1. Mở bài:
- Nêu vấn đề cần bàn luận.
- Nêu ý kiến đồng tình hoặc phản đối vấn đề cần bàn luận.
2. Thân bài:
* Giải thích từ ngữ, ý kiến cần bàn luận.
* Bàn luận:
- Trình bày ý kiến đồng tình hoặc phản đối về vấn đề cần bàn luận.
- Đưa ra lí lẽ, bằng chứng để chứng minh luận điểm, ý kiến của mình là đúng.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý kiến mình vừa nêu.
- Bài học, giải pháp cần có.
1. Dàn ý bài văn bày tỏ ý kiến đồng tình hay phản đối về vấn đề "Tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng"
1.1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề "Tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng": Rừng xanh rất quan trọng, bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
1.2. Thân bài:
* Giải thích:
- Rừng là tập hợp của rất nhiều cây.
- Rừng tạo ra hệ sinh thái cho các loài động thực vật sinh sống.
* Bàn luận:
- Rừng rất quan trọng với cuộc sống của chúng ta là một nhận định đúng đắn, chính xác.
+ Rừng là lá phổi xanh của Trái Đất, cung cấp O2 cho con người duy trì sự sống.
+ Rừng ngăn chặn thiên tai gió bão, sạt lở cho con người.
+ Rừng bảo vệ đất, làm tăng độ phì nhiêu cho đất.
+ Rừng cho gỗ, cho nhiều nguồn dược liệu quý giá khác để sử dụng và xuất khẩu.
+ Rừng cũng là nhà của các loài sinh vật khác.
=> Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
- Những lí lẽ, bằng chứng làm sáng tỏ luận điểm:
+ WHO đánh giá 80% dân số các nước đang phát triển dùng lâm sản ngoài gỗ như: tam thất, nấm Linh Chi, Đông Trùng Hạ Thảo,... có trong rừng để chữa bệnh, làm thực phẩm bồi bổ sức khỏe.
+ Việt Nam đứng thứ hai trong khối ASEAN về xuất khẩu gỗ.
+ Lưu lượng dòng chảy mặt tại nơi có rừng thấp hơn từ 2.5 đến 27 lần so với các khu vực canh tác nông nghiệp. Rừng tự nhiên có tác dụng giảm dòng chảy mặt tốt hơn so với rừng trồng => Rừng có tác dụng ngăn chặn và làm giảm tác động của các cơn lũ.
1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại: Rừng có vai trò to lớn trong cuộc sống của con người.
- Các biện pháp bảo vệ rừng: Trồng cây gây rừng, khai thác lâm sản một cách phù hợp, quy hoạch rừng nghiêm túc, nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm, đầu tư các thiết bị phòng chống cháy rừng,...
2. Bài văn bày tỏ ý kiến đồng tình hay phản đối về vấn đề "Tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng":
Đất nước chúng ta được mẹ thiên nhiên ưu ái ban cho nhiều tài nguyên quý giá. Một trong số đó chính là rừng. "Rừng vàng biển bạc" là câu nói cho thấy tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với đời sống con người. Vậy rừng quan trọng như thế nào? Chúng ta cần làm gì để bảo vệ rừng? Tôi sẽ chia sẻ với các bạn ngay sau đây.
Rừng là tên gọi của một khu vực có rất nhiều cây thân gỗ to lớn. Chúng tạo ra một hệ sinh thái cho các loài động vật, thực vật sinh sống. Có nhiều loại rừng khác nhau như rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng,... Mỗi loại đều được con người tận dụng để tạo ra nhiều lợi ích khác nhau. Vậy nên, những cánh rừng rất quan trọng trong đời sống con người.
Rừng là lá phổi xanh của trái đất. Chúng lấy đi khí CO2 độc hại và trao trả cho chúng ta oxi. Nhờ đó, con người mới có nguồn không khí sạch, tươi mới để hít thở mỗi ngày. Rừng còn có tác dụng ngăn chặn thiên tai, gió bão, sạt lở xói mòn đất. Theo nghiên cứu, lưu lượng dòng chảy mặt tại nơi có rừng thấp hơn từ 2.5 đến 27 lần so với các khu vực canh tác nông nghiệp. Rừng tự nhiên có lớp thảm thực vật dày, ít bị cơ giới hóa có tác dụng to lớn giảm dòng chảy của nước, chống lũ lụt hiệu quả. Nơi đây còn cung cấp cho con người vô số khoáng sản như gỗ, các loài dược liệu quý giá để sử dụng và xuất khẩu. Những cây gỗ quý lâu năm như đàn hương, lim, xoan đào, mun,... thường được dùng để làm đồ gia dụng, mang lại giá trị kinh tế cao. Theo như báo cáo hằng năm, Việt Nam đứng thứ hai trong khối ASEAN về xuất khẩu gỗ. Ngoài ra, WHO cũng đánh giá 80% dân số các nước đang phát triển dùng lâm sản ngoài gỗ như: tam thất, nấm Linh Chi, Đông Trùng Hạ Thảo,... có trong rừng để chữa bệnh, làm thực phẩm bồi bổ sức khỏe.
Ngoài những lợi ích liên quan trực tiếp tới con người. Rừng còn là một phần không thể thiếu của môi trường tự nhiên. Đây chính là ngôi nhà cho rất nhiều loài động thực vật khác cùng sinh sôi, phát triển, tạo ra đa dạng sinh học phong phú. Ở Việt Nam, có đến khoảng 14.000 nguồn gen của động - thực vật đang được bảo tồn và lưu giữ trong rừng. Mối quan hệ giữa rừng - đất - nước cũng rất đáng để nhắc đến. Rừng bảo vệ và làm tăng độ phì nhiêu cho đất. Cây cối lấy chất dinh dưỡng từ đất và trả lại một lượng sinh khối lớn, khiến cho đất rừng ngày càng trở nên màu mỡ. Ở những nơi rừng bị chặt phá thì quá trình thoái hóa của đất diễn ra rất nhanh. Các chất dinh dưỡng trong đất sẽ dần bị bào mòn, rửa trôi. Rừng cũng là công cụ giúp điều hòa nguồn nước, tăng lượng nước vào mùa khô và hạn chế nước vào mùa lũ, tăng lượng nước ngầm.
Rừng vừa là một thành tố của tự nhiên, vừa đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Vậy nên, ta cần biết bảo vệ và giữ gìn rừng xanh. Các biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là: trồng cây gây rừng, khai thác lâm sản một cách phù hợp, quy hoạch rừng nghiêm túc, nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm, đầu tư các thiết bị phòng chống cháy rừng,... Hãy cùng chung tay bảo vệ những cánh rừng, bởi vì "Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta".
1. Dàn ý bài văn bày tỏ ý kiến đồng tình hay phản đối về vấn đề "Cần cấm sử dụng vật dụng bằng ni lông để bảo vệ môi trường":
1.1. Mở bài:
- Nêu vấn đề cần bàn luận "Cần cấm sử dụng vật dụng bằng bao ni lông để bảo vệ môi trường".
- Nêu ý kiến phản đối vấn đề trên.
1.2. Thân bài:
* Giải thích Ni lông là gì:
- Ni lông là vật liệu polyme tổng hợp có đặc trưng mềm, mịn, dai, không thấm nước, không bị mốc hay ít bị ăn mòn.
- Ni lông phổ biến trong nhiều ngành nghề.
- Con người sử dụng khoảng 500 đến 1000 tỉ túi ni lông mỗi năm
- Phải mất đến 500 - 1000 năm chịu tác động nhiệt cao thì ni lông mới bị phân hủy.
* Bàn luận: Trình bày ý kiến phản đối về vấn đề "Cần cấm sử dụng vật dụng bằng bao ni lông để bảo vệ môi trường":
- Ni lông là một hợp chất hữu ích với đời sống của con người:
+ Những đặc tính phù hợp với nhiều ngành nghề.
+ Giá thành rẻ, dễ sản xuất, dễ sử dụng.
- Con người cần biết sử dụng ni lông đúng cách để nó không gây hại tới môi trường:
+ Bất cứ vật liệu nào như gỗ, giấy, nhựa sử dụng một cách lãng phí cũng đều gây ảnh hưởng đến môi trường => Con người cần thay đổi cách sử dụng tài nguyên.
+ Tái sử dụng ni lông nhiều lần.
+ Tái chế ni lông thành các vật dụng khác.
1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý kiến nếu biết sử dụng ni lông hợp lí sẽ không hề gây hại cho môi trường.
