1. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
2. Thân đoạn:
2.1. Nêu cảm xúc về nội dung:
a. Bức tranh thiên nhiên:
* Những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu mùa thu:
- Hình ảnh thiên nhiên: "hương ổi", "gió se", "sương".
=> Đây đều là những hiện tượng báo hiệu mùa thu về.
- Động từ "phả": gợi ra sự hòa quyện giữa hương ổi, gió se.
- Từ láy "chùng chình": thể hiện sự chậm rãi, thong thả.
* Vẻ đẹp của thiên nhiên trong khoảnh khắc chuyển mùa từ hạ sang thu:
- Hình ảnh đối lập: sông "dềnh dàng" với chim "vội vã".
+ Sông không còn cuồn cuộn, chảy xiết như mùa hè mà chuyển sang trạng thái yên ả, chậm chạp.
+ Chim trở nên vội vã, gấp gáp hơn để tránh trú cái lạnh.
- Hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu: biện pháp nhân hóa nhằm khắc họa thời gian chuyển giao giữa hai mùa.
b. Cảm xúc của nhân vật trữ tình:
- Cụm từ "bỗng nhận ra" cho thấy sự bất ngờ trong cảm nhận của nhân vật trữ tình.
- Từ "hình như": sự phỏng đoán, không chắc chắn, xuất phát từ sự ngỡ ngàng khi mùa thu đến.
* Nêu cảm xúc về nghệ thuật:
- Thể thơ năm chữ ngắn gọn.
- Hệ thống từ láy giàu sức gợi hình.
- Biện pháp tu từ nhân hóa đặc sắc.
3. Kết đoạn:
- Khái quát cảm xúc, tình cảm về hai khổ thơ.
Với hai khổ thơ đầu bài thơ "Sang thu", nhà thơ Hữu Thỉnh đã đem đến cho em những ấn tượng sâu sắc về bức tranh thiên nhiên mùa thu. Ngay từ khổ thơ đầu tiên, ông đã đưa mắt quan sát sự chuyển mình của tự nhiên thông qua các hình ảnh như "hương ổi", "gió se", "sương". Từ "bỗng" cho thấy sự bất ngờ trong cảm nhận của tác giả. Ông nhận ra hương thơm của ổi đang lan tỏa khắp không gian, báo hiệu mùa thu về. Những từ ngữ diễn tả sự chuyển động của thiên nhiên như "phả", "chùng chình" đã đem đến cho em hình dung về khung cảnh chớm thu sinh động và trữ tình. Từ láy "chùng chình", "dềnh dàng" gợi cho em cảm giác vạn vật như cố ý chậm lại, rất thong thả, chậm chạp khi thu sang. Trời chuyển sang thu cũng là lúc đàn chim bắt đầu trở nên "vội vã", chúng gấp gáp, vội vàng hơn để tránh trú cái lạnh. Tác giả còn đặc biệt sử dụng biện pháp nhân hóa trong câu thơ "Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu" để khắc họa thời khắc chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Hai câu này đã cho thấy sự nhạy cảm trong cách quan sát của nhà thơ. Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn cùng hình ảnh thơ trong sáng, hệ thống từ ngữ giàu sức gợi hình, nhà thơ đã khắc họa thành công sự chuyển mình của đất trời. Hai khổ thơ đã diễn tả đầy tinh tế bức tranh thiên nhiên khi thu về, để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc.
Mỗi lần đọc hai khổ thơ đầu bài "Sang thu", em không khỏi rung động, xuyến xao trước khả năng quan sát tinh tế của tác giả Hữu Thỉnh. Hai khổ thơ đầu đã diễn tả thành công sự chuyển mình của thiên nhiên trong khoảnh khắc chuyển giao từ cuối hạ sang thu. Từ "bỗng" cho thấy sự phát hiện đầy bất ngờ ở nhà thơ. Những từ ngữ, hình ảnh diễn tả chuyển động của tự nhiên như "phả vào trong gió se", "sương chùng chình qua ngõ" đã gợi cho em liên tưởng về một khung cảnh nên thơ, trữ tình. Mùi hương của ổi theo gió lạnh lan tỏa khắp không gian. Từ láy "chùng chình" khiến em cảm giác sương cũng trở nên chậm chạp, cố ý nán lại trước mỗi nơi mình đi qua. Con ngõ nhỏ lúc này bị bao trùm trong không khí se lạnh của mùa thu. Những điều này dường như vẫn chưa đủ để nhân vật trữ tình chắc chắn thu về nên chỉ phỏng đoán một cách vô cùng dè dặt. Từ "hình như" đã diễn tả trọn vẹn cảm xúc ấy. Đến khổ thứ hai, sự chuyển biến, giao mùa đã rõ rệt hơn. Tác giả đã sử dụng thủ pháp đối lập giữa một bên là sự hiền hòa, thong thả của dòng nước với một bên là sự vội vàng của đàn chim. Biện pháp nhân hóa "Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu" đã khắc họa sự chuyển giao giữa hai mùa. Đám mây mềm mại đang dần khoác lên mình chiếc áo mới và tiến gần hơn đến mùa thu. Bên cạnh sự độc đáo về mặt nội dung, ta không thể bỏ qua nét hấp dẫn của các yếu tố nghệ thuật. Thể thơ năm chữ ngắn gọn cùng biện pháp tu từ nhân hóa, từ láy giàu sức gợi hình đã góp phần miêu tả sự thay đổi của vạn vật khi chớm thu. Em thật sự yêu thích hai khổ thơ này.
Đọc bài thơ "Sang thu" - Hữu Thỉnh, em đặc biệt yêu thích hai khổ thơ đầu. Nhà thơ đã khéo léo khắc họa sự thay đổi của sự vật, hiện tượng vào cuối hạ đầu thu. Mọi từ ngữ, hình ảnh trong hai khổ thơ như đánh thức tất cả các giác quan của người đọc. Ông đem đến cho em cảm nhận về mùi thơm của hương ổi phả trong gió, về trạng thái mơ hồ của màn sương đang giăng mắc khắp không gian. Từ "bỗng" cho thấy phát hiện đầy bất ngờ trong khoảnh khắc thoáng qua của tác giả. Câu thơ "Hình như thu đã về" cho thấy sự phỏng đoán một cách dè dặt, không chắc chắn. Có lẽ, điều này xuất phát từ sự ngỡ ngàng khi thu sang. Những cánh chim dần trở nên vội vã, gấp rút bay về phương Nam ấm áp. Dòng sông cũng trở nên thong thả hơn khi thu về. Để khắc họa chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, nhà thơ còn sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa trong câu thơ "Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu". Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn cùng ngôn ngữ giàu sức gợi, tác giả đã đem đến cho em những liên tưởng vô cùng tinh tế, sống động về bức tranh thiên nhiên chớm thu. Đối với em, hai khổ thơ trong bài luôn có sức hấp dẫn đặc biệt.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Những biến chuyển của trời đất vào lúc cuối hạ đầu thu đã được nhà thơ Hữu Thỉnh khắc họa rõ nét trong hai khổ thơ đầu. Để viết đoạn văn cảm nhận về hai khổ thơ đầu bài thơ, các em cần nêu được ấn tượng của mình trước nội dung, nghệ thuật tác phẩm. Đừng bỏ lỡ bài văn mẫu lớp 7 cùng chủ đề như: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ và cảm xúc của em sau khi đọc hai khổ thơ đầu bài thơ Sang thu hay bài Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.