Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Con là... là con của chủ đề Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ Ngữ văn 6. Các em gặp đề lớn này có thể viết nêu cảm xúc về bài thơ Con là...
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ.
2. Thân đoạn:
a. Cảm xúc về nội dung: Bài thơ ca ngợi tình cảm thiêng liêng mà người cha dành cho đứa con thân yêu của mình.
- Người cha định nghĩa tầm quan trọng của đứa con trong cuộc đời của mình thông qua những hình ảnh hết sức gần gũi: "to bằng trời", "nhỏ bằng hạt vừng", "sợi tóc".
- "Nỗi buồn", "niềm vui", "sợi dây hạnh phúc" => đây là những từ ngữ diễn tả các cung bậc trạng thái cảm xúc khác nhau của con người. Việc người cha ví con với các cung bậc này đã cho thấy tình yêu vô bờ mà cha dành cho con.
=> Con chính là nguồn sống vô tận, đem đến cho cha những điều tuyệt vời, ý nghĩa trong cuộc sống.
b. Cảm xúc về nghệ thuật:
- Biện pháp tu từ độc đáo: điệp cấu trúc "con là", "dù"; biện pháp so sánh "to bằng trời", "nhỏ bằng hạt vừng", "mảnh hơn sợi tóc"; tương phản đối lập "nhỏ bằng hạt vừng/ Ăn mãi không bao giờ hết".
- Bài thơ ngắn gọn nhưng dạt dào cảm xúc.
3. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
Khi đọc bài thơ "Con là..." của nhà thơ Y Phương, em vô cùng xúc động trước tình cảm chân thành mà người cha dành cho đứa con. Tác phẩm là tiếng nói thành thật, xuất phát từ đáy lòng của người cha - nhân vật trữ tình trong văn bản. Người cha định nghĩa tầm quan trọng của đứa con trong cuộc đời mình thông qua những hình ảnh hết sức gần gũi: "to bằng trời", "nhỏ bằng hạt vừng", "sợi tóc". "Nỗi buồn", "niềm vui", "sợi dây hạnh phúc" những từ dùng để diễn tả các cung bậc trạng thái cảm xúc khác nhau của con người. Việc người cha ví con với các cung bậc này đã cho thấy tình yêu vô bờ mà cha dành cho con. Con chính là nguồn sống vô tận, đem đến cho cha những điều tuyệt vời, ý nghĩa trong cuộc sống. Bên cạnh nét hấp dẫn, độc đáo về nội dung, yếu tố nghệ thuật cũng góp phần tạo nên sức hút, thành công cho văn bản. Điểm đặc biệt này đến từ hình thức thơ ngắn gọn cùng cách sử dụng các biện pháp tu từ độc đáo: điệp cấu trúc "con là", "dù"; biện pháp so sánh "to bằng trời", "nhỏ bằng hạt vừng", "mảnh hơn sợi tóc"; tương phản đối lập "nhỏ bằng hạt vừng/ Ăn mãi không bao giờ hết". Đối với em, bài thơ đã gợi những suy nghĩ sâu sắc về tình cảm gia đình.
Mỗi lần đọc bài thơ "Con là...", em lại cảm thấy xúc động trước những lời bộc bạch, giãi bày của người cha. Đó là tình cảm gắn bó, chân thành mà người cha dành cho đứa con thân yêu của mình. Cha ví con với nỗi buồn, với niềm vui. Khổ một và khổ hai nằm trong thế đối sánh với nhau. Nếu như nỗi buồn to bằng trời thì niềm vui lại chỉ nhỏ như một hạt vừng. Thế nhưng, nỗi buồn dù lớn cũng sẽ qua đi, còn niềm hạnh phúc dẫu cho nhỏ bé thì cũng sẽ được nhân lên gấp nhiều lần nhờ sự có mặt của con. Chính sự xuất hiện của con đã đem đến niềm vui to lớn cho cha. Không những thế, đối với người cha trong tác phẩm, đứa con còn là sợi dây gắn kết bền chặt, nối liền hai tâm hồn, hai mảnh ghép khác nhau là cha và mẹ. Bài thơ tuy ngắn nhưng lại có thể diễn tả hết tình cảm của tác giả. Tác phẩm ghi dấu trong lòng người đọc không chỉ bằng ý nghĩa sâu sắc mà còn bởi nét hấp dẫn trong các yếu tố nghệ thuật. Bằng biện pháp tu từ độc đáo như điệp cấu trúc "Con là", so sánh "Con là nỗi buồn của cha/ Dù to bằng trời", "Con là niềm vui của cha/ Dù nhỏ bằng hạt vừng", tác giả đã đem đến cho em những cảm nhận sâu sắc về tình cảm của người cha dành cho con. Từ đây, em càng thêm trân trọng, yêu mến người cha của mình.
Tình cảm sâu sắc mà người cha dành cho đứa con của mình đã được tác giả Y Phương thể hiện đầy khéo léo qua bài thơ "Con là...". Tác phẩm của ông đã đem đến cho em niềm rung cảm mãnh liệt và sâu sắc. Bằng những hình ảnh hết sức quen thuộc, gần gũi như "to bằng trời", "nhỏ bằng hạt vừng", "sợi tóc", người cha đã định nghĩa sự quan trọng của đứa con đối với bản thân mình. Tình yêu vô bờ mà người cha dành cho con cũng được thể hiện qua từ ngữ diễn tả các cung bậc trạng thái cảm xúc khác nhau: "nỗi buồn", "niềm vui", "hạnh phúc". Nỗi buồn ấy thật đặc biệt khi to bằng trời còn niềm vui lại bé xíu như hạt vừng. Thế nhưng điều quan trọng là nỗi buồn ấy sẽ mau chóng qua đi trong khi niềm vui lại được nhân lên gấp bội lần nhờ sự xuất hiện của con trên cuộc đời. Con cũng chính là sợi dây gắn kết giữa cha và mẹ. Dẫu cuộc đời có thăng trầm thì cha và mẹ vẫn luôn bên nhau để yêu thương, chăm sóc, bảo vệ con. Bằng những hình ảnh hết sức giản dị, gần gũi, từ ngữ trau chuốt, tinh tế và biện pháp tu từ so sánh "Con là nỗi buồn của cha/ Dù to bằng trời", "Con là niềm vui của cha/ Dù nhỏ bằng hạt vừng", điệp cấu trúc, tác giả đã ca ngợi tình cảm thiêng liêng mà người cha dành cho đứa con thân yêu của mình. Có thể nói, "Con là..." là bài thơ hay và đặc sắc viết về đề tài gia đình.
Đừng quên truy cập vào Taimienphi.vn để cập nhật bài văn mẫu lớp 6, 7 hay nhất có cùng thể loại trong chương trình: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Những cánh buồm hay nhất, Đoạn văn sử dụng ít nhất một thành ngữ trong bài tập 5 ngắn gọn hay bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mẹ và quả... để có thể nắm chắc cách làm bài cùng chủ đề, học Ngữ văn tốt hơn.
Bài thơ "Con là..." của tác giả Y Phương tuy ngắn gọn nhưng lại mang đến rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Tác phẩm chính là sự giãi bày những tâm tư, tình cảm của người cha dành cho đứa con thân yêu của mình. Tác giả đã sử dụng hàng loạt những hình ảnh so sánh vô cùng sinh động và ý nghĩa. Người con được ví với "nỗi buồn của cha", nhưng chỉ cần có con thì nỗi buồn ấy có "to bằng trời" cũng sẽ "được lấp đầy". Con là "niềm vui", luôn hiện hữu, duy trì ngọn lửa trong trái tim người làm cha mẹ. Chỉ với vài hình ảnh đơn giản như vậy, ta đã cảm nhận được sự yêu thương, cưng chiều của người cha với đứa con bé bỏng. Không chỉ vậy, người con còn được so sánh với "sợi dây hạnh phúc" để buộc cuộc đời của cha lại với mẹ. Sợi dây ấy dù "mảnh hơn sợi tóc" nhưng lại hết sức bền chặt, giúp gia đình thêm thấu hiểu, gắn kết hơn. Với biện pháp tu từ so sánh kết hợp cùng điệp ngữ "con là", nhà thơ Y Phương đã làm nổi bật lên vị trí, vai trò của người con, đồng thời cho người đọc thấy được tình cảm cha con thiêng liêng, sâu nặng. Người cha đã bộc bạch, bày tỏ tình yêu thương của mình với đứa con bé bỏng. Qua bài thơ, em lại càng thấy biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và càng thêm trân quý gia đình thân yêu.