2. Bài văn bày tỏ ý kiến đồng tình hay phản đối về vấn đề "Cần cấm sử dụng vật dụng bằng ni lông để bảo vệ môi trường":
Khi nhắc đến vấn đề bảo vệ môi trường, ta thường nói đến việc con người sử dụng bao ni lông một cách vô tội vạ, gây gia tăng tình trạng ô nhiễm. Từ đấy, có ý kiến cho rằng: "Cần cấm sử dụng vật dụng bằng ni lông để bảo vệ môi trường". Theo tôi thấy đây là một ý kiến khá phiến diện và tôi phản đối ý kiến này.
Ni lông là một loại vật liệu polyme tổng hợp có đặc trưng mềm, mịn, dai, mỏng, nhẹ, không thấm nước, không bị mốc hay ít bị ăn mòn. Những ứng dụng của ni lông có thể kể đến như đóng gói thực phẩm, bột giặt, bảo quản nước đá. Nhìn chung, những đặc trưng của chất liệu ni lông rất phù hợp dùng để đóng gói và bảo quản đồ vật. Chính vì vậy, ni lông được sử dụng rất nhiều. Mỗi năm, con người thải ra khoảng 500 đến 1000 tỉ túi ni lông và điều này gây ô nhiễm môi trường. Bởi phải mất đến 500 - 1000 năm chịu tác động nhiệt cao thì ni lông mới bị phân hủy.
Thế nhưng nếu vì thế mà cấm sử dụng vật dụng bằng bao ni lông thì có đúng đắn không? Câu trả lời là không. Ni lông là chất được phát minh ra để giúp ích cho đời sống con người. Những đặc tính của chúng phù hợp với nhiều ngành nghề, lại có giá thành rẻ, dễ sản xuất, dễ sử dụng. Nếu cấm sử dụng ni lông, thế giới sẽ phải tìm những chất khác thay thế. Và chưa chắc những chất này đã bảo vệ môi trường. Chúng ta đã từng thay ni lông bằng giấy, nhựa. Giấy quá mỏng và dễ thấm dầu, nước, không quá phù hợp để đóng gói đồ đạc. Chưa kể, giấy được làm ra từ gỗ, việc sử dụng giấy quá nhiều cũng khiến cho diện tích rừng suy giảm. Nhựa cũng gây hại cho môi trường không kém ni lông. Có vô số tấn rác thải nhựa bị con người vứt ra ngoài môi trường mỗi năm, gây ra ô nhiễm đất, nước trầm trọng.
Vậy nếu việc cấm sử dụng ni lông là sai thì đâu mới là giải pháp đúng đắn? Con người cần sử dụng ni lông một cách thông minh hơn. Hay nói rộng ra, tất cả các vật liệu khác như gỗ, giấy, nhựa,... nếu sử dụng một cách lãng phí đều gây ảnh hưởng đến môi trường. Con người cần thay đổi cách sử dụng tài nguyên sao cho phù hợp, tránh gây lãng phí. Với ni lông, ta có thể tái sử dụng nó nhiều lần. Những túi ni lông đựng thực phẩm khi đi chợ về có thể tận dụng làm túi rác. Ngoài ra, có rất nhiều cách tái chế ni lông hay ho mà con người hoàn toàn có thể tự thực hiện như biến chúng thành giỏ, hộp, túi đựng đồ,...
"Cần cấm sử dụng vật dụng bằng ni lông để bảo vệ môi trường" là ý kiến một chiều, chưa có cái nhìn bao quát về những mặt lợi - hại của chất ni lông. Theo tôi, thay đổi ý thức của mọi người trong việc sử dụng ni lông và các vật liệu khác là cách làm tối ưu để bảo vệ môi trường.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Bài mẫu Viết bài văn nghị luận bày tỏ ý kiến đồng tình hay phản đối về một vấn đề môi trường chỉ nhắc đến một vài khía cạnh của tự nhiên. Còn rất nhiều vấn đề khác đáng quan tâm. Em hãy tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 8 liên quan như: Trình bày ý kiến đồng tình hay phản đối về một vấn đề môi trường em quan tâm; Trình bày ý kiến về vấn đề ứng xử với tài nguyên thiên nhiên và sự sống của muôn loài.