1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần thuyết phục: từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh.
2. Thân bài:
- Giải thích:
+ Thuốc kháng sinh là những chất kháng khuẩn (antibacterial substances) tạo ra bởi các chủng vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, Actinomycetes) có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác.
+ Lạm dụng thuốc kháng sinh là việc sử dụng quá mức độ được quy định.
- Trình bày thực trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay:
+ Thay vì đến bệnh viện thăm khám, rất nhiều người sẽ trực tiếp tới nhà thuốc.
+ Cầm đơn bệnh cũ để mua thuốc mới.
- Nêu ra hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh:
+ Làm lãng phí tiền bạc.
+ Xảy ra tình trạng "nhờn thuốc", kháng kháng sinh - vi khuẩn có khả năng kháng lại thuốc.
+ Gây ra nhiều bệnh khác: dị ứng, tiểu đường,...
- Đề xuất một số giải pháp từ bỏ thói quen này:
+ Nên tới các cơ sở y tế, bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán.
+ Tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu biết sơ bộ về một số loại thuốc.
3. Kết bài:
- Khái quát, khẳng định lại vấn đề.
Ngày nay, mỗi khi bị bệnh, con người thường lựa chọn biện pháp đơn giản, nhanh chóng: uống thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, một vài trường hợp lại sử dụng thường xuyên và không đúng cách. Hành động này đã dẫn đến thói quen: lạm dụng thuốc kháng sinh. Đây là thói quen không tốt mà mọi người cần từ bỏ ngay từ bây giờ.
Vậy, thuốc kháng sinh là gì, có tác dụng ra sao? Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: "Thuốc kháng sinh là những chất kháng khuẩn (antibacterial substances) tạo ra bởi các chủng vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, Actinomycetes) có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác". Thuốc kháng sinh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc khống chế, tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh bên trong cơ thể con người. Loại thuốc này chỉ phát huy đúng tác dụng khi có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn. Nếu sử dụng quá thường xuyên và không hợp lý sẽ gây nên tình trạng phản tác dụng.
Hiện nay, thay vì đến bệnh viện thăm khám, rất nhiều người sẽ trực tiếp tới nhà thuốc. Họ cho rằng thuốc kháng sinh như chìa khóa vạn năng, chữa được đa số các bệnh. Đặc biệt, loại thuốc này dễ tìm, dễ mua, giá rẻ nên người ta lầm tưởng đó là "thuốc tiên". Có cá nhân thì cầm đơn bệnh cũ để mua thuốc mới. Có người lại chia sẻ tình trạng bệnh, nhờ dược sĩ tư vấn. Chính bởi vậy, họ bị phụ thuộc rất lớn vào thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, việc bác sĩ kê đơn khi người bệnh không nhiễm khuẩn cũng thường xuyên xảy ra.
Năm 2017, trong một hội nghị của Bộ Y tế về kháng thuốc, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh "tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng và là mối nguy đe dọa sức khỏe toàn cầu". Quả thực như vậy, lạm dụng thuốc kháng sinh gây ra vô số hậu quả. Trước hết, dùng nhiều thuốc không đồng nghĩa với việc chữa khỏi bệnh. Đôi khi, nó còn xảy ra tình trạng "nhờn thuốc", gây nên tình trạng kháng kháng sinh - vi khuẩn có khả năng khác lại thuốc. Từ đây, chúng ta phải đối mặt với tình cảnh "tiền mất tật mang", thời gian điều trị kéo dài. Không chỉ vậy, lạm dụng thuốc kháng sinh có thể mang tới những thứ bệnh khác như: tiểu đường, dị ứng, ngộ độc gan,...
Khi bị ốm, thay vì vội vã tìm đến thuốc kháng sinh, chúng ta nên tới các cơ sở y tế, bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán. Mỗi người hãy tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu biết sơ bộ về một số loại thuốc. Ngoài ra, chúng ta cần bồi dưỡng cơ thể bằng thực đơn ăn uống lành mạnh, chăm chỉ tập luyện thể thao. Chủ động "phòng bệnh hơn chữa bệnh" cũng là giải pháp tối ưu giúp con người tránh xa ốm đau. Mong rằng, mỗi người sẽ có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về việc sử dụng thuốc kháng sinh. Đừng để thói quen lạm dụng thuốc trở thành yếu tố gây bệnh và cản trở quá trình điều trị.
Lạm dụng thuốc kháng sinh là vấn đề cấp bách mà xã hội cần nhanh chóng loại bỏ, thay đổi. Tất cả hãy cùng nhau chung tay đẩy lùi thói quen này để cuộc sống thêm an toàn, khỏe mạnh.
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần thuyết phục.
2. Thân bài:
- Giải thích thế nào là "im lặng là vàng": việc im lặng đúng lúc, đúng chỗ sẽ giống như vàng.
- Trình bày lý do người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn:
+ Tự tách mình ra khỏi tập thể, cộng đồng.
+ Trở thành con người vô cảm.
+ Làm quan hệ với người thân, bạn bè trở nên xa cách.