Với tác phẩm "Con là...", nhà thơ Y Phương đã đem đến cho người đọc lời tâm sự của người cha dành cho đứa con bé bỏng của mình. Trong bài, tác giả đã sử dụng rất thành công biện pháp nghệ thuật điệp ngữ để nhấn mạnh, làm nổi bật vị trí, vai trò quan trọng của con đối với cuộc đời cha. Một loạt sự so sánh đã được đưa ra. Người con lúc này đây được ví như nỗi buồn, niềm vui, như sợi dây kết nối giữa cha và mẹ. Là người gánh vác gia đình, người cha đã phải chịu rất nhiều áp lực, gặp vô vàn khó khăn, biến cố. Nhưng vì đứa con thân yêu, nỗi buồn ấy dù có "to bằng trời" thì cũng dễ dàng "được lấp đầy". Niềm vui cho dù chỉ nhỏ như hạt vừng nhưng chỉ cần có con thì hạt vừng ấy "ăn mãi không bao giờ hết". Không chỉ vậy, sự xuất hiện của đứa con còn như một "sợi dây hạnh phúc". Nó đã "buộc cuộc đời cha vào với mẹ", kết nối, kéo gia đình lại gần với nhau. Trong cuộc đời nhiều biến động, vì sự an toàn và hạnh phúc của con, cha mẹ sẽ luôn ở bên, cùng nhau che chở và bảo vệ cho con. Với giọng thơ tha thiết, tràn đầy tình cảm, tác giả đã làm nổi bật tình phụ tử thiêng liêng, cao quý. Qua đó, với vị trí của một người con, ta lại càng thêm yêu thương và trân trọng gia đình mình hơn.
Bài thơ "Con là..." do Y Phương sáng tác là một tác phẩm vô cùng xuất sắc. Bằng những dòng thơ ngắn gọn, cô đọng mà tràn đầy xúc cảm, tác giả đã cho độc giả thấy được suy nghĩ, tâm tư của một người cha gửi đến con mình. Đầu tiên, hình ảnh người con được so sánh với "nỗi buồn của cha". Vì mái ấm, vì đứa con thơ, người cha đã không ngần ngại vượt qua, "lấp đầy" những khó khăn, áp lực, nỗi buồn "to bằng trời" trong cuộc sống. Tiếp theo, người cha so sánh con mình với "niềm vui". Nó có thể bé nhỏ, không đáng kể, chỉ như "hạt vừng" nhưng đối với cha, đứa con hay chính niềm vui ấy lại vô cùng quan trọng, là một thứ vững bền, bất diệt. Và cuối cùng, người cha đã ví con mình với "sợi dây hạnh phúc", thứ đã "buộc cuộc đời cha vào với mẹ". "Sợi dây" ấy tuy "mảnh hơn sợi tóc" nhưng lại vô cùng bền chặt, chắc chắn. Nó là thứ đã kết nối hai mảnh ghép cuộc đời của cha mẹ, kéo cả gia đình lại gần nhau hơn. Sự kết hợp giữa biện pháp tu từ điệp ngữ cùng so sánh đã giúp cho người con hiện lên thật nổi bật. Với lời thơ chân thành, tha thiết cùng ngôn từ đơn giản, gần gũi, tác giả đã đem đến cho người đọc những xúc cảm chân thành nhất về tình phụ tử. Đó là tình yêu lớn lao nhưng lại rất đỗi dung dị. Qua đây, ta lại càng thêm trân quý, yêu thương gia đình, biết ơn công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Bằng những tình cảm chân thành, sâu sắc nhất, tác giả Y Phương đã sáng tác nên bài thơ Con là... để ca ngợi tình phụ tử gắn bó, thiêng liêng.