Chắc hẳn các bạn đã từng nghe tới cụm từ UI rồi phải không? nhưng tên thật, nghĩa và có bao nhiêu loại UI thì chắc ít người mới tìm hiểu.
User Interface là gì, bạn sử dụng nó lúc nào và ở đâu?
UI là từ viết tắt của User Interface và dịch ra tiếng Việt có nghĩa là giao diện người dùng. Hiểu một cách đơn giản, UI là tất cả những gì mà người dùng tương tác với khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ kỹ thuật số. Điều đó bao gồm mọi thứ trên màn hình, bàn phím, âm thanh và thậm chí ánh sáng. Hầu như tất cả các thiết bị điện tử mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, từ điện thoại di động, máy tính, TV, hệ thống xe hơi, iPad, ATM, hệ thống điều khiển công nghiệp, bất cứ thiết bị nào có màn hình hiển thị đều cần có UI.
Khi các nhà thiết kế tạo ra giao diện người dùng, họ làm việc để mang đến cho sản phẩm cảm giác đặc trưng và tạo cho nó một sự đổi mới về mặt thẩm mỹ. Bất cứ khi nào ai đó truy cập vào trang web của bạn, điều đầu tiên họ sẽ nhìn thấy là giao diện người dùng và nó cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến người dùng quyết định ở lại trang lâu hay không.
Thiết kế giao diện người dùng (UI) được liên kết chặt chẽ với thiết kế trải nghiệm người dùng (UX). Cả hai đều rất quan trọng cho sự thành công của một sản phẩm kỹ thuật số và cả hai thuật ngữ thường được sử dụng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, chúng không giống nhau. Thiết kế giao diện người dùng là quá trình tạo giao diện tập trung vào bề mặt, ngoại hình và kiểu dáng, trong khi thiết kế UX bao gồm toàn bộ trải nghiệm của người dùng với trang web hoặc ứng dụng (trong đó UI chỉ là một phần). Để hiểu rõ sự phát triển của UI, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về lịch sử của nó.
Trong các máy tính đời đầu, có rất ít giao diện người dùng ngoại trừ một vài nút tại bảng điều khiển. Nhiều máy tính ban đầu này đã sử dụng thẻ bấm lỗ (Punched card), thường sử dụng máy keypunch làm phương thức nhập liệu chính cho các chương trình và dữ liệu máy tính.
Quay trở lại những năm 70, nếu muốn sử dụng một chiếc máy tính, bạn phải dùng giao diện dòng lệnh. Giao diện đồ họa được sử dụng ngày nay chưa tồn tại trên thị trường. Để máy tính hoạt động, người dùng cần giao tiếp qua ngôn ngữ lập trình, yêu cầu các dòng mã dường như dài vô hạn để hoàn thành một tác vụ đơn giản.
Vào những năm 80, giao diện đồ họa người dùng (GUI) được phát triển bởi các nhà khoa học máy tính tại Xerox PARC. Với sự đổi mới mang tính đột phá này, người dùng giờ có thể tương tác với máy tính cá nhân bằng cách gửi các dòng lệnh một cách trực quan thông qua biểu tượng, nút bấm, menu và checkbox.
Sự thay đổi này trong công nghệ có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể sử dụng máy tính, không cần code và cuộc cách mạng máy tính cá nhân bắt đầu từ đó. Vào năm 1984, Apple Computer đã phát hành máy tính cá nhân Macintosh đi kèm với chuột máy tính. Macintosh là máy tính gia đình thành công về mặt thương mại đầu tiên sử dụng loại giao diện này.
Sự phổ biến của các ứng dụng di động cũng đã ảnh hưởng đến UI, dẫn đến một thứ gọi là UI di động. Mobile UI đặc biệt chú trọng đến việc tạo các giao diện tương tác có thể sử dụng trên màn hình nhỏ hơn của điện thoại thông minh, máy tính bảng, và cải thiện các tính năng đặc biệt như điều khiển bằng xúc giác.
Hầu hết các sản phẩm kỹ thuật số hiện nay đều sử dụng giao diện đồ họa người dùng (GUI) bao gồm text, link, nút bấm và hình ảnh. GUI được phát triển để thay thế cho giao diện dòng lệnh (CLI).
Thiết kế UI trải qua một cuộc cách mạng lớn khi các thiết bị cảm ứng ra đời, mang lại một loại giao diện mới là giao diện cảm ứng. Trong khi GUI phụ thuộc vào cảm nhận của thị giác thì UI cảm ứng dựa vào cảm giác chạm để hoàn thành tác vụ. Điều này thêm một mức độ tương tác khác, nhất là đối với người dùng bị khiếm thị.
Một bước tiến xa hơn là giao diện cử chỉ, cho phép người dùng điều khiển máy tính qua chuyển động của cơ thể và cử chỉ mà không cần chạm tay vào bàn phím, chuột hay màn hình.
Conversational user interfaces (CUI) hay giao diện người dùng thoại bắt chước cuộc trò chuyện với người thật và có thể ở dạng chatbot hoặc trợ lý giọng nói như Alexa hoặc Siri. Càng ngày, các giao diện càng được phát triển lên một tầm cao mới và hướng tới giao diện không màn hình hay còn gọi là Zero UI. Và điều này có thể thay đổi cách chúng ta tìm kiếm thông tin hoặc thực hiện các tác vụ. Vì khi UI đơn giản hơn và trực quan hơn, người dùng có thể tương tác với nó "ngầm" trong khi lái xe, làm việc hoặc giao tiếp.
Tóm lại, giao diện người dùng là điểm truy cập của một máy tính, sản phẩm hay thiết bị mà con người tương tác. Để UI thực sự thân thiện với người dùng (dù có màn hình hay không), chúng phải có chức năng, đáng tin cậy, có thể sử dụng được và thú vị. Chúng là một yếu tố thiết yếu của trải nghiệm người dùng. Ngoài ra, các bạn tìm hiểu thêm về Lỗ hổng bảo mật là gì tại đây.