- Đề xuất một số giải pháp:
+ Cần tham gia đóng góp ý kiến khi làm việc trong một tập thể.
+ Trước các vấn đề thuộc sự riêng tư của một cá nhân, nên lắng nghe và đưa ra lời khuyên, góp ý khi cần thiết.
3. Kết bài:
- Khái quát, khẳng định lại vấn đề.
Cuộc sống càng xô bồ, hiện đại, con người lại càng có xu hướng khép mình "ở ẩn" với thế giới bên ngoài. Không ít người lựa chọn tin tưởng và hành động theo phương châm "im lặng là vàng". Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, quan niệm này lại mang đến sự tiêu cực. Bởi vậy, bài luận dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan, thực tế hơn về vấn đề này.
Từ xưa đến nay, vàng được coi là thứ kim loại quý và có giá trị "quý như vàng". Mượn ý nghĩa đó, con người đã bày tỏ thái độ về việc im lặng đúng lúc, đúng chỗ sẽ giống như vàng. Trong cuộc sống, đứng trước các vấn đề khó khăn, im lặng giúp chúng ta cẩn thận suy nghĩ, từ đó đưa ra giải pháp hợp lý. Hay khi có mâu thuẫn, im lặng cũng giúp đôi bên bình tĩnh suy xét lại mọi chuyện, tránh gây ra hành động bốc đồng, ảnh hưởng đến cộng đồng.
Ấy vậy, hiện nay, một số người lại hiểu sai ý nghĩa tốt đẹp của câu nói này. Nhìn thấy điều xấu, họ lựa chọn làm lơ và im lặng. Đứng trước các cuộc thảo luận của tập thể, chỉ khi được nhắc tên gọi mặt, họ mới đưa ra một vài ý kiến, quan điểm cho qua mà thôi. Những cá nhân ấy luôn mang trong mình suy nghĩ sợ bị liên lụy, ảnh hưởng hoặc thấy quá phiền. Vài người khác thì lo lắng bản thân bị chê cười, trách móc vì nói sai, nói không đúng hoặc không hay. Dần dần, họ trở nên vô cảm, thụ động.
Sống trong một tập thể, việc hòa nhập và thích nghi là cần thiết và quan trọng. Nếu lúc nào cũng hành động theo phương châm "im lặng là vàng", chúng ta dễ dàng tạo khoảng cách với mọi người xung quanh. Thay vì hỏi han, quan tâm lẫn nhau, lựa chọn lặng im sẽ giống hai cực cùng dấu của nam châm, đẩy chúng ta xa nhau hơn. Lúc này, cuộc sống là những ngăn cách vô hình giữa người với người. Bên cạnh đó, việc im lặng còn làm chúng ta trở nên vô cảm, ích kỉ. Đối diện với chuyện sai trái, không ai có hành động. Từ đây, im lặng không còn là vàng mà biến thành lặng im trước cái xấu. Chắc hẳn, chúng ta đã từng có những mâu thuẫn, hiểu lầm với người thân, bạn bè đúng không? Thử tưởng tượng mà xem, nếu bạn lựa chọn im lặng để cho qua vấn đề thì sẽ ra sao? Không có sự trao đổi, không có lắng nghe và thấu hiểu, dần dần, bất đồng lại thêm nảy sinh, Cứ như vậy, mối quan hệ ấy sẽ nhanh đi đến kết thúc.
Chính vì thế, chúng ta nên vận dụng linh hoạt câu nói "im lặng là vàng" này. Làm việc, học tập trong một tập thể, hãy năng động, mạnh dạn bày tỏ ý kiến, quan điểm của bản thân. Có thể đó không phải là ý tưởng hoàn hảo nhưng nó cũng giúp mọi người hiểu thêm về nhau. Đứng trước chuyện tiêu cực, chúng ta cần thẳng thắn phê phán và chỉ ra lỗi lầm. Đừng ngó lơ, dung túng để cái xấu lộng hành trong xã hội. Nếu gặp phải các vấn đề riêng tư của một cá nhân, chúng ta có thể lắng nghe rồi đưa ra lời góp ý chân thành.
Nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King Jr đã từng nói: "Cuộc sống chúng ta bắt đầu chấm dứt ngay trong cái ngày mà chúng ta giữ im lặng trước những vấn đề hệ trọng". Do đó, mỗi người cần nhận thức đúng đắn về việc im lặng hay lên tiếng trong các trường hợp quan trọng.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Để bài luận có sức thuyết phục, em nên kết hợp các luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng một cách chặt chẽ. Taimienphi.vn sẽ luôn đồng hành cùng em trong quá trình học môn Ngữ văn 10. Chúc em luôn đạt kết quả cao!
Các bài văn mẫu lớp 10 khác:
- Soạn bài Viết: Bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm
- Lạm dụng thuốc kháng sinh là một thói quen phổ biến của nhiều người hiện nay. Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen này
- Một người bạn của em luôn luôn tin tưởng và hành động theo phương châm "Im lặng là vàng". Hãy viết bài văn nghị luận để thuyết phục người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn