên nhiên. Ngay từ đầu tác phẩm, ta có thể nhận thấy đặc trưng của truyện thần thoại qua các yếu tố không gian, thời gian. Người Lô Lô xưa đã khắc họa thời gian, không gian sống của con người khi chưa san phẳng bầu trời và mặt đất một cách sinh động, gần gũi. Thời gian mang tính chất cổ xưa được tái hiện trong tác phẩm "Ngày xưa, từ rất xưa/ Người già không nhớ nổi/ Mấy trăm, mấy nghìn đời/ Ngày xưa, từ rất xưa/ Người trẻ không biết tới/ Mấy nghìn, mấy vạn năm". Từ "xưa" được lặp lại bốn lần kết hợp với các cụm từ "mấy trăm", "mấy nghìn đời", "mấy nghìn", "mấy vạn năm" làm thời gian như dài ra vô cùng vô tận. Không gian lịch sử của tác phẩm nổi bật lên là không gian bản làng, không gian sinh tồn của cộng đồng, dân tộc. Đó là không gian miền núi với thượng nguồn, núi non về cây cối "Người mặt đất ăn chung/ Cùng đi và cùng ở/ Trồng bắp trên núi cao/ Uống nước từ bụng đá/ Người mặt đất sống chung/ Cùng ở và cùng đi".
Bởi vì "Bầu trời nhìn chưa phẳng/ Mặt đất còn nhấp nhô" ảnh hưởng việc sinh sống và đi lại nên con người phải đi san phẳng để làm ăn. Cách nói này cũng thể hiện khát vọng tìm kiếm những vùng trời, vùng đất mới còn nhấp nhô để người Lô Lô mở rộng và chinh phục. Và việc san phẳng bầu trời, mặt đất là việc chung vì vậy cần có sự hỗ trợ của muôn loài. Bằng ngôn từ tinh tế, thể thơ năm chữ và nhịp thơ linh hoạt, tác giả dân gian đã khắc họa quá trình san phẳng bầu trời và mặt đất một cách sống động. Trước tiên họ chọn trâu sừng cong, dài, sau đó đeo cái ách cho trâu để trâu đi cày, bừa san mặt đất "Kiếm con trâu sừng cong/ Chọn con trâu sừng dài/ Đẽo cho trâu cái ách/ Đục lỗ ách luồn dây. Chão dẻo làm dây cày/ Thừng dài làm dây bừa/ Trâu cày bừa san mặt đất". Cách diễn tả này khiến ta hình dung quá trình san mặt đất của người Lô Lô xưa chính là cách họ lao động, trồng trọt kiếm sống. Cuộc đi san mặt đất của họ gắn liền với con trâu - con vật gần gũi cho người làm nông "con trâu là đầu cơ nghiệp".
Các loài động vật được nhân hóa cũng góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm. Những loài vật: trâu, chuột chũi, cóc, ếch đều tham gia vào quá trình đi san mặt đất "Người tìm hang chuột chũi/ Gọi hắn, hắn rung râu/ "Suốt ngày trong lòng đất/ Tôi có thấy trời đâu"/ Người lại tìm cóc, ếch/ Đứa tặc lưỡi ngồi nhìn/ Đứa thì kêu ộp oạp:/ "Chân tay tôi đều ngắn/ San mặt đất sao nên?/ Để chúng tôi gọi lên/ Xin trời đổ nước xuống!". Người Lô Lô chung tay san mặt đất để làm ăn, họ không quản ngại mệt nhọc, khó khăn. Họ nghĩ rằng đó là việc của chung, muốn chinh phục thiên nhiên cần có sự đoàn kết "Chẳng quản gì nhọc mệt/ San đất là việc chung", "Giống nào cũng không đi/ Người gọi nhau làm lấy/ Nhiều sức, chung một lòng/ San mặt đất cho phẳng/ Nhiều tay chung một ý/ San mặt đất làm ăn". Nếu thần thoại "Thần Trụ Trời" của người Kinh thần linh là hình tượng trung tâm thì trong "Đi san mặt đất", con người đã trở thành chủ thể.
Xuyên suốt văn bản thể hiện nguyên nhân và quá trình con người phải đi san phẳng bầu trời và mặt đất. Với trí tưởng tượng sáng tạo, người Lô Lô xưa đã khiến thần thoại bằng thơ của họ đi sâu vào lòng người nghe. Những câu thơ không chỉ thể hiện khao khát, ước mơ của người dân trong quá trình chinh phục thiên nhiên mà còn phản ánh đời sống sinh hoạt người Lô Lô xưa một cách tinh tế.
Thần thoại "Đi san mặt đất" đã bộc lộ cái nhìn ngây thơ, hồn nhiên của người xưa về thế giới tự nhiên. Tác giả dân gian cũng gửi gắm trong tác phẩm tình cảm yêu mến, ngợi ca đối với công ơn của các thế hệ ông cha đi trước. Tác phẩm đã đem đến cho người đọc những cảm nhận mới mẻ về cách giải thích thế giới tự nhiên của người Lô Lô cổ đại.
-----------------------------------------HẾT---------------------------------------
Phân tích, đánh giá một truyện kể là một kỹ năng cần thiết khi đọc hiểu các tác phẩm văn học. Hi vọng, qua bài tham khảo này, em sẽ tích lũy cho mình nhiều kiến thức bổ ích về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm: Thần Trụ Trời, Prô-mê-tê và loài người, Cuộc tu bổ lại các giống vật, Đi san mặt đất thuộc môn Ngữ văn lớp 10, bộ sách Chân trời sáng tạo.
Để nâng cao khả năng viết bài của mình, em có thể tham khảo các bài văn mẫu lớp 10 khác như:
- Soạn bài Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo
- Soạn bài Ôn tập bài 1, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo